1. Những vấn đề lý luận chung

Giảm mức hình phạt đã tuyên là việc Tòa án quyết định giảm một phần hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án trong quá trình chấp hành hình phạt bằng một quyết định, nếu người bị kết án có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự. Việc giảm hình phạt cho người bị kết án hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian đã chấp hành hình phạt, vào thái độ cải tạo của họ chứ không phụ thuộc vào tội phạm mà họ đã phạm. Bộ luật hình sự quy định giảm mức hình phạt đã tuyên cho người bị kết án là nhằm thể hiện nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 Bộ luật hình sự "Đối với người bị phạt tù...nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt". Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà mức giảm hình phạt được quy định như sau:

  • Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một phần ba (1/3) thời hạn và có nhiều tiến bộ, theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Nhưng dù có được giảm nhiều lần thì người bị kết án cũng phải chấp hành được một phần hai (1/2) mức hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Nguyên Xuân Ph bị kết án ba năm cải tạo không giam giữ về tội "đánh bạc". Sau khi chấp hành được một năm, do có nhiều tiến bộ và được chính quyền địa phương đề nghị, nên Tòa án đã giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho Nguyễn Xuân Ph lần thứ nhất là sáu tháng. Sau đó Nguyễn Xuân Ph lại được giảm thêm hai lần nữa mỗi lần cũng với thời gian là sáu tháng, cộng cả ba lần, Ph được giảm là 18 tháng bằng một phần hai (1/2) mức hình phạt đã tuyên, nên Ph không được giảm thêm nữa.
  • Người bị kết án phạt tù có thời hạn, nếu đã chấp hành được một phần ba (1/3) mức hình phạt đã tuyên và có nhiều tiến bộ, theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Nhưng dù có được giảm nhiều lần thì người bị kết án cũng phải chấp hành được một phần hai (1/2) mức hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Nguyễn Thị Tuyết Tr bị phạt 15 năm tù về tội "tổ chức sử dụng tái phép chất ma túy”. Sau khi đã chấp hành được năm nàm, đo có nhiều: tiến bộ và được Ban giám thị trại cải tạo đề nghị, nên Tòa án đã quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho Tr lần đầu là sáu tháng. Sau đó Nguyễn Thị Tuyết Tr được giảm nhiều lần, có lần ba tháng có lần sáu tháng và cộng chung các lần giảm là bảy năm sáu tháng bằng một phần hai (1/2) mức hình phạt đã tuyên, nên Tr không được giảm thêm nữa.
  • Người bị kết án tù chung thân đã chấp hành được 12 năm thì được xét giảm lần đầu xuống 30 năm, và dù có được giảm nhiều lần thì thời gian chấp hành hình phạt thực tế là 20 năm. Quy định này so với Bộ luật hình sự năm 1985 là quy định nghiêm khắc hơn, vì theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1985 thì người bị phạt tù chung thân đã chấp hành được 10 năm được xét giảm lần đầu, và dù được giảm nhiều lần thì thời gian chấp hành hình phạt tù thực tế là 15 năm. Do đó, chỉ những người nào thực hiện hành vi phạm tội từ ngày 1-7- 2000 trở đi mà bị phạt tù chung thân thì mới áp dụng quy định tại Điều 58 Bộ luật hình sự năm 1999.
  • Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới mà tội đó là tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba (2/3) mức hình phạt chung nếu là hình phạt tù có thời hạn. Ví dụ: Phạm Quốc A bị phạt năm năm tù về tội "cố ý gây thương tách". A đã chấp hành được một năm sáu tháng và được giảm hai lần với tổng thời gian là một năm; thời hạn chấp hành hình phạt tù của A còn hai năm sáu tháng, thì A lại phạm tội "trốn khỏi nơi giam giữ" thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự và bị Tòa án phạt 6 năm 6 tháng tù về tội này, tổng hợp với 2 năm 6 tháng tù còn lại A chưa chấp hành, buộc A phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là chín năm tù. Phạm Quốc A phải chấp hành được sáu năm tù thì mới được xét giảm hình phạt lần đầu của bản án chín năm tù.
  • Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới mà tội đó là tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai mươi năm nếu là tù chung thân. Ví dụ: Trần Kim D bị phạt bảy năm tù về tội "trộm cắp tài sản". D chấp hành được bôn năm và được giảm ba lần với tổng thời gian là hai năm; thời gian còn phải chấp hành là một năm thì D phạm tội "giết người" thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và bị Tòa án phạt tù chung thân, tổng hợp với một năm tù của bản án trước buộc D phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tù chung thân. Trần Kim D phải chấp hành 20 năm thì mới được xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù. Nếu D được giảm nhiều lần thì hình phạt tù thực tế đối với D trong trường hợp này ít nhất cũng phải 44 năm (4+20+20 = 44).
  • Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức nêu ở trên. Trường hợp giảm thời hạn chấp hành hình phạt này gọi là trường hợp đặc biệt, nên điều kiện để được giảm cũng đặc biệt hơn. Vấn đề là hiểu như thế nào là người bị kết án đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo?

