Mục lục bài viết
- 1. Khái quát về Luật Thi hành án Hình sự
- 2. Nguyên tắc kiểm sát thi hành án hình sự
- 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự
- 4. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự
- 5. Quy định bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các thủ tục thi hành án
- 6. Câu hỏi thường gặp về kiểm sát thi hành án hình sự
- 6.1 Phạm vi của công tác kiểm sát thi hành án hình sự?
- 6.2 Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong thi hành án hình sự?
Căn cứ pháp lý:Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Luật tổ chức VKSND năm 2014. Có thể phân tích cụ thể như sau:
1. Khái quát về Luật Thi hành án Hình sự
Ngày 14/6/2019, Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Ngày 21/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-VKSTC về việc triển khai thi hành Luật thi hành án hình sự 2019 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó nhấn mạnh: “Phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của Luật, nhất là các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKSND nhằm nâng cao nhận thức của toàn ngành về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự.”
Luật THAHS năm 2019 gồm 16 Chương, 207 Điều tăng 01 Chương và 25 Điều so với Luật THAHS năm 2010 với nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thực hiện công tác thi hành án hình sự, bảo đảm quyền lợi của người thi hành án, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành án hình sự 2019 có 04 điểm mới căn bản sau đây:
2. Nguyên tắc kiểm sát thi hành án hình sự
Để tạo cơ sở pháp lý cho các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án hình sự và đồng bộ với các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung điều luật quy định về nguyên tắc Kiểm sát việc thi hành án hình sự tại Chương I. (Những Quy định chung) như sau: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự” (Điều 7).
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật THAHS năm 2010 (Điều 141), Luật THAHS năm 2019 (Điều 167) đã bổ sung các quy định sau:
- Bổ sung quy định Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương, địa bàn (khoản 2 Điều 167);
- Bổ sung quy định Viện kiểm sát tham gia phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo (khoản 4 Điều 167).
4. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật THAHS năm 2010 (Điều 143), Luật THAHS năm 2019 (Điều 169) đã bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định, kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự. Cụ thể như sau:
- Đối với yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến thi hành án hình sự phải thực hiện ngay; đối với yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Đối với quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự phải thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền kiến nghị lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết.
- Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án, giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách (quy định tại khoản 4 Điều 167 Luật THAHS năm 2019) thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
- Đối với kháng nghị Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật (quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật THAHS năm 2019) thì Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị đó thì các cơ quan này có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải được thi hành.
- Đối với kiến nghị Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật (quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật THAHS năm 2019) thì phải được xem xét, giải quyết, trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
5. Quy định bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các thủ tục thi hành án
So với Luật THAHS năm 2010, Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung các quy định để bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các thủ tục thi hành án. Cụ thể như sau:
- Luật THAHS năm 2019 quy định Kiểm sát viên tham gia phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách. Theo đó, Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên họp phải nghiên cứu hồ sơ, dự thảo quan điểm của Viện kiểm sát theo Mẫu của VKSND tối cao và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách.
- Về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 24): Bổ sung quy định về trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.
- Về tạm đình chỉ chấp hành án (Điều 36 và Điều 37): Bổ sung quy định trường hợp không đồng ý tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận; trong thời gian được tạm đình chỉ, người được tạm đình chỉ lại thực hiện hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; trường hợp người được tạm đình chỉ chết khi đang điều trị tại bệnh viện thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
- Về thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (Điều 38): Quy định cơ quan có thẩm quyền đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có trách nhiệm lập hồ sơ và chuyển cho Tòa án, đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án (Luật THAHS 2010 không quy định).
- Về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn (Điều 42): Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
- Về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết (Điều 56): Quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát có thẩm quyền (Luật THAHS 2010 không quy định).
- Về tha tù trước thời hạn có điều kiện:
+ Trại giam; trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù;
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đã quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho họ và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp;
+ Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chết, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp;
+ Trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân và bị xử lý kỷ luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án, thì cơ quan đã đề nghị (quy định tại khoản 1 Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự) có văn bản gửi Viện kiểm sát.
- Về thi hành án treo: Bổ sung quy định của cơ quan có thẩm quyền phải gửi Giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách cho Viện kiểm sát cùng cấp; Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát trong trường hợp người được hưởng án treo chết (Điều 85); cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ cho Tòa án, đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo (Điều 90) và đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo (Điều 93).
- Về thi hành án phạt cải tạo không giam giữ: Bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp người chấp hành án chết (Điều 96); cơ quan có thẩm quyền ngoài việc chuyển hồ sơ cho Tòa án, đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (Điều 103).
- Về thi hành án phạt cấm cư trú: Bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 107).
- Về thi hành án phạt quản chế: bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp người chấp hành án chết (Điều 112); cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ cho Tòa án, đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp đề nghị miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (Điều 117).
- Về thi hành án phạt trục xuất: Bổ sung quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định việc kéo dài thời hạn buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với người chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 123).
- Về thi hành án phạt tước một số quyền công dân: bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp người chấp hành án chết (Điều 125).
- Về thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định: Bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp người chấp hành án chết (Điều 129).
- Về hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng: bổ sung quy định Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp (Điều 142).
Trên đây là một số quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, tôi xin được trao đổi để cùng lưu ý, vận dụng kịp thời nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.
>> Xem thêm: Quy định về tái hoà nhập cộng đồng trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019
6. Câu hỏi thường gặp về kiểm sát thi hành án hình sự
6.1 Phạm vi của công tác kiểm sát thi hành án hình sự?
Công tác kiểm sát thi hành án hình sự được bắt đầu từ khi bản án và quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo quy định của pháp luật và kết thúc khi bản án và quyết định hình sự được thi hành xong và người bị kết án được xóa án tích (bao gồm cả công tác kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù). Tuy nhiên, tùy theo mỗi loại hình phạt cụ thể có trình tự, thủ tục thi hành khác nhau nên phạm vi kiểm sát cũng có thể khác nhau.
6.2 Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong thi hành án hình sự?
Đây là nguyên tắc bao trùm nhất được thể hiện trong tất cả các giai đoạn, trong cả hoạt động lập pháp và hoạt động p dụng luật. Đây là nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và công dân được quy định tại Điều 8 Hiến pháp 2013 "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ."
Nguyễn tắc này đảm bảo cho việc thi hành án triệt để, kịp thời, bảo đảm giáo dục người phạm tội, đồng thời ngăn chăn việc làm oan người vô tội và tránh việc hạn chế các quyền con người, quyền công dân trái pháp luật.