1. Đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam được hiểu như thế nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 thì dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.

Bên cạnh đó, tại khoản 13 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 thì đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam được hiểu là việc nhà đầu tư  nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Hình thức đầu tư gián tiếp phù hợp với các dự án có quy mô vừa và nhỏ vì không thành lập công ty nên thủ tục đầu tư khá đơn giản và nhanh chóng. Về bản chất, trong quá trình đầu tư gián tiếp cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

- Mọi giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư phải thực hiện bằng đồng Việt Nam và thông qua một tài khoản ngân hàng theo quy định.

- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN.

- Nhà đầu tư chỉ được chuyển đúng số tiền đầu tư đã cam kết. Số tiền đầu tư khi chuyển vào tài khoản ngân hàng là tiền gửi có kỳ hạn hoặc tiền tiết kiệm tại các chi nhánh, tổ chức tín dụng ngoài Việt Nam.

2. Các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Hiện nay, theo Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 14 Thông tư 06/2019/TT-NHNN thì hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bao gồm các hình thức như sau:

- Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

- Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

- Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

- Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam.

- Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

- Các hình thức đầu tư gián tiếp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tại Điều 11 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (Được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013) và Điều 12 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (Được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013) có quy định về các giao dịch vốn của các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam như sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này.

- Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp và các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam.

Việc mở tài khoản vốn đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài thì được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 05/2014/TT-NHNN được quy định như sau:

- Khi thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải mở một (01) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một (01) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đang mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép nhưng có nhu cầu mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép khác, nhà đầu tư nước ngoài phải đóng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đã mở, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới. Thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện theo quy định của ngân hàng được phép.

Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện các giao dịch thu chi trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp mới mở theo quy định nêu trên sau khi đã đóng và tất toán tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đã mở trước đây.

3. Phân biệt về đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Về cơ bản, hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều là hình thức nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư với mục đích sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, hai hình thức trên có một số điểm khác nhau cơ bản sau đây:

- Quyền kiểm soát: Trong hình thức đầu tư trực tiếp nhà đầu tư có quyền kiểm soát, quản lý, sử dụng nguồn vốn của mình, trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh. Còn trong hình thức đầu tư gián tiếp các nhà đầu tư chỉ bỏ vốn và không nắm các quyền kiểm soát, sử dụng dụng nguồn vốn trực tiếp, mà các hoạt động này thuộc về bên thứ ba.

- Phương tiện đầu tư: Trong hình thức đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư sẽ đóng góp vốn hoặc phần vốn đầu tư theo tỷ lệ tương ứng với vốn pháp định hoặc vốn điều lệ. Còn đối với đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư có thể thông qua các hình thức mua cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán hoặc thông qua các chế định tài chính trung gian để góp vốn đầu tư với bên thứ ba.

- Các thức thực hiện hoạt động đầu tư: Đối với đầu tư trực tiếp, việc góp vốn thực hiện dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dựa trên một tổ chức kinh tế có sẵn, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Còn đối với đầu tư gián tiếp, để góp vốn đầu tư của mình, các nhà đầu tư không cần phải thành lập một tổ chức kinh tế mới hay dựa trên tổ chức kinh tế có sẵn mà chỉ cần thực hiện hoạt động đăng ký vốn góp.

- Mức rủi ro: So sánh giữa hai hình thức này, hình thức đầu tư trực tiếp theo tỷ lệ phần vốn góp có mức độ rủi ro cao hơn so với đầu tư gián tiếp.

- Về lợi nhuận: đối với hình thức đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư được toàn quyền chủ động sử dụng nguồn vốn để chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh và phần lời nhuận được chia theo tỉ lệ vốn góp, cho nên nên lợi nhuận sẽ cao hơn so với hình thức đầu tư gián tiếp.

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau:

So sánh đầu tư trực tiếp nước ngoài và gián tiếp nước ngoài ? Cho ví dụ

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Bùi Thị Nhung qua số điện thoại: 0931626162. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.