Khách hàng: Kính thưa luật sư Minh Khuê, tôi muốn Luật sư phân tích rõ hơn cho tôi về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)? Những nhân tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là gì? FDI có vai trò như thế nào đối với Việt Nam?

Cảm ơn!

Trả lời:

 

1. Đầu tư nước ngoài

Theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1996), sửa đổi, bổ sung năm 2000 định nghĩa “đầu tư nước ngoài” là “việc nhà đầu tư nưốc ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này” (khoản 1 Điều 2).

Đến Luật Đầu tư năm 2014, khái niệm đầu tư, đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp nước ngoài đã không còn xuất hiện nữa mà chỉ còn duy nhất một khái niệm đó là “Đầu tư kinh doanh”.

Theo Luật đầu tư năm 2014 này, hoạt động đầu tư chính là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốh góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” (khoản 5 Điều 3). Định nghĩa nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư năm 2014 là “cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” (khoản 14 Điều 3).

 

2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Khi dựa vào tiêu chí tính chất quản lý của nhà đầu tư đối với vốn đầu tư gồm có: Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp:

Tổ chức Thương mại Thế giới đưa ra định nghĩa như sau về FDI: "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay được gọi là "công ty mẹ" và các tài sản được gọi là "công ty con" hay "chi nhánh công ty".

Đầu tư trực tiếp là hoạt động mà theo đó người bỏ vốn trực tiếp tham gia quản lý cũng như điều hành quá trình sử dụng các nguồn lực (vốn) đầu tư. Trong hoạt động này, không có sự phân biệt rõ ràng hay tách riêng giữa quyền sở hữu và quyền quản lý của nhà đầu tư đối với vốn đầu tư. Ví dụ, Luật Đầu tư năm 2005 của Việt Nam quy định: “Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu trí”. Đầu tư trực tiếp có thể hiểu là đầu tư trực tiếp trong nước hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp trong nước là hoạt động bỏ vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước để kinh doanh theo như các hình thức do pháp luật quy định. Còn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại là một loại quan hệ kinh tế có yếu tố nước ngoài với đặc trưng là sự di chuyển nguồn lực đầu tư trên phạm vi quốc tế với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.

 

3. Nhân tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Theo từ điển bách khoa toàn thư, những nhân tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể kể đến, đó là:

a. Chênh lệch về năng suất cận biên của vốn giữa các nước

Theo Helpman và Sibert, Richard S. Eckaus cho rằng có sự khác nhau về năng suất cận biên (số có thêm trong tổng số đầu ra mà một nhà sản xuất có được do dùng thêm một đơn vị của yếu tố sản xuất)của vốn giữa các nước. Một nước thừa vốn thường có năng suất cận biên thấp hơn. Còn một nước thiếu vốn thường có năng suất cận biên cao hơn.

Với tình trạng trên sẽ dẫn đến sự di chuyển dòng vốn từ nơi dư thừa sang nơi khan hiếm nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Vì chi phí sản xuất của các nước thừa vốn thường cao hơn các nước thiếu vốn. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là tất cả những hoạt động nào có năng suất cận biên cao mới được các Doanh nghiệp đầu tư sản xuất mà cũng có những hoạt động quan trọng, là sống còn của Doanh nghiệp thì họ vẫn tự sản xuất cho dù hoạt động đó cho năng suất cận biên thấp.

b. Chu kỳ sản phẩm

Với chu kỳ sản phẩm cũng là nhân tố thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đối với hầu hết các doanh nghiệp tham gia kinh doanh quốc tế thì chu kỳ sống của các sản phẩm này bao gồm 3 giai đoạn chủ yếu là: giai đoan sản phẩm mới; giai đoạn sản phẩm chín muồi; giai đoạn sản phẩm chuẩn hóa.

Tại nước nhập khẩu, ưu điểm của sản phẩm mới làm nhu cầu trên thị trường bản địa tăng lên, nên nước nhập khẩu chuyển sang sản xuất để thay thế sản phẩm nhập khẩu này bằng cách chủ yếu dựa vào vốn, kỹ thụât của nước ngoài(giai đoạn sản phẩm chín muồi). Khi nhu cầu thị trường của sản phẩm mới trên thị trường trong nước bão hòa, nhu cầu xuất khẩu lại xuất hiện (giai đoạn sản phẩm chuẩn hóa). Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ và do đó dẫn đến sự hình thành FDI.

c. Lợi thế đặc biệt của các công ty đa quốc gia

d. Tiếp cận thị trường và giảm xung đột thương mại

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là một biện pháp để tránh xung đột thương mại song phương.

Ví dụ, Nhật Bản hay bị Mỹ và các nước Tây Âu phàn nàn do Nhật Bản có thặng dư thương mại còn các nước kia bị thâm hụt thương mại trong quan hệ song phương. Đối phó, Nhật Bản đã tăng cường đầu tư trực tiếp vào các thị trường đó. Họ sản xuất và bán ô tô, máy tính ngay tại Mỹ và châu Âu, để giảm xuất khẩu các sản phẩm này từ Nhật Bản sang. Họ còn đầu tư trực tiếp vào các nước thứ ba, và từ đó xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

e. Khai thác chuyên gia và công nghệ

 

4. Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế

Thứ nhất, ảnh hưởng tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế

Trên phạm vi thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia đang phát triển, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

- Khỏa lấp thiếu hụt về vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội;

- Góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa công nghệ của nền kinh tế;

- Tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến để phát triển kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn;

- Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao và tinh thần lao động sáng tạo, có kỷ cương, kỷ luật;

- Gia tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giải quyết đói nghèo, nâng cao đời sống người dân; Góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước;

- Thúc đẩy phát triển của đội ngũ doanh nghiệp trong nước;

- Mở rộng giao thương quốc tế, phát triển thị trường và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế

Bên cạnh ảnh hưởng tích cực, quá trình thu hút và hoạt động của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong đó, có thể kể đến như: Gây ô nhiễm môi trường vì trốn tránh không xây dựng công trình xử lý chất thải; Trốn nộp thuế thông qua khai báo “lỗ giả lãi thật” làm thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Thông qua việc chuyển giá để thực hiện “lỗ giả lãi thật”, làm thất thoát nguồn thu của quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Có thể trốn tránh trách nhiệm đối với người lao động thông qua việc không thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và bỏ qua những quyền lợi đáng có của người lao động theo pháp luật của nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…

 

5. Vai trò đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo https://tapchitaichinh.vn, số liệu nghiên cứu, tổng hợp và theo các chỉ tiêu đã xác định, đánh giá hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019: Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Như vậy, Đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá năm 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước: 8,7/4,6). Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).

Đối với thu ngân sách nhà nước, thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Đây là tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Điều này cho thấy, đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp lớn và gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2018, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trung bình khoảng 6,2%, trong khi mức trung bình doanh nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3,85%. Tuy nhiên, do chưa tính toán được thất thoát do chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI nên thực chất hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thể khẳng định.

Việc đánh giá vai trò đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển của nền kinh tế có thể tiến hành được, đây là công việc có cơ sở khoa học vững chắc. Đối với các chỉ tiêu mà tác giả đã xác định để đánh giá hiệu quả khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thể hiện vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khả thi và có thể tính toán được. Kết quả phân tích cho thấy, vai trò đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, cả trong hiện tại và tương lai. Vì thế, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thu hút được nhiều hơn và phát huy tốt vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với kinh tế-xã hội Việt Nam có ý nghĩa thực sự rất quan trọng.

 

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).