Theo quy định tại Điều 12 về Lệ phí đăng ký hộ tịch: “Cơ quan đăng ký hộ tịch được thu lệ phí theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm cả chi phí cho giấy tờ, biểu mẫu hộ tịch. Mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hộ tịch do Bộ Tài chính quy định”. Như vậy, ngoài chi phí cho giấy tờ, biểu mẫu hộ tịch, cơ quan tiến hành đăng ký hộ tịch được thu lệ phí theo quy định. Vướng mắc ở đây là chưa có một quy định nào thống nhất về vấn đề này. Theo Thông tư số 97/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì mức thu lệ phí hộ tịch thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh. Nhưng, theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 158, mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký hộ tịch do Bộ Tài chính quy định. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL thì phải áp dụng quy định tại Nghị định số 158 nhưng đến nay, Bộ Tài chính cũng chưa có quy định cụ thể về mức thu lệ phí đăng ký và quản lý hộ tịch theo Nghị định số 158. Trường hợp cụ thể, mức thu lệ phí đối với đăng ký khai sinh lần đầu (người đi đăng ký khai sinh yêu cầu cấp 1 bản chính và 10 bản sao), thì mức lệ phí được thu là bao nhiêu? Có ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành, đối với người đăng ký khai sinh lần đầu thì không thu lệ phí giấy khai sinh bản chính; thu lệ phí đối với các giấy đăng ký khai sinh bản sao. Trường hợp trên, mức thu cụ thể là: 10 tờ giấy khai sinh bản sao có giá là 5.000 đồng (theo mức giá quy định chung) cộng với khoản lệ phí mà cơ quan đăng ký hộ tịch thu cho việc cấp bản sao giấy khai sinh là 3.000/1 bản (theo quy định tại Thông tư 92/2008/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực). Như vậy, tổng mức lệ phí người đề nghị cấp bản sao giấy khai sinh cho trường hợp trên phải trả là 35.000 đồng.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Ý kến khác cho rằng, quy định hiện hành về lệ phí đối với người đăng ký khai sinh lần đầu là không thu đối với giấy khai sinh bản chính; thu lệ phí đối với các giấy đăng ký khai sinh bản sao, theo mức lệ phí quy định đối với loại biểu mẫu hộ tịch đó. Cụ thể, đối với trường hợp trên, mức thu lệ phí đối với 10 giấy khai sinh bản sao là 5.000 đồng (ứng với giá trị của 10 mẫu bản sao giấy khai sinh). Ý kiến này phù hợp hơn, bởi các lý do: Một là, hiện nay, mức thu lệ phí đối với các vấn đề hộ tịch nói chung và liên quan đến việc đăng ký khai sinh nói riêng chưa được pháp luật quy định cụ thể, thống nhất. Vì vậy, nên áp dụng các văn bản hướng dẫn có liên quan theo hướng thuận lợi cho nhân dân, nhưng không trái với các quy định chung của pháp luật. Hai là, việc cấp giấy đăng ký khai sinh bản sao cùng với giấy đăng ký khai sinh bản chính lần đầu là việc làm liên quan đến hộ tịch, không thể áp dụng theo quy định tại Thông tư số 92/2008/TTLT-BTC-BTP. Việc thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực chỉ được áp dụng đối với trường hợp một người đã có giấy đăng ký khai sinh bản chính nhưng do lý do nào đó không còn giấy đăng ký khai sinh bản sao, bây giờ họ muốn cấp bản sao từ sổ hộ tịch gốc hoặc đề nghị chứng thực bản sao giấy đăng ký khai sinh từ bản chính. Như vậy phù hợp hơn với những quy định có liên quan. Bởi, theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP và Thông tư số 92/2008/TTLT-BTC-BTP thì mức thu này là mức thu đối với việc cấp bản sao từ sổ gốc chứ không phải là cấp bản sao theo yêu cầu của người dân khi đăng ký khai sinh (kèm theo bản chính).
Vướng mắc trên nhiều địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn đang gặp phải. Các bộ, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể để giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo pháp luật.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN - NGUYỄN XUÂN VIỄN
Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn