1. Chiếm hữu ngay tình là gì? Ví dụ về chiếm hữu ngay tình

Trước khi tìm hiểu về ý nghĩa của việc chiếm hữu ngay tình, chủ thể cần biết được khái quát về chiếm hữu ngay tình.

Chiếm hữu là nắm giữ, quản lý tài sản.

Chiếm hữu là một trong những nội dung của quyền sở hữu. Người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền chiếm hữu tài sản, nếu được chủ sở hữu chuyển giao hoặc do pháp luật quy định thuộc quyền của chủ sở hữu.

Theo Điều 179, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Đây là lần đầu tiên tron Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật quy định về khái niệm chiếm hữu.

Chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản bao gồm chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền, người có quyền chiếm hữu tài sản trên cơ sở một giao dịch dân sự hợp pháp, người được nhà nước giao quyền chiếm hữu thông qua một quyết định có hiệu lực hoặc qua một bản án có hiệu lực pháp luật, người chiếm hữu không theo ý chí của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền.

Các chủ thể nắm giữ và chi phối tài sản tức là trực tiếp quản lý, tác động vào tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình nhằm duy trì tình trạng tài sản theo ý chí của mình. Chủ thể có thể bằng hành vi của mình thực hiện việc chiếm hữu goi là chiếm hữu trực tiếp. Chủ thể thực hiện việc chiếm hữu thông qua hành vi của người khác gọi là chiếm hữu gián tiếp. Trường hợp này người chiếm hữu giao tài sản của mình cho người khác kiểm soát, vì vậy người kiểm soát tài sản phải thực hiện các hành vi mà người chiếm hữu cho phép.

Theo Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra quy định về khái niệm chiếm hữu ngay tình tại Điều 180 với nội dung cụ thể như sau:

Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

Chiếm hữu ngay tình đã được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 tại Điều 189 theo đó: Các chủ thể là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật”. Hiện nay, tại Điều 180 Bộ luật dân sự năm 2015 lại thay đổi theo hướng như sau: chiếm hữu ngay tình là việc các chủ thể chiếm hữu tài sản mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

So với Điều 189 Bộ luật dân sự năm 2005 thì tại Điều 180 Bộ luật dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi hẳn. Cụ thể, thay vì người chiếm hữu phải chứng minh mình không biết và không thể biết rằng việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật mới là chiếm hữu ngay tình thì tại Điều 180 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ đưa ra yêu cầu người chiếm hữu chứng minh mình có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

Như vậy, ta nhận thấy, chiếm hữu ngay tình là việc các cá nhân hay tổ chức chiếm hữu tài sản mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu, bao gồm chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 184 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh

Ta nhận thấy, tại điều luật chỉ có suy đoán một người chiếm hữu là chiếm hữu ngay tình. Quy định được nêu trên đã cho thấy người đang nắm giữ, chi phối tài sản chưa đủ để suy đoán là ngay tình, vì để hưởng sự suy đoán này, người đang nắm giữ, chi phối phải còn chứng minh thêm rằng họ nắm giữ, chi phối tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản thì mới được coi là người chiếm hữu đối với tài sản đó.

Như vậy, chúng ta thấy điều mà pháp luật suy đoán không phải là các chủ thể cứ cầm giữ, chi phối đối với tài sản thì được suy đoán là người chiếm hữu tài sản đó. Pháp luật chỉ đưa ra suy đoán về sự ngay tình sau khi người liên quan hội đủ điều kiện là người chiếm hữu. Nói một cách khác dễ hiểu hơn, các chủ thể là người đang nắm giữ, chi phối tài sản có nghĩa vụ chứng minh mình có đủ tư cách của người chiếm hữu còn người có tranh chấp với họ có nghĩa vụ chứng minh sự không ngay tình theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: A vay tiền B và bị khởi kiện sau đó thi hành án là một mảnh đất, sau khi thi hành án, mảnh đất được bán và sang tên cho C. Sau đó bản án bị hủy do A đã trả tiền cho B trước đó, trong trường hợp này C là người chiếm hữu ngay tình. Căn cứ về chiếm hữu ngay tình đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên B và bán cho C và đã sang tên do đó đây được hiểu là trường hợp chiếm hữu ngay tình.

 

2. Đặc điểm của chiếm hữu ngay tình

- Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

- Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực trừ trường hợp giao dịch này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

- Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

- Trong trường hợp trên chủ sở hữu có thể khởi kiện yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập hoàn trả lại các chi phí và bồi thường thiệt hại

- Đối với nguyên vật liệu chiếm hữu đã tạo ra sản phẩm khác thì chủ sơ hữu nguyên vật liệu là chủ sở hữu ngay tình của sản phẩm

- Nếu sử dụng nguyên vật liệu của người khác và ngay tình trở thành chủ sở hữu thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu đó

Trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới; nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại.

 

3. Quyền của người chiếm hữu ngay tình:

Người chiếm hữu ngay tình có những quyền cơ bản sau đây:

- Người chiếm hữu ngay tình có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại (giá trị đòi bồi thường là giá trị của giao dịch mà họ đã xác lập và các thiệt hại khác nếu có như hệ số trượt giá của tài sản…)

- Người chiếm hữu ngay tình có quyền được hưởng hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản kể từ thời điển bắt đầu chiếm hữu đến thời điểm phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu.

- Người chiếm hữu ngay tình có quyền được thanh toán những chi phí đã bỏ ra để bảo quản và tăng giá trị cho tài sản.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê về vấn đề này, nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!