Mục lục bài viết
1. Thơ lục bát là gì?
Lục bát là thể thơ độc đáo của văn học Việt Nam, rất thông dụng trong văn chương và trong đời sống. Đúng như tên gọi, một cặp câu thơ cơ bản gồm một câu 6 âm tiết và 1 câu 8 âm tiết, phối vần với nhau. Một bài thơ lục bát gồm nhiều câu tạo thành không hạn chế số câu. Đây là thể thơ được dùng chủ yếu trong ca dao, dân ca.
Có thể nói, thơ lục bát là niềm tự hào của dân tộc Việt. Và càng tự hào hơn nữa khi bản sắc văn hóa dân tộc Việt đã được nhân loại biết đến, khẳng định và tôn vinh. Để đạt được những chiến công vang dội đó, chúng ta đã luôn nỗ lực cống hiến, không ngừng tìm kiếm, lựa chọn, sàng lọc, kế thừa, phát huy, sáng tạo đổi mới tạo cho lục bát sự tinh luyện, thù biệt. "Nếu như người Anh, người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haikư, người Trung Quốc có Đường thi…, thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ lục bát. Đó là một trong những thể thơ đã có tự ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói: ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam".
Ví dụ:
Người đi theo gió đuổi mây
Tôi buồn nhặt nhạnh tháng ngày lãng quên
Em theo hú bóng kim tiền
Bần thần tôi ngẫm triền miên thói đời.
>> Xem thêm: Đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát chọn lọc hay nhất
2. Nguồn gốc hình thành thể thơ lục bát
Dọc theo tiến trình hình thành và phát triển thể loại tại Việt Nam, có rất nhiều thể thơ khác nhau, mỗi thể đều có nguồn gốc nhất định, trong đó lục bát là thể thơ dân gian có nguồn gốc từ ca dao. Đây là "một thể câu thơ cách luật mà các thể thức được tập trung thể hiện trong một khổ gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng sáu tiếng (câu lục) và dòng tám tiếng (câu bát)". Lục bát là thể thơ rất dễ nhận, dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ nhất bởi nó mang âm hưởng dân gian phù hợp với người Việt Nam "âm điệu trên sáu dưới tám. Bắt đầu bằng câu sáu, tiếp theo là câu tám cứ như thế diễn đạt cho đến hết bài" cách gieo vần uyển chuyển, linh hoạt, nhịp điệu trầm bổng du dương. Khác với các thể thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ, hay bảy chữ, lục bát không mang trong mình sự đài các, cao sang, trang trọng, không ồn ào mãnh liệt, cũng không não nề thê lương, lục bát mang trong mình những cảm xúc mênh mang, dạt dào, tha thiết. Chính vì thế mà thiên truyện Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết bằng thể thơ lục bát và dù đã được viết cách đây mấy thế kỉ nhưng vẫn hiện hữu ở đây.
3. Quá trình phát triển của thể thơ lục bát
Từ ngày đầu sơ khai thể loại, cũng giống như thể song thất lục bát, thơ lục bát vẫn còn chưa định dạng hoàn chỉnh (dạng 4+4/6 hoặc 4/4+4), cấu trúc lỏng lẻo, xô bồ, âm luật không rõ ràng, gieo vần cả ở tiếng thứ tư và tiếng thứ sáu. Theo thời gian cấu trúc câu thơ được hoàn thiện dần dần, số câu gieo vần ở tiếng thứ tư giảm dần. Đến đỉnh cao Truyện Kiều thì thơ lục bát Việt Nam bước vào giai đoạn ổn định về cấu trúc thể loại, cách thức gieo vần, phối điệu thống nhất hài hòa đăng đối và ngày càng khởi sắc hơn. Trong câu thơ đã chấm dứt hoàn toàn hiện tượng kí sinh từ, vế đối hoàn chỉnh, trong dòng thơ lục bát có thể đối ý, đối vế, làm cho câu thơ trở nên súc tích cô đọng, nhịp điệu thơ dồn nén.
>> Xem thêm: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát Việt Nam quê hương ta
4. Đặc điểm thơ lục bát
4.1. Niêm, vần, luật
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Trong sáng tác thơ ca thường có hai cách gieo vần: Gieo vần giữa câu (yêu vận hay vần lưng), gieo vần cuối câu (cước vận hay vần chân). Lục bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam có thể kết hợp hài hòa cả hai kiểu gieo vần trên. Vì thế trong quá trình nghiên cứu ta có thể thấy trong thơ lục bát hoặc là gieo vần lưng hoặc là kết hợp cả vần lưng và vần chân. Tiếng Việt là ngôn ngữ phong phú, giàu ngữ nghĩa, đa âm điệu với sáu thanh sắc cơ bản: sắc, hỏi ngã, nặng, bằng, không và được chia làm hai nhóm: thanh bằng (bằng, không); thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Thông thường, lục bát luôn gieo vần ở thanh bằng và được sắp xếp theo mô hình sau:
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
Lục | - | B | - | T | - | BV | ||
Bát | - | B | - | T | - | BV | - | BV |
Trong đó, B: bằng; T: trắc; V: vần.
4.2. Nhịp điệu
Trong mỗi thể thơ đều có một nhịp điệu thơ phổ biến, riêng biệt nhằm biểu hiện ngữ nghĩa và các sắc thái tình cảm của tác giả. Nhịp điệu lại biến hóa linh hoạt trong từng dòng thơ, đoạn thơ, bài thơ với những độ dài ngắn khác nhau, cân xứng hay không cân xứng. Về cơ bản một cặp thơ lục bát bao gồm 14 chữ. Trong 14 chữ đó tùy từng ngữ cảnh câu thơ lại được ngắt nhịp theo từng tiết tấu khác nhau của từ vựng. Có một số cách ngắt nhịp mà ta thường thấy trong thể thơ lục bát là:
Thứ nhất, ngắt nhịp theo dạng nhịp chẵn, đặc biệt là cách ngắt nhịp đôi.
Ví dụ:
Rủ nhau/ xuống biển/ mò cua
Đem về/ nấu quả/ mơ chua/ trên rừng
Ai ơi/ chua ngọt/ đã từng
Gừng cay/ muối mặn/ xin đừng /quên nhau.
Thứ hai, cách ngắt nhịp ba cũng khá quen thuộc trong thơ lục bát, thường thấy ngắt nhịp nhiều ở câu lục, giữa hai vế thường có dấu phẩy ngăn cách.
Ví dụ:
Cây đa cũ,/ bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ
Có thể nói, ngắt nhịp chẵn làm cho câu thơ nhịp nhàng, cân đối, nhưng nếu sử dụng thường xuyên trong cấu trúc bài thơ nếu không khéo rất dễ đẩy câu thơ, bài thơ đến chỗ đơn điệu. Vì vậy để câu thơ trở nên uyển chuyển, tùy theo tiết tấu và ngữ điệu cụ thể, có thể ngắt nhịp lẻ hoặc chẵn.
4.3. Đối
Đối không phải là đặc điểm cần phải có trong thơ lục bát, bởi "lục bát là lối văn có vần mà không đối nhau", nhưng hình thức đối lại được dùng khá phổ biến trong thơ lục bát, đặc biệt là trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, và đã mang lại những hiệu quả nghệ thuật độc đáo, đặc sắc riêng của Nguyễn Du. Hình thức này xuất hiện cả trong văn học dân gian và văn học viết với những mức độ đậm nhạt khác nhau. Có các dạng đối như: đối chọi, đối cân, đối thanh, đối ý, đối cả thanh lẫn ý, tiểu đối.
- Trên đồng cạn/dưới đồng sâu
- làn thu thủy/nét xuân sơn
- Ngựa xe như nước/áo quần như nen
- người quốc sắc/kẻ thiên tài
4.4. Các biến thể của thơ lục bát
Thơ lục bát thường có quy định rõ ràng về niêm luật, cấu trúc. Tuy nhiên trong thực tế nó lại luôn biến hóa rất linh hoạt, sinh động uyển chuyển.
- Biến thể về cách gieo vần
Lục bát thường gieo vần chân và vần lưng, chữ sáu dòng lục hiệp vần với chữ sáu dòng bát, chữ tám dòng bát lại hiệp vần với chữ sáu dòng lục và thường gieo vần ở thanh bằng, cứ như thế cho đến hết bài. Cũng có một vài trường hợp gieo vần ở thanh trắc:
Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi
- Biến thể trong cấu trúc câu thơ
Cấu trúc thường thấy của câu thơ lục bát là (6/8), dòng lục sáu chữ, dòng bát tám chữ. Bên cạnh đó còn có một số dạng khác của thơ lục bát, hiện tượng này ta hay thấy trong ca dao và và trong thơ lục bát hiện đại.
Ví dụ:
Mèo khen mèo dài đuôi
Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo
>> Tham khảo: Học từ vựng tiếng anh bằng thơ lục bát
Trên đây là những kiến thức liên quan đến thể thơ lục bát mà bạn đọc nên biết. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!