1. Bài tựa cũ của cuốn “Chống Đuyrinh”

Trong bài tựa “Chống Đuyrinh”, Ăngghen nêu lên những lý do mà ông phải viết bài lên báo để phê phán Đuyrinh. Đồng thời, ông cũng nêu lên tình hình nghiên cứu triết học và các môn khoa học tự nhiên ở Đức lúc bấy giờ và chỉ ra những vấn đề, những khó khăn mà các nhà khoa học tự nhiên đang gặp phải. Ăngghen viết: “Song cùng với việc vứt bỏ chủ nghĩa Hêghen, người ta đã quăng luôn cả phép biện chứng – đúng ngay vào lúc mà người ta không thể không tiếp nhận tính chất biện chứng của các quá trình tự nhiên, vào lúc mà do đó chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên vượt khỏi những khó khăn về lý luận. Kết quả là người ta lại trở thành nạn nhân của chủ nghĩa siêu hình cũ một cách không cứu vãn được”.

Ăngghen đã phân tích để đi đến khẳng định vai trò của phép biện chứng duy vật như sau: “Chính phép biện chứng là một hình thức tư duy quan trọng nhất đối với khoa học tự nhiên hiện đại, bởi vì chỉ có nó mới có thể đem lại sự tương đồng và do đó đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong giới tự nhiên, giải thích những mối liên hệ phổ biến, những bước quá độ từ một lĩnh vực nghiên cứu này sang một lĩnh vực nghiên cứu khác”. Theo Ăngghen, muốn giải quyết những mâu thuẫn đã ngày càng sâu sắc trong khoa học tự nhiên thì các nhà khoa học tự nhiên phải tự giác nắm lấy phép biện chứng. Ăngghen phê phán chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa kinh nghiệm vì họ từ bỏ chủ nghĩa duy vật khoa học.

Muốn xoá bỏ được tình trạng đã hình thành trong khoa học tự nhiên, giải quyết những mâu thuẫn đã chín muồi, các nhà khoa học tự nhiên phải tự giác nắm vững phép biện chứng, phải trở thành những nhà biện chứng tự giác.

Ăngghen đã kêu gọi những nhà khoa học tự nhiên quay trở lại với phép biện chứng, ông viết: “Có thể quay trở lại bằng nhiều con đường khác nhau. Có thể quay trở lại một cách tự phát, bằng cách chỉ dựa vào sức mạnh của những phát minh của bản thân khoa học tự nhiên, những phát minh không còn muốn để bị buộc lên cái giường của Prôquýtxtơ của chủ nghĩa siêu hình cũ nữa. Nhưng đó là một quá trình lâu dài và khó khăn, trong đó cần phải vượt qua rất nhiều sự va chạm vô ích. Đại bộ phận quá trình ấy đang diễn ra nhất là trong sinh học. Có thể rút ngắn quá trình ấy đi rất nhiều, nếu các đại biểu của khoa học tự nhiên lý thuyết muốn tìm hiểu sát hơn nữa triết học biện chứng dưới những hình thức lịch sử sẵn có của nó”.

 

2. Ph.Ăngghen bảo vệ vấn đề cơ bản của triết học trên tinh thần duy vật biện chứng

- Ph.Ăngghen phân tích, chỉ ra tính chất duy tâm chủ quan của Đuyrinh khi giải quyết mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại. Ph.Ăngghen chỉ rõ, Đuyrinh giải quyết mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại trên lập trường duy tâm chủ quan. Bởi lẽ, theo Đuyrinh: “những nguyên lý rút ra từ tư duy, chứ không phải từ thế giới bên ngoài, đến những nguyên lý hình thức phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và loài người, do đó, giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với chúng”(1). Như vậy, quan điểm của Đuyrinh là “quan điểm hoàn toàn đặt lộn ngược mối quan hệ hiện thực, và cấu tạo thế giới hiện thực từ tư duy, từ những đồ thức, từ những phương án hay những phạm trù tồn tại vĩnh cửu ở đâu đó trước khi có thế giới, hoàn toàn theo kiểu của... một Hêghen nào đó”.

Theo Ph.Ăngghen, quan điểm duy vật về quan hệ giữa tư duy với tồn tại thừa nhận rằng “tư duy không bao giờ có thể lấy và rút ra được hình thức ấy từ bản thân nó, mà chỉ từ thế giới bên ngoài (...) các nguyên lý không phải là điểm xuất phát của sự nghiên cứu mà là kết quả cuối cùng của nó; những nguyên lý ấy không phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và vào lịch sử loài người, mà được trừu tượng hóa từ giới tự nhiên và lịch sử loài người; không phải là giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý, mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với giới tự nhiên và lịch sử. Đó là quan điểm duy vật duy nhất đối với sự vật”.

-  Ph.Ăngghen vạch trần thủ đoạn của Đuyrinh khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học.

Ph.Ăngghen chỉ ra rằng Đuyrinh đã lợi dụng tính chất trừu tượng của các khái niệm toán học để chứng minh về sự tồn tại hoàn toàn độc lập của tư duy. Theo Đuyrinh “có thể trực tiếp rút toàn bộ môn toán học thuần túy từ đầu óc của con người một cách tiên nghiệm, nghĩa là không cần đến kinh nghiệm mà thế giới bên ngoài cung cấp cho chúng ta”; “những khái niệm về số và hình là “đối tượng đầy đủ của toán học và do bản thân toán học sáng tạo ra”, và vì thế toán học “có một ý nghĩa độc lập đối với kinh nghiệm đặc biệt và đối với nội dung hiện thực của thế giới””(4). Ph.Ăngghen đã phê phán quan niệm sai lầm, duy tâm này của Đuyrinh và khẳng định “Những khái niệm về số lượng và hình dáng không thể rút ra từ đâu khác, mà chỉ là từ thế giới hiện thực mà thôi”(5), “Cũng như tất cả các khoa học khác, toán học sinh ra từ những nhu cầu thực tiễn của con người”(6). Toán học cũng như tất cả các khoa học khác, phản ánh một phần những hình thức liên hệ vốn có của thế giới và vì vậy nó được ứng dụng vào thế giới.

 

3. Phê phán quan điểm sai lầm, siêu hình của Đuyrinh về phép biện chứng

- Đối với quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ tính chất sai lầm trong quan niệm của Đuyrinh khi ông ta phủ định mâu thuẫn, coi mâu thuẫn là vô nghĩa. Ph.Ăngghen đã phản bác lại quan điểm này và cho rằng, “Chừng nào chúng ta xem xét các sự vật như là đứng im và không có sinh khí, cái nào riêng cho cái ấy, cái này bên cạnh cái kia và cái này nối tiếp cái kia, thì chắc chắn là chúng ta không thấy được một mâu thuẫn nào trong các sự vật cả”. Ông cũng khẳng định mâu thuẫn tồn tại khách quan trong mọi sự vật: “Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn; ngay như sự di động một cách máy móc và đơn giản sở dĩ có thể thực hiện được, cũng chỉ là vì một vật trong cùng một lúc vừa ở nơi này lại vừa ở nơi khác, vừa ở cùng một chỗ lại vừa không ở chỗ đó”. Bản thân sự vật là một mâu thuẫn. Điều này đã được Ph.Ăngghen khẳng định: “sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và các quá trình, một mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh và tự giải quyết và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến... trong lĩnh vực tư duy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn; chẳng hạn như mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người với sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài...”.

- Mâu thuẫn là phổ biến, nó diễn ra trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy con người. Với thế giới quan siêu hình, ông Đuyrinh không hiểu nổi điều này. Theo Ph.Ăngghen, vận động có khả năng biểu hiện bằng cách đối lập với nó, tức là thể tĩnh. Điều này cũng chỉ là tương đối. Vận động cá biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại loại trừ thăng bằng. Còn cái vô tận, không phải là một trừu tượng trống rỗng. Bởi lẽ, “Cái vô tận là một mâu thuẫn, và nó chứa đầy những mâu thuẫn”(19), “Chính vì cái vô tận là một mâu thuẫn nên nó là một quá trình vô tận diễn ra vô tận trong thời gian và không gian”.

Tương tự như vậy, khi đã quan niệm rằng, vận động cơ giới đã là một mâu thuẫn thì tất nhiên các hình thức khác của vận động phải chứa đựng mâu thuẫn. Rõ ràng là, nhờ có mâu thuẫn mà có sự vật vận động, phát triển, nếu mâu thuẫn kết thúc thì sự vật chấm dứt, có lẽ vì thế mà phép biện chứng thời cổ đại đã khẳng định rõ, mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.

Theo Ph.Ăngghen cũng cho rằng, mâu thuẫn của sự vật được thể hiện ở mối liên hệ giữa hai mặt đối lập của nó, chúng vừa thống nhất lại vừa thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau. Ph.Ăngghen viết: “Theo quan điểm biện chứng, khả năng biểu hiện vận động bằng cái đối lập với nó, tức thể tĩnh, hoàn toàn không phải là một điều gì khó khăn cả. Theo quan điểm biện chứng, tất cả sự đối lập ấy, như chúng ta đã thấy, đều chỉ là tương đối; không thể có tĩnh tuyệt đối, không có sự thăng bằng vô điều kiện. Vận động riêng biệt thì có xu hướng thăng bằng, song vận động toàn thể thì lại loại trừ thăng bằng”.

Về quy luật chuyển hóa từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại, Ph.Ăngghen cho rằng cũng có tính khách quan, phổ biến. Ông đã dẫn chứng hàng loạt các thí dụ trong các lĩnh vực khác nhau, cả tự nhiên, xã hội và tư duy để chứng minh. Ông chỉ ra, bản chất của quy luật chuyển hóa từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại là ở chỗ, trong thế giới hiện thực sự thay đổi về chất là kết quả của những sự thay đổi về lượng.

Về quy luật phủ định của phủ định, Đuyrinh đã xuyên tạc, vu cáo C.Mác, cho rằng: “Vì thiếu những lý lẽ tốt hơn và sáng suốt hơn, nên ở đây sự phủ định của phủ định theo lối Hêghen đã phải làm nhiệm vụ bà đỡ để đỡ cho tương lai lọt ra khỏi lòng của quá khứ”. Theo Đuy-rinh, ở quy luật phủ định của phủ định, C.Mác không có gì khác Hêghen, tức là C.Mác chỉ việc dẫn lại Hêghen. Để chống lại luận điểm xuyên tạc của Đuy-rinh, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, Đuyrinh đã “gán cho Mác những điều hoàn toàn do ông Đuyrinh bịa đặt ra. Một con người hoàn toàn không có khả năng trích dẫn một cách đúng đắn”.

 

4. Ph.Ăngghen phê phán quan điểm siêu hình của Đuyrinh về nhận thức

Về nhận thức và chân lý, Đuyrinh cho rằng, tư duy con người là vô thượng tối cao, chân lý là chân lý tuyệt đối vĩnh viễn, tuyệt đối bất biến: “Những chân lý thật sự thì nói chung không biến đổi”. Đuyrinh coi những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng là những chân lý đối với mọi thời gian, mọi thời đại. Do đó, Đuyrinh đòi hỏi những nguyên lý đạo đức vĩnh cửu cho mọi thời đại. Với Đuy-rinh, chân lý không thay đổi theo thời gian, không phụ thuộc vào sự biến đổi của hoàn cảnh của lịch sử.

Tính chất siêu hình và máy móc trong lý luận nhận thức của Đuyrinh còn thể hiện ở sự tách biệt, đối lập chân lý và sai lầm. Đối với Đuyrinh hoặc chân lý hoặc sai lầm, bất chấp mọi điều kiện và tính khuynh hướng của sự vận động tri thức. Nếu là chân lý thì đó là chân lý tuyệt đối.

Theo Đuyrinh là vây - Ph.Ăngghen phê phán Đuyrinh và chỉ ra tính tương đối của nhận thức con người. Theo Ph.Ăngghen, sự vận động của tri thức thể hiện sự vận động của lịch sử, khiến cho cái hôm qua được gọi là chân lý, hôm nay có thể trở thành cái cá biệt, cái sai lầm; và ngượi lại, cái hôm qua là sai lầm, hôm nay có thể trở thành cái đối lập với nó.

Theo Ph.Ăngghen, “tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn và vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng, không tối cao và có hạn là xét theo sự thực hiện riêng biệt về thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định”. Do đó, nhận thức về cơ bản là mang tính chất tương đối, vì nó chỉ giới hạn trong việc làm sáng tỏ những mối liên hệ và những hậu quả của một số hình thức xã hội và nhà nước chỉ tồn tại vào một thời gian nhất định và ở những dân tộc nhất định, và xét theo bản chất thì có tính chất nhất thời. Cho nên, ai đó muốn đi tìm chân lý vĩnh cửu, chân lý tuyệt đích cuối cùng, nói chung không biến đổi, thì việc làm của người đó chỉ là vô ích.

Về chân lý và sai lầm, Ph.Ăngghen cũng khẳng định: “Chân lý và sai lầm cũng giống như tất cả những phạm trù logic học vận động trong những cực đối lập, chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế”. Ph.Ăngghen khẳng định không có chân lý vĩnh viễn tuyệt đối theo đúng nghĩa của nó.

 

5. Kết thúc vấn đề

Ph.Ăngghen đã quyết liệt đấu tranh chống lại quan điểm duy tâm chủ quan của Đuy-rinh, bảo vệ xuất sắc chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác. Những lập luận của Ph.Ăngghen vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận cho chúng ta bảo vệ chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác-Lênin nói riêng cũng như đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, duy tâm các loại.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).