Mục lục bài viết
- 1. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa Việt Nam trước đổi mới (1975 - 1986).
- 2. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).
- 3. Câu hỏi thường gặp về lịch sử phát triển sản xuất hàng hoá ở Việt Nam
- 3.1 Việt Nam thời kỳ bao cấp chủ yếu gồm các ngành nào?
- 3.2 Việt Nam thời kỳ bao cấp chủ yếu gồm Lực lượng lao động nào?
- 3.3 Sản xuất hàng hóa Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)?
1. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa Việt Nam trước đổi mới (1975 - 1986).
Việt Nam thời kỳ bao cấp chủ yếu gồm các ngành đó là nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Công nghiệp được chia thành công nghiệp nặng (như điện, than, gang thép, chế tạo máy công cụ,… ); công nghiệp hóa chất; công nghiệp nhẹ; công nghiệp thực phẩm (thuốc lá, đường mật, rượu bia, đồ hộp,… ). Lực lượng lao động gồm công nhân, nông dân và lao động tri thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV khẳng định sản xuất xã hội chủ nghĩa tức là nền kinh tế dựa vào hai thành phần kinh tế cơ bản: quốc doanh (trong công và thương nghiệp) và tập thể (trong nông nghiệp với hợp tác xã cấp cao làm nòng cốt).
Trong một thời kỳ rất dài, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia cho rằng sản xuất hàng hóa ra đời dựa trên hai điều kiện đó là phân công lao động xã hội và sự ra đời của chế độ tư hữu. Chính vì nhận thức như vậy, với điều kiện thứ hai là sự ra đời của chế độ tư hữu, quan niệm rằng sản xuất hàng hóa tồn tại gắn liền với chế độ tư hữu (tức là chỉ tồn tại trong xã hội có chế độ tư hữu). Do đó, các nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội trong đó có Việt Nam với mục đích là xây dựng chế độ công hữu, xóa bỏ chế độ tư hữu. Với quan niệm rằng sản xuất hàng hóa không tồn tại trong chế độ công hữu hay không tồn tại trong chế độ xã hội, các quốc gia đi theo con đường chủ nghĩa xã hội (trong đó có Việt Nam) áp dụng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, phủ nhân sự tồn tại của sản xuất hàng hóa, phủ nhận sự tồn tại của thành phần kinh tế tư nhân. Vì thế, trong thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, sản xuất hàng hóa chỉ mang tính hình thức, có sự phân công lao động nhưng không có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất.
Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn; định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương... đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch cấp phát vốn, vật tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước bù, lãi thì Nhà nước thu.
Quan hệ hàng hóa – tiền tệ bị coi nhẹ, chỉ là hình thức, quan hệ vật là chủ yếu. Nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ “cấp phát – giao nộp”. Vì vậy, rất nhiều hàng hóa quan trọng như sức lao động, phát minh sáng chế, tư liệu sản xuất quan trọng không được coi là hàng hóa về mặt pháp lý.
Trước đổi mới, do chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, chúng ta xem kế hoạch hóa là đặc trưng quan trọng nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, phân bổ mọi nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu; coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh, và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể, tư nhân. Nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng. Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh: "Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam... Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng "phá rào" trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương. Nhưng phải đợi đến đổi mới (tháng 12/1986) mới có biến chuyển thực sự. Do tình trạng đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong 10 năm trước đổi mới chỉ tăng 35%, trong thời gian đó dân số tăng 22%. Như vậy, GDP đầu người trung bình tăng chỉ độ 1% (mỗi năm)"[2]
Qua trên ta thấy, các cơ chế chính sách trong thời bao cấp của Việt Nam không phù hợp với quy luật của sản xuất hàng hóa, thậm chí đi ngược lại với quy luật của sản xuất hàng hóa.
>> Tham khảo: Sản xuất hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa
2. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).
Dưới áp lực của tình thế khách quan, nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Việt Nam đã quyết định xóa bỏ cơ chế quản lý cũ, bắt đầu thực hiện phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ở nước ta đang tồn tại hệ thống phân công lao động do lịch sử để lại với nhiều ngành nghề. Với sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều ngành nghề mới xuất hiện làm cho sự phân công lao động ở nước ta trở nên phong phú hơn, nó tạo điều kiện cho hàng hóa phát triển. Phân công lao động xã hội với tư cách là cơ sở của trao đổi chẳng những không mất đi, trái lại ngày một phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Xét về phạm vi, phân công lao động xã hội không chỉ diễn ra trên phạm vi quốc gia mà còn mở rộng trên quy mô quốc tế. Nền kinh tế của mỗi quốc gia trở thành bộ phận của nền kinh tế thế giới, cùng hợp tác, các quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển. Mỗi quốc gia chỉ lựa chọn phát triển một số ngành, một số lĩnh vực phát triển lợi thế của quốc gia mình. Việt Nam trên thế giới là một đất nước thuận lợi về phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm của nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới (sau Thái Lan). Phân công lao động xã hội đã phá vỡ các mối quan hệ truyền thống của nền kinh tế tự nhiên khép kín, tạo cơ sở thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất vào hệ thống của hợp tác lao động.
Sự phân công lao động của ta đã ngày càng chi tiết hơn đến từng ngành, từng cơ sở và ở phạm vi rộng hơn nữa là toàn bộ nền kinh tế quốc dân; có sự chuyên môn hóa hình thành các vùng kinh tế, các ngành kinh tế. Hiện nay, nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm đó là: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc); vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ (gồm Thừa thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ (gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang); và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau). Hiện nay ta đã có hàng loạt các thị trường được hình thành từ sự phân công lao động đó là: Thị trường công nghệ, thị trường các yếu tố sản xuất,…Tạo đà cho nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phát triển giúp ta nhanh chóng hoà nhập được với kinh tế trong khu vực và thế giới.
Sự tách biệt về mặt kinh tế giữa những người sản xuất được thể hiện rất rõ trong thời kỳ Việt Nam sau đổi mới. Việt Nam thừa nhận sự xuất hiện của tư hữu. Ngoài những doanh nghiệp nhà nước như: tập đoàn điện lực Việt Nam, tập đoàn dầu khí Việt Nam, tập đoàn xăng dầu Việt Nam, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, … Hiện nay còn có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam, đó là tập đoàn Vingroup, công ty cổ phần ôtô Trường Hải, công ty cổ phần tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, công ty cổ phần đầu thư thế giới di động, công ty cổ phần FPT,… Không những thế, các doanh nghiệp tư nhân còn có những thành tựu đáng ghi nhận trong sản xuất kinh doanh. Tại bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước, bao gồm các khối doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân - Vingroup đã vươn từ vị trí 28 năm ngoái lên vị trí 11 năm 2017.
Trong nền kinh tế đã và đang tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động: sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể của những người sản xuất hàng hoá nhỏ, sở hữu tư nhân TBCN, sở hữu hỗn hợp, đồng sở hữu,… tương ứng với nó là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp tư nhân,…
Sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng trực tiếp tư liệu sản xuất cũng được thể hiện rõ ràng. Ví dụ về doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước ở Việt Nam, quyền sở hữu là sở hữu Nhà nước (vốn đầu tư của Nhà nước, lợi nhuận thuộc về ngân sách Nhà nước và lỗ do Nhà nước chịu), Nhà nước có quyền quyết định “số phận” của doanh nghiệp: thành lập, giải thể, tổ chức lại, yêu cầu phá sản,…; quyết định điều lệ, mức vốn đầu tư (điều chỉnh, chuyển nhượng); quyết định cơ cấu tổ chức quản lý, bộ máy quản lý doanh nghiệp; quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phân phối lợi nhuận. Tuy nhiên, mặc dù quyền sở hữu là sở hữu Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước lại có quyền sử dụng trực tiếp tư liệu sản xuất. Đó là quyết định chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh quản lý quan trọng trong công ty; quyết định góp vốn, tăng giảm của công ty tại doanh nghiệp khác; quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể công ty; quy định quy chế quản lý nội bộ, tổ chức, quản lý điều hành doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật,….
Ví dụ như công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk (thuộc sở hữu nhà nước) có quyền quyết định về việc thực hiện kế hoạch quảng cáo sản phẩm. Vinamilk cũng là điển hình sự thành công của mô hình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước.
Chế độ xã hội hoá sản xuất giữa các ngành, các xí nghiệp trong cùng một hình thức sở hữu vẫn chưa đều nhau. Sở dĩ như vậy là do cơ cấu kinh tế của ta giờ là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, sự tồn tại của các thành phần kinh tế là một tất yếu khách quan. Ở nước ta cũng đang tồn tại quan hệ sở hữu đa dạng về tư liệu sản xuất và ứng với nền kinh tế nhiều thành phần. Điều đó tạo nên sự độc lập về mặt kinh tế giữa các thành viên, doanh nghiệp. Nó cũng có tác dụng làm cho hàng hóa phát triển.
Có thể thấy: Việt Nam hiện nay tồn tại đầy đủ hai điệu kiện của sản xuất hàng hóa. Do đó, sản xuất hàng hóa tồn tại ở Việt Nam là một tất yếu. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa lại mang tính hai mặt.
>> Tham khảo: Lao động cụ thể là gì? Lao động trừu tượng là gì? Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa
3. Câu hỏi thường gặp về lịch sử phát triển sản xuất hàng hoá ở Việt Nam
3.1 Việt Nam thời kỳ bao cấp chủ yếu gồm các ngành nào?
Chủ yếu gồm các ngành là nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp. Công nghiệp được chia thành công nghiệp nặng; công nghiệp hóa chất; công nghiệp nhẹ; và công nghiệp thực phẩm.
3.2 Việt Nam thời kỳ bao cấp chủ yếu gồm Lực lượng lao động nào?
Lực lượng lao động thời bao cấp chủ yếu gồm công nhân, nông dân và lao động tri thức. Nền kinh tế dựa vào hai thành phần kinh tế cơ bản: quốc doanh và tập thể.
3.3 Sản xuất hàng hóa Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay)?
Với sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều ngành nghề mới xuất hiện dẫn đến sự phân công lao động ở nước ta trở nên phong phú hơn, nó tạo điều kiện cho hàng hóa phát triển.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)