Mục lục bài viết
1. Bài tập về từ đồng âm (có đáp án)
Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh (thường là chữ viết giống nhau, đọc giống nhau) nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.
Bài 1: Phân biệt nghĩa của những từ đồng âm trong các cụm từ sau:
a) Đậu tương - Đất lành chim đậu – Thi đậu.
b) Bò kéo xe - 2 bò gạo - cua bò.
c) Sợi chỉ - chiếu chỉ - chỉ đường - chỉ vàng.
Đáp án
a) Đậu tương: đậu chỉ tên 1 loại đậu
Đất lành chim đậu: đậu chỉ hành động đứng trên mặt đất của loài chim
Thi đậu: đậu chỉ việc thi đỗ vào nguyện vọng mong muốn
b) bò kéo xe: bò chỉ con bò
2 bò gạo: bò chỉ đơn vị đo lường (đấu, long, nắm...)
cua bò: bò chỉ hành động di chuyển trên mặt đất bằng chân
c) sợi chỉ: chỉ là đồ vật dạng sợi dài, mảnh để may vá
chiếu chỉ: chỉ là thông báo của nhà vua viết trên giấy
chỉ đường: chỉ là hành động hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người khác
chỉ vàng: chỉ là đơn vị đo lường khối lượng vàng
Bài 2: Với mỗi từ, hãy đặt 2 câu để phân biệt các từ đồng âm: chiếu, kén, mọc.
Đáp án
Học sinh tham khảo các câu sau:
- chiếu:
Bố em đang lắp chiếc máy chiếu trước sân cho cả nhà cùng xem đá bóng.
Mẹ em đang lựa chọn một chiếc chiếu thật đẹp để trải trước sân để cả nhà ăn cơm
- kén:
Bà nội cẩn thận xếp từng chiếc kén tằm vào rổ.
Dì Trang là người rất kén chọn, mãi mà vẫn chưa mua được chiếc váy ưng ý.
- mọc:
Mấy hạt giống bà vừa gieo hôm qua, nay đã mọc mầm lên rồi.
Thấy chú Dương nhiệt tình mời mọc mãi, bà Tư cũng đồng ý sang chơi.
Bài 3: Với mỗi từ, hãy đặt 1 câu để phân biệt các từ đồng âm: Giá, đậu, bò, kho, chín.
Đáp án
Giá: Đói bụng, thằng Hùng cứ ước giá mà có một đĩa giá xào ở đây thì ngon biết mấy.
Đậu: Mẹ nấu cho anh một bát xôi đậu đỏ để cầu mong anh may mắn thi đỗ vào trường yêu thích.
Bò: Em bé cố sức bò về phía chú bò làm bằng bông dì Trang tặng.
Kho: Đang kho dở nồi cá, mẹ bỗng đi vội ra phía nhà kho để lấy thêm củi.
Chín: Ngoài vườn, bé đếm được có chín quả xoài đã chín vàng ươm.
>> Xem thêm: Từ đồng âm là gì? Công dụng, phân loại và Ví dụ về từ đồng âm
2. Bài tập về từ đồng nghĩa (kèm đáp án)
Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau
Bài 1: Phân biệt sắc thái nghĩa của những từ đồng nghĩa (được gạch chân) trong các dòng thơ sau:
a. Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao. (Nguyễn Khuyến)
b. Tháng Tám mùa thu xanh thắm. (Tố Hữu)
c. Một vùng cỏ mọc xanh rì. (Nguyễn Du)
d. Nhớ từ sóng Hạ Long xanh biếc. (Chế Lan Viên)
e. Suối dài xanh mướt nương ngô. (Tố Hữu)
Đáp án
a. Xanh ngắt: Xanh một màu xanh trên diện rộng.
b. Xanh tươi: Xanh tươi đằm thắm.
c. Xanh rì: Xanh đậm và đều như màu của cây cỏ rậm rạp.
d. Xanh biếc: Xanh lam đậm và tươi ánh lên.
e. Xanh mướt: Xanh tươi mỡ màng
Bài 2: Trong mỗi nhóm từ dưới đây, từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại:
a) Tổ tiên, tổ quốc, đất nước, giang sơn, sông núi, nước nhà, non sông, nước non, non nước.
b) Quê hương, quê quán, quê cha đất tổ, quê hương bản quán, quê mùa, quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn.
Đáp án
a) Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại: Tổ tiên
b) Từ nào không cùng nhóm với các từ còn lại: quê mùa
Bài 3: Tìm từ lạc trong dãy từ sau và đặt tên cho nhóm từ còn lại:
a) Thợ cấy, thợ cày, thợ rèn, thợ gặt, nhà nông, lão nông, nông dân.
b) Thợ điện, thợ cơ khí, thợ thủ công, thủ công nghiệp, thợ hàn, thợ mộc, thợ nề, thợ nguội.
c) Giáo viên, giảng viên, giáo sư, kĩ sư, nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo.
Đáp án
Từ lạc trong dãy từ là:
a) Thợ cấy, thợ cày, thợ gặt, nhà nông, lão nông, nông dân là các từ chỉ nông dân → Từ lạc: thợ rèn
b) Thợ điện, thợ cơ khí, thợ thủ công, thợ hàn, thợ mộc, thợ nề, thợ nguội là các từ chỉ công nhân và người sản xuất thủ công nghiệp → Từ lạc: thủ công nghiệp
c) Từ lạc: nghiên cứu → Các từ còn lại chỉ giới trí thức
Bài 4: Chọn từ ngữ thích hợp nhất trong các từ sau để điền vào chỗ trống: im lìm, vắng lặng, yên tĩnh. Cảnh vật trưa hè ở đây ..., cây cối đứng..., không gian..., không một tiếng động nhỏ.
Đáp án
Cảnh vật trưa hè ở đây yên tĩnh, cây cối đứng im lìm, không gian vắng lặng, không một tiếng động nhỏ.
Bài 5: Chọn từ ngữ thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu dưới đây:
a) Câu văn cần được (đẽo, gọt, gọt giũa, vót, bào) cho trong sáng và súc tích
b) Trên sân trường, mấy cây phượng vĩ nở hoa (đỏ au, đỏ bừng, đỏ đắn, đỏ hoe, đỏ gay, đỏ chói, đỏ quạch, đỏ tía, đỏ ửng).
c) Dòng sông chảy rất (hiền hoà, hiền lành, hiền từ, hiền hậu) giữa hai bờ xanh mướt lúa ngô. Hướng dẫn trả lời:
Điền vào các câu như sau:
a) Câu văn cần được gọt giũa cho trong sáng và súc tích
b) Trên sân trường, mấy cây phượng vĩ nở hoa đỏ au.
c) Dòng sông chảy rất hiền hoà giữa hai bờ xanh mướt lúa ngô.
Bài 6: Tìm và điền tiếp các từ đồng nghĩa vào mỗi nhóm từ dưới đây và chỉ ra nghĩa chung của từng nhóm:
a) Cắt, thái, ...
b) To, lớn,...
c) Chăm, chăm chỉ,...
Đáp án
a) Cắt, thái, chặt, băm, chém, phát, xén, cưa, xẻ, bổ,… → Nghĩa chung: chia cắt đối tượng thành những phần nhỏ
b) To, lớn, to tát, vĩ đại, hùng vĩ → Nghĩa chung: Có kích thướ , cường độ quá mức bình thường
c) Chăm, chăm chỉ, chịu khó, cần cù, siêng năng → Nghĩa chung: Làm nhiều và làm đều đặn một việc gì đó
>> Xem thêm: Từ đồng nghĩa là gì? Phân loại và lấy ví dụ về từ đồng nghĩa?
3. Bài tập về từ trái nghĩa (có đáp án chi tiết)
Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau
Bài 1: Tìm từ trái nghĩa với mỗi từ sau: thật thà, giỏi giang, cứng cỏi, hiền lành, nhỏ bé, nông cạn, sáng sủa, thuận lợi, vui vẻ, cao thượng, cẩn thận, siêng năng, nhanh nhảu, đoàn kết, hoà bình.
Đáp án
thật thà – dối trá;
giỏi giang – kém cỏi;
cứng cỏi – yếu ớt;
hiền lành – độc ác;
nhỏ bé – to lớn;
nông cạn – sâu sắc;
sáng sủa – tối tăm;
thuận lợi – khó khăn;
vui vẻ - buồn bã;
cao thượng – thấp hèn;
cẩn thận – cẩu thả;
siêng năng – lười biếng;
nhanh nhảu – chậm chạp;
đoàn kết – chia rẽ.
Bài 2: Đặt 3 câu với 3 cặp từ trái nghĩa ở bài tập 1
Đáp án
Học sinh tham khảo các câu sau:
- hiền lành – độc ác; Lọ lem thì hiền lành còn phù thủy thì độc ác
- vui vẻ - buồn bã; Hoàng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người Phúc luôn buồn bã khi gặp chuyện xui xẻo
- cẩn thận – cẩu thả; Anh Ba làm việc cẩn thận, tỉ mỉ Anh Bốn luôn làm việc cẩu thả, không đạt hiệu quả cao
Bài 3: Với mỗi từ in đậm dưới đây, hãy tìm một từ trái nghĩa:
a) Già: Quả già Người già Cân già
b) Chạy: Người chạy Ôtô chạy Đồng hồ chạy
c) Chín: Lúa chín Thịt luộc chín Suy nghĩ chín chắn
Đáp án
a) Già: Quả non
Người trẻ
Cân non
b) Chạy: Người đứng
Ôtô dừng
Đồng hồ chết
c) Chín: Lúa xanh
Thịt luộc sống
Suy nghĩ nông nổi
>> Xem thêm: Từ trái nghĩa là gì? Các loại từ trái nghĩa? Ví dụ về từ trái nghĩa?
4. Bài tập về từ nhiều nghĩa (full đáp án)
Từ nhiều nghĩa là từ có 1 nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau
Bài 1: Hãy xác định nghĩa của các từ được gach chân trong các kết hợp từ dưới đây rồi phân chia các nghĩa ấy thành nghĩa gốc và nghĩa chuyển:
a) Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang, há miệng chờ sung, miệng bát, miệng túi, nhà 5 miệng ăn.
b) Xương sườn, sườn núi, hích vào sườn, sườn nhà, sườn xe đạp, hở sườn, đánh vào sườn địch.
Đáp án:
Nghĩa gốc: miệng cười tươi, miệng rộng thì sang, há miệng chờ sung, xương sườn, hích vào sườm, hở sườn
Nghĩa chuyển: miệng bát, miệng túi, nhà 5 miệng ăn, sườn núi, sườn nhà, sườn xe đạp, đánh vào sườn địch
Bài 2: Trong các từ in đậm dưới đây, từ nào là từ đồng âm, từ nào là từ nhiều nghĩa:
a) Vàng:
Giá vàng trong nước tăng đột biến
Tấm lòng vàng
Chiếc lá vàng rơi xuống sân trường
b) Bay:
Bác thợ nề đang cầm bay trát tường.
Đàn cò đang bay trên trời
Đạn bay vèo vèo
Chiếc áo đã bay màu
Đáp án:
a) Vàng:
Giá vàng trong nước tăng đột biến (từ gốc)
Tấm lòng vàng → từ nhiều nghĩa
Chiếc lá vàng rơi xuống sân trường → từ đồng âm
b) Bay:
Bác thợ nề đang cầm bay trát tường → từ đồng âm
Đàn cò đang bay trên trời (từ gốc) Đạn bay vèo vèo → từ nhiều nghĩa
Chiếc áo đã bay màu → từ nhiều nghĩa
Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm nội dung bài viết sau của Luật Minh Khuê: Từ trái nghĩa với từ hạnh phúc là gì? Đặt câu với từ trái nghĩa với hạnh phúc
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về nội dung "Bài tập từ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa Có đáp án" mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn