1. Quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như sau:

- Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006;

+ Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006.

- Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 05 năm.

Thương nhân có Giấy chứng nhận không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

- Thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông quy định tại Điều 12 và có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

Hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn theo quy định tại điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

2. Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030

Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 583/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 được quy định như sau:

Định hướng chung phát triển thị trường xuất khẩu gạo

- Định hướng chuyển đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo với sự tập trung vào bền vững và khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu của các thị trường trọng điểm và truyền thống.

Chú trọng vào việc phát triển thị trường có nhu cầu cao về gạo chất lượng và các sản phẩm chế biến từ gạo, đồng thời xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư bền vững ở các thị trường FTA.

- Tận dụng các lợi thế cạnh tranh để củng cố và tăng cường hiệu quả thị trường gần, truyền thống và trọng điểm, phát triển thị trường mới và tiềm năng, đồng thời tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu gạo chất lượng và có giá trị gia tăng.

- Đặt mục tiêu giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo không ổn định và không có hiệu quả, tận dụng các cơ hội thị trường phù hợp tại mọi khu vực.

- Điều chỉnh tỷ trọng các loại gạo để giữ mức hợp lý cho gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao và tăng tỷ trọng các loại gạo chất lượng khác như gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica và gạo hữu cơ.

- Mở rộng phạm vi sản phẩm chế biến từ gạo như bột gạo, mỹ phẩm từ gạo để đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng.

Một số định hướng phát triển thị trường cụ thể

-  Đối với thị trường châu Á:

+ Thị trường Đông Bắc Á: Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Hàn Quốc từ 8,7% năm 2021 lên khoảng 20% năm 2025 và khoảng 23% năm 2030; thị phần vào thị trường Nhật Bản từ 0,1% năm 2021 lên khoảng 0,5% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030.

+ Thị trường Đông Nam Á: Giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực, nhất là các thị trường chủ chốt như Philippines, Indonesia, Malaysia,...

- Đối với thị trường châu Phi, Trung Đông:

+ Tăng cường quan hệ hợp tác về phát triển thị trường gạo với các nước, chú trọng việc đàm phán, ký kết các Bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo.

+ Khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.

+ Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường Nam Phi từ 0,7% năm 2021 lên khoảng 1,5% vào năm 2025, khoảng 2% vào năm 2030; duy trì ổn định thị phần tại thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà.

- Đối với thị trường châu Âu:

+ Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với khu vực như EVFTA, UKVFTA, EAEU để tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường.

+ Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Liên minh kinh tế Á - Âu: Thị phần tại thị trường Liên bang Nga tăng từ 1,6% năm 2021 lên khoảng 7% vào năm 2025, khoảng 10% năm 2030. Thị phần tại thị trường Bê-la-rút ổn định ở mức khoảng 25%.

+ Phấn đấu tăng thị phần tại một số nước châu Âu như: Pháp là từ 2,3% năm 2021 lên khoảng 2% vào năm 2025 và khoảng 3,5%; Đức từ 1,8% vào năm 2021 lên khoảng 2% năm 2025 và khoảng 2,5% vào năm 2030; Cộng hòa Séc từ 7,7% năm 2021 lên khoảng 8,5% năm 2025 và khoảng 10% vào năm 2030.

- Đối với thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương:

+ Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ từ 1,5% năm 2021 lên khoảng 3% vào năm 2025, khoảng 5% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Mexico lên 0,2% vào năm 2025, khoảng 0,5% vào năm 2030; tại thị trường Haiti từ 6,5% năm 2021 lên khoảng 8% vào năm 2025, khoảng 10% vào năm 2030.

+ Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Úc từ 14% năm 2021 lên khoảng 16% vào năm 2025 và khoảng 19% vào năm 2030...

3. Mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Mục tiêu cụ thể của chiến lược về phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 theo Quyết định 583/QĐ-TTg được quy định như sau:

- Tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%,

- Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

+ Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

+ Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

- Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam vào các thị trường

+ Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%: nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

+ Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Víetnam rice vào năm 2030.

- Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới

+ Đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 4%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 3%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 7%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

+ Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Xem thêm: Muốn xuất khẩu gạo phải có mấy kho chuyên dùng chứa gạo?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Chiến lược về phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!