Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm về trợ cấp thương tật
- 2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
- 3. Các loại trợ cấp cho người bị tai nạn lao động
- 3.1. Trợ cấp 1 lần
- 3.2. Trợ cấp hàng tháng
- 3.3. Trợ cấp 1 lần khi đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà ra nước ngoài định cư
- 3.4. Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
- 3.5. Trợ cấp phục vụ
- 3.6. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị
- 3.7. Trợ cấp 1 lần khi chết
- 4. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng khi lương cơ sở tăng
- 5. Thời gian hưởng trợ cấp tai nạn lao động là bao lâu?
1. Khái niệm về trợ cấp thương tật
Trợ cấp thương tật là khoản trợ cấp cho người bị suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo quy định của pháp luật.
Trợ cấp thương tật thường là một nội dung cơ bản trong các quy định bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có nhiều công ước về vấn đề này như các công ước số 37 (năm 1933), số 128 (năm 1967)...
Ở Việt Nam, chế độ trợ cấp thương tật được quy định từ những năm 50 thế kỉ XX, gắn bó chặt chẽ với chế độ bảo hiểm xã hội. Trước đây, trợ cấp thương tật chỉ áp dụng đối với công nhân, viên chức nhà nước, nay được mở rộng cho mọi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, mất sức lao động vì bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo Bộ luật lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002), tuỳ thuộc vào tỉ lệ thương tật mà người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội trợ cấp một lần hoặc hàng tháng. Nếu suy giảm từ 5% đến 30% khả năng lao động thì được trợ cấp một lần với các mức 4 tháng, 8 tháng hoặc 12 tháng lương tối thiểu (tuỳ vào khung tỉ lệ thương tật). Nếu suy giảm từ 31% khả năng lao động trở lên được trợ cấp hàng tháng với các mức từ 0,4 tháng đến 1,6 tháng lương tối thiểu (tuỳ vào khung tỉ lệ thương tật). Khi vết thương do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tái phát, người lao động được điều chỉnh lại mức trợ cấp thương tật phù hợp với tÏ lệ thương tật mới (nếu cỏ). Nếu doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức trợ cấp thương tật quy định trong luật bảo hiểm, nếu đủ điều kiện luật định.
2. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Theo quy định Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy doanh nghiệp cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
+ Trên đoạn đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và cung đường hợp lý;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Không thanh toán các chế độ bảo hiểm cho người lao động:
- Do mâu thuẫn của chính mình với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;
- Cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định.
>> Tham khảo: Thủ tục giám định thương tật thực hiện ở đâu? Thời gian, chi phí?
3. Các loại trợ cấp cho người bị tai nạn lao động
Theo Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, căn cứ tình trạng, mức độ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động giám định lần đầu mà người lao động có thể được nhận một hoặc nhiều khoản trợ cấp khác nhau.
3.1. Trợ cấp 1 lần
Mức trợ cấp 1 lần | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động |
| = | {5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin} | + | {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L} |
Trong đó:
- Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).
- L: Mức lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
- t: Tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Ví dụ:
Anh A bị tai nạn lao động tháng 8/2019. Sau khi điều trị, anh A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 20%. Anh có 14 năm tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động. Mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tháng 7/2019 là 5,2 triệu đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Anh A thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động 1 lần với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
5 x 1,49 + (20 - 5) x 0,5 x 1,49 = 18,625 triệu đồng
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động:
0,5 x 5,2 + (14 - 1) x 0,3 x 5,2 = 22,88 triệu đồng
- Mức trợ cấp một lần của anh A là:
18,625 + 22,88 = 41,505 triệu đồng
3.2. Trợ cấp hàng tháng
Trợ cấp hàng tháng | = | Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động | + | Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động |
| = | {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} | + | {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L} |
Trong đó:
- Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
- m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).
- L: Mức lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
- t: Tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Ví dụ:
Bà B trên đường ra công trường bị tai nạn giao thông vào tháng 8/2019. Sau khi điều trị, bà B được giám định có mức suy giảm khả năng lao động là 40%.
Bà có 12 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động. Mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tháng 7/2019 là 6,4 triệu đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Bà B thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng với mức trợ cấp được tính như sau:
- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:
0,3 x 1.490.000 + (40 - 31) x 0,02 x 1.490.000 = 715.200 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động:
0,005 x 6.400.000 + (12 - 1) x 0,003 x 6.400.000 = 243.200 (đồng/tháng)
- Mức trợ cấp hằng tháng của bà B là:
715.200 + 243.200 = 958.400 (đồng/tháng)
3.3. Trợ cấp 1 lần khi đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà ra nước ngoài định cư
Mức trợ cấp 1 lần = 3 x Mức trợ cấp đang hưởng.
3.4. Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
Người bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng.
3.5. Trợ cấp phục vụ
(Áp dụng với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần)
Mức trợ cấp phục vụ hàng tháng = Mức lương cơ sở
Đây là khoản phụ cấp tăng thêm ngoài khoản trợ cấp hàng tháng nêu trên.
