I. Dàn ý phân tích hình ảnh bà Tú qua bài thơ "Thương vợ":

1. Mở bài:

  • Giới thiệu chung về tác giả Tú Xương (Trần Tế Xương hay còn gọi là Tú Xương là một trong những nhà thơ có cách viết trào phúng, hài hước nhưng lại đậm đà bản sắc trữ tình)
  • Sơ lược về tác phẩm "Thương vợ" và khái quát chung về hình ảnh bà Tú trong bài thơ (Thương vợ là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến, và đặc biệt là bài thơ trong số ít viết về người vợ đang sống trong xã hội cũ)

 

2. Thân bài:

Bà Tú hiện lên là một người phụ nữ vất vả, lam lũ, chịu thương chịu khó:

  • Hoàn cảnh của bà Tú: mang gánh nặng gia đình trên đôi vai gầy của một người phụ nữa, quanh năm lặn lội “mom sông”  
    • Thời gian “quanh năm”: làm việc liên tục, không trừ ngày nào, hết ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác.
    • Địa điểm “mom sông”: phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định, không vững chắc và an toàn.
      => Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định, mà trong khi đó bà không những phải nuôi con mà còn phải nuôi cả chồng.
  • Sự vất vả, lam lũ của bà Tú được thể hiện trong sự bươn chải khi làm việc: 
    • “Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng 
    • Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn
      => gợi tả nỗi đau thân phận của người phụ nữa trong xã hội phong kiến cũ và mang tính khái quát về hoàn cảnh 
    • “khi quãng vắng”: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu
      => Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua nghệ thuật tu từ ẩn dụ 
    • "Eo sèo mặt nước buổi đò đông": gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc trong công việc mưu sinh của bà
    • Buổi đò đông: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu
      => Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ, ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động khổ cực của bà Tú.
      => Thực cảnh mưu sinh của bà Tú: Không gian, thời gian gây cảm giác ghê rợn, nguy hiểm đồng thời thể hiện lòng xót thương da diết của ông Tú dành cho người vợ của mình đó là bà Tú.
  • “Năm nắng mười mưa”: số từ phiếm chỉ số nhiều 
    ​=> Sự vất vả lam lũ, cực nhọc của Bà Tú trong những ngày tháng vất vả nắng, mưa. 

Bà Tú hiện lên với những nét đẹp và phẩm chất đáng quý:

  • Tuy hoàn cảnh éo le vất vả, nhưng bà Tú vẫn hết lòng và chu đáo với chồng con.
    • “nuôi”: chăm sóc hoàn toàn bằng sức của bà Tú - một người phụ nữ chân yếu tay mềm.
    • “đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu
      => Bà Tú là người đảm đang, chu đáo và tận tâm tận tụy với chồng con. 
  • Phẩm chất tốt đẹp của Bà Tú còn được thể hiện trong sự chăm chỉ, tần tảo đảm đang.
    • “Một duyên hai nợ”: ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên “âu đành phận”, không than vẫn 
    • “dám quản công”: Đức hy sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.
      => Cuộc sống vất vả gian truân nhưng càng làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của bà Tú: đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
      => Đó cũng là vẻ đẹp chung cho nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến. 

Đặc sắc nghệ thuật miêu tả hình tượng bà Tú:

  • Từ ngữ giản dị, dễ hiểu và giàu sức biểu cảm 
  • Vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ của văn học dân gian rất sắc nét và thể hiện được nét riêng trong phẩm chất của nhân vật
  • Hình tượng nghệ thuật độc đáo làm nổi bật vẻ đẹp Công - dung - ngôn - hạnh của người phụ nữa trong xã hội phong kiến
  • Việt hóa thơ Đường trong lối thơ chung của văn học

 

3. Kết bài:

  • Khẳng định lại những phẩm chất tốt đẹp của bà Tú, giá trị nội dung và nghệ thuật
  • Nêu cảm nhận và liên hệ.

 

II. Mẫu phân tích hình ảnh bà Tú qua bài thơ "Thương vợ" của Tú Xương:

Trong kho tàng thơ ca phong phú và đa dạng của Tú Xương thì "Thương vợ" được coi là một trong những tập thơ hay nhất. Cái hay của bài thơ là đã thể hiện được một cách sâu sắc và xúc động sự kính trọng, biết ơn của tác giả trước những hy sinh, tần tảo của vợ. Quan trọng hơn từ tác phẩm này người đọc thấy hiện lên bức chân dung của người phụ nữ Việt Nam với nhiều nét phẩm chất đặc trưng. Người phụ nữ đã đi vào văn học rất sớm và trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu của văn chương Việt Nam. Tuy nhiên viết về người phụ nữ với vai trò là một người vợ và tình yêu của một người chồng thì quả thực rất ít. Thương vợ của Tú Xương nằm trong số các trường hợp hiếm hoi như vậy. Bài thơ là chân dung bà Tú, người bạn đời của Tú Xương và được thể hiện với toàn bộ tấm lòng yêu thương của một người chồng dành cho vợ.

Hình ảnh bà Tú hiện lên trước hết gắn liền với những nỗi gian truân nhọc nhằn. Thân đàn bà chịu thương chịu khó nhưng bà Tú lại phải tự làm ăn buôn bán, một mình bươn chải, bám trụ nơi đầu đường, cuối ngõ để mưu sinh kiếm sống. Cái gian truân ấy được minh chứng qua thời gian dài, bằng không gian đầu chợ khi quãng vắng, lúc đò đông. Nghĩa là triền miên suốt năm suốt tháng không ngơi không ngủ, lúc nào cũng mệt mỏi. Đặt trong từng không gian, thời gian trên hình ảnh bà Tú dường như lại càng trở nên bé nhỏ, cô độc, tội nghiệp hơn nữa. Cái khó khăn ấy càng được thể hiện rõ trong gánh nặng mà bà Tú phải gánh trên vai: Một gia đình với năm con và một chồng. Năm đứa con với biết bao nhu cầu, bao áp lực mỗi ngày, bên cạnh những đức ông chồng nghèo vốn đã không giúp vợ được nhiều lại càng thêm một mối bận tâm lo lắng của vợ khi mà nhu cầu của ông chồng kia đâu có ít ỏi gì, nó phải tạo thành một phía để cân đối với phía năm đứa con. Thế mới biết cuộc sống mỗi ngày của bà Tú là như vậy. Lo cho con, lo cho chồng, mà phải lo thế nào cho đầy đủ thì không thừa nhưng cũng không được thiếu. Bằng ngần ấy nỗi lo trĩu nặng trên đôi vai gầy của người vợ, người mẹ kia. Chính vì thế mà phải bươn chải mưa nắng khuya sớm, bất chấp nguy hiểm hay cô độc. Nói sao cho hết nỗi vất vả cực nhọc mà bà Tú phải gánh trong cả cuộc đời của mình. Hình ảnh bà Tú gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những người phụ nữ tảo tần, lam lũ, vất vả kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con đã thầm lặng đi qua trong đời sống xã hội. Mở đầu bài thơ, Tú Xương giới thiệu về công việc của bà Tú:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng".

Câu thơ đã giúp người đọc đã mường tượng ra công việc của bà Tú đó là làm nghề buôn bán lúa gạo, công việc đó kéo dài liên miên và mang tính chất tuần hoàn hết tuần này lại sang tuần khác, hầu như trong cuộc đời bà không có nổi một giây phút được nghỉ ngơi, thư giãn. Hơn nữa nơi bà kinh doanh buôn bán cũng chứa đựng đầy những hiểm nguy – mom sông – phần đất nhô ra phía lòng sông, đây là phần đất cheo leo và có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào. Bà Tú đã phải chịu đựng biết bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh đầy gian truân khiến cho bà dẫu biết là hiểm nguy nhưng cũng không thể nào từ bỏ bởi vì phải: "Nuôi đủ năm con với một chồng". Trong xã hội xưa, người chồng thường được mặc định sẽ là trụ cột gia đình, lo lắng vấn đề kinh tế cho cả nhà, tuy nhiên ở đây trong gia đình Tú Xương trụ cột đó lại chính là bà Tú. Bà không chỉ nuôi con mà còn nuôi luôn chồng, tổng cộng là sáu miệng ăn chưa kể đến bà. Chữ "đủ" chứa đựng nhiều ý nghĩa, đủ là nuôi sống gia đình; đủ cũng có thể hiểu là đủ ăn đủ no, thoả mãn được tất cả những thú vui phong lưu, tao nhã của ông Tú. Đặc biệt trong cách tính "năm con với một chồng" là kiểu đếm lạ lùng, Tú Xương đã tách ra riêng và xếp sau con để thấy nỗi xấu hổ trong ông vì không giúp đỡ được gì cho bà Tú, cùng lời trách móc sự bất tài của mình. Câu thơ như một lời tự vấn bản thân sâu sắc của tác giả. Hai câu thơ đầu tiên, tác giả đã khắc hoạ thành công hình ảnh đảm đang, tháo vát mà cũng nhiều nhọc nhằn, khổ cực của bà Tú. Không dừng lại ở đấy, hai câu thơ sau còn tô đậm thêm nỗi nhọc nhằn của bà Tú trong quá trình mưu sinh: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông". Hai từ "lặn lội" và "eo sèo" được đảo ở đầu câu tô thêm sự vất vả, cực nhọc của bà Tú. Đồng thời từ "lặn lội" cộng với hình ảnh "thân cò" đầy ám ảnh đã khắc sâu sự nhọc nhằn của bà Tú. Hình ảnh con cò trong ca dao vốn để chỉ những người nông dân lam lũ, nhọc nhằn:

"Cái cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng …."

Ngoài ra, câu ca dao xưa khi nói tới hình tượng người phụ nữ cũng thường liên tưởng tới hình ảnh con cò:

"Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non."

Nhưng dù có khổ cực đến đâu đi nữa, người phụ nữ ấy vẫn luôn đứng vững và cam chịu tất cả:

"Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không."

Duyên nợ long đong lận đận, kiếp sống cơ cực, nhọc nhằn nhưng trong suốt toàn bộ bài thơ, không có một từ nào nói lên lời oán trách hay kêu than của bà Tú. Người phụ nữ đó có tấm lòng yêu thương vô cùng lớn lao. Bà đã hy sinh tất cả vì chồng và con, hy sinh cả tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình. Dù "năm nắng" hay "mười mưa" bà đâu có "quản công". Một mình bà sẵn sàng gồng gánh cả gia đình. Cũng may, trong thời kỳ đó, có những người phụ nữ khác cũng lam lũ, cũng cực khổ nhưng không mấy ai được chồng thông cảm và yêu thương như Bà Tú. Chỉ tiếng rằng ngoài tình yêu, Tế Xương cũng chẳng thể giúp gì cho vợ được. Thế cho nên, ông mới tự nhận "Có chồng mà cũng như không". Bà không cần nói nhưng những việc bà làm đã khiến Tế Xương chồng bà phải thán phục và kính trọng. Bà là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ xưa của Việt Nam với đức tính đảm đang, hy sinh thầm lặng và đầy lòng yêu thương. Tuy nhiên, trong đời sống ngày nay, khi có quá nhiều thứ cám dỗ, tác động nên một số người đã không còn gìn giữ được những đức tính đẹp đẽ và cao quý đó nữa. Họ sống vì tiền, sống bon chen và thực dụng. Không ít kẻ đã trà đạp lên nhau, dẫm chân lên nhau để sống. Ai cũng vì lợi ích cá nhân của chính mình mà bỏ đi cả những phẩm chất tốt đẹp vốn có của con người. Chưa kể còn có nhiều bà lười nhác, thích ăn chơi, thích đua đòi, thích bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình. Không mấy ai còn phải vất vả như bà Tú nhưng cũng cũng chẳng có những tấm lòng đầy tình yêu thương và vị tha như vậy đâu. Giữa chốn xô bồ ấy, hình ảnh bà Tú lại xuất hiện với những câu thơ giản dị, mộc mạc của Tế Xương như một lời nhắc nhở, động viên và khuyên bảo mỗi người phụ nữ hãy tìm lại chính mình, luôn nỗ lực vươn lên trong mọi nghịch cảnh. Đừng vì đồng tiền hoặc vì bất cứ một điều gì khác để làm mất đi danh dự và nhân phẩm cao đẹp của mình. Mặt khác, mỗi người chồng, người cha cũng phải cảm thông, yêu thương và trân trọng người phụ nữ của đời mình, để cùng nhau sẻ chia và gánh vác mọi việc trong nhà, cũng như trong xã hội. Tế Xương thương vợ, cho nên ông không bắt tay làm với vợ được. Bởi đó là do hoàn cảnh lúc bấy giờ như vậy. Hơn nữa, nghề của ông là viết kịch và làm thơ cho nên ông cũng không có điều kiện bắt tay làm với vợ. Chỉ tiếc rằng, cái nghề của ông không đem lại nhiều vật chất, tiền bạc để gồng gánh gia đình, cho bà Tú đỡ nhọc nhằn, để thân cò ấy không phải lặn lội hay vất vả trong những chuyến đò đông. Bài thơ đã khép lại với hình ảnh chân thật của người vợ tần tảo và giàu đức hy sinh. Bà là một tấm gương sáng để nhiều chị em phụ nữ ngày nay nhìn lại chính mình.

Bài thơ "Thương vợ" của Trần Tế Xương với nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ dân gian với ngôn ngữ hiện đại trong tám câu thơ Đường luật giải lệ đã khắc hoạ thành công hình ảnh bà Tú người vợ, người phụ nữ thông minh, tháo vát giàu lòng nhân ái và đầy đức hy sinh cho gia đình. Con người ấy xuất hiện trong nhiều câu thơ trữ tình đã trở thành một biểu tượng đẹp về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội ngày nay với sự phát triển của kinh tế thị trường không ít những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ bị khuất lấp đi trước giá trị của tiền bạc, của quyền lực và địa vị. Bài thơ "Thương vợ" được đưa vào nhà trường không chỉ là một bài học giàu giá trị nhân văn cho các em nhỏ và là tấm gương để mỗi người phụ nữ ngày nay tự soi mình vào đó giữ gìn vẻ đẹp truyền thống mà vẫn phù hợp với thời đại.