1. Phân tích đặc điểm nhân vật Phrăng trong truyện Buổi học cuối cùng - Mẫu số 1

“Buổi học cuối cùng” của tác giả An-phông-xơ Đô-đê như một tự truyện của chú bé Phrăng vùng An-dát. Những lời tâm sự, suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé từ lúc rời khỏi nhà để đi đến lớp học, và những gì diễn ra trong buổi học Pháp văn cuối cùng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Câu chuyện mở đầu bằng buổi sáng trễ giờ học của chú bé Phrăng. Bầu trời trong trẻo, những tiếng sáo véo von như có một mãnh lực ghê gớm khiến chú bé muốn bỏ trốn buổi học ngày hôm nay. Nhưng nhờ sự nhắc nhở của bác phó rèn Oát-stơ, Phrăng đã cưỡng lại được và chạy một mạch đến trường. Khi đi qua trụ sở xã, cậu thấy mọi người tụ tập rất đông, bầu không khí căng thẳng. Họ đứng trước bảng dán cáo thị – nơi thường đăng những tin chẳng lành: thất trận, trưng thu, các mệnh lệnh của chỉ huy Đức,… Là một cậu bé nhanh nhạy, hiểu biết, Phrăng tự hỏi: “Lại có chuyện gì nữa đây?” Lời nhắc nhở của bác phó rèn càng làm cậu lo lắng hơn. Không khí trường học hôm nay thay đổi kỳ lạ, với tâm hồn nhạy cảm, Phrăng dễ dàng nhận ra những dấu hiệu ấy: nếu thông thường buổi học là những tiếng ồn ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố, tiếng ngăn bàn đóng mở,… thì hôm nay tất cả chỉ là sự vắng lặng đến phát sợ, ai nấy đều đã ngồi vào chỗ. Điều đặc biệt hơn là thầy Ha-men đối xử ân cần với Phrăng thay vì giận dữ khi cậu bé đi học muộn: “Phrăng, vào chỗ nhanh lên con, lớp học sắp bắt đầu mà không có con.” Thầy Ha-men ăn vận thật đẹp đẽ, sang trọng với bộ quần áo chỉ dành cho những dịp quan trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu. Thêm vào đó, sự xuất hiện của những người lớn tuổi càng làm không khí lớp học trang trọng, khác thường. Khi buổi học bắt đầu, thầy Ha-men bằng giọng dịu dàng đã thông báo đây là buổi học Pháp văn cuối cùng, và niềm mong mỏi lớn nhất của thầy là: “Thầy mong các con hết sức chú ý.” Từng lời nói của thầy như nghèn nghẹn lại nơi cổ họng, bởi từ nay về sau công dân nước Pháp sẽ không còn được học tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Nghe những điều thầy thông báo, Phrăng choáng váng và hiểu ngay ra vì sao lại có không khí trang trọng của buổi học hôm nay. Trong nỗi xúc động tột cùng, cậu bé không kìm được cảm xúc mà bật lên tiếng nguyền rủa: “A! Quân khốn nạn…” Lời nói ấy không còn là của một chú bé ngây thơ, mà đó là lời của một con người yêu nước. Sau giây phút ấy, chú bé đã vô cùng hối hận vì đã trốn học, lãng phí thời gian, và quên cả những lời thầy mắng mỏ khi không thuộc bài. Những lời thầy Ha-men nói như chạm vào tâm can mỗi người: thói thờ ơ không học tiếng Pháp của học trò, phụ huynh và thầy tự phê bình chính bản thân mình đã lơ là việc dạy trong những năm tháng qua. Những lời bộc bạch của thầy cho thấy thầy Ha-men là người có tình yêu sâu sắc với nghề nghiệp, có ý thức công dân và tinh thần yêu nước nồng nàn. Cảm xúc chân thành của thầy đã tác động đến mọi người xung quanh, trong đó có cả Phrăng. Buổi học cuối cùng, ai nấy đều chú ý lắng nghe, như nuốt từng lời thầy giảng. Không khí tập trung ấy khiến ai cũng nghẹn ngào: “Ôi! Tôi sẽ nhớ mãi buổi học cuối cùng này.” Khắc ghi lời thầy dặn: “Tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất; phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù.” Và xúc động hơn nữa trong những giờ phút cuối cùng của buổi học, thầy Ha-men đã viết lên bảng dòng chữ: “Nước Pháp muôn năm” và ra hiệu cho mọi người kết thúc buổi học. Hành động của thầy vừa cho thấy lòng yêu nước nồng nàn vừa đượm buồn, đồng thời như lời thúc giục mọi người hãy lên đường đấu tranh, đem tiếng Pháp trở lại. Tác phẩm được viết ở ngôi thứ nhất qua những suy nghĩ, cảm nhận của chú bé Phrăng làm cho câu chuyện trở nên chân thật, giàu cảm xúc. Ngôn ngữ dung dị nhưng sâu sắc, giàu sức biểu cảm đã thể hiện trọn vẹn tình yêu nước của các nhân vật. Bằng cách diễn đạt giản dị nhưng lôi cuốn, truyện “Buổi học cuối cùng” đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn đời đó chính là lòng yêu nước gắn liền với tình yêu tiếng mẹ đẻ. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh chân lý: giáo dục lòng yêu nước từ những gì bình dị, nhỏ bé nhất. Tiếng mẹ đẻ gần gũi, dung dị, đó cũng chính là hồn cốt và tiếng nói của tinh thần dân tộc.

 

2. Phân tích đặc điểm nhân vật Phrăng trong truyện Buổi học cuối cùng - Mẫu số 2

An-phông-xơ Đô-đê là một nhà văn truyện ngắn nổi tiếng của văn học Pháp. Những tác phẩm của ông tuy giản dị nhưng luôn chứa đựng tình cảm sâu nặng, gắn bó thiết tha với quê hương đất nước. “Buổi học cuối cùng” là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách viết đó. Câu chuyện đưa chúng ta đến một ngôi trường làng ở vùng An-dát, nơi diễn ra buổi học Pháp văn cuối cùng đầy xúc động. Tất cả được kể qua cái nhìn và cảm nhận của cậu học trò nhỏ Phrăng. Vào một buổi sáng đẹp trời, Phrăng quyết định trốn học để đi dạo chơi trên cánh đồng, nhưng sự trêu đùa của các bạn trong lớp khiến cậu cảm thấy buồn bã. Nhờ sự nhắc nhở của bác phó rèn Oát-stơ, cậu mới vội vàng chạy đến trường. Khi thầy Ha-men thông báo đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng, Phrăng bị sốc. Khuôn mặt cậu đỏ bừng lên vì tức giận rồi chuyển dần sang tái nhợt vì choáng váng. Đôi mắt hiện lên nỗi sợ hãi mơ hồ. Cậu cảm thấy ân hận và tiếc nuối vì đã lãng phí thời gian, không chú tâm học hành. Buổi học cuối cùng diễn ra trang nghiêm, từ tiết tập đọc, tập viết đến tiết Lịch sử. Thầy Ha-men đã chia sẻ những điều sâu sắc về giá trị của tiếng Pháp. Phrăng chăm chú lắng nghe, cảm nhận từng lời giảng của thầy. Khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên cũng là lúc buổi học kết thúc, để lại trong lòng Phrăng nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bút pháp của An-phông-xơ Đô-đê đã thể hiện thành công diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật Phrăng. Qua câu chuyện này, tác giả cũng gửi gắm thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước và sự trân trọng ngôn ngữ mẹ đẻ. Câu chuyện không chỉ khắc họa sự thay đổi trong nhận thức của Phrăng mà còn tôn vinh giá trị của tiếng Pháp, khẳng định chân lý “Tiếng Pháp muôn năm, nước Pháp muôn năm”. Truyện “Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê thực sự là một tác phẩm cảm động, chạm đến trái tim người đọc, để lại nhiều suy ngẫm về tình yêu đất nước và ngôn ngữ dân tộc.

 

3. Phân tích đặc điểm nhân vật Phrăng trong truyện Buổi học cuối cùng - Mẫu số 3

Trong tác phẩm "Buổi học cuối cùng" của An-phông-xơ Đô-đê, nhân vật cậu bé Phrăng đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhân vật này, qua những tình huống đặc biệt, đã bộc lộ những phẩm chất đáng quý của mình. Ban đầu, Phrăng hiện lên là một cậu bé ham chơi. Cậu bé thích nô đùa với thiên nhiên hơn là đi học, thường xuyên không thuộc bài và hay trốn học, dẫn đến việc bị thầy giáo Ha-men trách phạt. Tuy nhiên, khi Phrăng nhận ra rằng đây là buổi học tiếng mẹ đẻ cuối cùng, cậu đã thay đổi hoàn toàn. Diễn biến tâm lý của Phrăng cho thấy sự thức tỉnh mạnh mẽ của cậu đối với tình yêu tiếng Pháp. Khi đến trường, Phrăng ngạc nhiên trước những điều khác thường diễn ra xung quanh mình. Khi biết rằng đây là buổi học cuối cùng, cậu cảm thấy choáng váng, sững sờ và xúc động. Cậu bất ngờ và thương thầy giáo Ha-men nhiều hơn. Phrăng bắt đầu nuối tiếc những ngày tháng đã lười nhác học tập và mải mê chơi đùa, bắt chim thay vì chú tâm vào việc học. Giờ đây, khi muốn học tiếng mẹ đẻ thì không còn cơ hội nữa. Cậu cảm thấy ân hận vì không thuộc bài và không đọc được chữ Pháp. Khác với mọi khi, trong buổi học hôm ấy, Phrăng đã chăm chú lắng nghe thầy Ha-men giảng bài, nhận thấy mọi thứ trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Cậu cảm thấy yêu quý và biết ơn thầy giáo của mình, tự nhủ sẽ ghi nhớ mãi buổi học cuối cùng này. Phrăng đã nhận ra giá trị của việc học tiếng mẹ đẻ và tha thiết muốn được tiếp tục học, nói tiếng nói của dân tộc. Cậu ân hận về những ngày tháng đã bỏ lỡ và hiểu ra rằng tiếng mẹ đẻ chính là chìa khóa để thoát khỏi sự áp bức. Đây chính là biểu hiện của lòng yêu nước trong cậu. Tóm lại, Phrăng là một cậu bé ham chơi nhưng ẩn chứa bên trong là những tình cảm cao đẹp: sự kính trọng thầy giáo, lòng tự tôn dân tộc và lòng yêu nước. Những phẩm chất này đã được bộc lộ rõ nét qua tình huống đặc biệt trong buổi học cuối cùng, khiến nhân vật Phrăng trở nên sống động và đáng nhớ.

 

4. Phân tích đặc điểm nhân vật Phrăng trong truyện Buổi học cuối cùng - Mẫu số 4

Chú bé Phrăng trong buổi học cuối cùng của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê là một nhân vật đặc biệt, để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Đoạn trích mở đầu với hình ảnh Phrăng hiện lên là một cậu bé vô tư, hồn nhiên, thỉnh thoảng hơi lười học và đôi khi trốn học để đi chơi. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài vô lo vô nghĩ đó, Phrăng là một đứa trẻ vô cùng nhạy cảm. Cậu nhanh chóng nhận ra những sự thay đổi kỳ lạ xung quanh mình. Đặc biệt, Phrăng còn là một công dân yêu nước nồng nàn. Tình yêu đất nước của cậu được thể hiện rõ ràng trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp. Khi nghe thầy giảng bài, cậu bỗng thấy tiếng Pháp trở nên đẹp đẽ và những lời giảng của thầy trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi nghe thầy thông báo rằng từ nay trở đi cậu không còn được học tiếng Pháp nữa, Phrăng cảm thấy choáng váng và hối hận vì trước đây đã bỏ bê việc học để mải chơi. Có thể nói, diễn biến tâm trạng của Phrăng trong buổi học cuối cùng đã khắc họa rõ nét tình yêu nước mãnh liệt và sự thức tỉnh sâu sắc trong cậu bé.