3.6. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị
Mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x Mức lương cơ sở
Trong đó: Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc sau điều trị mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức từ 05 - 10 ngày:
- Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
- Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%;
- Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%.
3.7. Trợ cấp 1 lần khi chết
(Áp dụng cho thân nhân của người bị tai nạn lao động chết)
Mức trợ cấp 1 lần = 36 x Mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết
Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thân nhân của người lao động còn được hưởng chế độ tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành:
- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Trên đây là những khoản trợ cấp khi người lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động lần đầu do tai nạn lao động. Với những trường hợp được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật tái phát, người lao động còn được hỗ trợ thêm một số khoản khác.
>> Tham khảo: Mẫu đơn đề nghị, yêu cầu giám định thương tật, thương tích
4. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng khi lương cơ sở tăng
Trợ cấp 1 lần tăng tối thiểu 550.000 đồng (dành cho người lao động - NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30%)
Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) năm 2015 quy định: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Điều này đồng nghĩa với việc: Từ 1-1-2020, suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 7,45 triệu đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 745.000 đồng. Từ 1-7-2020, suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 8 triệu đồng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 800.000 đồng.
Ngoài mức trợ cấp nêu trên, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN): Dưới 1 năm tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm 01 năm đóng thì được tính thêm 0,3 tháng lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ, BNN.
Trợ cấp hàng tháng tăng ít nhất 33.000 đồng/tháng (dành cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên)
Khoản 2, điều 49 Luật AT-VSLĐ 2015 quy định mức trợ cấp hàng tháng như sau: NLĐ suy giảm 31% khả năng lao động thì hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Từ 1-1-2020: Suy giảm 31% khả năng lao động, NLĐ được hưởng 447.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 29.800 đồng/tháng. Từ 1-7-2020: Suy giảm 31% khả năng lao động, NLĐ được hưởng 480.000 đồng/tháng, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 32.000 đồng/tháng.
Ngoài mức trợ cấp này, hàng tháng NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN: Dưới 1 năm tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm 1 năm đóng thì được thêm 0,3% mức lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị TNLĐ, BNN.
Trợ cấp phục vụ tăng 110.000 đồng/tháng (dành cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần)
Theo điều 52 Luật AT-VSLĐ: Ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi tháng, những lao động này còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Từ 1-1-2020: Trợ cấp phục vụ = 1,49 triệu đồng/tháng. Từ 1-7-2020: Trợ cấp phục vụ = 1,6 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tăng thêm 33.000 đồng/ngày (dành cho NLĐ trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi)
Điều 54 Luật AT-VSLĐ hiện hành nêu rõ: Mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Trong đó, NLĐ được nghỉ tối đa 10 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; 7 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31 - 50%; 5 ngày nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 15 - 30%. Từ 1-1-2020: NLĐ được trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 447.000 đồng/ngày. Từ 1-7-2020: Mức trợ cấp tăng lên 480.000 đồng/ngày, cao hơn trước 33.000 đồng/ngày.
Tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cũng tăng (dành cho người sử dụng lao động - NSDLĐ có lao động phải đào tạo để chuyển đổi nghề)
Để bảo đảm ổn định công việc và thu nhập cho NLĐ, điều 55 Luật này quy định: Người bị TNLĐ, BNN được NSDLĐ sắp xếp công việc mới, nếu phải đào tạo để chuyển đổi nghề thì được hỗ trợ học phí. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.
Trong trường hợp này, NSDLĐ sẽ nhận được: Từ 1-1-/2020: Không quá 22,35 triệu đồng/người lao động. Từ 1-7-2020: Không quá 24 triệu đồng/NLĐ.
Trợ cấp khi NLĐ chết tăng mạnh nhất (dành cho thân nhân của NLĐ chết do TNLĐ, BNN)
Theo quy định tại điều 53: Ngoài chế độ tử tuất theo Luật BHXH, thân nhân NLĐ chết do TNLĐ, BNN còn được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Từ 1-1-2020: Thân nhân được nhận 53,64 triệu đồng. Từ 1-7-2020: Thân nhân được nhận 57,6 triệu đồng (tăng tới 3,96 triệu đồng).
Như vậy, chỉ với việc tăng lương cơ sở đã kéo theo hàng loạt các khoản trợ cấp TNLĐ, BNN cùng tăng.
5. Thời gian hưởng trợ cấp tai nạn lao động là bao lâu?
Câu hỏi: Em tôi bị tai nạn lao động, tỉ lệ thương tật 34%. Theo tôi biết với tỉ lệ thương tật này, em tôi sẽ được hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng. Vậy thời gian được hưởng trợ cấp này kéo dài bao lâu?
trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Thay mặt Luật Minh Khuê tôi xin đưa ra lời giải đáp như sau:
Theo quy định tại điều 47 và điều 48 Luật BHXH năm 2014, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp theo quy định nêu trên, hằng tháng NLĐ còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH. Cụ thể, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng NLĐ điều trị xong, ra viện. Căn cứ các quy định trên thì trường hợp em của anh Lê sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng từ khi điều trị xong, ra viện cho đến cuối đời.