Mục lục bài viết
- 1. Tại sao cần phải thực hiện quan trắc môi trường lao động?
- 2. Các quy định về quan trắc môi trường lao động chuẩn nhất
- 3. Căn cứ xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động hiện nay như thế nào?
- 4. Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động và quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động
1. Tại sao cần phải thực hiện quan trắc môi trường lao động?
Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố quan trọng môi trường lao động tại nơi làm việc để có các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Mọi cơ sở lao động đều phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, lập và định kỳ bổ sung hồ sơ quản lý về vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động và bệnh nghề nghiệp.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh không phân biệt quy mô, ngành nghề hoạt động có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động và tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong phạm vi quản lí định kì ít nhất 1 năm 1 lần.
Việc quan trắc môi trường lao động giúp người sử dụng lao động quản lí môi trường lao động của người lao động. Phát hiện những yếu tố nguy cơ gây hại để cải thiện điều kiện làm việc. Trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp nhằm đảm bảo được an toàn sức khỏe cho người lao động.
Ngoài ra còn thu thập, phân tích, đánh giá các yếu tố môi trường trong lao động tại nơi làm việc, làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe. Phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Không những giúp người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm của mình đối với người lao động. Còn giúp người lao động hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của mình, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động mà còn là dữ liệu khoa học giúp cho công tác nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ của các tác hại nghề nghiệp, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn bệnh nghề nghiệp.
Người sử dụng lao động phải tổ chức đo kiểm quan trắc môi trường lao động. Từ đó đề ra các biện pháp pháp lý, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, người lao động; thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng. Khắc phục, kiểm soát các yếu tố có hại phát sinh tại nơi làm việc nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đồng thời trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết để bảo vệ người làm việc khỏi các yếu tố có hại trong môi trường làm việc.
2. Các quy định về quan trắc môi trường lao động chuẩn nhất
Hiện nay các văn bản quy định về quan trắc môi trường lao động gồm có:
- Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
- Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
- Thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động
3. Căn cứ xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động hiện nay như thế nào?
Tại Điều 36 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về căn cứ xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường lao động như sau:
- Hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở lao động, quy trình sản xuất kinh doanh và số lượng người lao động làm việc tại bộ phận có yếu tố có hại để xác định số lượng yếu tố có hại cần quan trắc, số lượng mẫu cần lấy và vị trí lấy mẫu đối với mỗi yếu tố có hại.
- Số người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại cơ sở lao động.
- Yếu tố vi sinh vật, dị nguyên, yếu tố gây dị ứng, ung thư và các yếu tố có hại khác có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động mà chưa được xác định trong Hồ sơ vệ sinh lao động.
4. Nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động và quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động
Tại Điều 35 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về nguyên tắc thực hiện quan trắc môi trường lao động, cụ thể:
- Thực hiện quan trắc đầy đủ yếu tố có hại được liệt kê trong Hồ sơ vệ sinh lao động do cơ sở lao động lập. Đối với nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm, khi quan trắc môi trường lao động phải thực hiện đánh giá gánh nặng lao động và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động Ec-gô-nô-my quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định này.
- Quan trắc môi trường lao động thực hiện theo đúng kế hoạch đã lập giữa cơ sở lao động và tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động.
- Quan trắc môi trường lao động bảo đảm như sau:
+ Thực hiện trong thời gian cơ sở lao động đang tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh;
+ Lấy mẫu theo phương pháp lấy mẫu cá nhân và vị trí lấy mẫu được đặt tại vùng có khả năng ảnh hưởng đến người lao động;
+ Đối với quan trắc môi trường lao động bằng phương pháp phát hiện nhanh khi kết quả có nghi ngờ, tổ chức quan trắc môi trường lao động lấy mẫu, phân tích bằng phương pháp phù hợp tại phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn.
- Yếu tố có hại cần quan trắc, đánh giá được bổ sung cập nhật trong Hồ sơ vệ sinh lao động trong trường hợp sau đây:
+ Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
+ Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi thực hiện quan trắc môi trường lao động;
+ Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động được thanh toán chi phí quan trắc môi trường lao động; đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp, báo cáo và phí quản lý do người sử dụng lao động chi trả theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức quan trắc môi trường lao động báo cáo Bộ Y tế hoặc Sở Y tế về yếu tố có hại mới được phát hiện, phát sinh tại cơ sở lao động mà chưa có quy định về giới hạn cho phép.
Tại Điều 37 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về quy trình thực hiện quan trắc môi trường lao động, cụ thể như sau:
- Trước khi thực hiện quan trắc môi trường lao động, tổ chức quan trắc môi trường lao động đảm bảo máy móc, thiết bị phục vụ quan trắc môi trường lao động được hiệu chỉnh, hiệu chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình quan trắc môi trường lao động đã cam kết.
- Thông báo trung thực kết quả quan trắc môi trường lao động cho người sử dụng lao động.
- Trường hợp kết quả quan trắc môi trường lao động không bảo đảm, cơ sở lao động thực hiện như sau:
+ Triển khai biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu yếu tố có hại và phòng chống bệnh nghề nghiệp;
+ Tổ chức khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho người lao động ở các vị trí có môi trường lao động không đảm bảo;
+ Bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Quý khách hàng có thể tham khảo thêm nội dung bài viết sau của Luật Minh Khuê: Định kỳ quan trắc môi trường lao động mấy năm 1 lần?
Trên đây là tư vấn về nội dung "Các quy định về quan trắc môi trường lao động chuẩn nhất" mà Luật Minh Khuê gửi đến quý khách hàng. Công ty Luật Minh Khuê luôn mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích nhất. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua số hotline 1900.6162 để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng.