1. Đối tượng bị áp dụng

Kê biên tài sản là một trong những biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”.

Tài sản bị kê biên phải là tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo trong các vụ án về tội mà Bộ luật Hình sự quy định áp dụng hình phạt tiền hoặc bị can, bị cáo khi xét xử có thể bị tuyên tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Việc quản lý tài sản sau khi kê biên: Tài sản kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hủy hoại tài sản bị kê biên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ luật hình sự.

 

2. Người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản

Theo khoản 2 Điều 128 BLTTHS 2015 thì: Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

Như vậy, những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản gồm:

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp, Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Nhưng lưu ý là đối với lệnh kê biên tài sản do Thủ tưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp ký thì phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trước khi thi hành lệnh.

 

3. Thành phần tham gia thi hành Lệnh kê biên tài sản

Bị can, bị cáo hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can bị cáo và đại diện chính quyền địa phương xã, phường nơi có tài sản kê biên phải có mặt; đại diện nhân dân trong khu dân cư người chứng kiến.

Khi tiến hành kê biên, người tiến hành kê biên phải lập biên bản ghi rõ tên, tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập theo mẫu thống nhất và nội dung ghi trong biên bản phải đảm bảo theo quy định như sau: Đó là biên bản phải ghi rõ địa điểm, giờ ngày, tháng năm thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, thành phần tham gia, nội dung của hoạt động kê biên. Sau khi lập xong phải đọc lại nguyên văn biên bản cho mọi người nghe và hỏi xem họ có bổ sung thêm bớt, ý kiến của họ được ghi vào biên bản. Nếu không chấp nhận bổ sung cũng phải nêu rõ lý do vào biên bản. Sau đó, tất cả thành phần tham gia buổi kê biên phải ký hoặc điểm chỉ vào biên bản, nếu người tham gia trực tiếp không ký thì người lập biên bản cũng phải ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký biên bản. Biên bản phải được giao cho người ra lệnh kê biên, một bản giao cho chính quyền xã phường nơi có tài sản bị kê biên, một bản lưu hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

4. Hủy bỏ biện pháp kê biện tài sản

Theo Điều 130 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì biện pháp kê biên tài sản được hủy bỏ khi:

- Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;

- Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

- Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội;

- Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản khi thấy không còn cần thiết.

Đối với biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.

 

5. Một số vướng mắc khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản

- Thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên:

Qua nghiên cứu biện pháp kê biên tài sản tại Điều 128 BLTTHS 2015 chỉ áp dụng trong các trường hợp sau: Thứ nhất: Bị can, bị cáo, người bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền; Thứ hai: Tài sản của người bị buộc tội, bị can, bị cáo có thể bị tịch thu; Thứ ba: có bồi thường thiệt hại.

Theo quy định những người sau đây có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp, HĐXX; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Điều 128 BLTTHS 2015 đã quy định về thẩm quyền ra lệnh, phạm vi kê biên tài sản, về trách nhiệm quản lý tài sản kê biên… nhưng trên thực tế còn có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau, có những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng.

Thứ nhất, về thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản ở giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án thuộc Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của HĐXX. Điều luật quy định không rõ ràng trường hợp nào Chánh án, Phó Chánh án ra lệnh kê biên tài sản, trường hợp nào Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra lệnh kê biên tài sản, vì vậy có những quan điểm, cách hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đều có quyền ra lệnh kê biên tài sản nếu thấy cần thiết. Đối với vụ án có hai Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, chỉ Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa mới có quyền ra lệnh kê biên tài sản còn Thẩm phán không được phân công làm Chủ tọa phiên tòa thì không có quyền ra lệnh kê biên.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là người được giao nghiên cứu giải quyết vụ án nên nắm chắc hồ sơ vụ án, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình bị can, bị cáo; biết rõ tài sản nào thuộc sở hữu của bị can, bị cáo, biết rõ tài sản nào của bị can, bị cáo phải bị tịch thu và các khoản bị can, bị cáo phải bồi thường, số tiền phải bồi thường từ đó ra lệnh kê biên tài sản chính xác hơn. Do đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Chánh án, Phó Chánh án giao quyền ra lệnh kê biên tài sản cho Thẩm Phán Chủ tọa phiên tòa. Chánh án, Phó Chánh án chỉ ra lệnh kê biên tài sản trong trường hợp, hồ sơ mới thụ lý chưa phân công Thẩm phán nghiên cứu hoặc đã phân công Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nghiên cứu giải quyết vụ án nhưng vì lý do nào đó, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa không thể ra lệnh được thì Chánh án, Phó Chánh án ra lệnh kê biên tài sản.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, chưa phân công thẩm phán giải quyết vụ án thì Chánh án, Phó Chánh án có quyền ra lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản; khi đã phân công Thẩm phán nghiên cứu và khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi xét xử vụ án Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử có quyền ra lệnh kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.

- Phạm vi kê biên tài sản:

Vấn đề này cũng có những quan điểm, cách hiểu khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tài sản kê biên phải thuộc sở hữu của bị can, bị cáo và chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Luật quy định chỉ kê biên phần tài sản tương đương với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường, không bắt buộc tài sản kê biên phải đúng bằng số tiền phạt, tài sản bị tịch thu hoặc số tiền phải bồi thường mà có thể ít hơn hoặc nhiều hơn số tiền bị phạt, tài sản có thể bị tịch thu hoặc số tiền phải bồi thường thiệt hại.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ kê biên tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, để xác định tương ứng đối với tài sản có giá trị hoặc bất động sản phải có quyết định giám định tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự mới biết chính xác mức tương ứng với số tiền có thể bị phạt, bị tịch thu hoặc phải bồi thường, không được kê biên tài sản nhiều hơn số tiền có thể bị phạt, bị tịch thu hoặc phải bồi thường vì ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp người phạm tội, cũng không được kê biên tài sản ít hơn so với số tiền bị phạt, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại vì sẽ khó khăn trong quá trình thi hành án.

Luật tố tụng hình sự quy định, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại và người tiến hành kê biên phải lập biên bản ghi rõ tên, tình trạng tài sản bị kê biên. Như vậy, trước khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng phải ước tính mức tiền phạt, tài sản bị tịch thu, số tiền bồi thường thiệt hại là bao nhiêu sau đó mới xác định tài sản cần kê biên, kê biên bao nhiêu tài sản sao cho tương ứng với số tiền bị phạt, bị tịch thu, bồi thường thiệt hại theo quy định. Quy định này nhằm đảm bảo để thi hành án, đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo không bị xâm phạm. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa rõ ràng, cụ thể, bởi vì nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định được số tiền bị phạt, bị tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không thể xác định phần tài sản kê biên trong khối tài sản của bị can, bị cáo trường hợp này cần yêu cầu định giá tài sản để xác định giá trị tài sản có ý định kê biên.

 

6. Câu hỏi thường gặp về biện pháp kê biên tài sản trong tố tụng

6.1 Vì sao cơ quan tiến hành tố tụng ít áp dụng biện pháp kê biên tài sản?

Pháp luật tố tụng hình sự quy định chưa rõ ràng về tài sản kê biên “tương ứng” với mức phạt tiền, tịch thu và bồi thường thiệt hại gây khó khăn trong việc xác định phần tài sản kê biên; Việc kê biên tài sản trong khối tài sản sở hữu chung giữa bị can, bị cáo với những người khác hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Nếu áp dụng, sẽ xâm phạm đến quyền tài sản của người khác, dẫn đến khiếu nại gây khó khăn khi thực hiện kê biên tài sản.

 

6.2 Người quản lý tài sản kê biên bán tài sản thì phải chịu trách nhiệm gì?

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật hình sự về tội “Vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản”.

 

6.3 Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản khi nào?

Trong thực tế, khi giải quyết vụ án hình sự các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi bị can, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp bị tịch thu tài sản chủ yếu là các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ít khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi bị can, bị cáo phạm tội có quy định hình phạt tiền hoặc buộc phải bồi thường thiệt hại. 

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)