Mục lục bài viết
1. Bộ Y tế xây dựng quy định đào tạo chuyên khoa I, II và bác sĩ nội trú
Trang tin tức y tế vừa mới cập nhật thông tin về công văn mới của Bộ Y tế về vấn đề xây dựng quy định đào tạo chuyên khoa I, CK II và bác sĩ nội trú. Bộ Y tế đã xây dựng các qui định về tổ chức chương trình đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú và đã được áp dụng từ lâu. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên cả nước còn tổ chức các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa (chuyên khoa sơ bộ), cấp chứng chỉ cho các bác sĩ bắt đầu định hướng vào một chuyên khoa cụ thể ở mức độ nhất định để bắt đầu khám chữa bệnh, chưa đòi hỏi chuyên khoa sâu.
Cụ thể thì các khóa đào tạo trên đây đều áp dụng thời gian từ 6 tháng đến 12 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Việc đào tạo định hướng chuyên khoa là do các bệnh viện, trường ĐH tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu của người học và cơ sở khám chữa bệnh trên thực tế. Chương trình đào tạo định hướng chuyên khoa do các trường ĐH y dược, bệnh viện tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức đào tạo. Do vậy việc đào tạo định hướng chuyên khoa hiện nay không được kiểm soát về chất lượng của cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình đào tạo và chưa có chuẩn năng lực chung để đảm bảo chất lượng đào tạo. Do đó, Bộ yêu cầu dừng đào tạo định hướng chuyên khoa cho bác sĩ.
2. Yêu cầu dừng đào tạo theo định hướng chuyên khoa theo Bộ Y tế
Căn cứ theo quy định tại Công văn 3928/BYT-K2ĐT về không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa do Bộ Y tế ban hành, các trường đại học Y Dược, các bệnh viện và cơ sở đào tạo khác không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa cho người học bởi các lý do sau:
- Trước đây từ năm 1974, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học được thực hiện đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II, bác sĩ nội trú để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này;
- Các chương trình đào tạo đều do các trường đại học y dược, các bệnh viện tự xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức nên không kiểm soát được chất lượng cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình đào tạo và chưa có chuẩn năng lực chung để bảo đảm chất lượng đào tạo;
Đáng báo động là gần đây có nhiều trường hợp cấp chứng chỉ, chứng nhận sai đối tượng học, gây khó khăn trong việc cấp chứng chỉ hành nghề…
- Một số cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, chứng nhận sai đối tượng học, không đúng quy định gây khó khăn cho việc cấp chứng chỉ hành nghề.
- Hiện tại chưa có văn bản QPPL nào quy định về đạo tạo định hướng chuyên khoa nên cần chờ Bộ xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe, trong đó có đào tạo chuyên sâu để cấp chứng chỉ đào tạo chuyên sâu đối với khóa đào tạo.
- Nhằm đáp ứng đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.
Bởi những lý do nêu trên nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe. Trong đó, dự kiến khóa đào tạo gồm tối thiểu 6 tháng học tập trung và các yêu cầu về cơ sở đào tạo, người giảng dạy, chương trình học…
3. Có nên dừng việc đào tạo chứng chỉ định hướng chuyên khoa không?
Đào tạo chuyên khoa là một trong những đặc thù lĩnh vực sức khỏe được tổ chức thực hiện tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học từ năm 1974 theo mô hình đào tạo bác sĩ chuyên khoa của Pháp. Tại thời điểm đó, đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh, đang rất khó khăn nên bác sĩ mới tốt nghiệp được đào tạo định hướng chuyên khoa trước khi hành nghề khám chữa bệnh đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như các cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định hiện không có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Việc đào tạo định hướng chuyên khoa hầu hết do các Trường Đại học Y dược, các bệnh viện tự tổ chức để đáp ứng nhu cầu người học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe. Trong đó có quy định về đào tạo chuyên sâu để cấp chứng chỉ đào tạo chuyên khoa sâu đối với khóa đào tạo có khối lượng học tập tối thiểu từ 15 tín chỉ tương đương tối thiểu 6 tháng học tập trung. Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, người giảng dạy chuyên sâu, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ để đam bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập y tế. Vì vậy Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa.
Sau đó, Bộ Y tế có nhận được phản hồi từ một số cơ sở đào tạo về việc đề nghị hướng dẫn cụ thể về đào tạo để cấp chứng chỉ theo nhu cầu của các cán bộ y tế. Để đảm bảo chất lượng của các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có các khóa đào tạo chuyên khoa định hướng mà cơ sở đào tạo đã tuyển sinh trước ngày 09/7/2019.
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ cần nghiêm túc thực hiện đào tạo cấp chứng chỉ theo các quy định của Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 về Hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, chú trọng một số điểm cụ thể như sau:
- Các khóa đào tạo cấp chứng chỉ, chỉ được triển khai khi có đủ chương trình, tài liệu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đủ giảng viên, cán bộ quản lý, thiết bị dạy-học đáp ứng yêu cầu của chương trình và báo cáo kế hoạch cho cơ quan thẩm quyền.
- Chương trình đào tạo các khóa đào tạo cấp chứng chỉ được xây dựng phải bao gồm 10 nội dung:
+ Tên khóa học
+ Mục tiêu khóa học (kiến thức, thái độ, kỹ năng)
+ Đối tượng, yêu cầu đầu vào đối với học viên
+ Chương trình chi tiết (cụ thể đến tên bài, tiết học, chỉ tiêu tay nghề)
+ Tên tài liệu dạy-học chính thức và tài liệu tham khảo
+ Phương pháp dạy-học
+ Tiêu chuẩn giảng viên và trợ giảng
+ Thiết bị học liệu cho khóa học (kể cả thực hành lâm sàng)
+ Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình
+ Đánh giá và cấp chứng chỉ đào tạo.
- Giảng viên đào tạo cấp chứng chỉ cần đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp lĩnh vực giảng dạy và được đào tạo về Phương pháp dạy, học y học theo quy định của Bộ Y tế.
- Việc cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo đề nghị các cơ sở đào tạo không ghi tên khóa đào tạo là định hướng chuyên khoa (chuyên khoa định hướng, chuyên khoa sơ bộ), mà ghi tên khóa đào tạo theo đúng tên chương trình đào tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian đào tạo.
Xem thêm: Quy định pháp luật hướng dẫn đào tạo liên tục cho cán bộ y tế
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Bộ Y tế yêu cầu dừng đào tạo theo định hướng chuyên khoa mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!