I. TỐ QUYỀN HAY QUYỀN ĐI KIỆN

Một số nhà nghiên cứu về tố tụng của Pháp cho rằng tố quyền là khả năng được thừa nhận đối với cá nhân được yêu cầu sự can thiệp của công lý để đạt được sự tôn trọng các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình[1]. Theo Từ điển thuật ngữ luật học của Pháp thì tố quyền trước công lý là khả năng được thừa nhận đối với các chủ thể được cầu viện tới công lý để đạt được sự tôn trọng các quyền lợi và lợi ích chính đáng[2].

Theo Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự mới của Pháp thì thuật ngữ «action» – « tố quyền » được dịch là quyền tham gia tố tụng, theo đó « Quyền tham gia tố tụng đối với người có yêu cầu là quyền được trình bày về nội dung yêu cầu của mình để thẩm phán quyết định xem yêu cầu như vậy là có căn cứ hay không có căn cứ ; đối với bên bị kiện quyền tham gia tố tụng là quyền được tranh luận về căn cứ của yêu cầu do bên kia đưa ra »[3]. Tuy nhiên, quan niệm này về tố quyền trong luật thực định cũng gây nên nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thúc Linh thì «Tố quyền tức là có quyền đi kiện». Tố quyền đối vật, mục đích nhằm một vật gì, động sản hay bất động sản. Tố quyền đối nhân, nhằm vào một công việc phải làm, liên quan đến một người hay một trái vụ. Tố quyền hỗn hợp vừa có tính cách đối vật, vừa có tính cách đối nhân[4].

Khi nghiên cứu về mối liên hệ giữa luật nội dung và luật tố tụng, giáo sư N. FRICERO cho rằng “Mối liên hệ giữa tố quyền và quyền lợi (quyền chủ quan) là không thể phủ nhận : Quyền lợi (quyền chủ quan) là đối tượng của tố quyền, và học lý phân loại các tố quyền căn cứ vào đối tượng này : tố quyền động sản có đối tượng là một quyền lợi động sản, tố quyền bất động sản là một quyền lợi bất động sản ; tố quyền đối nhân dùng cho một quyền lợi đối nhân, tố quyền đối vật dùng cho một quyền lợi đối vật, tố quyền hỗn hợp liên quan tới một quyền lợi đối nhân và một quyền lợi đối vật được sinh ra từ cùng một hành vi pháp lý »[5]. Như vậy, quyền lợi gắn với quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động chính là đối tượng của quyền khởi kiện và là cơ sở của quyền này.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

II. PHÂN LOẠI QUYỀN ĐI KIỆN VÀ VIỆC XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ KIỆN

Vấn đề đặt ra cần phải giải quyết là xác định ai là người có thể thực hiện việc kiện, có thể kiện ai và kiện về vấn đề gì ? Theo logic thì để trả lời câu hỏi này, ta có thể đi theo một suy lý ngược : Việc kiện về vấn đề gì sẽ quyết định ai có thể thực hiện quyền kiện và việc kiện đó được thực hiện đối với chủ thể nào. Có nghĩa là dựa trên tính chất của vụ kiện hay quan hệ pháp luật có tranh chấp để xác định người có quyền khởi kiện và người có thể bị kiện. Quả thực là không dễ dàng khi nghiên cứu các luận thuyết và luật thực định về tố tụng dân sự nước ngoài để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề hiện tại của Việt Nam. Học lý và luật thực định của Pháp về tố tụng dân sự dường như chỉ định ra các nguyên tắc căn bản cho vấn đề xác định tư cách của các bên trong tố tụng dân sự.

2.1. Người được sử dụng tố quyền và việc xác định tư cách tham gia tố tụng của họ

Vấn đề đầu tiên đặt ra khi nghiên cứu là chủ thể có quyền khởi kiện có đồng nhất với chủ thể của quyền lợi hay không ?

Giáo sư Serge Guinchard – một tố tụng gia đầu ngành của Pháp cho rằng, cần phân biệt các bên đương sự trong vụ kiện với chủ thể của tố quyền, những chủ thể có tố quyền chỉ trở thành đương sự trong tố tụng, kể từ ngày họ thực hiện quyền đi kiện của mình bằng một đơn kiện; ngược lại, người ta có thể là một bên đương sự trong vụ kiện mà không là chủ thể của tố quyền, đó là trường hợp nguyên đơn kiện nhưng sau đó bị phủ nhận quyền khởi kiện bằng một bản án, do không có lợi ích trong việc kiện, hoặc trường hợp người bị đòi ra toà với tư cách là bị đơn trong vụ kiện, nhưng vụ kiện này kết thúc bởi một phán quyết bác bỏ tư cách bị đơn của họ[6].

Có thể nhận xét rằng về phương diện học lý, một số nhà nghiên cứu về tố tụng của Việt Nam cũng có cùng chung quan niệm với các tố tụng gia Pháp trong việc xác định tư cách đương sự trong tố tụng dân sự. Theo các tác giả này, thì nguyên đơn là người được giả thiết có quyền hoặc lợi ích hợp pháp bị vi phạm hay tranh chấp nên khởi kiện nhằm bảo vệ những quyền và lợi ích đó. Bị đơn là người tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn do giả thiết đã vi phạm quyền hoặc tranh chấp với nguyên đơn[7].

Theo truyền thống, nhiều quy định về tố tụng dân sự Pháp có nguồn gốc từ Luật La mã. Do vậy, các tố quyền liên quan tới tài sản được phân chia làm hai loại cơ bản là tố quyền đối nhân và tố quyền đối vật. Theo một số tác giả (Hevé Croze, Christian Morel, Olivier Fradin) thì tố quyền đối vật liên quan tới vật, trong khi đó tố quyền đối nhân chỉ gắn với người. Việc phân loại tố quyền này có ý nghĩa quan trọng để xác định các bên đương sự trong vụ kiện. Đối với tố quyền đối nhân, tư cách nguyên đơn chỉ thuộc về chủ thể có quyền và tư cách bị đơn thuộc về chủ thể có nghĩa vụ, trong khi đó, đối với tố quyền đối vật chỉ có thể đệ đơn bởi người cho rằng mình thực thụ có một quyền lợi đối vật, tố quyền này có thể được hành xử để chống lại tất cả các chủ thể có tranh chấp về sự hiện hữu của quyền đối vật[8].

Giáo sư Serge Guinchard đã phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo ông tố quyền đối vật có thể được thực hiện bởi tất cả các chủ thể thực thụ có quyền đối vật (chính xác hơn là người tự cho là mình thực thụ là chủ thể có một quyền đối vật) chống lại tất cả những người đang chiếm giữ vật, là đối tượng của quyền đối vật hoặc chống lại những người có tranh chấp về quyền được viện dẫn, trừ trường hợp kiện đòi động sản theo Điều 2279 BLDSP[9]. Theo quy định này, người chiếm hữu động sản được coi là chủ sở hữu. Chủ sở hữu đầu tiên chỉ có thể kiện đòi vật trong trường hợp vật bị đánh mất hoặc bị mất trộm. Nếu người đang chiếm hữu mua vật đó ở chợ, hội chợ, đấu giá công khai thì chủ sở hữu đầu tiên chỉ có thể kiện đòi vật bị đánh mất hoặc bị mất trộm sau khi đã thanh toán cho người chiếm hữu số tiền đã bỏ ra mua vật.

Cũng theo các tác giả này, tố quyền được coi là đối nhân khi tố quyền này tương ứng với việc thực hiện một quan hệ nghĩa vụ, một trái quyền, nhằm thi hành quan hệ nghĩa vụ hoặc trái quyền đó. Trên thực tế, các trái quyền hay nghĩa vụ phải thực hiện là rất rộng, bởi vì dựa trên quyền tự do giao kết được pháp luật thừa nhận, các trái quyền có thể được thiết lập mà không bị hạn chế, do vậy các tố quyền nhằm thực hiện các trái quyền này cũng không bị giới hạn. Các trái quyền hay nghĩa vụ có thể có nguồn gốc từ hợp đồng, hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc do luật định và đối tượng của trái quyền hay nghĩa vụ phải thực hiện có thể là phải làm hay không được làm một công việc hoặc thực hiện một dịch vụ. Tố quyền đối nhân chỉ có thể do trái chủ hoặc những người kế thừa quyền của họ thực hiện và chỉ được sử dụng đối với một số người hạn chế, là các chủ thể có nghĩa vụ và những người kế thừa nghĩa vụ của họ[10]. Về phương diện học thuật, luận thuyết này thực sự có giá trị tham khảo trong việc xác định người có quyền khởi kiện và tư cách đương sự trong tố tụng dân sự Việt Nam.

Vậy tố quyền nhân thân phi tài sản thuộc tố quyền đối nhân hay tố quyền đối vật ? Cách phân loại tố quyền truyền thống nói trên, có nguồn gốc từ Luật La mã nên chỉ chú trọng tới các quyền về tài sản. Các tố quyền thân trạng và khái quát hơn nữa là các tố quyền nhân thân, không thuộc cách phân loại này. Tuy nhiên, các học giả đương đại đã đồng nhất hoá các tố quyền nhân thân này với các tố quyền đối nhân vì lý do sự tiện lợi về thủ tục và vì quan niệm các tố quyền đối nhân được mở rộng đối với tất cả các tố quyền không là tố quyền đối vật[11]. Theo suy luận của chúng ta, thì tuy các tố quyền nhân thân được đồng nhất hoá với các tố quyền đối nhân nhưng cần nhận thức rằng, các tố quyền đối nhân có thể do trái chủ hoặc những người kế thừa quyền của họ thực hiện, còn việc sử dụng tố quyền nhân thân chỉ hạn chế với một số chủ thể mang quyền mà nhà lập pháp ấn định. Đây cũng là góc nhìn rất quan trọng trong việc xác định người có quyền khởi kiện và tư cách tố tụng của họ. Chúng ta lần lượt xét tới hai trường hợp: Quyền khởi kiện của các chủ thể có quyền lợi tranh chấp hay bị vi phạm (2.1.1) và quyền khởi kiện của các chủ thể không có quyền lợi trong vụ việc (2.1.2).

2.1.1. Quyền khởi kiện của các chủ thể có quyền lợi tranh chấp hay vi phạm

Theo logic, hai vấn đề cần phải xem xét là quyền khởi kiện thuộc về chủ thể của quan hệ pháp luật có tranh chấp (a) và quyền khởi kiện thuộc về chủ thể có quyền lợi nhưng không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật có tranh chấp (b):

a) Quyền khởi kiện của các chủ thể trong quan hệ pháp luật có tranh chấp

Trong trường hợp này quyền khởi kiện thuộc về chủ thể của quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân :

- Quyền khởi kiện của chủ thể có quyền đối nhân, quyền đối vật trong các quan hệ tài sản

Theo đường lối xét xử (hay án lệ) về dân sự của Toà án nhân dân tối cao trước đây thì, « Địa vị tố tụng của mỗi đương sự trong một vụ kiện phản ánh quan hệ giữa các đương sự với nhau trong một quan hệ pháp luật nhất định nào đó: người có quyền lợi bị xâm phạm ra trước Toà án với tư cách là nguyên đơn và người có nghĩa vụ liên quan hoặc phải chịu trách nhiệm tham gia vụ kiện ở vị trí bị đơn »[12].

Như vậy, đối với các tố quyền đối nhân, do tính cách đối nhân của nghĩa vụ, người có quyền chỉ có thể yêu cầu người có nghĩa vụ thi hành nghĩa vụ, và về nguyên tắc thì ngoài trái chủ ra không một người nào khác có thể có yêu cầu đó đối với người có nghĩa vụ. Nói cách khác, nghĩa vụ không có hiệu lực với những người thứ ba. Cơ sở của tố quyền đối nhân chính là quan hệ về nghĩa vụ, mà trong đó bên có nghĩa vụ đã không thực hiện nghĩa vụ của mình dẫn tới bên chủ thể có quyền phải cầu viện tới sự can thiệp của công lý để buộc bên có nghĩa vụ phải thi hành nghĩa vụ của họ. Các nghĩa vụ này có thể có nguồn gốc từ hợp đồng, hoặc do pháp luật quy định như hành vi pháp lý đơn phương, gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật, thực hiện công việc không có uỷ quyền.

Khi thực hiện tố quyền đối nhân, việc kiện của người có quyền nhằm hướng tới hành vi thi hành nghĩa vụ của chính bản thân người có nghĩa vụ, cho nên việc kiện này còn gọi là kiện trái quyền. Do vậy, khi chủ thể mang quyền trong các quan hệ về hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc các quan hệ khác về nghĩa vụ thực hiện việc khởi kiện thì họ sẽ trở thành nguyên đơn dân sự trong vụ kiện.

Tuy nhiên, một ngoại lệ đặt ra khi nghiên cứu về tố quyền gián tiếp (action oblique) trong tố tụng dân sự Pháp là, nhà lập pháp cho phép chủ nợ (người có quyền) có thể kiện người mắc nợ của người có nghĩa vụ đối với mình (kiện người thứ ba), với điều kiện chứng minh được người có nghĩa vụ là chủ của một món nợ đã đến hạn và việc người này trì hoãn không kiện đòi nợ đã gây khó khăn cho chủ nợ trong việc thu hồi nợ. Về học lý, vấn đề người chủ nợ có một tố quyền riêng biệt với tư cách nguyên đơn hay chỉ là người đại diện, thay mặt người có nghĩa vụ với mình để đứng ra khởi kiện là chủ đề gây nhiều tranh luận giữa các nhà nghiên cứu của Pháp. Án lệ thương mại ngày 7/3/1956 đã khẳng định quyền khởi kiện của chủ nợ với tư cách nguyên đơn chứ không phải với tư cách đại diện cho người có nghĩa vụ của mình. Học lý tố tụng Pháp ngày nay đi theo chủ thuyết về quyền khởi kiện riêng biệt của chủ nợ đối với người thứ ba chứ không phải là kiện với tư cách người đại diện của người có nghĩa vụ nữa[13]. Xét ở Việt Nam, luật thực định dường như mới chỉ thừa nhận quyền của người được thi hành án trong việc yêu cầu kê biên tài sản của người thứ ba có nghĩa vụ trả nợ với người phải thi hành án nếu khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật[14]. Quyền khởi kiện trực tiếp của người được thi hành án đối với người thứ ba có nghĩa vụ với người phải thi hành án (hay suy rộng ra thì quyền khởi kiện của người có quyền đối với người thứ ba có nghĩa vụ với người có nghĩa vụ) chưa được pháp luật ghi nhận.

Đối với các tố quyền đối vật, việc kiện của chủ thể có quyền nhằm chống lại người đang chiếm giữ bất hợp pháp vật để thực thi quyền của mình đối với vật, hay còn gọi là kiện vật quyền. Việc kiện có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu hay người có quyền chiếm hữu hợp pháp vật trong quan hệ sở hữu, chiếm hữu tài sản hoặc chủ thể có quyền sử dụng đất trong quan hệ sử dụng đất. Chủ sở hữu, người có quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản, người có quyền sử dụng đất thực hiện quyền khởi kiện người đang chiếm hữu bất hợp pháp để đòi lại tài sản hoặc thực hiện quyền chiếm hữu của mình với tư cách là nguyên đơn dân sự. Ngoài ra, chủ sở hữu, người có quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản cũng được coi là nguyên đơn, trong trường hợp họ khởi kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực thi quyền của mình đối với tài sản[15]. Theo cách phân loại trong tố tụng dân sự Pháp và học lý trước đây ở Việt Nam thì việc kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực thi quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản cũng được coi là kiện vật quyền[16]. Có lẽ cũng cần phải mở rộng hơn khái niệm kiện vật quyền, có nghĩa là kiện vật quyền không chỉ giới hạn ở việc kiện đòi lại vật mà còn bao hàm cả việc kiện nhằm thực thi quyền sở hữu, quyền chiếm hữu đối với vật như yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực thi quyền của mình đối với tài sản.

- Quyền khởi kiện của chủ thể có quyền nhân thân trong các quan hệ nhân thân:

Như đã phân tích ở trên, các tố quyền nhân thân được các tố tụng gia Pháp đồng nhất với các tố quyền đối nhân vì lý do sự tiện lợi về thủ tục và vì quan niệm các tố quyền đối nhân được mở rộng đối với tất cả các tố quyền không là tố quyền đối vật. Xét thực tiễn lập pháp của Việt Nam thì tố quyền này thông thường gắn liền với những cá nhân nhất định là chủ thể của quan hệ nhân thân. Trong một số trường hợp nhà làm luật có thể mở rộng tố quyền nhân thân đối với một số chủ thể xác định. Song cần nhìn nhận rằng, chỉ những chủ thể mang quyền trong quan hệ nhân thân mới có thể trở thành đương sự với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ kiện dân sự hay người có yêu cầu trong các việc dân sự thuộc loại này (thuật ngữ nguyên đơn, người có yêu cầu ở đây được sử dụng theo tinh thần của luật thực định).

Theo quan niệm này, nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu ly hôn là vợ hoặc người chồng ; người có yêu cầu trong việc huỷ hôn nhân trái pháp luật, không công nhận quan hệ vợ chồng chỉ thuộc về các bên có quan hệ hôn nhân; người yêu cầu thực thụ với tư cách là đương sự trong việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là người con nuôi đã thành niên hoặc cha, mẹ nuôi ; nguyên đơn trong vụ kiện xác định cha, mẹ cho con là người con và ngược lại, nguyên đơn là người cha, người mẹ trong vụ kiện xác định con cho cha, mẹ ; người con chưa thành niên là đương sự với tư cách người có yêu cầu trong việc yêu cầu hạn chế quyền của mẹ, cha đối với con chưa thành niên.

b) Quyền khởi kiện của chủ thể có quyền lợi nhưng không phải là chủ thể của quan hệ pháp luật có tranh chấp :

Chúng ta lần lượt xét tới quyền khởi kiện của người thế quyền, người kế quyền và các chủ thể khác trong các vụ việc liên quan đến quan hệ tài sản.

- Quyền khởi kiện của chủ thể thế quyền

Về học lý, trong các quan hệ về tài sản, do tính chất đối nhân của nghĩa vụ nên người ta không thể tự ý thay đổi chủ thể của quan hệ nghĩa vụ. Tuy nhiên, cần phải xét tới các trường hợp ngoại lệ, liên quan tới việc chuyển quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Pháp luật cho phép bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu và có thể đứng đơn kiện với tư cách là nguyên đơn dân sự để yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, pháp luật cũng hạn định những trường hợp, theo đó chỉ những chủ thể có quyền lợi trong quan hệ nguyên thuỷ với người có nghĩa vụ mới có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ và như vậy, chỉ có những chủ thể này mới có thể khởi kiện với tư cách nguyên đơn. Cụ thể là người có quyền được cấp dưỡng đối với các yêu cầu cấp dưỡng ; người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại đối với các yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do xâm phạm đến tính mạng ; người bị thiệt hại về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc người có quyền trong trường hợp bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu (Điều 309, 609, 610 BLDS).

- Quyền khởi kiện của các chủ thể kế quyền

Việc kế thừa các quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ tài sản được đặt ra đối với các trường hợp hợp nhất pháp nhân, sáp nhập pháp nhân, chia tách pháp nhân (các điều 94, 95, 96 BLDS 2005). Pháp nhân mới được kế thừa các quyền của pháp nhân trước đó có quyền khởi kiện đối với các chủ thể có nghĩa vụ để bảo vệ các quyền lợi của mình. Đối với trường hợp chủ sở hữu, người có quyền sử dụng đất hoặc chủ thể của các quan hệ hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã chết thì những người thừa kế của họ có quyền khởi kiện đối với các chủ thể chiếm hữu bất hợp pháp tài sản hoặc có nghĩa vụ. Đối với các trường hợp nêu trên, chủ thể kế quyền thực hiện việc khởi kiện với tư cách là nguyên đơn trong vụ kiện.

Ngoài ra, trường hợp nguyên đơn là cá nhân chết khi đang tham gia vụ kiện hoặc đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì các chủ thể có quyền kế thừa sẽ tiếp tục tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn[17].

- Quyền khởi kiện của chủ thể mang quyền đối với người thứ ba

Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện nay thì, trong trường hợp cần xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác mà các bên không thoả thuận được thì người được thi hành án có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần tài của người phải thi hành án[18].

Theo hướng dẫn trước đây thì, đối với trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch đó[19]. Rất tiếc là sau khi có Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 (PLTHADS) thì, cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Thế nhưng, xét theo quy định tại Điều 129 BLDS thì, « Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu ». Như vậy, người phải thi hành án có quyền khởi kiện với tư cách nguyên đơn để yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch mà người phải thi hành án đã ký kết với người khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Kết quả nghiên cứu cho thấy quy định này trong pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với tố quyền phế bãi hay kiện yêu cầu huỷ bỏ giao dịch trong học thuyết về tố quyền của Pháp. Nếu nhìn rộng ra thì vấn đề này cũng đã từng được ứng dụng trong việc xây dựng các quy định về thủ tục phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam (xem các điều 43, 44 Luật Phá sản 2004).

2.1.2. Quyền khởi kiện của các chủ thể không có quyền lợi trong vụ kiện

- Quyền khởi kiện với tư cách là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn

Về nguyên tắc chủ thể có quyền lợi trong vụ kiện đã thực hiện việc khởi kiện hay được người khác khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho họ được coi là nguyên đơn. Người khởi kiện để bảo vệ quyền lợi ích của người khác, tuỳ trường hợp sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật hay đại diện theo uỷ quyền.

Như đã phân tích ở trên, trong các quan hệ nhân thân chủ thể mang quyền có thể khởi kiện với tư cách là nguyên đơn trong vụ kiện, hoặc người yêu cầu trong việc dân sự không có tranh chấp, trong khi đó các chủ thể khác không phải là chủ thể của quan hệ nhân thân thì mặc dù được nhà lập pháp thừa nhận có quyền khởi kiện hay quyền yêu cầu cũng chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của đương sự mà thôi. Như vậy, những cá nhân sau đây sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của đương sự : Cha, mẹ của người kết hôn trái pháp luật có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật (Điều 15 LHN); cha, mẹ của người con nuôi chưa thành niên có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi (Điều 77 LHN); mẹ, cha hoặc người giám hộ có yêu cầu xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi…(Điều 66 LHN) ; cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên có yêu cầu hạn chế quyền của mẹ, cha đối với con chưa thành niên.

Về học lý, người đại diện theo pháp luật của đương sự phải là một cá nhân cụ thể có năng lực hành vi dân sự. Thế nhưng, luật thực định và thực tiễn xét xử lại thừa nhận tư cách đại diện theo pháp luật của đương sự đối với các tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người khác như công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án tranh chấp về lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể người lao động ; uỷ ban về dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ khởi kiện trong các vụ kiện về cấp dưỡng ; xác định cha, mẹ, con hoặc yêu cầu giải quyết các việc về hôn nhân gia đình như huỷ việc kết hôn trái pháp luật, chấm dứt việc nuôi con nuôi hạn chế quyền của mẹ, cha đối với con chưa thành niên. Như vậy, trong trường hợp công đoàn cấp trên, cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ có yêu cầu Toà án giải quyết các vụ việc nêu trên thì các chủ thể này tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của đương sự.

Một vướng mắc đặt ra là, đối với các chủ thể có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự vì lợi ích của pháp luật (cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ) yêu cầu huỷ hôn nhân trái luật giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, hôn nhân vi phạm độ tuổi hoặc chế độ một vợ, một chồng mà người được bảo vệ lại khước từ quyền được bảo vệ thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể này như thế nào, họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của đương sự hay có tư cách tố tụng độc lập khác ? Có lẽ, đây vẫn là một lỗ hổng trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta tiếp tục xét tới quyền khởi kiện hay quyền yêu cầu của các chủ thể không có quyền lợi trong vụ việc với tư cách nguyên đơn.

- Quyền khởi kiện của các chủ thể không có quyền lợi trong vụ việc với tư cách nguyên đơn

Về nguyên tắc, nguyên đơn phải là chủ thể được giả thiết có quyền lợi bị tranh chấp hay vi phạm. Tuy nhiên, luật thực định thừa nhận quyền khởi kiện vụ án dân sự của các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách và tư cách nguyên đơn của các chủ thể này (các điều 56, 162 BLTTDS). Theo cách giải thích của Toà án nhân dân tối cao thì cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước là cơ quan, tổ chức có những nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng; cơ quan Văn hoá – Thông tin có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi xâm phạm di sản văn hoá thuộc sở hữu toàn dân phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra[20].

Có thể nhận thấy rằng, trong trường hợp cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu huỷ hôn nhân trái luật giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, hôn nhân vi phạm độ tuổi hoặc chế độ một vợ, một chồng (ngay cả khi người được bảo vệ khước từ quyền được bảo vệ) thì thực chất việc thực hiện quyền yêu cầu của các cơ quan này là vì lợi ích của pháp luật. Do vậy, trong trường hợp này, các tố quyền hay quyền yêu cầu Toà án của các chủ thể này có cùng bản chất với quyền khởi kiện của các cơ quan, tổ chức để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước theo khoản 3 Điều 162 BLTTDS. Vậy trong những trường hợp này có thể coi cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ là nguyên đơn trong việc dân sự hay không?

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn theo quan niệm đương sự trong tố tụng dân sự được đồng nhất hoá với chủ thể của các quan hệ pháp luật có tranh chấp. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn nếu chúng ta có một góc nhìn khác : nguyên đơn trong tố tụng, bao gồm nguyên đơn dân sự là người khởi kiện hoặc được người khác khởi kiện để bảo vệ các quyền lợi của họ đang bị tranh chấp hoặc vi phạm và nguyên đơn hay nguyên đơn theo nghĩa tố tụng là người khởi kiện vì lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc vì lợi ích của pháp luật. Đối với các việc dân sự không có tranh chấp chúng ta vẫn có thể sử dụng thuật ngữ « nguyên đơn dân sự » để chỉ những chủ thể có quyền lợi trong vụ việc và có đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự. Chủ thể này thoả mãn hai điều kiện hiện hữu, theo nguyên nghĩa hán việt của từ là có đơn yêu cầu (không phải là đơn kiện) và có quyền lợi liên quan. Đối với các chủ thể có yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng không có quyền lợi liên quan có thể được xác định là « nguyên đơn » hay nguyên đơn theo nghĩa tố tụng. Theo quan niệm này có thể xếp các chủ thể có tố quyền vì lợi ích của pháp luật (cơ quan dân số – gia đình và trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ) yêu cầu huỷ hôn nhân trái luật giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, hôn nhân vi phạm độ tuổi hoặc chế độ một vợ, một chồng mà người được bảo vệ lại khước từ quyền được bảo vệ và các chủ thể khởi kiện vì lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn hay nguyên đơn theo nghĩa tố tụng.