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 04-89/TTLN ngày 15- 8-1989 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ nội vụ, về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì:

Người bị kết án đã lập công là người đã tố cáo, giúp trại cải tạo hoặc cơ quan điều tra phát hiện tội phạm; có sáng kiến hoặc cải tiến kỹ thuật có giá trị trong sản xuất; cứu được tính mạng người khác trong tình thế hiểm nghèo; cứu được tài sản Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân khi có bão lụt, hoả hoạn, v.v...

Người bị kết án đã quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc từ trên 60 tuổi mà thường xuyên ốm yếu;

Người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong những bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng như: lao nặng, ung thư, bại liệt.v.v... Thời hạn sớm hơn là thời hạn người bị kết án đã chấp hành ít nhất được một phần tư (1/4) đối với tù có thời hạn và tám năm tù đối với tù chung thân.

Mức giảm cao hơn là mức giảm mỗi lần có thể tới bốn năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 2/5 thời gian hình phạt đã tuyên, Nếu bị phạt tù chung thân thì thời gian đã thực sự chấp hành ít nhất là mười năm.

Về điều kiện để người bị kết án được giảm hình phạt trong trường hợp đặc biệt như hướng dẫn trên theo chúng tôi vẫn còn phù hợp, tuy nhiên về thời hạn và mức giảm như hướng dẫn tại Thông tư trên không còn phù hợp với quy định mới của Bộ luật hình sự năm 1999, nên cần được hướng dẫn lại. Ví dụ: đối với tù chung thân có thể quy định người bị kết án đã chấp hành được mười năm thì được giảm lần đầu và dù được giảm nhiều lần thì thời hạn thực sự phải chấp hành ít nhất là 15 năm.

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt không quá ba năm tù, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Chế định án treo trong luật hình sự nước ta đã có từ lâu, Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, qua thực tiễn xét xử đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ án treo vì án treo, và cải tạo không giam giữ không khác gì nhau. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn quy định án treo, trong khi vẫn giữ lại hình phạt cải tạo không giam giữ. Bởi lẽ xét về yếu tố phòng ngừa, án treo vẫn có vị trí quan trọng, nó không chỉ có tác dụng khuyến khích người bị kết án với sự giúp đỡ của xã hội, tự lao động cải tạo để trở thành người lương thiện, mà còn cảnh cáo họ nếu trong thời gian thử thách mà phạm tội mới thì họ phải chấp hành hình phạt tù đã được hưởng án treo.

2. Điều kiện để người bị kết án được hưởng án treo

Tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự: "khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm".

2.1. Về hình phạt

Người bị kết án có thể được hưởng án treo nếu người đó bị phạt tù không quá ba năm, không phân biệt tội phạm mà họ thực hiện là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy những người được Tòa án cho hưởng án treo chủ yếu là người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý, số ít còn lại là phạm tội nghiêm trọng, hầu như không có trường hợp nào người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng lại được hưởng án treo. Nhưng về lý thuyết vẫn có thể có trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng vẫn có thể được hưởng án treo, nếu hình phạt mà Tòa án tuyên đối với họ không quá ba năm tù.

Hình phạt ba năm tù là giới hạn tối đa để có thể cho người bị kết án được hưởng án treo, còn giới hạn tối thiểu tuy luật không quy định nhưng phải hiểu là không dưới ba tháng, vì theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự thì tù có thời hạn có mức tốì thiểu là ba tháng.

Người bị phạt tù chỉ được hưởng án treo nếu chưa chấp hành hình phạt đó, nếu người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù thì Tòa án không được cho hưởng án treo nữa vì như vậy ý nghĩa của án treo không còn nữa. Trước đây, một số Tòa án cho, người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù được hưởng án treo với mục đích để người bị kết án được giải quyết chế độ, chính sách. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây tình trạng này không còn nữa, vì mục đích của án treo không phải là để giải quyết chế độ, chính sách cho người phạm tội. Hơn nữa, không ít trường hợp sau khi được hưởng án treo, người bị kết án lại kiện đòi bồi thường về thời gian đã đi tù làm cho dư luận xã hội nghi ngờ vào quyết định của Tòa án.

Đối với người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù nhưng chưa chấp hành xong, nếu có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Tòa án cấp giám đốc thẩm vẫn có thể cho họ được hưởng án treo. Trong trường hợp này, thực tiễn xét xử các Tòa án thường tùy thuộc vào thời gian đã chấp hành hình phạt nhiều hay ít, mà ấn định thời gian thử thách ít hơn trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt tù ngày nào.

2.2. Về nhân thân người phạm tội

Trước hết người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn; sau khi phạm tội đã ăn năn hốì cải, khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, tích cực giúp đỡ các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, phát hiện tội phạm.

Khi xét về nhân thân của người phạm tội, Tòa án cần xem xét một cách toàn diện tất cả các yếu tố thuộc về nhân thân của họ, kết hợp với thái độ sau khi phạm tội, đối chiếu với yêu cầu phòng ngừa để xác định có cần bắt họ phải chấp hành hinh phạt tù hay không. Nếu xét thấy việc bắt họ chấp hành hình phạt tù là không cần thiết, mà cho họ hưởng án treo vẫn đạt được yêu cầu của việc phòng và chống tội phạm thì cho người bị kết án hưởng án treo.

Thực tiễn xét xử cho thấy, những người sau đây, việc xét cho hưởng án treo phải rất chặt chẽ:

  • Người đã bị phạt cảnh cáo, phạt tiền (là hình phạt chính), phạt cải tạo không giam giữ, chưa được xoá án mà lại phạm tội mới do cố ý hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý;
  • Người đã nhiều lần bị kết án, người bị phạt tù chưa được xoá án, người có nhiều tiền án, tiền sự hoặc phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự.

2.3. Về các tình tiết giảm nhẹ

Các tình tiết giảm nhẹ đôi với người bị kết án là một căn cứ quan trọng để Tòa án cân nhắc có cho người bị kết án hưởng án treo hay không? Nếu người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ nào hoặc tình tiết giảm nhẹ đó không có ý nghĩa đáng kể thì không thể cho người bị kết án được hưởng án treo.

Mặc dù điều luật không quy định "có nhiều tình tiết giảm nhẹ" mới có thể cho người bị kết án hưởng án treo, nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội chỉ có một tình tiết giảm nhẹ cũng có thể được hưởng án treo, vì khi nói "căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ" tức là phải căn cứ vào nhiều tình tiết giảm nhẹ, và các tình tiết giảm nhẹ này trước hết phải là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, ngoài ra có thể xem xét các tình tiết giảm nhẹ khác, nhưng phải nêu rõ trong bản án.

3. Thời gian thử thách của án treo

Thời gian thử thách của án treo là thời gian mà Tòa án ấn định để thử thách người bị kết án được hưởng án treo, nếu hết thời gian đó mà người bị kết án không phạm tội mới, thì hình phạt tù mà Tòa án quyết định đối với người bị kết án sẽ không phải thi hành. Ngược lại, nếu trong thời gian đó người bị kết án lại phạm tội mới thì người bị kết án, ngoài việc phải chấp hành hình phạt đối với tội mới phạm còn phải chấp hành hình phạt tù mà Tòa án đã cho họ hưởng án treo.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự, thì thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là từ một năm đến năm năm. Không được dưới một năm và không được quá năm năm, đặc biệt không được miễn thời gian thử thách. Nếu theo quy định này, thì người bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm, Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm mà không bị ràng buộc bởi tỷ lệ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm tù thì thử thách bao nhiêu năm, mà có thể người phạm tội chỉ bị xử phạt ba tháng tù nhưng có thể bị thử thách năm năm, ngược lại người phạm tội bị xử phạt ba năm tù nhưng chỉ phải thử thách một nàm. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, thông thường các Tòa án ấn định thời gian thử thách gấp đôi thời gian của hình phạt tù. Ví dụ: Phạt Cao Xuân H hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là bốn năm.

Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 1/HĐTP ngày 18-10-1990, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo; nếu có nhiều bản án cho hưởng án treo thì tính từ ngày tuyên bản án đầu tiên cho hưởng án treo. Nghĩa là: nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án được hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; nếu Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án phúc thẩm; nếu Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án giám đốc thẩm; nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Hướng dẫn này cho đến nay vẫn còn phù hợp với thực tiễn xét xử, có tác dụng phát huy tác dụng phòng ngừa của án treo, tránh tình trạng người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm, hoặc phạm tội mới trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm mà không bị coi là phạm tội trong thời gian thử thách.

Theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bị cáo được Tòa án cho hưởng án treo đã bị tạm giam, thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm. Ví dụ: Ví dụ: Tòa án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm - 1 năm = 2 năm). Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm X 2 = 4 năm).

Theo quy định tại khoản 4 Điều 60 Bộ luật hình sự, thì người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai (1/2) thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

4. Giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương để giám sát và giáo dục

Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiêm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

So với khoản 2 Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định rõ ràng hơn và đầy đủ hơn, không chỉ cơ quan tổ chức và chính quyền có trách nhiệm giám sát và giáo dục mà gia đình người bị kết án cũng phải có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan, tổ chức và chính quyền trong việc giám sát và giáo dục người được hưởng án treo.

Việc giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức giám sát và giáo dục trong trường hợp người bị kết án đang làm việc ở cơ quan, tổ chức đó, nếu đã giao cho người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức thì không giao cho chính quyền địa phương nơi người đó thường trú nữa. Tòa án chỉ giao người được hưởng án treo cho chính quyền địa phương nơi người đó thường trú nếu khi tuyên án, người đó không làm việc ở cơ quan, tổ chức nào.

5. Hình phạt bổ sung đối với người được hưởng án treo

Người được hưởng án treo vẫn có thể phải chịu hình phạt bổ sung, nhưng không phải chịu tất cả các loại hình phạt bổ sung mà chỉ phải chịu một số loại hình phạt bổ sung. Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Bộ luật hình sự thì người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được quy định tại Điều 30 và Điều 36 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, có một số trường hợp phạm tội, Bộ luật hình sự quy định việc áp dụng hình phạt bổ sung là bắt buộc đối với người bị kết án, thì việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người được hưởng án treo sẽ được thực hiện thế nào? Vấn đề này, tại Nghị quyết số 1 ngày 18-10-1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

"Đối với các tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt bổ sung là bắt buộc, thì ngoài hình phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 44 (nay là khoản 3 Điều 60 Bộ luật hình sự), người được hưởng án treo còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung bắt buộc đó". Thời hạn thi hành hình phạt bổ sung được tính đối với người được hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 1 ngày 18-10-1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là từ ngày tuyên bản án đầu tiên cho hưởng án treo mà có hình phạt bổ sung. 

6. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách

Theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự, đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự.

Đây là quy định hoàn toàn mới so với khoản 5 Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985 về án treo. Nếu khoản 5 Điều 44 trước đây quy định "người bị án treo phạm tội mới do vô ý và bị phạt tù hoặc phạm tội mới do cố ý thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước", thì khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định "người được hưởng án treo mà phạm tội mới" không phân biệt tội do vô ý hay tội do cố ý, không phân biệt có bị phạt tù hay không bị phạt tù đều phải chấp hành hình phạt của bản án trước (bản án được hưởng án treo). Đây cũng là quy định nghiêm khắc hơn so với Bộ luật hình sự năm 1985 nên chỉ những hành vi phạm tội được thực hiện từ ngày 1-7-2000 mới áp dụng khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người bị kết án. Tuy nhiên, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử việc buộc người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách, cũng như việc tổng hợp hình phạt có nhiều trường hợp vướng mắc như: Nếu người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách được Tòa án miễn hình phạt, phạt cảnh cáo, phạt tiền là hình phạt chính, phạt trục xuất có buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt của bản án trước hay không, việc tổng hợp hình phạt của bản án trước (bản án treo) với hình phạt của bản án mới như thế nào? Đốì chiếu với hướng dẫn của Hội dồng thẩm phán Tòa án nhân dân tại Nghị quyết số 1 ngày 18-10- 1990 về vấn đề này thì thấy không còn phù hợp, kể cả đốì với trường hợp người được hưởng án treo phạm tội do cố ý trong thời gian thử thách.

Ví dụ: Nghị quyết số 1 ngày 18-10-1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn "Người được hưởng án treo mà trong thời gian thử thách đã phạm tội mới do cố ý, thì chứng tỏ họ đã không chịu cải tạo để trở thành người lương thiện, nền Tòa án cần áp dụng hình phạt tù đối tội phạm mới và không được cho hưởng án treo một lần nữa, trừ trường hợp đối với tội phạm mới chỉ đáng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền." Nếu theo hướng dẫn này thì tội phạm mới được phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền thì người bị kết án được hưởng án treo một lần nữa. Trong khi đó điều luật quy định "trong thời gian thử thách, người bị án treo phạm tội mới do cố ý thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước". Việc Tòa án buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt của bản án treo không liên quan gì đến tội phạm mới bị phạt cảnh cáo hay phạt tiền, mà chỉ có ý nghĩa đến việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Nếu các hình phạt của nhiều bản án không thể tổng hợp được với nhau thì buộc người bị kết án phải chấp hành tết cả các hình phạt đó. Ví dụ: Vũ Khắc X bị phạt ba năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là năm năm. Trong thời gian thử thách, X lại phạm tội mới và Tòa án phạt X 10.000.000 đồng, khi xét xử X về tội mới, Tòa án buộc Vũ Khắc X phải chấp hành hình phạt ba năm tù của bản án treo trước đó và 10.000.000 đồng của bản án mới, mà không cần tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, nếu trong thời gian thử thánh người được hưởng án treo phạm tội mới, dù tội mới đó có bị áp dụng hình phạt hay không và hình phạt đó là hình phạt gì, thì Tòa án vẫn phải buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù của bản án treo trước đó, nếu hình phạt đối với tội mới là loại hình phạt tổng hợp được với hình phạt tù của bản án treo trước đó, thì áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt, trường hợp hình phạt của bản án mới không tổng hợp được với hình phạt tù của bản án treo trước đó, thì buộc người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt của các bản án đã tuyên.