1. Cha mẹ đứng tên tài sản thì tài sản chung thì xử lý thế nào?

Tôi ở Quảng Nam lấy vợ ở Đà Nẵng. Kết hôn năm 2006, Sau khi kết hôn vợ chồng tôi thuê trọ ở Đà Nẵng. Năm 2010 vợ chồng tôi Mua 1.500 mét vuông đất nông nghiệp ở Đà Nẵng. Vợ chồng tôi thỏa thuận nhờ cha mẹ đứng tên giùm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhưng không có thỏa thuận khác kèm theo)
Năm 2014 tôi yêu cầu cha mẹ vợ sang tên quyền sử dụng đất cho vợ chồng tôi nhưng ông không đồng ý. Sau đó tôi viết đơn kiến nghị gửi đến Ủy ban nhân dân xã nơi cha mẹ vợ cư trú giải quyết việc cha mẹ vợ không đồng ý sang tên quyền sử dụng đất cho vợ chồng tôi. Khi Ủy ban nhân dân xã mời cha mẹ vợ đến giải quyết hòa giải theo đơn kiến nghị của tôi thì ông trả lời như sau: 1.500 mét vuông đất ruộng đó ông đứng dùm cho con gái và con rể muốn ông sang tên quyền sử dụng đất thì phải trả cho ông 20 triệu đồng tiền nợ, sau đó ông ký vào biên bản hòa giải. Tôi cũng ký vào biên bản hòa giải. trong biên bản hòa giải cũng có ghi câu nói này của ông. Sau đó tôi bàn bạc với vợ trả số nợ nói trên cho cha mẹ vợ để được sang tên quyền sử dụng đất. Nhưng vợ tôi không đồng ý rồi viết đơn ly hôn gửi tới tòa án nơi chúng tôi đăng ký tạm trú. Trong đơn ly hôn vợ tôi không thừa nhận số nợ trên. Vợ tôi cũng không thừa nhận diện tích đất nông nghiệp đó là tài sản chung mà nói là đất của cha mẹ vợ không liên quan đến vợ tôi . Khi tòa án mời cho mẹ vợ đến với tư cách là người liên quan. Thẩm phán tòa án hỏi ông là: 1500 mét vuông đất nông nghiệp này là của ai thì ông nói là của ông, biên bản hòa giải đó không có giá trị .
Vậy luật sư cho tôi biết theo biên bản hòa giải mà cha mẹ vợ đã ký thì diện tích đất nông nghiệp đó có phải là tài sản chung của vợ chồng tôi không ? Số tiền nợ mà tôi đã ký trong biên bản hòa giải là nợ riêng của tôi hay là nợ chung của vợ chồng tôi?
Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Tài sản chung của vợ chồng như sau:

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Mặt khác, tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”, với quy định này luật hiện hành đã ghi nhận người sử dụng đất hợp pháp là người được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, hiện nay khối tài sản nêu trên được xác định là tài sản của bố, mẹ vợ của bạn, chỉ có bố, mẹ vợ của bạn được quyền định đoạt đối với khối tài sản đó.

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bố mẹ vợ bạn đang là người đứng tên trên sổ đỏ. Vì vậy, theo quy định trên thì bố mẹ vợ bạn là chủ sở hữu hợp pháp phần diện tích đất mà bố mẹ vợ bạn đang đứng tên, khối tài sản nêu trên được xác định là tài sản của bố, mẹ vợ của bạn, chỉ có bố, mẹ vợ của bạn được quyền định đoạt đối với khối tài sản đó (trừ khi việc đứng tên là do đại diện, ủy quyền hoặc có các bằng chứng khác chứng minh việc đứng tên là trái với quy định của pháp luật), trường hợp bạn không có gì để chứng minh diện tích đất nông nghiệp đó là của bạn thì bố mẹ vợ bạn có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất như: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt."

Do vậy, khi ly hôn, Tòa án chỉ giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng và phần diện tích đất nêu trên không được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng bạn. Tuy nhiên, Tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình như sau:

“1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.”

Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp này, bạn sẽ được chia một phần trong phần tài sản mà bố mẹ vợ bạn đang đứng tên. Và bạn cần phải chứng minh công sức đóng góp của mình vào khối tài sản chung đó.

Theo trình bày bạn có nêu rằng bạn và bố mẹ vợ có tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, bố mẹ vợ bạn chấp nhận hòa giải và đồng ý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hai vợ chồng với điều kiện bạn phải trả cho bố mẹ vợ số tiền là 20 triệu đồng. Căn cứ Điều 88 về thủ tục hóa giải tranh chấp đất đai (Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013) quy định:

4. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 202 luật đất đai.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo".

Theo quy định này, cụ thể tại khoản 4 Điều 88, mặc dù có kết quả hòa giải thành và có biên bản về hòa giải thành giữa bạn với bố mẹ vợ về sang tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bố mẹ vợ bạn vẫn có quyền thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải, hoàn trả lại số tiền hai mươi triệu đã thỏa thuận và trong trường hợp này diện tích đất vẫn thuộc sở hữu của bố mẹ vợ bạn, không được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng bạn.

Đối với vấn đề bạn hỏi: số tiền nợ mà tôi đã ký trong biên bản hòa giải là nợ riêng của bạn hay là nợ chung của vợ chồng bạn? Xin được trả lời bạn như sau:

Tại Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

"Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".

Mặt khác Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng quy định:

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Như vậy căn cứ các Điều luật nêu trên số tiền nợ mà bạn đã ký trong biên bản hòa giải với bố mẹ vợ sẽ thuộc nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng nếu nghĩa vụ này phát sinh xuất phát do hai vợ chồng bạn cùng thỏa thuận xác lập, hoặc việc bạn thực hiện hòa giải giải quyết tranh chấp đất đai này nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; ngược lại sẽ chỉ là nghiã vụ tài sản riêng đối với bạn khi nghĩa vụ này phát sinh do bạn xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

2. Xử lý khi tài sản kê biên là tài sản chung của vợ chồng ?

Trả lời:

Để xác định việc cơ quan thi hành án kê biên tài sản chung của vợ chồng là đúng hay sai thì cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố về mục đích sử dụng tiền vay của chồng chị, về quy trình thực hiện việc kê biên của cơ quan thi hành án,…

Về mục đích sử dụng tiền vay của chồng chị: Trong trường hợp chồng chị vay tiền để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì chị cũng có nghĩa vụ liên đới thực hiện việc trả nợ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trong trường hợp chồng chị vay tiền không nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu thiết yêu của gia đình và không có tài sản riêng để thi hành án thì việc kê biên tài sản là tài sản chung của vợ chồng phải được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014:

“Điều 74. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án

1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.

Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này”.

Theo đó, trước khi kê biên tài sản, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản sẽ yêu cầu vợ chồng chị thỏa thuận phân chia tài sản. Trường hợp vợ, chồng không phân chia hoặc không phân chia được thì Chấp hành viên sẽ yêu cầu Tòa án phân chia theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau khi đã xác định được phần sở hữu của chị và chồng chị, Chấp hành viên sẽ tiến hành kê biên tài sản. Trong trường hợp này, tài sản kê biên là mảnh đất và nhà ở trên đất là tài sản chung không thể phân chia nên việc kê biên và cưỡng chế thi hành án được thực hiện với toàn bộ tài sản và chị sẽ được thanh toán giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của chị. Tuy nhiên, do chị là chủ sở hữu chung nên chị sẽ có quyền ưu tiên mua lại phần tài sản của chồng chị trong khối tài sản chung theo giá đã định. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà chị không sử dụng quyền ưu tiên này thì tài sản được bán đấu giá để thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án.

Do trong thông tin chị cung cấp không nêu rõ mục đích sử dụng tiền vay của chồng chị cũng như quy trình Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản nên chúng tôi chưa thể trả lời chính xác hoạt động của cơ quan thi hành án như vậy là đúng hay sai. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định chúng tôi đã nêu trên, chị hoàn toàn có thể tự đối chiếu để tìm ra câu trả lời chính xác nhất.

3. Tư vấn về việc chia tài sản chung ?

Thưa luật sư! Ông bà nội cháu có 4 người con. 2 bác ở sài gòn, bố cháu và bác gái ở quê. Ông mất năm 1981, Bà mất năm 1999. Không để lại di chúc. Theo giấy tờ (sổ xanh) ông bà đứng tên trên mảnh đất đó là 400m2.Năm 1993 Bà nội được nhà nước cấp 365m2 đất trồng lúa. Bây giờ đứng tên bác gái ở cùng làng với bố mẹ cháu. Bố cháu lập gia đình năm 1985 và sống trên mảnh đất đó. Sau khi lập gia bố cháu vượt đất ao và mua xung quanh (mua bán bằng miệng ).
Đến năm 2016 UBND xã đứng lên làm sổ đỏ cho toàn xã. Địa chính xã về đo đạc lại với diện tích 1640m2, lúc này xã yêu cầu báo cho các bác cháu biết việc làm sổ đỏ. Bố cháu thông báo cho các bác (bằng điện thoại) . Có Bác T anh trai bố cháu về đứng lên làm sổ đứng tên bố mẹ cháu, 2 bác còn lại đồng ý. (Nhưng tất cả đều không có văn bản cho tặng). 1 tháng sau UBND xã cấp sổ cho bố mẹ cháu với 400m đất thổ cư và 1240m đất cây lâu năm. Năm 2018 bố cháu bị bệnh và mất. Các bác cháu họp gia đình (có người làm chứng) bảo mẹ con cháu ký vào văn bản đó là tải sản chung của gia đình. Nhưng mẹ con cháu không ký. (cháu bảo bố cháu mới mất để sang năm báo hiếu cho bố cháu xong cháu ký nhưng các bác không chịu. Thế là cháu bảo nếu bác không chịu bác cứ làm theo pháp luật, pháp luật bảo sao cháu nghe vậy).
Nếu cháu không ký đưa ra pháp luật thì đất đại của ông bà cháu sẽ chia như thế nào. Bố cháu và UBND xã làm sổ đỏ có bị sai về quy trình hay nội dung không ? (gia đình cháu có bị thu hồi sổ không)?