Luật thực định hiện nay sử dụng thuật ngữ « Người có đơn yêu cầu »[21] trong việc dân sự, trong khi đó, về phương diện lý thuyết, đa số các tác giả đều tán đồng quan điểm của nhà lập pháp với quan niệm rằng, trong việc dân sự không có tranh chấp thì chủ thể có đơn yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách « người yêu cầu » trong việc dân sự[22]. Việc sử dụng thuật ngữ « Người có đơn yêu cầu » hay « người yêu cầu » trong việc dân sự là nhằm phân biệt với « nguyên đơn » trong vụ kiện dân sự. Tuy nhiên, theo phân tích trên, nếu xét theo nguyên nghĩa hán việt của từ, tuỳ theo trường hợp có thể sử dụng thuật ngữ « nguyên đơn dân sự » hay « nguyên đơn » để chỉ những chủ thể có yêu cầu giải quyết việc dân sự. Có thể nhận thấy rằng, trước khi nhà lập pháp xây dựng thủ tục giải quyết việc dân sự trong BLTTDS 2004 thì, theo quan niệm truyền thống, trong một vụ kiện có thể hình thành hai bên đương sự đối lập là nguyên đơn và bị đơn, trong việc dân sự không hình hai bên nguyên đơn và bị đơn[23] mà chỉ có nguyên đơn. Như vậy, hoàn toàn có thể quan niệm trong một việc dân sự không có tranh chấp, tuỳ theo trường hợp, chủ thể có yêu cầu giải quyết việc dân sự có thể tham gia tố tụng với tư cách « nguyên đơn dân sự » hay « nguyên đơn ».

Một biệt lệ trong pháp luật thi hành án Việt Nam, là nhà làm luật cho phép trong trường hợp cần xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác mà các bên không thoả thuận được thì chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết (Đ 41 PLTHA). Quy định này dường như xâm lấn quyền tự định đoạt của người được thi hành án và có lẽ sẽ gây ra không ít tranh luận về việc xác định tư cách tố tụng của chấp hành viên trong vụ kiện ! Thiết nghĩ, quy định này chỉ có tính hợp lý nếu việc kê biên tài sản là nhằm thi hành các khoản về án phí hoặc các khoản phải thu về cho ngân sách nhà nước. Như vậy, về học lý thì chỉ cơ quan thi hành án mới được coi là chủ thể có quyền khởi kiện với tư cách nguyên đơn để bảo vệ lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực thi hành án chứ không phải là chấp hành viên.

2.2. Người bị kiện và việc xác định tư cách tham gia tố tụng của họ

Trên đây, chúng ta đã phân tích về việc phân loại tố quyền trong tố tụng dân sự Việt Nam và Pháp. Việc xác định người đi kiện có quyền kiện ai là trên cơ sở họ kiện theo quan hệ pháp luật nào, kiện về vấn đề gì. Như vậy, bản chất của tố quyền sẽ là cơ sở xác định bị đơn trong vụ kiện.

Đối với kiện trái quyền, việc kiện của người có quyền nhằm hướng tới hành vi thi hành nghĩa vụ của chính bản thân người có nghĩa vụ đối với mình. Do vậy, chủ thể mang quyền chỉ có thể kiện người có nghĩa vụ trong các quan hệ về hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc các quan hệ khác về nghĩa vụ và người bị kiện sẽ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn. Trái lại, đối với kiện vật quyền thì người cho rằng mình thực thụ có một quyền lợi đối vật có thể kiện để chống lại tất cả các chủ thể có hành vi xâm phạm tới vật. Chủ sở hữu, người có quyền chiếm hữu hợp pháp tài sản, người có quyền sử dụng đất thực hiện quyền khởi kiện người đang chiếm hữu bất hợp pháp để đòi lại tài sản hoặc khởi kiện người có hành vi cản trở trái pháp luật việc thực thi quyền của mình đối với tài sản. Người bị khởi kiện trong những trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ kiện.

Luận thuyết này từ lâu cũng đã được khẳng định trong đường lối xét xử (hay án lệ) về dân sự của Toà án nhân dân tối cao « Địa vị tố tụng của mỗi đương sự trong một vụ kiện phản ánh quan hệ giữa các đương sự với nhau trong một quan hệ pháp luật nhất định nào đó: người có quyền lợi bị xâm phạm ra trước Toà án với tư cách là nguyên đơn và người có nghĩa vụ liên quan hoặc phải chịu trách nhiệm tham gia vụ kiện ở vị trí bị đơn »[24]. Thế nhưng theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì, « Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm » (khoản 3 Điều 56 BLTTDS 2004). Như vậy, nhà lập pháp dường như đã đồng nhất bị đơn với người bị kiện. Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi quan niệm rằng bị đơn trong vụ án dân sự là người bị khởi kiện do giả thiết đã xâm phạm tới quyền lợi của nguyên đơn theo quy định của pháp luật hoặc có tranh chấp với nguyên đơn.

