Mục lục bài viết
1. Cầm cố tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 309. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, Cầm cố hiểu theo nghĩa thông thường là cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố sẽ xử lý tài sản cầm cố để bù trừ nghĩa vụ.
Cầm cố là một biện pháp bảo đảm có tính hiệu quả nhất trong các biện pháp bảo đảm, bởi vì người nhận cầm cố giữ tài sản của bên cầm cổ cho nên khi xử lý tài sản cầm cố sẽ thuận lợi và thanh toán nghĩa vụ kịp thời.
2. Đặc điểm của quan hệ cầm cố tài sản
Quan hệ cầm cố tài sản có những đặc điểm pháp lý riêng so với các biện pháp bảo đảm khác như sau:
– Quan hệ cầm cố đòi hỏi phải có sự chuyển giao tài sản bảo đảm từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố quản lý trong thời hạn của hợp đồng cầm cố.
– Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Quan hệ cầm đồ là một hình thức phát triển của quan hệ cầm cố mang tính chất chuyên nghiệp dưới dạng là một dịch vụ kinh doanh tiền tệ có biện pháp bảo đảm là cầm cố; được gọi là cầm đồ. Bên nhận cầm đồ phải là chủ thể có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lãi suất cho vay, bảo quản và xử lý tài sản cầm đồ…
3. Hình thức của cầm cố tài sản
Bộ luật dân sự 2015 không xác định rõ hình thức của cầm cố tài sản, Theo Điều 310 Bộ luật dân sự 2015:
Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, ta có thể kết luận hợp đồng cầm cố tài sản có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản, trong trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải lập thành văn bản thì hợp đồng cấm cố tài sản mới phải thể hiện bằng văn bản.
Nếu hợp đồng cầm cố tài sản được lập thành văn bản thì không nhất thiết phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên thì các bên có thể thỏa thuận cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực. Khi có tranh chấp liên quan đến tài sản cầm cố thì hợp đồng cầm cố tài sản sẽ là một chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên. Vì thực tế, có nhiều trường hợp các bên thỏa thuận biện pháp đảm bảo là cầm cố tài sản nhưng hai bên không lập thành văn bản nên rất khó chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
4. Đăng ký biện pháp cầm cố tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Đăng ký biện pháp đảm bảo được hiểu là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.
Theo khoản 2 Điều 310 Bộ luật dân sự 2015:
Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy, Nếu tài sản cầm cố là bất động sản thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Nếu tài sản cầm cố không phải là bất động sản thì việc cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
- Việc đăng ký biện pháp đảm bảo được thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tùy thuộc vào loại tài sản cầm cố mà thẩm quyền đăng ký sẽ thuộc về các cơ quan khác nhau. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 102/2017/NĐ-CP thì:
Điều 9. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
1. Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay.
2. Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu biển.
3. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký đất đai) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
4. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là Trung tâm Đăng ký) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
- Hồ sơ đăng ký biện pháp cầm cố:
Đăng ký cầm cố tài sản là quyền sử dụng đất, hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu đăng ký
- Hợp đồng cầm cố
- Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất
- Và một số giấy tờ khác tùy từng trường hợp cụ thể
Hay hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay: Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay sau đây:
- Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);
- Hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
5. Xử lý tài sản cầm cố
Bên nhận cầm cố có quyền xử lí tài sản cầm cố nếu thuộc các trường hợp:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định
Bên nhận cầm cố và bên cầm có có thể thỏa thuận biện pháp xử lí tài sản bảo đảm sau đây:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Việc bán đấu giá tài sản cầm cố được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Việc tự bán tài sản cầm cố của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật dân sự và quy định sau đây:
- Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật dân sự 2015.
- Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
Trước khi xử lí tài sản cầm cố thì bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
6. Cầm cố tài sản khác gì so với cầm giữ tài sản?
- Căn cứ pháp lí: Điều 309 và Điều 346 Bộ luật dân sự 2015:
- Định nghĩa:
+ Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
+ Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Căn cứ pháp sinh:
+ Cầm cố tài sản: được các bên thỏa thuận là một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng ngay từ thời điểm thỏa thuận để ký kết hợp đồng.
+ Cầm giữ tài sản: có thể phát sinh mà không cần có sự thỏa thuận của các bên ngay từ khi giao kết hợp đồng.
- Đối tượng của biện pháp đảm bảo:
+ Cầm cố tài sản: Tài sản cầm cố bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
+ Cầm giữ tài sản: Tài sản cầm giữ là đối tượng của hợp đồng song vụ để bảo đảm cho chính việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị cầm giữ đó.
- Thời điểm chiếm hữu tài sản:
+ Cầm cố tài sản: Các bên thực hiện cầm cố tài sản trước khi hoặc ngay từ khi hợp đồng giao kết, đến thời điểm bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ tài sản cầm cố được đưa ra để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài sản cầm cố được đưa ra để xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
+ Cầm giữ tài sản: Cầm giữ tài sản chỉ bắt đầu khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và nó kết thúc khi bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế; Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ; Nghĩa vụ đã được thực hiện xong; Tài sản cầm giữ không còn; Theo thỏa thuận của các bên
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Trân trọng./.