Tư vấn về việc chia tài sản chung?

Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự qua tổng đài 24/7: 1900 6162

Trả lời:

Thứ nhất, di sản ông bà của bạn để lại tính đến thời điểm 2006 gồm có: 400m2 đất thổ cư và 365m2 đất trồng lúa. Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai quy định:

Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016, do ông bà bạn đã mất, địa chính xã về đo đạc lại và yêu cầu báo cho các bác của bạn biết việc làm sổ đỏ vì đây là trường hợp cấp cho hộ gia đình, được xác định là tài sản chung. Việc cấp GCN QSDĐ như vậy là đúng theo quy định.

Thứ hai, tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ. Việc sở hữu chung của tài sản của thành viên gia đình được quy định tại Điều 212 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Theo quy định trên các bác của bạn có quyền lợi liên quan đến mảnh đất đó. Trước đây, quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà các bác bạn cũng là thành viên trong hộ gia đình đó thì theo quy định của Bộ luật Dân sự, các bacs đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình là quyền sử dụng đất.

Ông bà bạn đã mất, các bác của bạn bao gồm cả bố của bạn cũng là người thừa kế đối với di sản do ông bà bạn để lại theo pháp luật thì các bác của bạn cũng có quyền đối với mảnh đất đó. Tính đến thời điểm 2018, các bác của bạn không còn quyền khởi kiện chia di sản thừa kế nữa vì đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Có thể thấy vào năm 2016 khi gia đình nhà bạn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực tế không có chứng cứ chứng minh các thành viên trong gia đình đồng ý cho gia đình bạn diện tích đất đó. Hơn nữa, đối với 400m2 đất ở và 635m2 đất nông nghiệp là di sản của ông bà để lại thì phải có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để lại di sản đó cho gia đình bạn.

Nếu không có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để lại di sản đó cho gia đình bạn, không có văn bản gì ghi nhận về việc các bác đã dồng ý thì diện tích là di sản thừa kế của ông bà bạn thì gia đình nhà bạn chỉ có 1 phần trong đó. Các bác bạn có thể làm đơn khởi kiện về tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất.

Còn phần diện tích nhà bạn tạo lập được, bạn phải chứng minh được về việc tạo lập này, kể cả việc di sản ông bà bạn để lại không có diện tích đất này.

4. Việc định đoạt tài sản chung khi một bên vợ (chồng) đã chết?

Thưa luật sư, Tôi sinh năm 1972, chồng tôi sinh năm 1971 chúng tôi kết hôn vào năm 2000.gia đình bên chồng gồm: Bố chồng là Trần Văn Khuê đã chết năm 1982,anh chồng là Trần Văn Thanh sinh năm 1965 đã kết hôn và ra ở riêng từ năm 1986, chỉ cò có mẹ chồng tôi là bà Phạm Thị Hà sinh năm 1940 ở cùng với vợ , chồng tôi. Năm 2004 chồng tôi chết (bệnh thần kinh), đến năm 2008 mẹ chồng tôi cũng chết. Do chồng tôi bị bệnh thần kinh nên thường xuyên đánh đuổi vô cớ nhiều lúc tôi phải đi chốn và sống ly thân, nhưng vẫn qua lại nhà chồng khi có công việc. Năm 1993 gia đình chồng tôi được nhà nước giao ruộng theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính Phủ, trong đó: Mẹ chồng tôi được giao 720m2, chồng tôi được giao 720m2 (Theo định suất và phương án giao ruộng của xã), tổng cộng là 1440m2 do mẹ chồng tôi đứng tên chủ hộ.
Xin luật sư giải đáp:
1.Tôi có được hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất do chồng tôi và mẹ chồng để lại không?
2.Việc phân chia di sản được thực hiện như thế nào? Tôi có thể được nhận bao nhiêu m2 quyền sử dụng đất?
Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trường hợp này chồng bạn được giao 720 m2 đất trước khi kết hôn với bạn nên nó sẽ là tài sản riêng của chồng bạn. Khi mất nếu không để lại di chúc nó sẽ được chia đều cho những người thừa kế trong đó có bạn. Tuy nhiên,đến thời điểm hiện tại đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nên bạn không có quyền khởi kiện đòi thừa kế phần tài sản này.

Do đó, phần đất này nếu vẫn được mẹ chồng bạn quản lý thì sau khi chồng bạn mất sẽ vẫn do mẹ chồng bạn quản lý và thuộc về mẹ bạn. Đồng thời, khi mẹ chồng bạn chết thì mảnh đất là 1440m2 sẽ được chia đều cho những người thừa kế theo pháp luật, trong đó bạn là con dâu không có quyền thừa kế. Phần thừa kế của chồng bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được con bạn thừa kế thế vị.

5. Tranh chấp tài sản chung của cha mẹ để lại?

Kính thưa Luật sư. Ông bà ngoại tôi mất sớm không để lại di chúc . Cậu và dì tôi sống chung trong nhà do ông bà để lại từ nhỏ đến lớn. Cậu tôi sinh năm 1968, dì sinh 1967. Dì tôi bị tật bẩm sinh không đi đứng được,chỉ di chuyển bằng xe lăn. Cách đây 2 năm, cậu tôi nợ nần nên bán căn nhà đó và dọn đi nơi khác ở mà dì tôi không hề biết. Đến khi người mua(được biết tên Quyên) dọn về và buộc dì tôi ra ngoài.
Quá bất ngờ và khó hiểu nên dì không đi và nhờ chính quyền can thiệp. Mọi người khuyên dì khởi kiện cậu ra tòa vì căn nhà là tài sản ba mẹ của cậu và dì để lại nên dì có quyền thừa kế. Sự việc kéo dài đến ngày 7/9/2016 vừa rồi,tòa án nhân dân thành phố tuyên buộc dì ra khỏi nhà để giao nhà cho chị Quyên, buộc cậu tôi trả cho dì 250 triệu đồng là 1/2 giá trị ngôi nhà chị Quyên đã mua của cậu, đồng thời cả cậu và dì phải nộp àn phí hơn 11 triệu đồng mỗi người. Nhưng lạ là ở phiên tuyên án này cũng như những lần hầu tòa khác không hề có mặt cậu tôi. Kính thưa Luật sư: Với hoàn cảnh tàn tật như vậy dì tôi không có đủ số tiền lớn để nộp, vì chi tiêu hàng ngày của dì đều do người thân chu cấp.

Rất mong Luật sư trả lời giúp:

- Việc tòa tuyên án như vậy có đúng quy định và hợp tình hợp lý không? Dì tôi không có điều kiện nộp án phí có miễn giảm được không? Làm sao đòi được cậu tôi số tiền 250 triệu đồng?

Rất mong các Luật sư hướng dẫn để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho dì tôi. Tâm nguyện của dì là muốn được ở trong nhà do cha mẹ để lại, cho dù phải ngăn đôi ra dì cũng chấp nhận. Diện tích ngôi nhà là 5x32m.Các con cháu như chúng tôi có thể góp lại 250 triệu để hoàn lại cho chị Quyên để giữ lại cả căn nhà cho dì không? Vì chị Quyên mua 500 triệu.

Trả lời:

Thứ nhất, căn cứ vào Khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sựu 2015

Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Di sản khi chưa chia theo pháp luật thì những người thừa kế sẽ là đồng sở hữu của di sản đó. Một người muốn bán tài sản cần có sự đồng ý của các đồng thừa kế, là dì của bạn.

Trường hợp của bạn, khi chị Quyên và cậu bạn giao dịch với đối tượng hợp đồng là bất động sản nên chị Quyên phải có trách nhiệm xác định chủ sở hữu của bất động sản. Do đó, dì bạn có quyền yêu cầu chị Quyên trả lại di sản theo Điều 166 BLDS 2015 về quyền đòi lại tài sản:

Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

Thứ hai, theo quy định tại Khoản 3 Điều 218 Bộ luật dân sự 2055, nếu dì bạn không muốn bán căn nhà này thì dì bạn được quyền ưu tiên mua lại khi cậu của bạn có ý định muốn bán căn nhà. Cụ thể, quy định như sau: Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua."

Thứ ba, nếu hai bên có thể thỏa thuận việc các con cháu có thể góp lại 250 triệu để hoàn lại cho chị Quyên để giữ lại cả căn nhà cho dì là không trái với pháp luật.

Như vậy, với những căn cứ trên bạn có thể làm đơn kháng cáo với quyết định sơ thẩm của Tòa án.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email hoặc qua Tổng đài luật sư tư vấn:1900.6162

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê