Mục lục bài viết
- 1. Cơ sở pháp lý
- 2. Thẩm quyền trưng cầu giám định là gì?
- 2.1. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp trong tố tụng hình sự
- 2.2. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
- 3. Nội dung văn bản trưng cầu giám định là gì?
- 4. Người trung cầu giám định tư pháp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
- 5. Người yêu cầu giám định tư pháp là ai? Người yêu cầu giám định có quyền và nghĩa vụ gì?
- 6. Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp là gì?
Kính thưa luật sư, xin luật sư cho biết thẩm quyền trưng cầu giám định được quy định như thế nào? Văn bản trưng cầu giám định cần đảm bảo có những nội dung nào? Người trưng cầu giám định có quyền và nghĩa vụ ra sao theo quy định pháp luât? Rất mong được luật sư giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Trần Nghĩa - Hà Giang
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi năm 2020)
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2. Thẩm quyền trưng cầu giám định là gì?
2.1. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp trong tố tụng hình sự
- Thủ trưởng cơ quan điều tra (điểm d khoản 2 Điều 36 BLTTHS) hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự (khoản 3 Điều 36 BLTTHS); Viện trưởng Viện kiểm sát (điểm đ khoản 2 Điều 41 BLTTHS) hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng (khoản 3 Điều 41 BLTTHS) và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS).
- Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp trong một số trường hợp phạm tội quả tang, vụ việc đơn giản....
2.2. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Thẩm phán có thẩm quyền trưng cầu giám định theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết
3. Nội dung văn bản trưng cầu giám định là gì?
Quyết định trưng cầu giám định phải bằng văn bản và có đủ các nội dung sau đây:
- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
- Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định;
- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
- Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;
- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.
Quyết định trưng cầu giám định được giao hoặc gửi cùng hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định (khoản 3 Điều 205 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại.
4. Người trung cầu giám định tư pháp có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Chào luật sư, theo em được biết việc giám định tư pháp được thực hiện thông qua việc trưng cầu giám định hoặc yêu cầu giám định. Vậy trong trường hợp trưng cầu giám định tư pháp thì người trưng cầu giám định có quyền và nghĩa vụ như thế nào theo quy định của pháp luật? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Chân thành cảm ơn!
Người gửi: Đoàn Huệ - Hà Nội
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
Bạn có thể tìm hiểu về nội dung này tại Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi năm 2020) để nắm cụ thể hơn về căn cứ pháp lý.
Về quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp được quy định tại Điều 21 Luật giám định tư pháp như sau:
Thứ nhất, quyền của người trưng cầu giám định:
- Trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thực hiện giám định;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.
Thứ hai, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định:
- Xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;
- Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
- Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;
- Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp
5. Người yêu cầu giám định tư pháp là ai? Người yêu cầu giám định có quyền và nghĩa vụ gì?
Xin chào công ty luật Minh Khuê. Theo tôi được cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thực hiện việc giám định thông qua trưng cầu giám định và yêu cầu giám định của người yêu cầu giám định. Vậy xin luật sư giải đáp giúp tôi người yêu cầu giám định tư pháp là gì? Họ có quyền và nghĩa vụ ra sao theo quy định pháp luât? Rất mong được luật sư giải đáp. Chân thành cảm ơn!
Người gửi: Hoàng Huân - Nghệ An
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. (khoản 3 Điều 2 Luật giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi năm 2020)
Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
- Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;
- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;
- Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.
Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp được quy định tại Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi năm 2020). Cụ thể:
Thứ nhất, quyền của người yêu cầu giám định:
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
- Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;
- Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định.
Thứ hai, Nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp:
- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;
- Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
6. Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp là gì?
Thưa luật sư, hiện tại tôi đang tìm hiểu về hoạt động giám định tư pháp. Xin luật sư cho hỏi pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp? Vấn đề này tôi có thể tìm hiểu ở văn bản pháp lý nào? Rất mong nhận được giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Trần Kiên - Vĩnh Phúc
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thắc mắc tới công ty luật Minh Khuê. Nội dung bạn hỏi chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:
Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Như vậy không chỉ có giám định viên tư pháp mới được tiến hành hoạt động giám định tư pháp mà còn có giám định tư pháp theo vụ việc.
Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp được quy định tại Điều 23 Luật giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi năm 2020). Cụ thể:
Thứ nhất, Quyền của người thực hiện giám định tư pháp:
- Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;
- Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;
- Độc lập đưa ra kết luận giám định.
- Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;
- Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;
- Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Thứ hai, Nghĩa vụ của người giám định tư pháp:
- Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp;
- Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;
- Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;
- Lập hồ sơ giám định;
- Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
- Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;
- Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người giám định tư pháp có quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "Thẩm quyền trung cầu giám định? Người yêu cầu giám định là gì? Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu và người yêu cầu giám định tư pháp?".
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Bộ phận tư vấn pháp luật hành chính - Công ty luật Minh Khuê