1. Lễ Vu Lan là gì?

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam. Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vu lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên của cả kiếp này và cả những kiếp trước.

Điều nên làm trong ngày Vu lan báo hiếu:

- Về ăn cơm cùng cha mẹ

Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta thiếu đi những khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình. Một bữa cơm tuy đơn giản nhưng cùng nhau dùng bữa, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon lại là điều khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Cho nên, dù có bận rộn tới đâu trong những ngày lễ này, hãy bớt chút thời gian về nhà ăn cơm cùng cha mẹ nhé.

- Đi chùa cầu bình an cho cha mẹ

Bổn phận là con cái nên đi chùa để thắp hương và cầu bình an cho cha mẹ, ông bà. Với những người không may mắn khi cha mẹ, ông bà đã qua đời thì hãy xin Đức Phật cho cha mẹ được an nghỉ nơi suối vàng.

- Chọn quà tặng

Mùa Vu lan báo hiếu cũng là thời điểm để thể hiện sự yêu thương đối với người thân trong gia đình, vì thế hãy lựa chọn và dành tặng những món quà thật ý nghĩa cho ông bà, cha mẹ. Không cần những món quà mang giá trị lớn về vật chất mà nên để người nhận quà cảm nhận được tình cảm của người tặng. Trước sự quan tâm của con cái và các cháu, đặc biệt khi nhận được món quà phù hợp với sở thích, đúng nhu cầu sẽ khiến ông bà hay cha mẹ cảm thấy hạnh phúc bởi những tình cảm mà các thành viên dành cho nhau.

>> Xem thêm: Ý nghĩa bông hồng đỏ, trắng, vàng cài áo trong lễ Vu lan là gì?

 

2. Bài viết về Vu Lan báo hiếu cha mẹ hay ý nghĩa nhất 

Trong truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta, báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật Giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Trung Hoa. Trong ngày này, người con sẽ dành cả lòng thành để báo hiếu công ơn dưỡng dục của cha mẹ tổ tiên. Ngoài ra, các người con cũng sẽ phóng sinh, làm phước để cha mẹ được hưởng công đức. Theo quyền "Đại Việt sử Ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu Lan bồn du nhập vào Việt Nam rất sớm từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ. Qua thời gian, lễ Vu Lan không chỉ là một ngày lễ dành riêng cho Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam. Chữ "Vu Lan" là cách gọi ngắn của từ "Vu Lan Bồn" (盂蘭盆), được chuyển tự thành từ “ullambana” trong tiếng Phạn với nghĩa là “sự giải thoát”, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở địa ngục. Lễ Vu Lan diễn ra cố định vào rằm tháng 7 (tức ngày 15/7) âm lịch hàng năm. Nếu tính theo dương lịch, lễ Vu Lan thường rơi vào giữa đến cuối tháng 8, hoặc đầu tháng 9 hàng năm, cụ thể: Lễ Vu Lan 2023 rơi vào thứ 4, ngày 30/08 dương lịch

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan Theo quan niệm của Phật giáo, rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Kinh Vu Lan chép rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát, khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình, Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Vu Lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con có hiếu trên thế gian này. Lễ Vu Lan mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái ghi nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng họ một tinh thần báo hiếu đáng quý, đáng trân trọng. Nhắc tới Vu Lan nhiều người biết ngay đến ý lễ của ngày lễ này chính là dùng để báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ (của kiếp này và cả kiếp trước). Ai cũng biết cha mẹ vì con cái mà hy sinh rất nhiều, bỏ ra bao công sức nuôi dưỡng ta nên người mà không mong đổi lại gì cả. Với người Việt đạo hiếu luôn đi đầu, nhắc nhở chúng ta về những hy sinh to lớn ấy. Những câu tục ngữ, thành ngữ của người xưa luôn luôn dạy chúng ta rằng:

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

"Chim có tổ người có tông".

"Uống nước nhớ nguồn".

"Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". ...

Dù thế nào cũng phải nhớ giữ trọn đạo làm con, thờ kính, yêu quý tổ tiên ông bà cha mẹ hết mực. Ngày lễ Vu Lan ra đời chính là dịp gợi nhắc các thế hệ con cháu nhớ về những công ơn như trời biển ấy. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo đó là: “TỪ - BI - HỶ - XẢ”, “Vô ngã, vị tha”. 

Mùa Vu Lan về mỗi người con càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Thờ kính cha mẹ đã trở thành một đạo lý sống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo hiếu. Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng, ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đóa hồng trắng buồn thương. Thế nhưng dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn mẹ cha sâu lắng, và mỗi người tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con hiếu của mình.

Vào ngày lễ Vu Lan, người ta sẽ cài lên ngực một bông hoa hồng để bày tỏ lòng thành với cha mẹ tổ tiên. Nhiều người có câu hỏi rằng vào ngày Vu Lan nên cài hoa gì? Nghi thức bông hồng cài áo này bắt nguồn từ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kể rằng, trước năm 1962, trong một lần thiền sư vào nhà sách ở Nhật Bản vào đúng Ngày của Mẹ (Mother’s Day - Ngày lễ truyền thống của nhiều nước Âu, Mỹ), thiền sư đã được một cô gái cài lên áo tràng một bông hoa trắng mà không rõ lý do. Hỏi ra thì thiền sư được biết trong ngày này ai còn mẹ thì được cài bông hoa đỏ, ai mất mẹ thì cài hoa trắng. Năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên quyển sách mang tên “Bông hồng cài áo”. Chính câu chuyện trên của thiền sư đã là khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan và làm đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật về sau, điển hình là bài hát "Bông hồng cài áo" của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ viết vào năm 1967. 

Vào ngày lễ Vu Lan, khi đến chùa, bạn không nên quên dừng lại để cài cho mình một bông hồng trên ngực áo. Bông hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, do đó, khi cài bông hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, chữ Hiếu mà con cái gửi đến đấng sinh thành. Khi được cài bông hồng đỏ, bạn phải biết trân trọng điều đó, vì đó chính là điều khẳng định “Tôi thật may mắn khi còn cả cha và mẹ trên đời”. Nếu còn mẹ mất cha, bông hồng màu hồng sẽ dành cho bạn. Còn nếu không may không còn ba, mẹ trên đời nữa thì bạn sẽ nhận bông hoa hồng màu trắng. Khi nhận được bông hoa trên ngực áo, bạn sẽ cảm thấy mình nên sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, và trân quý, đền đáp báo hiếu nếu mình còn cả ba và mẹ.

Là người Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đôi câu lục bát: "Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào, đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất - tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nề nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng. Trong những ngày cận kề ngày Vu Lan, các con cái thường đổ về quê để thăm viếng mộ của người đã khuất, tặng hoa, trà, bánh kẹo, hoặc thực hiện các công việc nhà để giúp đỡ bậc cha mẹ. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu của con cái đối với cha mẹ mà còn giúp tạo dựng mối quan hệ tình cảm và gia đình mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đối với nhiều người, Vu Lan không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn là cơ hội để nhớ lại giá trị của sự sống và quan tâm đến những người khác. Trong mùa dịch Covid-19, các hoạt động của lễ hội có thể được tổ chức trực tuyến, qua đó giúp tăng cường sự gắn kết của cộng đồng và tôn trọng các giá trị truyền thống.

Là một trong các nguyên tắc của đạo lý sống, trong truyền thống dân tộc, đạo hiếu là thiết thực đối với từng người con, đâu phải chỉ lúc cha mẹ lâm chung, mà chính là những năm tháng cha mẹ còn cũng như lúc yếu đau cần luôn được phụng dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần. Đại đức Thái Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng chia sẻ: "Lễ Vu Lan còn được gọi là lễ Giải đảo huyền, là lễ cứu khổ cái nạn treo ngược trong địa ngục mà nói chung là cứu cái khổ trong địa ngục cho những chúng sinh bị đọa trong địa ngục. Những chúng sinh này khi ở trên dương thế tạo những tội lỗi nặng nề khi chết phải vào địa ngục thì lễ Vu Lan là lễ có ý nghĩa cứu khổ đó và từ đó nó có ý nghĩa là báo hiếu, con cháu báo hiếu ông bà, tổ tiên". Ngoài ra, Vu Lan còn là dịp để các con cái nhớ lại những giá trị gia đình quan trọng như tình cảm, sự quan tâm và đoàn kết. Trong thời đại hiện nay, khi mà nhiều gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức và áp lực từ cuộc sống, thì tình cảm gia đình trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết. 

Vì thế từ ngàn xưa, qua lời ru của bà của mẹ, qua điệu hát câu hò, đạo hiếu là bài học đạo đức đầu tiên được truyền lại trong mỗi gia đình và đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn bảo lưu, gìn giữ những câu tục ngữ, ca dao khẳng định và bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành:

"Lên non mới biết non cao - Nuôi con mới biết công lao mẫu từ",

"Bao giờ cá lý hóa long - Ðền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa",

"Thờ cha mẹ, ở hết lòng - ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường",

"Mẹ già ở tấm lều tranh - Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con",

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều".

Lễ hội này mang ý nghĩa rất sâu sắc về tình yêu thương, sự sống và đoàn kết gia đình. Trong bối cảnh năm 2023, khi mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, thì ý nghĩa của Vu Lan lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hạnh phúc cho những ai đang còn cha còn mẹ, còn được cài lên ngực áo mình hoa hồng đỏ thắm. Mỗi chúng ta hãy làm tròn bổn phận chữ hiếu của đạo làm con, để mai kia cha mẹ đi rồi cũng không phải hối tiếc muộn màng. 

Một mùa Vu Lan nữa lại về, mỗi con người chúng ta hãy nhớ về câu chuyện ngày lễ Vu Lan mà nhớ giữ trọn chữ hiếu cho vuông tròn, đừng để đến khi không còn cơ hội báo đáp nữa mới hối hận thì lúc ấy đã muộn rồi. Chúc cho tất cả những người con trên thế gian này luôn biết làm tròn đạo hiếu, biết thương yêu thờ kính với tổ tiên, cha mẹ, luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục để những đứa con ấy lớn khôn nên người. Trên đây là bài viết chia sẻ Luật Minh Khuê về Vu Lan báo hiếu hay ý nghĩa nhất hy vọng giúp ích quý bạn đọc theo dõi. Trân trọng cảm ơn!

>> Tham khảo: Stt, cap, câu nói về mùa Vu lan báo hiếu hay, ý nghĩa nhất