1. Khái niệm bảo đảm quyền của bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục

1.1 Khái niệm người dưới 18 tuổi

Ở Việt Nam vấn đề bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi được xác định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013, Luật trẻ em năm 2016, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tại chương XII với tên gọi: “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi” (từ điều 90 đến điều 107), BLTTHS năm 2015 quy định tại chương XXVIII với tên gọi “thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” (từ điều 413 đến điều 430) nằm trong phần thứ 7 “thủ tục tố tụng đặc biệt” … và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong đó độ tuổi của trẻ em được quy định như sau:
Điều 1, Luật trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, quy định này đang được kiến nghị sửa đổi nâng độ tuổi đến dưới 18 để phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhằm mục đích tăng mức độ bảo vệ trẻ em cho tất cả những người có độ tuổi dưới 18.
Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi” và “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Trong pháp luật hình sự, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 dành hẳn một chương XII để quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó tại điều 90 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.
Người dưới 18 tuổi có thể tham gia TTHS với tư cách người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Người dưới 18 tuổi là đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Trong một số trường hợp, hành vi xâm phạm không bị coi là tội phạm nếu đối tượng bị xâm hại là người đã thành niên, ngược lại hành vi xâm hại đó sẽ có tội nếu đối tượng đó là người chưa thành niên hoặc trẻ em. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng có thể hiểu như sau: “Người dưới 18 tuổi là người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, dễ bị tổn thương do các tác động tiêu cực từ môi trường xã hội”.
 

1.2 Khái niệm xâm phạm tình dục

Ở Việt Nam các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận tại Điều 17 Hiến pháp năm 2013, thể hiện ở 4 cấp độ gồm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng sức khỏe của con người, của công dân là nhiệm vụ của xã hội.
Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng: “Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao” và “Xâm hại là xâm phạm đến khiến cho bị tổn hại”. Do vậy, xâm phạm tình dục người dưới 18 tuổi là xâm phạm, động chạm đến các quyền tự do, quyền tự nhiên của người dưới 18 tuổi về quan hệ tính giao; xâm phạm đến thân thể, sức khỏe.
Hiện nay, ở Việt Nam, vấn đề XPTD người dưới 18 tuổi cũng được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên cũng chưa có một khái niệm thống nhất nào được đưa ra. Tại khoản 8, Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 quy định rõ: xâm hại tình dục trẻ em được hiểu là việc “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.
Tại báo cáo “Phân tích kết quả kết nối can thiệp các ca trẻ em bị xâm hại tình dục qua hoạt động của đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em” năm 2008 của Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông - Cục bảo vệ, Chăm sóc trẻ em thuộc Bộ lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra một định nghĩa khác như sau: “Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi có chủ ý làm hài lòng nhu cầu tình dục của một người lớn đối với trẻ em, là sự tham gia của trẻ em vào một hành vi tình dục mà các em chưa hiểu biết đầy đủ, không thể đồng ý, vi phạm pháp luật và đạo lý xã hội. Hành vi này có thể bao gồm thuyết phục hoặc đe dọa trẻ tham gia vào bất kỳ hành vi tình dục phi pháp nào; sử dụng trẻ em mang tính bóc lột ấn phẩm khiêu dâm, hiếp dâm trẻ em”.
Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và BLTTHS năm 2015 quy định nếu một người bị nghi là có một trong những hành vi nêu trên thì sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật Hình sự. Và để luật hình sự hóa các hành vi XPTD trẻ em của Luật trẻ em năm 2016 thì theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có 05 tội danh liên quan đến XPTD trẻ em bao gồm: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); Ngoài ra còn có 03 tội danh quy định tình tiết phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em là dấu hiệu định khung tăng nặng (trong trường hợp nạn nhân là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) bao gồm: Tội chứa mại dâm (Điều 327); Tội môi giới mại dâm (Điều 328); Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329).
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 06/2019 ngày 1 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS về việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi giải thích về xâm hại tình dục như sau: “Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...)”.
Như vậy, ta có thể đưa ra định nghĩa: “Các tội XPTD người dưới 18 tuổi là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý trực tiếp biểu hiện ở hành vi XPTD đối với nạn nhân là người dưới 18 tuổi”.
 

1.3 Khái niệm bảo đảm quyền của bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục

Theo từ điển Tiếng Việt thông dụng định nghĩa quyền là: “điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”. Quyền cơ bản của mỗi công dân được quy định trong Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Quyền của người tham gia tố tụng hình sự, đặc biệt là bị hại được quy định trong chính sách hình sự của quốc gia đó.
Cũng theo từ điển Tiếng Việt, “bảo đảm” là: “Làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết” .
Theo quy định tại điều 62 BLTTHS năm 2015 về bị hại thì: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Tại Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự năm 203 đưa ra khái niệm “Người bị hại” theo đó “Người bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại chỉ có thể là thể nhân bị người phạm tội làm thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản. Nếu người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại”. Trong trường hợp người bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của người bị hại, tuy nhiên trong BLTTHS năm 2015 thuật ngữ “Người bị hại” trong BLTTHS năm 203 đã được thay thế bằng thuật ngữ “Bị hại” trong đó khái niệm bị hại mở rộng hơn đối tượng bao gồm công dân và pháp nhân. (BLTTHS năm 203 quy định người bị hại chỉ có công dân)
Bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trẻ em là thành tố quan trọng để vụ án được xét xử khách quan, công bằng thông qua đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn công lý trong xã hội toà án.
Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự được thể hiện trên ba phương diện, đó là: Thứ nhất, hình thành hệ thống pháp luật quốc gia trên cơ sở các tiêu chí quốc tế về quyền con người; Thứ hai, có các biện pháp bảo đảm thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền con người; Thứ ba, có cơ chế giám sát thực thi quyền con người.
Bảo đảm quyền của người bị hại trong các vụ án XPTD trẻ em gắn với phương thức sống của cá nhân, các mối quan hệ xã hội và các hoạt động sống của con người trong xã hội. Những quyền cần thiết và cơ bản để con người tham gia vào quá trình sống và được nhà nước công nhân đó là: quyền được sống, quyền được tôn trọng danh dự nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về thân thể…
Bảo vệ chăm sóc giáo dục người dưới dưới 18 tuổi là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong suốt sự nghiệp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để phù hợp với pháp luật quốc tế và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án XPTD thể hiện ở sự thống nhất trong những quy định của pháp luật hình sự về các biện pháp tư pháp, về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền của người dưới 18 tuổi theo những tính chất, đặc thù vốn có.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD như sau: “Bảo đảm quyền của bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD là bảo đảm những quyền đặc thù chỉ dành cho nhóm đối tượng này, là đối tượng cần chăm sóc đặc biệt bởi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần đồng thời Nhà nước phải có nghĩa vụ ghi nhận trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia, được Nhà nước đảm bảo thực hiện và bảo vệ khi bị xâm hại”.
 

2. Đặc điểm về bảo đảm quyền của bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án xâm phạm tình dục

Bảo đảm quyền của bị hại dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trẻ em được thể hiện thông qua những đặc điểm sau đây:
 

2.1 Chủ thể bảo đảm

Bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trẻ em xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung chính là việc đảm bảo tính hiện thực của quyền này đã được pháp luật thừa nhận.
Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận việc bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trẻ em trong TTHS vừa là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời với việc thừa nhận đó cũng có nghĩa Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm bằng biện pháp pháp lý mà còn bằng những bảo đảm bằng chính trị, xã hội và kinh tế. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật TTHS để bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD, đồng thời thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án bảo đảm quyền này trong suốt quá trình tố tụng. Như vậy, chủ thể bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD trước hết là các cơ quan xây dựng và áp dụng pháp luật TTHS.
Tuy nhiên, ngoài ra việc bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD còn thông qua: người bào chữa, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gia đình, nhà trường, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…
 

2.2 Về đối tượng bảo đảm

Bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD có đầy đủ các quyền như bị hại là người chưa thành niên. Bên cạnh đó họ còn được bảo đảm những quyền đặc thù để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình đó là: Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người nói chung trong đó có quyền của người dưới 18 tuổi. Đây là quyền hiến định. Do đó, bị hại là người chưa thành niên khi bị XPTD, bị bạo hành hoặc bị mua bán sẽ được giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, kịp thời.
Quyền được điều tra, truy tố, xét xử phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Hiện nay người chưa thành niên đặc biệt là bị hại trong các vụ án XPTD đã được các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình như việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên đây là bước tiến lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật cho hoạt động tố tụng phù hợp với tâm lí của người chưa thành niên như phòng lấy lời khai, phòng xử án thân thiện được quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án. Các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ đứng dưới góc độ pháp luật mà còn phải đứng dưới góc độ chuyên môn như tâm lý học và giáo dục học để làm sáng tỏ nguyên nhân và bối cảnh giải quyết của vụ việc. Việc xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với người dưới 18 tuổi là một trong những giải pháp bảo đảm quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án XPTD, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn bản mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện được thể hiện trong các văn bản pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hàng loạt các chế định mang tính cá biệt nhằm đảm bảo quyền của bị hại là người dưới 18 tuổi.
Quyền ưu tiên được đảm bảo giữ bí mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi. Mọi hoạt động tố tụng liên quan đến người dưới 18  tuổi cần được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc đảm bảo bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của họ.
Quyền có sự hiện diện bắt buộc của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có hiểu biết về người dưới 18 tuổi đó là người đại diện, người bào chữa, người bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đại diện Nhà trường, Đoàn thanh niên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải có mặt và tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng theo quyết định hoặc theo yêu cầu của cơ quan THTT, người có thẩm quyền THTT. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng, hội thẩm nhân dân phải nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi đây là những người phải có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lí, đã được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có sự tham gia của người dưới 18 tuổi.
Công ty Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)