Mục lục bài viết
1. Lợi ích của hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện
Với trình độ dân trí ngày càng cao, người nghiện ma túy hiện nay có nhận thức ngày càng tốt hơn, kết hợp với trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp huyện, xã càng rõ rệt nên việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đã mang lại tiện ích cho bản thân người nghiện, gia đình người nghiện và cho nhà nước.
Cụ thể, khi cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thì được sinh sống tại cộng đồng, vẫn tiếp tục học tập, làm việc tại nơi mình sinh sống, không bị cách ly khỏi cộng đồng nên người nghiện sau khi tham gia cai nghiện dễ hòa nhập cộng đồng hơn; gia đình, cộng đồng thuận lợi trong việc động viên, giúp đỡ, chia sẻ người tham gia cai nghiện ma túy; huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy; giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước khi phải áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc và kinh phí chữa bệnh, học tập… trong cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.
2. Cách thức đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện
Bước 1: chuẩn bị hồ sơ
Người nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, hồ sơ bao gồm:
- Đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện của người nghiện hoặc người đại diện hợp pháp;
- Bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền;
- Bản phôtô một trong các loại giấy tờ tùy thân: căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) của người nghiện ma túy.
Bước 2: Nộp hồ sơ
- Người nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi nộp hồ sơ đã chuẩn bị nêu trên
- Đối với trường hợp người bị cơ quan có thẩm quyền xác định là nghiện ma túy thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên phải:
+ Đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện; hoặc
- Đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc.
Đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp, người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nhân sự tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện tự nguyện.
- Địa điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện phải có trang thiết bị cần thiết cho việc đón tiếp, lưu hồ sơ đăng ký.
- Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu giấy tờ tùy thân và vào sổ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện theo mẫu.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn người đăng ký hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Bước 4: Tổ chức thẩm định, quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện/ không quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thẩm định hồ sơ đăng ký cai nghiện, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Trường hợp không quyết định cho cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo mẫu và phải được gửi cho cá nhân, gia đình người cai nghiện, các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.
3. Một số khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện
Do đối tượng cai nghiện ma túy là đối tượng đặc thù, đa phần người vào cai nghiện là thành phần rất phức tạp, nhận thức về lợi ích việc cai nghiện còn hạn chế nên sự tự giác chưa cao; nhiều đối tượng chưa tuân thủ tốt nội quy, quy chế của cơ sở... nên rất khó trong công tác quản lý và điều trị. Đặc biệt số đối tượng thuộc diện bị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thường không thực hiện được. Trong khi đó, sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề riêng liên quan đến công tác cai nghiện ma túy với đa số gia đình có người nghiện chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, công tác cai nghiện phục hồi chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm...
Còn tại một số địa phương, hoạt động cai nghiện ở các xã, phường, thị trấn chủ yếu là ra quyết định và tập trung vào cắt cơn giải độc, chưa đánh giá được nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người; các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng. Nhiều địa phương thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy nhưng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thiếu phương pháp và cách tiếp cận để thu hút sự tham gia của người nghiện trong các hoạt động phục hồi. Trong khi quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý vô cùng khó khăn, do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, vắng mặt khỏi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là những người nghiện ma túy đi làm ăn ở các địa phương khác...
Gia đình có người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Song đa số không có kiến thức về ma túy và cai nghiện ma túy; chưa được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái nghiện. Vì vậy, họ hầu như không có biện pháp gì có thể giúp con em đoạn tuyệt với ma túy. Hơn nữa, vì bận mưu sinh, nhiều gia đình đã không thể giám sát, hỗ trợ người nghiện trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế, còn có sự kỳ thị đối với người nghiện dẫn tới thiếu quan tâm để đầu tư về nguồn lực.
Nhằm hướng đến xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa người nghiện ma túy, thời gian tới các ngành, các cấp, các địa phương cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng chống ma túy”; chú trọng vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp. Cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện; giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy nhằm hạn chế tỷ lệ tái nghiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn. Kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực vận động doanh nghiệp phối hợp với cơ sở điều trị cai nghiện ma túy trong việc đào tạo nghề, tiếp nhận học viên đã qua đào tạo vào làm việc sau khi hết thời hạn điều trị, cai nghiện.
Xem thêm: Một số chế độ chính sách cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện mới nhất?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cách thức đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!