Theo phân tích ở trên, người cho rằng mình có quyền lợi bị tranh chấp hay vi phạm có quyền khởi kiện nhưng không có nghĩa là họ có quyền khởi kiện bất kỳ ai. Việc kiện của nguyên đơn, giả thiết của họ về ai là người xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải dựa trên cơ sở một quan hệ pháp luật nhất định, căn cứ vào các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật này để xác định người mà họ có quyền đi kiện. Về học lý, điều này chính là sự phản ánh mối quan hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng dân sự – điều mà các học giả của cả Đông Âu và Tây Âu đã khẳng định[25]. Dù dưới góc nhìn học thuật, lập pháp hay thực tiễn thì cũng cần phải xoay quanh mối liên hệ cơ bản này, với chủ đích là đạt tới sự tiệm cận giữa pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung. Tuy việc kiện của nguyên đơn chỉ là một suy đoán về việc người bị kiện có hành vi trái pháp luật hay trách nhiệm nhưng suy đoán đó không phải là một giả tưởng mà phải là một suy đoán có căn cứ dựa trên cơ sở pháp luật.

Trong thực tiễn tố tụng dân sự Việt Nam, đôi khi do trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên người đi kiện đã xác định và khởi kiện không đúng người mà mình có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, nguyên đơn kiện về hợp đồng ký kết với công ty nhưng lại không khởi kiện công ty – chủ thể có quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng mà khởi kiện chi nhánh của công ty ; chủ sở hữu kiện đòi động sản phải đăng ký quyền sở hữu đang bị người thứ ba chiếm hữu trái pháp luật nhưng lại không khởi kiện người đang chiếm hữu mà khởi kiện người được chủ sở hữu giao quản lý tài sản ; người bị thiệt hại kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng lại khởi kiện người không có trách nhiệm phải bồi thường…v.v. Trong những trường hợp đặc biệt này, với tư cách là cơ quan bảo vệ công lý và cầm cân nảy mực thì vai trò đôn đốc và hướng dẫn thủ tục tố tụng của Toà án là hết sức cần thiết. Khi nhận đơn khởi kiện thì bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện thụ lý, Toà án có thể định hướng cho nguyên đơn xác định lại chủ thể mà họ có quyền khởi kiện. Việc định hướng của Tòa án sẽ tránh được thời gian giải quyết vụ kiện bị kéo dài và các tổn phí tố tụng không đáng có mà nguyên đơn phải gánh chịu do hậu quả của việc xác định không đúng bị đơn trong vụ kiện.

Có thể kết luận là việc xác định tư cách bị đơn trong vụ kiện phải căn cứ vào những nguyên tắc mà chúng ta đã phân tích ở trên. Sau đây là một số trường hợp đặc biệt, cần được lưu tâm :

Về kiện vật quyền : Theo đường lối xét xử về dân sự trước đây của Toà án nhân dân tối cao, đối với việc xác định ai là bị đơn trong vụ kiện đòi quyền sở hữu tài sản mà tài sản đó đã được chuyển nhượng qua nhiều người thì cần chú ý là « Khi bị người khác chiếm hữu bất hợp pháp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu tài sản có quyền khởi kiện đối với người đang chiếm hữu hoặc người mà chủ sở hữu đã giao quyền chiếm hữu tài sản đó. Trong trường hợp này bị đơn là người bị chủ sở hữu tài sản khởi kiện, còn những người khác có liên quan đến tài sản tranh chấp thì Toà án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi liên quan… »[26]. Như vậy, đường lối vận dụng trong thực tiễn đôi khi tỏ ra mềm dẻo và không hoàn toàn đi theo học thuyết về kiện vật quyền.

Thế nhưng, xét theo pháp luật dân sự hiện hành thì, đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chủ sở hữu chỉ có quyền kiện người chiếm hữu ngay tình để đòi lại tài sản trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu (kiện vật quyền). Như vậy, trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu không có quyền kiện người chiếm hữu để đòi lại tài sản mà phải kiện người đã được chủ sở hữu giao quyền chiếm hữu tài sản để yêu cầu bồi thường theo hợp đồng (kiện trái quyền) (các điều 257, 258 BLDS). Có thể kết luận là riêng đối với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì tuỳ theo việc kiện là vật quyền hay trái quyền mà bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hoặc người được chủ sở hữu giao quyền chiếm hữu. Về điểm này Điều 2279 BLDS Pháp cho phép chủ sở hữu đầu tiên có thể kiện đòi vật ngay cả khi vật bị đánh mất hoặc bị mất trộm sau khi đã thanh toán cho người chiếm hữu số tiền đã bỏ ra mua vật.

• Đối với kiện trái quyền, việc kiện của người có quyền nhằm hướng tới hành vi thi hành nghĩa vụ của chính bản thân người có nghĩa vụ có nguồn gốc từ các quan hệ về hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc các quan hệ khác về nghĩa vụ và người bị kiện sẽ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn. Tuy nhiên, đối với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới thì bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (Điều 298 BLDS). Trong trường hợp này, bị đơn trong vụ kiện là một trong số những người có nghĩa vụ liên đới bị nguyên đơn khởi kiện, những người có nghĩa vụ liên đới còn lại sẽ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Đối với các quan hệ bảo lãnh thì chủ nợ có thể khởi kiện bên bảo lãnh để yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong trường hợp các bên có thoả thuận thì chủ nợ có thể khởi kiện bên bảo lãnh để yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. (Điều 361 BLDS).Như vậy, việc chủ nợ khởi kiện người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng hay khởi kiện người bảo lãnh theo quan hệ bảo lãnh để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ phải căn cứ vào các điều kiện luật định. Điều kiện này là cơ sở pháp lý để xác định bị đơn trong vụ kiện. Bị đơn sẽ là người bảo lãnh nếu nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu không thỏa mãn các điều kiện này thì người bị kiện hay bị đơn phải là người có nghĩa vụ theo quan hệ hợp đồng.

- Trong các quan hệ nghĩa vụ về tài sản thì, về nguyên tắc người có quyền chỉ có thể khởi kiện người có nghĩa vụ đối với mình, thế nhưng cũng cần phải xét tới trường hợp chuyển nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ chỉ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ với điều kiện được bên có quyền đồng ý. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ (Điều 309, Điều 315 BLDS). Trong trường hợp này, người có quyền đã đồng ý cho bên có nghĩa vụ chuyển nghĩa vụ cho người thứ ba thì về nguyên tắc chỉ có thể khởi kiện người người thế nghĩa vụ mà không thể khởi kiện người có nghĩa vụ trước đó.

- Đối với việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người bị thiệt hại phải khởi kiện người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và trong trường hợp này người bị khởi kiện là bị đơn. Việc xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự đối với từng trường hợp cụ thể. Riêng đối với việc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra, việc xác định tư cách đương sự đã được hướng dẫn rất cụ thể trong Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng [27]. Đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng cần căn cứ vào nghị quyết này để xác định người có trách nhiệm trong quan hệ bồi thường và tư cách bị đơn sẽ thuộc về người có trách nhiệm bồi thường bị khởi kiện.

Trên đây, là một vài suy nghĩ cá nhân về quyền khởi kiện và việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong tố tụng dân sự. Đây là một vấn đề phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu thêm, với tấm lòng thành thật, tôi rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên xung quanh vấn đề này.


[1] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, Procédure civile, Droit interne et droit communautaire, Dalloz, 28 édition 2006, p. 128.

[2] Raymond Guillien et Jean Vincent, Lexique des termes juridiques, édition Dalloz 2001, p. 17.

[3] Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hoà Pháp, Nxb Chính trị quốc gia 1998.

[4] Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1964, tr. 46.

[5] N. FRICERO, Procédure civile, 5 édition Gualino éditeur, 2007, p. 26.

[6] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sách đã dẫn (sđd), tr. 506.

[7] Phan Hữu Thư, Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học pháp lý Hà Nội, 1991, tr. 67 ; Nguyễn Công Bình, Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND 2003, tr. 52, 53.

[8] Hervé CROZE, Christian MOREL, Olivier FRADIN, Procédure civile, édition Litec 2001, p. 123.

[9] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 127

[10] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 127.

[11] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 138

[12] Công văn số 5 NCPL ngày 29/6/1966 của Toà án nhân dân tối cao về tư cách bị đơn trong vụ kiện dân sự.

[13] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 166.

[14] Khoản 4 Điều 21 Nghi định 173 ngày 30/9/2004 Quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.

[15] Phó giáo sư. Tiến sĩ. Đinh Văn Thanh, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb CAND, 2006, tập 1, tr. 282 tới tr. 288.

[16] Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 137, 143, 148, 149 ; Nguyễn Huy Đẩu, Luật dân sự tố tụng Việt Nam, Xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Sài Gòn 1962, tr. 72, 73, 81, 82, 88.

[17] Điều 62 BLTTDS 2004.

[18] Điều 41 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004.

[19] Mục IV, Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT- BTP – VKSTC ngày 26/2/2001.

[20] Mục I. 2 Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

[21] Các Điều 313, 319, 324, 330, 335 BLTTDS 2004

[22] ThS. Bùi Thị Huyền, TS. Lê Thu Hà, Giáo trình Luật tố tụng dân sự, Học viện Tư pháp, Nxb CAND 2007, tr. 464, 474, 498 ; TS. Nguyễn Công Bình, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND 2008, tr. 109.

[23] Hoàng Ngọc Thỉnh, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND 1998, tr. 8.

[24] Công văn số 5 NCPL ngày 29/6/1966 của Toà án nhân dân tối cao về tư cách bị đơn trong vụ kiện dân sự.

[25] Mác – Ănghen, tập 1, 1955, tr. 158 ; Serge Guinchard et Frédérique Ferrand, sđd, tr. 129.

[26] Công văn số 35/1999/KHXX ngày 26-4-1999 của TANDTC.

[27] Vấn đề này trước đây đã được hướng dẫn trong Bản hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự kèm theo Thông tư số 96 NCPL ngày 8/2/1977 của TANDTC.

SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN SỐ 23, THÁNG 12 NĂM 2008 - TS. TRẦN ANH TUẤN – Khoa Pháp luật dân sự, ĐH Luật Hà Nội

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)