Mục lục bài viết
- 1. Tài nguyên du lịch gồm những gì?
- 1.1. Các loại tài nguyên du lịch
- 1.2. Điều tra tài nguyên du lịch
- 1.3. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch
- 2. Chính sách phát triển sản phẩm du lịch
- 2.1. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch
- 2.2 Phát triển du lịch cộng đồng
- 3. Quy hoạch về du lịch
- 3.1. Nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch
- 3.2. Nội dung quy hoạch về du lịch
- 3.3. Lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch
1. Tài nguyên du lịch gồm những gì?
1.1. Các loại tài nguyên du lịch
- Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
- Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
1.2. Điều tra tài nguyên du lịch
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có liên quan điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch để làm căn cứ lập quy hoạch về du lịch; quản lý, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1.3. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch
- Nhà nước có chính sách quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác hợp lý, phát huy giá trị tài nguyên du lịch trong phạm vi cả nước để phát triển du lịch bền vững.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác hợp lý và phát huy giá trị tài nguyên du lịch.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý tài nguyên du lịch có trách nhiệm bảo vệ, đầu tư, tôn tạo tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, thụ hưởng giá trị của tài nguyên du lịch; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch cho các mục tiêu kinh tế khác.
- Khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch.
2. Chính sách phát triển sản phẩm du lịch
2.1. Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch
- Tổ chức, cá nhân có quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo đối với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trên cơ sở đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch.
- Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch, cụ thể được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 168/2017/NĐ-CP như sau:
Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch khi có một hoặc một số hoạt động sau đây:
- Bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù; đu dây mạo hiểm hành trình trên cao.
- Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác.
- Lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay.
- Thám hiểm hang động, rừng, núi.
Biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch
- Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
- Có phương án cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra; duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm.
- Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên môn phù hợp.
- Phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hướng dẫn các thao tác kỹ thuật cho khách du lịch trước khi cung cấp sản phẩm du lịch.
- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng và giám sát việc sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch:
a) Thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 9 Nghị định này;
b) Thông báo bằng văn bản cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tổ chức kinh doanh sản phẩm du lịch chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh;
c) Tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Trách nhiệm của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm tra và công bố trên Cổng thông tin điện tử Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng được các biện pháp bảo đảm an toàn, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo bằng văn bản yêu cầu hoàn thiện, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn và chỉ được kinh doanh sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định;
b) Thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch quy định tại Điều 8 Nghị định này.
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch:
a) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định tại Điều 9 Nghị định này của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm du lịch trong phạm vi quản lý;
b) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;
c) Phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với khách du lịch.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành:
a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch;
b) Sử dụng dịch vụ do tổ chức, cá nhân thuộc Danh mục tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch cung cấp trong trường hợp không trực tiếp kinh doanh các sản phẩm du lịch này.
2.2 Phát triển du lịch cộng đồng
- Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; có chính sách hỗ trợ về trang thiết bị cần thiết ban đầu và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; hỗ trợ xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng.
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát triển du lịch cộng đồng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng; chủ trì xây dựng cam kết của cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh đối với khách du lịch.
- Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng.
3. Quy hoạch về du lịch
3.1. Nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch
- Phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; chiến lược phát triển ngành du lịch và các quy hoạch khác đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo từng thời kỳ.
- Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối ưu tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để phát triển sản phẩm du lịch.
- Giảm thiểu các tác động tiêu cực do phát triển du lịch đến kinh tế - xã hội và môi trường.
- Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của vùng và địa phương.
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
3.2. Nội dung quy hoạch về du lịch
- Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng và địa phương.
- Phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng tài nguyên và môi trường du lịch, thị trường du lịch; khả năng thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển du lịch.
- Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch; dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch.
- Định hướng tổ chức không gian du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Định hướng phát triển sản phẩm du lịch, thị trường du lịch.
- Định hướng đầu tư phát triển du lịch; xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư, vốn đầu tư.
- Định hướng bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất chính sách, giải pháp quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.
3.3. Lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch
- Việc lập quy hoạch về du lịch phải tuân thủ nguyên tắc, nội dung lập quy hoạch về du lịch quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chính phủ quy định việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng.