Luật sư tư vấn:

Hộ chiếu là giấy tờ quan trọng đối với mỗi cá nhân, nó được coi như là giấy tờ tùy thân và nó có hiệu lực trên tất cả quốc gia trên thế giới. Như vậy, trẻ em khi chưa có chứng minh thư hay căn cước công dân thì có được làm hộ chiếu hay không?

1. Hộ chiếu là gì? Quy định về hộ chiếu cho trẻ em?

Hộ chiếu là giấy tờ do Chính phủ cấp để công dân của quốc gia đó có thể xuất cảnh sang đất nước khác cũng như nhập cảnh trở lại nước mình. Có thể coi hộ chiếu như một loại giấy thông hành hay chính là chứng minh nhân dân phiên bản quốc tế của một công dân.

Hộ chiếu cung cấp các thông tin cơ bản như: ảnh, họ và tên, ngày tháng năm sinh, ngày cấp, ngày hết hạn, quốc tịch, chữ ký hộ chiếu… của chủ sở hữu. Hộ chiếu Việt Nam luôn ghi rõ ngày tháng năm sinh để tránh trường hợp nhầm lẫn do trùng hợp các thông tin khác.

- Các loại hộ chiếu của Việt Nam

Theo quy định hiện hành, Hộ chiếu Việt Nam gồm ba loại: Hộ chiếu ngoại giao, Hộ chiếu công vụ và Hộ chiếu phổ thông. Như tên gọi của nó, hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ được cấp cho các cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử hoặc cho phép đi nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan đó. Trong khi đó, Hộ chiếu phổ thông là loại thông dụng nhất hiện nay và được cấp cho mọi công dân Việt Nam. Do đó, trong hầu hết mọi trường hợp, bạn chỉ cần đến hộ chiếu phổ thông mà thôi. hộ chiếu trẻ em được hiểu là hộ chiếu phổ thông cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi. Đối với trẻ em dưới 9 tuổi: Làm hộ chiếu riêng hoặc cấp chung vào hộ chiếu của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó

Hộ chiếu phổ thông có màu xanh lá. Kích thước hộ chiếu phổ thông là 15,5 cm x 10,5 cm gồm 32 trang. Bốn trang đầu tiên cung cấp thông tin cá nhân của người sở hữu, 28 trang còn lại để đóng dấu xuất, nhập cảnh và visa.

- Công dụng của hộ chiếu: Hộ chiếu hay Passport công dụng chính được dùng như để nhận dạng thông tin của người sở hữu. Còn theo định nghĩa trên trang của chính phủ thì hộ chiếu hay passport là giấy phép được quyền xuất cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.

* Điểm khác biệt với hộ chiếu người lớn

Thứ nhất: Làm hộ chiếu không cần có mặt trẻ em

Trẻ em không cần phải có mặt khi làm hộ chiếu, cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông là được.

Thứ hai: Có thời hạn sử dụng ngắn hơn và không được gia hạn

Hộ chiếu trẻ em có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

Khác với hộ chiếu phổ thông dành cho người trên 14 tuổi có thời hạn 10 năm và được cấp lại khi hộ chiếu còn hạn (điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP).

Thứ ba: Không làm hộ chiếu online riêng cho trẻ được

Hiện nay, có nhiều tỉnh, thành đã triển khai làm thủ tục hộ chiếu online. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng đối với người trên 14 tuổi và đề nghị cấp chung hộ chiếu với con dưới 9 tuổi.

Còn trẻ em dưới 14 tuổi cấp riêng hộ chiếu sẽ không thực hiện online được.

2, Thời hạn đối với hộ chiếu phổ thông của trẻ em

Hộ chiếu phổ thông có thời hạn trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp. Sở hữu loại hộ chiếu này, bạn có quyền đến những quốc gia cho phép nhập cảnh. Nếu quốc gia đó yêu cầu visa thì bạn cần tiến hành xin visa để có thể nhập cảnh hợp pháp. Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

Hộ chiếu cấp chung cho công dân Việt Nam và trẻ em dưới 09 tuổi là con của công dân đó cũng có thời hạn 5 năm. Trường hợp bổ sung con dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của mình thì thời hạn của hộ chiếu sau khi bổ sung như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 136/2007/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 94/2015/NĐ-CP.

- Hộ chiếu còn thời hạn không quá 05 năm thì thời hạn của hộ chiếu được giữ nguyên;

- Hộ chiếu còn thời hạn trên 05 năm thì thời hạn của hộ chiếu được điều chỉnh xuống còn 05 năm.

Ví dụ: Bạn có hộ chiếu cấp ngày 03/01/2015, ngày 23/05/2017 bạn yêu cầu cấp hộ chiếu con trai bạn chung với hộ chiếu của bạn. Đến ngày 23/05/2022, thời hạn về hộ chiếu của con trai bạn đã hết mà thời hạn hộ chiếu của bạn còn những 3 năm nữa. Vậy sau đó bạn phải xin tách tên con ra khỏi hộ chiếu hoặc rút ngắn thời hạn hộ chiếu của bạn chứ không được phép gia hạn them thời hạn cho con trai bạn.

Việc làm thủ tục để chung hộ chiếu của con với hộ chiếu của cha mẹ không được khuyến khích. Bởi lẽ, khi hộ chiếu của cha mẹ có thời hạn còn hơn 5 năm thì phải điều chỉnh lại thời hạn của hộ chiếu đó. Bên cạnh đó, thủ tục tách hộ chiếu của con ra khỏi hộ chiếu của cha mẹ cũng phải tốn thời gian và công sức hơn là việc để riêng hộ chiếu của con so với hộ chiếu của cha mẹ.

Như vậy, trẻ em sinh ra có thể được làm hộ chiếu riêng, Tuy nhiên, do trẻ em lớn lên sẽ có nhiều đặc điểm cơ thể thay đổi, nên việc nhận dạng sẽ khó khăn hơn, vì thế thời hạn hộ chiếu của trẻ em 5 năm là phù hợp với thực tế.

3. Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ dưới 14 tuổi

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai hộ chiếu dành cho trẻ em có xác nhận tại Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú vào tờ khai và đóng dấu giáp lai ảnh

- 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu

- 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm

- Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân của cha hoặc mẹ (người đi nộp)

- Mang sổ hộ khẩu bản gốc hoặc chứng thực; sổ tạm trú nếu hộ khẩu ngoại tỉnh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Lên phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh/thành phố nộp hồ sơ

- Lệ phí làm hộ chiếu trẻ em: 200.000 đồng

- Thời gian làm hộ chiếu trẻ em: 8 ngày làm việc

Bước 3: Nhận hộ chiếu

Nhận hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh

Hiện tại một số địa phương đã áp dụng hình thức trả hộ chiếu qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ của người xin cấp hộ chiếu.

4. Thủ tục cấp chung với hộ chiếu cha, mẹ (trẻ em 0 - 9 tuổi)

Thủ tục này cũng được thực hiện với trường hợp cha, mẹ, người giám hộ đề nghị bổ sung con dưới 9 tuổi vào hộ chiếu của mình. Lưu ý, nộp kèm theo hồ sơ hộ chiếu của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ còn thời hạn ít nhất 01 năm (điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 25/2016/TT-BCA).

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai xin cấp hộ chiếu có xác nhận tại Công an xã, phường nơi thường trú hoặc tạm trú vào tờ khai hộ chiếu.

- 02 ảnh hộ chiếu cho trẻ cỡ 3cm x 4cm. 02 ảnh hộ chiếu của cha, mẹ cỡ 4cm x 6cm (Phông nền trắng, đầu để trần, không đeo kính màu, mặt nhìn thẳng, chụp không quá 03 tháng)

- 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu

- Chứng minh thư/thẻ căn cước công dân còn hạn của cha hoặc mẹ (người ghép chung hộ chiếu)

- Mang sổ hộ khẩu bản gốc hoặc chứng thực; sổ tạm trú nếu hộ khẩu ngoại tỉnh.

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ tại phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh/thành phố nộp hồ sơ

- Lệ phí làm hộ chiếu cha, mẹ kèm theo trẻ em: 250.000 đồng

- Thời gian làm hộ chiếu: 8 ngày làm việc

Bước 3: Nhận hộ chiếu

Nhận hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh

Có thể nhận kết quả tại địa chỉ đã đăng ký với doanh nghiệp bưu chính khi nộp hồ sơ.

5. Thủ tục tách tên con khỏi hộ chiếu của cha mẹ

Bước 1: Cha hoặc mẹ khai trực tuyến tại địa chỉ web chính thức của Bộ Công an

Bước 2: Chuẩn bị 01 tờ khai của trẻ em có đóng dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú và 2 ảnh 4x6 cm của trẻ em.

Bước 3: Nộp lại hộ chiếu của Cha (hoặc Mẹ).

Lưu ý:

Hộ chiếu của cha/mẹ có tên trẻ em cần tách tên sẽ phải nộp lại cho cơ quan chức năng để làm thủ tục. Do đó trong thời gian làm thủ tục thì hộ chiếu của quý vị sẽ không được sử dụng vào các mục đích khác như xin cấp visa.

6. Thủ tục xuất nhập cảnh cho trẻ em

Câu hỏi: Con trai tôi 13 tuổi, hè năm nay tôi quyết định cho con đi theo trương trình trại hè quốc tế tại Singapo. Xin hỏi luật sư, nếu không có cha mẹ đi cùng, trẻ em phải thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh như thế nào theo đúng quy định?

Trả lời:

* Trường hợp thứ nhất, trẻ em có người đi kèm:

Người đi kèm trẻ lên tàu bay không nhất thiết phải là bố mẹ, anh chị em ruột, người thân ...cũng không yêu cầu người đi kèm phải có giấy ủy quyền.

- Khi đó thủ tục được tiến hành như sau:

Trẻ em dưới 14 tuổi có người đi kèm không cần giấy cam kết vận chuyển giữa hãng hàng không và người đại diện theo pháp luật của trẻ em đó nhưng vẫn phải có một trong các loại giấy tờ sau:

- Hộ chiếu;

- Giấy khai sinh;

- Giấy chứng sinh (đối với trường hợp dưới 1 tháng tuổi, chưa có giấy khai sinh);

- Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (có giá trị sử dụng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày xác nhận).

* Trường hợp thứ hai, trẻ em đi một mình:

Cụ thể, giấy tờ của hành khách dưới 14 tuổi đi một mình trên các chuyến bay nội địa gồm:

- Hộ chiếu hoặc giấy khai sinh, giấy chứng sinh (đối với trường hợp dưới 1 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh); giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (có giá trị sử dụng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày xác nhận).

- Giấy cam kết của người đại diện theo pháp luật (là giấy cam kết vận chuyển giữa hãng hàng không và người đại diện theo pháp luật của hành khách đó như cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ. Giấy này không bắt buộc phải có xác nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

- Đối với trẻ từ 12-14 tuổi: được phép đi một mình nhưng phải có giấy khai sinh và bản cam kết (theo mẫu) của người đại diện hợp pháp. Khi làm thủ tục tại sân bay phải có người đại diện hợp pháp đứng ra làm thủ tục tại quầy check-in.