1. Khái niệm Chính trị học

Chính trị học là khoa học nghiên cứu đời sống chính trị của xã hội với tư cách là một chỉnh thể nhằm làm sáng tỏ những qui luật và tính qui luật chung nhất của chính trị; nghiên cứu cơ chế tác động và những phương thức, thủ thuật chính trị để hiện thực hoá tính qui luật và những qui luật đó trong xã hội được tổ chức thành nhà nước.

Theo Lênin: cái quan trọng nhất trong chính trị là “tổ chức cơ quan nhà nước”. Chính trị là:

+ Sự tham gia của nhân dân vào các việc của nhà nước, các định hướng của nhà nước, xác định hình thức, nhiệm vụ, nhân dân hoạt động của nhà nước.

+Bất kỳ vấn đề xã hội nào cũng mang tính chính trị vì việc giải quyết nó trực tiếp hoặc gián tiếp đều gắn với lợi ích của giai cấp, với vấn đề quyền lực.

Vậy quan điểm trên đòi hỏi ta phải tiếp cận chính trị với tư cách:

  • Là một hình thức hoạt đông xã hội đặc biệt.
  • Là một loạt quan hệ xã hội đặc thù.

 

2. Khái quát về chính trị học

Chính trị học hay khoa học chính trị (tiếng Anh: politology hay political science) là ngành khoa học xã hội liên quan đến các hệ thống quản trị và phân tích các hoạt động chính trị, tư tưởng chính trị, hiến pháp liên quan và hành vi chính trị.

Khoa học chính trị bao gồm nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị so sánh, kinh tế chính trị, quan hệ quốc tế, lý luận chính trị, hành chính công, chính sách công, và phương pháp chính trị. Hơn nữa, khoa học chính trị có liên quan đến, và dựa trên các lĩnh vực kinh tế, luật, xã hội học, lịch sử, triết học, địa lý, tâm lý học / tâm thần học, nhân chủng học và khoa học thần kinh.

Chính trị so sánh là khoa học so sánh và giảng dạy các loại hiến pháp khác nhau, các tác nhân chính trị, lập pháp và các lĩnh vực liên quan, tất cả đều từ góc độ xâm nhập. Quan hệ quốc tế liên quan đến sự tương tác giữa các quốc gia dân tộc cũng như các tổ chức liên chính phủ và xuyên quốc gia. Lý thuyết chính trị quan tâm nhiều hơn đến sự đóng góp của các nhà tư tưởng và triết gia cổ điển và đương đại khác nhau.

Khoa học chính trị rất đa dạng về phương pháp và thu nhận nhiều phương pháp bắt nguồn từ tâm lý học, nghiên cứu xã hội và khoa học thần kinh nhận thức. Các phương pháp tiếp cận bao gồm chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa diễn giải, lý thuyết lựa chọn hợp lý, chủ nghĩa hành vi, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hiện thực, thuyết định chế, và đa nguyên. Khoa học chính trị, là một trong những ngành khoa học xã hội, sử dụng các phương pháp và kỹ thuật liên quan đến các loại câu hỏi cần tìm: các nguồn chính như tài liệu lịch sử và hồ sơ chính thức, các nguồn thứ cấp như bài báo học thuật, khảo sát, phân tích thống kê, nghiên cứu trường hợp, nghiên cứu thử nghiệm và xây dựng mô hình.

 

3. Đối tượng nghiên cứu

– Chính trị có đối tượng nghiên cứu là những tính quy luật, quy luật chung nhất trong lĩnh vực chính trị của đời sống xã hộ

– Ngoài ra chính trị học cũng nghiên cứu cơ chế tác động, thủ thuật vận dụng những quy luật đó trong đời sống chính trị.

– Mọi hình thức hoạt động xã hội đặc biệt có liên quan đến vấn đề nhà nước như:

+ Hoạt động xác định mục tiêu chính trị trước mắt, mục tiêu triển vọng dưới dạng khả năng và hiện thực, cũng như những con đường giải quyết các mục tiêu đó có tính đến tương quan lực lượng xã hội, khả năng xã hội ở giai đoạn phát triển tương ứng của nó.

+ Hoạt động tìm kiếm, thực thi các phương pháp, phương tiện, những thủ thuật, những hình thức tổ chức có hiệu quả đạt mục tiêu đã đề ra.

+ Việc lựa chọn, tổ chức, sắp xếp những cán bộ thích hợp nhằm hiện thực hóa có hiệu quả mục tiêu.

Ngoài ra chính trị học nghiên cứu các quan hệ giữa các chủ thể chính trị:

+ Quan hệ giữa các giai cấp, thực chất là quan hệ giữa các lợi ích chính trị và các giai cấp theo đuổi để hình thành lý luận về liên minh giai cấp, đấu tranh và hợp tác các giai cấp vì yêu cầu chính trị.

+ Quan hệ giữa chủ thể trong hệ thống tổ chức quyền lực: Đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội để hình thành lý luận về đảng chính trị , nhà nước pháp quyền và về hệ thống chính trị và chế thế thực thi quyền lực chính trị.

+ Quan hệ giữa các dân tộc để hình thành lý luận chính trị về vấn đề dân tộc trong sự vận dụng vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc.

+ Quan hệ giữa các quốc gia để hình thành học thuyết về chính trị quốc tế trong thời đại quốc tế hóa hiện nay.

 

4. Chức năng và nhiệm vụ của Chính trị học

Với tư cách là một môn khoa học, Chính trị học có chức năng tổng quát là:

+ Phát hiện, dự báo những quy luật, tính quy luật cơ bản nhất của đời sống chính trị trong phạm vi mỗi quốc gia cũng như quốc tế.

+ Hình thành hệ thống tri thức có tính lý luận, có căn cứ khoa học và thực tiễn: lý luận về tổ chức chính trị và cơ chế vận dụng những quy luật, tính quy luật của đời sống chính trị, lý luận về công nghệ chính trị, nghệ thuật tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, phục vụ sự nghiệp xây dựng chế độ chính trị tiến bộ.

 

5. Chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Chính trị học

Từ những chức năng tổng quát trên, Chính trị học có những chức năng nhiệm vụ cụ thể sau:

+ Trang bị cho những nhà lãnh đạo chính trị những tri thức, những kinh nghiệm cần thiết giúp cho hoạt động của họ phù hợp với quy luật khách quan, tránh được những sai lầm như: giáo điều, chủ quan, duy ý chí…

+ Trang bị cho mỗi công dân những cơ sở khoa học để họ có thể nhận thức về các sự kiện chính trị, trên cơ sở đó xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn phù hợp với khả năng trong sự phát triển chung mà mỗi công dân tham gia như một chủ thể.

+ Góp phần hình thành cơ sở khoa học cho các chương trình chính trị, cho việc hoạch định chiến lược với những mục tiêu đối nội, đối ngoại, cùng với các phương pháp, phương tiện, những thủ thuật chính trị nhằm đạt mục tiêu chính trị đã đề ra.

+ Phân tích các thể chế chính trị và mối quan hệ, tác động qua lại giữa chúng, xây dựng học thuyết, lý luận chính trị, làm rõ sự phát triển của nền dân chủ.

 

6. Khai trình độ lý luận chính trị trong như thế nào?

Vấn đề xác định và khai trình độ lý luận chính trị trong hồ sơ luôn được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau, thực hiện chưa thống nhất. Ban tổ chức Đảng ủy Tổng công ty trao đổi một số nội dung cơ bản nhằm giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ quy định về xác định trình độ lý luận chính trị.

Trước đây việc xác định và khai trình độ lý luận chính trị được thực hiện theo Quy định số 12-QĐ/TC-TTVH ngày 9/1/2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị. Văn bản này không quy định cấp giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị mà căn cứ vào văn bằng tốt nghiệp, các cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên công nhận trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Quy định này, Đảng ủy Tổng công ty đã thống kê văn bằng tốt nghiệp của cán bộ, đảng viên để xem xét công nhận trình độ chính trị, nhưng quá trình thực hiện có nhiều bất cập, vướng mắc nên dừng chưa ra quyết định công nhận và báo cáo các vướng mắc lên tổ chức Đảng cấp trên.

Đến ngày 16/9/2009 Ban Bí thư ban hành Quy định số 256-QĐ/TW về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thay thế Quy định 12-QĐ/TC-TTVH ngày 9/1/2004 của Ban Tổ chức Trung ương.

Ngày 15/3/2011 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có Hướng dẫn 03/HD-HVCT-HCQG về việc "Hướng dẫn chương trình để xác nhận trình độ tương đương Trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI)”.

Ngày 14/ 01/ 2013 Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW hướng dẫn về việc xác định trình độ sơ cấp lý luận chính trị.

Như vậy kể từ ngày 16/9/2009 việc kê khai trình độ lý luận chính trị phải căn cứ vào chứng chỉ, văn bằng của hệ thống trường chính trị của Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đại học chính trị chuyên ngành  và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh sẽ được xem xét để công nhận  trình độ lý luận chính trị.

 

6.1. Nguyên tắc xác định:

Lấy nội dung chương trình sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị hiện hành của hệ thống trường chính trị của Đảng (Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trường chính trị cấp tỉnh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) làm chuẩn để đối chiếu với nội dung, chương trình lý luận chính trị (số môn, số tiết) đã được học của cán bộ, đảng viên.

 

6.2. Thẩm quyền, trách nhiệm:

- Ban tổ chức các cấp uỷ cấp huyện và tương đương; Ban tổ chức của cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; cơ quan tổ chức cán bộ của các ban, cơ quan Đảng, đoàn thể, bộ, ngành và tương đương ở Trung ương có trách nhiệm lập danh sách cán bộ, đảng viên có yêu cầu đề nghị xác định trình độ lý luận chính trị.

- Hiệu trưởng trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức xác định và cấp giấy xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị.

- Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức xác định và cấp giấy xác nhận trình độ tương đương sơ cấp lý luận chính trị.

 

6.3. Giá trị của giấy xác nhận:

- Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các trường ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức.

- Giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên đã học đại học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được ghi trong hồ sơ lý lịch của cán bộ, đảng viên và được công nhận là tương đương với tiêu chuẩn về lý luận chính trị khi xét dự thi nâng ngạch công chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thực tế triển khai việc xác định trình độ lý luận chính trị có nhiều khó khăn, ít người đủ điều kiện để được xác nhận. Để thực hiện tốt việc quản lý trình độ lý luận chính trị trong tình hình hiện nay cần thực hiện như sau:

Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên chỉ khai trình độ lý luận chính trị theo chứng chỉ văn bằng được các cơ sở đào tạo trong hệ thống trường chính trị của Đảng cấp. Nếu cá nhân có nhu cầu xác nhận trình độ lý luận chính trị thì làm hồ sơ gồm: đơn đề nghị, bảng điểm sao có công chứng, chương trình lý luận chính trị đã được học gửi về Ban Tổ chức Đảng ủy.

Đối với cơ quan tổ chức cán bộ và các cơ quan của Đảng khi thống kê và bổ sung hồ sơ về trình độ lý luận chính trị phải căn cứ vào chứng chỉ, văn bằng được các cơ sở đào tạo trong hệ thống trường chính trị của Đảng cấp.