Mục lục bài viết
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Quản trị là gì?
Quản trị là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản trị đến đối tượng quản trị thông qua các hoạt động: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra và sử dụng các nguồn lực của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Quản trị ngày nay đã phát triển ở mọi nơi trong hoạt động của con người. Nó trở thành lĩnh vực hoạt động quan trọng không thể thiếu của các tổ chức con người, xã hội và nhà nước. Từ thực tiễn hoạt động quản trị các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội và nhà nước, các nhà quản trị, các nhà khoa học đã tổng kết, đúc rút được các kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm và hệ thống hóa thành một lĩnh vực khoa học gọi là khoa học quản trị hay quản trị học. Nếu quản trị được quan niệm, được xác định là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản trị đến đối tượng quản trị nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức thì khoa học quản trị nghiên cứu cách thức tác động của chủ thể quản trị đến các đối tương quản trị sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Khoa học quản trị là gì?
Khoa học quản trị là ngành, lĩnh vực khoa học nghiên cứu làm rõ các quy luật, nguyên tắc, phương pháp của các quá trình và quan hệ quản trị nhằm tìm ra cách thức quản trị có hiệu quả nhất để áp đụng cho các hệ thống quản trị.
Quản trị là hoạt động vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Tính khoa học của quản trị thể hiện ở các nội dung tôn trọng các quy luật khách quan; tuân thủ các nguyên tắc quản trị; sử dụng thành thạo các phương pháp quản trị. Tính nghệ thuật của quản trị xuất phát từ tính phức tạp của bản thân các hệ thống, quản trị là hệ thống con người trong mối quan hệ với các sự vật và quá trình tự nhiên kinh tế – xã hội.
Các nhà khoa học coi hệ thống quản trị là hệ thống có độ phức tạp cao nhất trong các hệ thống. Việc quản trị hệ thống con người đòi hỏi không những kiến thức, kỹ năng trong sử dụng các công cụ mang tính khoa học mà còn ở tài nghệ, sự khéo léo, linh hoạt, uyển chuyển trong xử lý các quan hệ liên quan đến con người và sự việc. Khoa học quản trị ngày nay trở thành lĩnh vực khoa học tổng hợp liên ngành có vai trò quan trọng cung cấp các luận cứ, cơ sở phương pháp luận khoa học, các quy luật, nguyên tắc, phương pháp, nghệ thuật để quản trị có hiệu quả, các lĩnh vực hoạt động của các tổ chức, con người, xã hội và nhà nước.
3. Quản trị nhà nước là gì?
Dưới góc độ của khoa học quản trị “quản trị nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đến các quá trình, quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của công dân, thông qua các hoạt động: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra và sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu của nhà nước, thực hiện có hiệu quả các chúc năng, nhiệm vụ của nhà nước, duy trì sự tồn tại và phát triển của nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ đắc lực người dân”.
4. Đặc điểm, tính chất của quản trị nhà nước
Quản trị nhà nước là chức năng, nhiệm vụ chủ yếu đặc biệt quan trọng của Nhà nước. Đặc điểm, tính chất của quản trị nhà nước bị chi phối bởi bản chất, vai trò của nhà nước. Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực xã hội, cội nguồn của nó là quyền lực của nhân dân, là tổ chức đại diện chính thức cho nhân dân và toàn xã hội. Nhà nước là chủ thể thay mặt nhân dân quản trị xã hội, nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, duy trì sự tồn tại, phát triển của nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế – xã hội phát triển và phục vụ đắc lực người dân. Quản trị nhà nước có các đặc điểm, tính chất chủ yếu sau:
(1) Mục tiêu, mục đích của quản trị nhà nước là duy trì trật tự công, phục vụ lợi ích công, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân(người dân). Quản trị nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận (phi lợi nhuận).
(2) Quản trị nhà nước là một dạng quản trị xã hội mang tính quyền lực, sử dựng quyền lực nhà nước để diều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của người dân, phù hợp với các quy luật khách quan và theo mục tiêu, ý chí của chủ thể quản trị nhà nước. Thực chất, bản chất của quản trị nhà nước là hoạt động mang tính chấp hành và điều hành của chính quyền hành pháp, hành chính nhà nước. Cụ thể, đó là quyền chấp hành, thực thi pháp luật và quyền quản trị tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhà nước, các lĩnh vực đối nội và đối ngoại của nhà nước.
(3) Chủ thể quản trị nhà nước là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, trong đó cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền trực tiếp quản trị nhà nước là cơ quan hành pháp, đứng đầu là chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương các cấp.
(4) Đối tượng hay khách thể quản trị nhà nước rộng lớn và phức tạp, gồm những người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức sinh sống và hoạt động trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các quá trình, quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của người dân, các lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội và Nhà nước.
