1. Có được ly hôn với người bị tâm thần?

Em chào luật sư! Tôi và chồng tôi kết hôn được 20 năm, chúng tôi đã có hai con chung. Nhưng hiện tại chồng tôi đang bị bệnh thần kinh, đã khám chữa bệnh rất nhiều nơi mà vẫn chưa khỏi. Nên hiện tại tôi muốn ly hôn với chồng tôi nhưng đối với hoàn cảnh của tôi, tôi có thể ly hôn được không?
Rất mong Luật sư hướng dẫn, xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định về việc cấm ly hôn với người bị bệnh tâm thần nên trường hợp này chị hoàn toàn có thể ly hôn đơn phương với chồng chị được.

Để ly hôn với người bị bệnh tâm thần, cần phải qua hai bước sau:

Bước 1: Làm thủ tục đề nghị Tòa án tuyên một người mất năng lực hành vi dân sự.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 22 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Và Theo Điều 376 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 376. Quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo quy định trên, chị có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng của chị bị mất năng lực hành vi dân sự. Thủ tục cần có

- Đơn yêu cầu (Theo mẫu)

- Kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

- Chứng minh thư, hộ khẩu của người yêu cầu và người bị yêu cầu.

Sau khi thụ lý đơn yêu cầu, tòa án sẽ ra quyết định mở phiên họp xem xét có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi chồng chị đã bị tuyên mất năng lực hành vi dân sự nên Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ cho bị đơn (chồng chị).

Bước 2: Làm thủ tục đơn phương ly hôn với người chồng bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Hồ sơ ly hôn nộp cho tòa án bao gồm:

+ Đơn xin ly hôn (theo mẫu)

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+ Chứng minh nhân dân và hộ khẩu của các bên (bản sao chứng thực);

+ Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự;

+ Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);

+ Giấy tờ chứng minh về tài sản (bản sao chứng thực) (nếu có yêu cầu).

Sau đó nộp lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc. Khi có đủ các trình tự trên, Tòa án giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Sau khi nộp đơn thì khoảng 5 ngày, Tòa án sẽ mời chị lên để nộp án phí là 300.000 đồng. Sau khi nộp án phí thì 15 ngày sau Tòa án sẽ gọi chị và người được chỉ định giám hộ lên để tham dự phiên hòa giải. Thủ tục hòa giải sẽ diễn ra ít nhất là 3 lần và khoảng 15 ngày Tòa sẽ gọi 1 lần.

Tiếp theo khoảng 15 ngày Tòa sẽ mở phiên Tòa xét xử và ra quyết định ly hôn.

Tổng thời gian giải quyết đối với trường hợp ly hôn đơn phương sẽ khoảng 4 đến 6 tháng.

Như vậy đối với người bị tâm thần mà bên còn lại muốn ly hôn cần phải làm hai bước là tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự và sau đó giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

>> Xem thêm:  Nguyên tắc phân chia tài sản chung khi ly hôn?

 

2. Thủ tục xin ly hôn, chia tài sản và nuôi con?

Kính chào luật sư. Xin luật sư tư vấn cho tôi vấn đề liên quan đến việc ly hôn. Hiện tôi đang sống tại thành phố Bình Dương, mà tôi đăng ký kết hôn tại Đồng Tháp.
Vậy tôi muốn ly hôn thì phải nộp đơn ở đâu? Hiện con tôi còn nhỏ, mới được 3 tháng, liệu tôi có được quyền nuôi con hay không?
Cảm ơn luật sư!
Người gửi: P.M.Anh

Tư vấn xin ly hôn, chia tài sản và nuôi con?

Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến, gọi:1900.6162

Trả lời:

Thứ nhất, về vấn đề nộp đơn ly hôn

- Căn cứ vào Khoản 1 Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn:

"Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."

- Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện) như sau:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộluật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, cấp Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc của bạn là Tòa án cấp huyện.

- Tiếp đó, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

c) Tòa án nơi người yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cư trú, làm việc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;

d) Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài;

đ) Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

e) Tòa án nơi người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

g) Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;

h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

i) Tòa án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;

k) Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;

l) Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;

m) Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu;

n) Tòa án nơi cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự;

o) Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại;

p) Tòa án nơi có tài sản có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận tài sản đó có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam;

q) Tòa án nơi người mang thai hộ cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ;

r) Tòa án nơi cư trú, làm việc của một trong những người có tài sản chung có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án;

s) Tòa án nơi người yêu cầu cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án;

t) Tòa án nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

u) Tòa án nơi có trụ sở của doanh nghiệp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên;

v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;

x) Tòa án nơi xảy ra cuộc đình công có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

y) Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ giải quyết yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển được thực hiện theo quy định tại Điều 421 của Bộ luật này.

3. Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

Như vậy, khi đã xác định được cấp Tòa án chúng ta còn phải xác định được Tòa án ở đâu có thẩm quyền giải quyết.

Bạn không nói rõ trường hợp của bạn là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương nên sẽ có hai phương án nộp đơn:

+ Phương án 1 - ly hôn thuận tình: Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú hoặc làm việc hoặc nơi chồng bạn đang cư trú hoặc làm việc (Theo điểm h khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

+ Phương án 2 - ly hôn đơn phương: nếu ly hôn đơn phương bạn phải nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi chồng bạn - bị đơn, đang cư trú hoặc làm việc (Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

Thứ hai, về quyền nuôi con

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 số 52/2014/QH13 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

...3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Với quy định như trên, bạn hoàn toàn có quyền nuôi con. Tuy nhiên, nếu bạn không đủ điều kiện để nuôi con hoặc vợ chồng bạn có thỏa thuận khác thì con của bạn có thể được giao cho chồng của bạn.

 

3. Tại sao tòa án không giải quyết trường hợp ly hôn của tôi?

Kính gửi luật sư! Tôi có một vấn đề muốn nhờ luật sư tư vấn giúp: Tháng 5/2014 tôi làm đám cưới với Dung. Tháng 8/2017 chúng tôi bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Khi đó tôi có tình cảm với 1 người con gái khác tên Trâm.
Tháng 11/2019 tôi quyết định nộp đơn xin ly hôn đơn phương mặc dù Dung kiên quyết không ký tên. Tháng 1/2020 tòa án triệu gọi lần 1 tôi và Dung về. Khi ra tòa Dung vẫn khăng khăng khẳng định còn yêu tôi và không chịu ký tên. Dung có mang theo 1 tấm hình tôi và Trâm chụp chung với chú rể và cô dâu là đồng nghiệp của tôi. Trong hình tôi và Trâm chỉ mang áo sơ mi giống nhau ngoài ra không có gì đặc biệt. Tại tòa tôi phủ nhận việc có quan hệ tình cảm với Trâm mặc cho Dung luôn khẳng định như thế. Sau lần đó cho đến nay (tháng 7/2020) tòa án không gọi cho tôi 1 cuộc gọi nào để ra tòa giải quyết. Ba mẹ tôi đã tìm đến 1 người quen để hỏi thăm thì họ nói do có tấm hình đó mà tòa không chịu giải quyết cho tôi. Trong khi mọi người nói rằng Dung đã lấy chồng rồi. Do lấy chồng lần 2 nên không mời ai cả chỉ có trong gia đình thôi. Khi làm đơn ly hôn tôi không kê khai bất cứ gì về tài sản coi như tôi cho cô ta hết rồi. Theo tôi được biết theo luật mới 2015 thì tòa án vẫn phải giải quyết vấn đề ly hôn đơn phương và giải quyết trong 1 lần nhưng tại sao ở Bình Định họ lại lu mờ tình trạng của tôi như vậy? Hiện tại rất muốn hoàn thành xong nhanh việc ly hôn với Dung.

Mong Luật Sư giúp đỡ.

Tôi xin chân thành cảm ơn !
Người gửi: P.H

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Căn cứ Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hônnếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn."

Căn cứ chứng minh tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thực hiện theo quy định tại mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như sau:

"8. Căn cứ cho ly hôn (Điều 89)

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt."

Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 195. Thụ lý vụ án

1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Căn cứ theo quy định pháp luật và những gì bạn trình bày thì bạn đã nộp đơn ly hôn đơn phương và đã nộp tạm ứng án phí là 300.000₫ vào ngày 20/3/2020 như vậy hồ sơ của bạn không thiếu giấy tờ gì và vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi bạn nộp.

Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài,được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lập hồ sơ vụ ántheo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Thẩm phánra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

d) Đưa vụ án ra xét xử.

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Theo Điều 499, Điều 502 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự như sau:

Điều 499. Quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự có thể bị khiếu nại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật này.

Điều 502. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Như vậy, thời hạn xét xử ly hôn là 6 tháng kể từ ngày thụ lý. Nếu quá thời hạn này mà Tòa án không giải quyết cho bạn, bạn có thể khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết về việc tòa án vi phạm thủ tục tố tụng dân sự đó.
 

4. Giải quyết liên quan đến chia tài sản khi ly hôn?

Thưa luật sư, Chúng tôi lấy nhau được 21 năm nhưng không có con chung nên khi ly hôn ( hoặc chết) tài sản được chia theo pháp luật như thế nào? Lịch sử tài sản: (Vợ tôi đã có một đời chồng và được cấp một nhà cấp 4 do cơ quan phân, sau đó chồng chết và tái hôn với tôi ). Sau khi lấy nhau chúng tôi phá nhà cấp 4 và xây nhà 5 tầng kiên cố. Chúng tôi không có con chung, hai chúng tôi đều cán bộ nhà nước và đều có con riêng nhưng các con đều có nhà riêng ?
Rất mong được Luật sư tư vấn giúp!

>> Luật sư tư vấn pháp luật về ly hôn, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Trong trường hợp này anh không có nêu rằng cái nguồn gốc đất này là hiện nay có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này mang tên mình vợ anh với người chồng cũ hay mang tên của hai vợ chồng anh. Nếu như trong trường hợp mà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình vợ anh thì sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ anh, còn mang tên của cả hai vợ chồng thì sẽ được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng và diện tích mảnh đất này sẽ được chia theo nguyên tắc chia đôi.

Còn đối với căn nhà được xây trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng và sẽ được chia theo nguyên tắc chia đôi nếu như các bên không chứng minh được công sức đóng góp của mình vào việc xây dựng căn nhà này theo quy định tại điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Trong trường hợp này nếu như hai vợ chồng anh mà không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu tòa án giải quyết và các bên sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với tỷ lệ phần trăm giá trị của ngôi nhà.

Những điều cần lưu ý: Quyền sử dụng đất là tài sản riêng nhưng nhà là tài sản chung của hai vợ chồng thì anh vẫn có quyền yêu cầu chia đôi giá trị của ngôi nhà.

 

5. Có được xét ly hôn khi vợ không chịu làm thủ tục hòa giải không ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Em làm đơn ly hôn đơn phương khi toàn án mời hòa giải mà vợ em không ra hòa giải mời đến ba lần nhưng vợ em vẫn không ra hòa giải như vậy em có được xét ly hôn không ?
Cảm ơn!

Có được xét ly hôn khi vợ không chịu làm thủ tục hòa giải không ?

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến gọi: 1900.6162

Trả lời:

Thủ tục hòa giải tại Tòa án sẽ tuân theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể thủ tục hòa giải sẽ tuân thủ theo nguyên tắc sau tại điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại
Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;

b) Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Điều 206. Những vụ án dân sự không được hòa giải

1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Theo quy định trên thì nếu như 1 bên vợ hoặc chồng vắng mặt tại buổi hòa giải nhưng có lý do chính đáng hoặc đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn cố tình vắng mặt thì vụ việc hòa giải sẽ không thể tiến hành được . Tuy nhiên, việc ly hôn vẫn sẽ tiến hành như bình thường theo đúng quy định của pháp luật vì theo quy định tại Điều 205 bộ luật tố tụng dân sự thì:

Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại
Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên nếu như việc vắng mặt vợ thuộc 2 trường hợp vắng mặt dẫn đến không thể tiến hành hòa giải được thì vụ án ly hôn vẫn sẽ được tiến hành bình thường.