1. Phản xạ là gì?

1.1. Phản xạ

Tay chạm vào nóng thì rụt lại, đèn ciếu sáng vào mắt thì đồng tử co lại, khi thức ăn đưa vào miệng thì tuyến nước bọt tiết nước bọt,... Các phản ứng đó được gọi là phản xạ.

Như vậy, phản xạ được hiểu là phản ứng của cơ thể trả lời lại các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh.

 

1.2. Cung phản xạ

Cung phản xạ là con đường mà xung thần kinh truyền từ cơ quan thụ cảm (da...) qua trung ương thần kinh đến cơ quan phản ứng (cơ, tuyến...)

Một cung phản xạ gồm 5 yếu tố là: cơ quan thụ cảm, nơron hướng tâm, nơron trung gian, nơron li tâm và cơ quan phản ứng.

 

1.3. Vòng phản xạ

Cơ quan thụ cảm tiếp nhận kích thích của môi trường sẽ phát xung thần kinh theo dây hướng tâm về trung ương thần kinh, từ trung ương phát đi xung thần kinh theo dây li tâm tới cơ quan phản ứng. Kết quả của sự phản ứng được thông báo ngược về trung ương theo dây hướng tâm, nếu phản ứng chưa chính xác hoặc đã đầy đủ thì phát lệnh điều chỉnh, nhờ dây li tâm truyền tới cơ quan phản ứng. Nhờ vậy mà cơ thể có thể phản ứng chính xác đối với kích thích. Quá trình này được gọi là một vòng phản xạ.

Vòng phản xạ bao gồm cung phản xạ và đường liên hệ ngược.

 

2. Phản xạ có điều kiện và phản xạ không có điều kiện

Phản xạ của con người được chia làm 2 loại: Phản xạ có điều kiện và phản xạ không có điều kiện.

Phản xạ có điều kiện là những phản xạ:

- Tích lũy được trong đời sống, được hình thành trong những điều kiện nhất định.

- Dễ bị mất đi nếu không được củng cố, tập luyện.

- Mang tính cá nhân, không di truyền.

- Xảy ra không tương ứng với kích thích

- Số lượng vô hạn.

- Hình thành do các lệnh phát sinh từ não. Được hình thành bằng cách tạo nên những dây liên lạc tạm thời trong vỏ đại não. Cung phản xạ có điều kiện phức tạp, có đường liên hệ tạm thời

- Nhằm giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống

Ví dụ: Trông thấy chanh thì chảy nước bọt. Do trước đó cơ thể đã biết chanh thì chua, nên sinh ra phản ứng có điều kiện là thấy chanh thì chảy nước bọt.

Phản xạ không có điều kiện là những phản xạ:

- Tự nhiên, bẩm sinh mà có.

- Không dễ bị mất đi.

- Mang tính chủng thể, di truyền.

- Xảy ra tương ứng với kích thích

- Số lượng có hạn.

- Do các lệnh phát sinh từ tủy sống. Thực hiện nhờ tuỷ sống và những bộ phận hạ đẳng của bộ não, bằng mối liên hệ thường xuyên và đơn nghĩa của sự tác động giữa các bộ phận tiếp nhận này hay bộ phận tiếp nhận khác và bằng sự phản ứng đáp lại nhất định. Do đó cung phản xạ đơn giản.

- Nhằm giúp cơ thể bảo vệ mình trước những tác động của môi trường xung quanh

- Những phức thể phức tạp và những chuỗi phản xạ không điều kiện được gọi là những bản năng.

Ví dụ: Bị nóng thì giật tay lại, nheo mắt khi bị chói mắt,...

 

3. Phân biệt phản xạ ở động vật và cảm ứng ở thực vật

Ta đã biết, phản xạ là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường dưới sự điều khiển của hệ thần kinh.

Trong khi đó, cảm ứng ở thực vật là những phản ứng lại kích thích của môi trường.

Yếu tố quan trọng để phân biệt giữa phản xạ ở động vật và cảm ứng ở thực vật là sự tham gia của hệ thần kinh. Những phản xạ ở động vật xảy ra do sự điều khiển của hệ thần kinh, còn cảm ứng ở thực vật không có sự tham gia của hệ thần kinh.

Ví dụ:

- Phản xạ xuýt xoa khi bị đau có sự điều khiển của hệ thần kinh để trả lời kích thích từ môi trường.

- Hiện tượng cụp lá ở cây xấu hổ chủ yếu là những thay đổi về trương nước ở các tế bào gốc lá, không phải do thần kinh điều khiển, do đó không phải phản xạ.

 

4. Một số bài tập về phản xạ

Bài 1: 

1. Hãy nêu thành phần cấu tạo của mô thần kinh.

2. Hãy mô tả cấu tạo của một nơron điển hình.

Trả lời:

1. Mô thần kinh được cấu tạo từ các tế bào thần kinh (nơron) và các tế bào thần kinh đệm (thần kinh giao cảm).

2. Cấu tạo của một nơron điển hình gồm:

- Phần thân chứa nhân.

- Từ thân phát đi nhiều tua ngắn phân nhánh (sợi nhánh) và một sợi trục dài, có thể được bao bởi bao miêlin. 

Có 3 loại nơron: nơron hướng tâm (nơron cảm giác), nơron li tâm (nơron vận động), nơron trung gian (nơron liên lạc).

Bài 2: Nêu một số ví dụ về phản xạ và phân tích đường dẫn truyền xung thần kinh trong phản xạ đó.

Trả lời:

Ví dụ: Khi ngứa, ta đưa tay lên gãi. Đường dẫn truyền gồm:

- Cơ quan thụ cảm tiếp nhận kích thích (ngứa), phát sinh xung thần kinh.

- Nơron hướng tâm: dẫn truyền xung thần kinh (từ cơ quan thụ cảm về trung ương thần kinh).

- Trung ương thần kinh: Phân tích và xử lí các xung thần kinh cảm giác, làm phát sinh xung thần kinh vận động.

- Nơron li tâm: Dẫn truyền xung thần kinh vận động (từ trung ương thần kinh tới cơ quan phản ứng).

- Cơ quan phản ứng: Hoạt động để trả lời kích thích (biểu hiện đưa tay lên gãi).

- Có thể động tác gãi lần đầu chưa đúng chỗ ngứa. Thông tin ngược báo về trung ương tình trạng vẫn ngứa. Trung ương phát lệnh thành xung thần kinh theo dây li tâm tới các cơ tay để điều chỉnh (về cường độ, tần số co cơ...) giúp tay gãi đúng chỗ ngứa. Như vậy, các xung thần kinh ở phản xạ gãi đúng chỗ ngứa đã dẫn truyển theo các nơron tạo nên một vòng khép kín là vòng phản xạ.

Bài 3: Nêu một ví dụ và phân tích đường đi của xung thần kinh của phản xạ đó.

Trả lời:

Chạm tay vào vật nóng thì co tay lại. Cung phản xạ này là:

- Cơ quan thụ cảm (da) tiếp nhận kích thích (hơi nóng), phát sinh xung thần kinh.

- Nơron hướng tâm: dẫn truyền xung thần kinh (từ cơ quan thụ cảm về trung ương thần kinh).

- Trung ương thần kinh: Phân tích và xử lí các xung thần kinh cảm giác, làm phát sinh xung thần kinh vận động.

- Nơron li tâm: Dẫn truyền xung thần kinh vận động (từ trung ương thần kinh tới cơ quan phản ứng hay còn gọi là cơ quan trả lời).

- Cơ quan phản ứng: Hoạt động để trả lời kích thích (biểu hiện ở phản ứng tiết và phản ứng vận động là co tay lại).

Bài 4: Em có nhận xét gì về hướng dẫn truyền xung thần kinh ở nơron hướng tâm và nơron li tâm?

Trả lời:

- Nơron hướng tâm (nơron cảm giác) dẫn xung thần kinh về trung ương thần kinh.

- Nơron li tâm (nơron vận động) dẫn các xung li tâm từ bộ não và tủy sống đến các cơ quan phản ứng để gây ra sự vận động hoặc bài tiết.

Kết luận: Chiều dẫn truyền của 2 nơron này ngược nhau.

Bài 5: 

1. Hãy xác định các loại nơron tạo nên một cung phản xạ.

2. Các thành phần của một cung phản xạ là gì?

Trả lời:

1. Các loại nơron tạo nên một cung phản xạ là: nơron hướng tâm (nơron cảm giác), nơron li tâm (nơron vận động), nơron trung gian (nơron liên lạc).

2. Các thành phần của một cung phản xạ:

- Cơ quan thụ cảm (da).

- Trung ương thần kinh (nơron hướng tâm, nơron li tâm, nơron trung gian).

- Cơ quan phản ứng (cơ, tuyến…).

Bài 6: Phản xạ là gì? Hãy lấy vài ví dụ về phản xạ.

Trả lời:

- Phản xạ: Là phản ứng của cơ thể trả lời các kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh gọi là phản xạ.

- Ví dụ : Khi chân ta dẫm phải hòn than, chân vội nhấc lên là một phản xạ. Con chó thấy chủ, mừng vẫy đuôi là một phản xạ,...

Trong bài viết trên, Luật Minh Khuê đã chia sẻ với quý bạn đọc về Phản xạ là gì? Lấy ví dụ về phản xạ? Sinh học lớp 8. Hy vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích, Luật Minh Khuê xin cảm ơn!