(5) Quản trị nhà nước bằng ý chí quyền lực và sức mạnh của Nhà nước thể hiện trong các công cụ đặc thù như: thể chế – pháp luật, chính sách của nhà nước và sử dụng các nguồn lực của nhà nước, bao gồm: nguồn nhân lực, nguồn lực tài nguyên, thiên nhiên, nguồn lực kinh tế – tài chinh, nguồn lực khoa học – công nghệ và các nguồn lực khác.
(6) Quản trị nhà nước đối với bất kỳ quốc gia nào đều mang tính chính trị, phục vụ chính trị. Bởi vì nhà nước là tổ chức quyền lực mang tính chính trị, thể hiện ý chí của đảng chính trị, đảng cầm quyền. Ý chí đó được các cơ quan trong bộ máy quản trị nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật pháp, chính sách để đưa vào cuộc sống. Quản trị nhà nước mang tính chính trị, phục vụ chính trị, nhưng cũng có tính độc lập tương đối ở tính khoa học, tính chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, yếu tố bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cao của quản trị nhà nước.
(7) Quản trị nhà nước mang tính dân chủ. Quản trị nhà nước ngày nay không phải là cai trị, không mang tính chất độc đoán chuyên quyền, mệnh lệnh hành chính đơn phương mà là quản trị một cách dân chủ theo tinh thần nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền của người dân tham gia vào quản trị nhà nước, thông qua các hình thức dân chủ tập trung, dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, bằng các phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật – công nghệ hiện đại, mở rộng và phát huy dân chủ, thu hút mạnh mẽ người dân và các tổ chức xã hội vào quản trị nhà nước, vào việc tư vấn phản biện cho thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quản trị nhà nước, tạo ra đồng thuận cao trong xã hội; quản trị một cách công khai minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình của các chủ thể quản trị nhà nước trước người dân và công luận.
(8) Quản trị nhà nước mang tính định hướng, chủ động và sáng tạo thông qua hoạt động hoạch định, xây dựng, ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phương pháp và các nguồn lực cụ thể.
(9) Quản trị nhà nước mang tính tổ chức trực tiếp của chủ thể quản trị nhà nước trên mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội và nhà nước thông qua tổ chức bộ máy quản trị và nguồn nhân lực quản trị nhà nước (đội ngũ công chức chuyên trách là quản trị nhà nước).
(10) Quản trị nhà nước có tính chất tổng hợp, đa dạng, toàn diện. Quản trị tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội và nhà nước với quy mô rộng lớn trên toàn lãnh thổ đất nước.
(11) Quản trị nhà nước mang tính khoa học, tính chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật. Đặc tính này yêu cầu quản trị nhà nước phải căn cứ, phải dựa trên cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học nhất định, phải nắm bắt được các quy luật phát triển kinh tế – xã hội và sự tác động của chúng vào quản trị nhà nước, để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các quy luật đó nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Đây là đặc tính mang tính khách quan, nó loại trừ bảo thủ, trì trệ, chủ quan duy ý chí trong quản trị nà nước. Tính chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật yêu cầu thực hiện, giải quyết các chức năng, nhiệm vụ của quản trị nhà nước đòi hỏi các chủ thể quản trị nhà nước phải có kiến thức, kỹ năng và phương pháp, nghệ thuật quản trị nhất định. Nói cách khác đặc điểm, tính chất này yêu cầu quản trị nhà nước phải dựa trên cơ sở và vận dụng sáng tạo các quy luật, các nguyên tắc, các phương pháp của các chuyên ngành khoa học: Quản trị, hành chính, tổ chức, pháp lý, chính sách công, tâm lý học, xã hội học và điều khiển học… Trong đó, khoa học quản trị hay quản trị học đóng vai trò chủ yếu và quyết định.
(12) QTNN có đặc điểm khác một cách căn bản với quản trị các tổ chức tư ở chỗ QTNN sử dụng các công cụ đặc thù như: quyền lực công, thể chế, chính sách công, các nguồn lực công. Các công cụ đặc thù này chỉ có chủ thể QTNN mới có. Ngoài ra, sự khác nhau ở chỗ mục đích của QTNN là phục vụ lợi ích công, lợi ích của người dân và toàn xã hội, còn quản trị các tổ chức tư sử dụng quyền lực tư, nguồn lực tư, phục vụ lợi ích của chủ thể quản trị tư. QTNN mang tính phi lợi nhuận, còn quản trị các tổ chức tư vì mục tiêu lợi nhuận. Sở dĩ QTNN, hoạt động QTNN mang tính phi lợi nhuận vì QTNN sử dụng các công cụ đặc thù như: quyền lực công – quyền lực nhà nước và tài chính công. Nhưng quyền lực công – quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, còn tài chính công lại chủ yếu do thuế và công sức của nhân dân đong góp mà có. Nên QTNN không thể chạy theo lợi nhuận.
5. Vai trò của quản trị nhà nước
Nhà nước trong quan niệm hiện đại là tổ chức đặc biệt của xã hội, bao gồm một lớp người được tách ra từ xã hội để chuyên thực hiện quyền lực, nhằm tổ chức và quản trị xã hội phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích của lực lượng cầm quyền trong xã hội. Nhà nước là sản phẩm của sự phát triển xã hội, nhà nước sinh ra từ xã hội, xã hội là nền tảng, là cơ sở tồn tại và phát triển của nhà nước. Bất kỳ nhà nước nào ra đời, tồn tại và phát triển cũng đều có hai vai trò, chức năng cơ bản: chức năng quản trị và chức năng xã hội (hay chức năng phục vụ). Đồng thời, Nhà nước còn có vai trò là chủ thể quản trị xã hội, duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội. Như vậy, vai trò của quản trị nhà nước là vai trò cố hữu, cơ bản, chủ yếu của nhà nước.
Vai trò của quản trị nhà nước thể hiện ở chỗ nó quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà nước. Quản trị giỏi đồng nghĩa với cầm quyền trị nước giỏi. Quản trị nhà nước, năng lực quản trị nhà nước quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một quốc gia, dân tộc. Sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia, dân tộc đều liên quan chặt chẽ đến các hoạt động quản trị của nhà nước. Không phải ngẫu nhiên Peter Drucker – một nhà khoa học nổi tiếng về quản trị đã khẳng định: Quản trị, năng lực quản trị, tính nhất quán của quản trị và việc thực hiện quản trị có ý nghĩa quyết định đối với cả nước Mỹ và các nước khác trong các thập niên tới.
Thực tiễn cho thấy, các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Xinh-ga-po đều là các nước có hệ thống quản trị nhà nước tiên tiến và hiện đại.
Ngày nay, trong các yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia, như: nguồn lực tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, dưới đáy biển, trên không trung…), nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn lực khoa học và công nghệ (nhất là công nghệ thông tin và quản trị nhà nước) thì yếu tố quản trị nhà nước là yếu tố quan trọng nhất, chi phối các yếu tố khác và là yếu tố chủ yếu quyết định mạnh mẽ đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt trong điều kiện phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, yếu tố con người và trí thức trở thành yếu tố chủ yếu của năng lực cạnh tranh quốc gia thì quản trị nhà nước có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết (vì chủ thể quản trị nhà nước là những con người những nhà quản trị có đủ năng lực quản trị điều hành đất nước). Đó là vai trò chung, vai trò chủ yếu của quản trị nhà nước. Ngoài ra, quản trị nhà nước cũng như quản trị nói chung còn có các vai trò cụ thể sau:
(1) Quản trị nhà nước có vai trò định hướng, dẫn đường cho các hoạt động kinh tế – xã hội, phát triển nhanh và bền vững, vai trò này thể hiện ở chức năng hoạch định, xây dựng, ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, chính sách – các công cụ cần thiết, quan trọng và hữu dụng của quản trị nhà nước.
(2) Quản trị nhà nước có vai trò tổ chức, vai trò này thể hiện rõ ở chức năng tổ chức của quản trị nhà nước. Chức năng tổ chức là chức năng cơ bản, chức năng quan trọng của quản trị nhà nước. Vai trò tổ chức của quản trị nhà nước thể hiện ở chỗ nó có sứ mệnh thiết lập bộ máy quản trị tối ưu và tuyển dụng, quản trị sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực làm việc trong bộ máy quản trị nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, chính sách vào thực tiễn cuộc sống.
(3) Quản trị nhà nước có vai trò lãnh đạo, điều hành phối hợp các hoạt động trong quản trị nhà nước và khích lệ, động viên truyền cảm hứng, tạo động lực làm việc cho các chủ thể, các cá nhân tổ chức tham gia quản trị và các đối tượng quản trị nhà nước. Năng lực, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là chìa khóa quyết định sự thành công của quản trị nhà nước.
(4) Vai trò của quản trị nhà nước trong giám sát kiểm tra các hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Vai trò này thể hiện cụ thể ở chức năng kiểm tra của quản trị nhà nước, thể hiện quyền uy của chủ thể quản trị nhà nước. Quản trị nói chung quản trị nhà nước nói riêng không có giám sát, kiểm tra coi như không có quản trị. Quản trị nhà nước cần có sự giám sát kiểm tra các hoạt động của các cá nhân, tổ chức tham gia quản trị và các đối tượng của quản trị nhà nước để giữ gìn trật tự công, lợi ích công, lợi ích của người dân và kịp thời phát hiện các sai sót, vi phạm trong quản trị nhà nước, giúp quản trị nhà nước đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập