1. Đề thi cuối kì 1 lớp 6 môn Ngữ văn năm học 2024 - 2025 có đáp án - Đề số 1

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn dưới đây và khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi:

“Trong hang Én, hàng vạn con chim én vẫn hồn nhiên cư ngụ và chưa phải biết sợ con người. Bốn vách hang, trần hang – nơi nào cũng dày đặc chim én. Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách. Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra ràng chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,... Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, say giấc ngay trên những mỏm đá thấp dọc lối đi. Nếu đặt lên vai, bạn sẽ rúc vào tóc hoặc đậu trên đầu mình để... ngủ tiếp!” 

(Trích Hang Én, Hà My, Ngữ văn 6, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2021) 

Câu 1. Đoạn văn trên giúp em khám phá được hình ảnh nào?

A. Sự chăm sóc của con người dành cho gia đình én. 

B. Cuộc du ngoạn của khách tới thăm hang Én. 

C. Cuộc sống của chim én trong hang.

D. Sự sống của con người và én trong hang. 

Câu 2. Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu: “Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách” nhằm nhấn mạnh điều gì? 

A. Loài én cũng có cuộc đời như những con vật khác. 

B. Loài én cũng có đời sống như con người. 

C. Hãy trân trọng cuộc đời của loài chim én. 

D. Loài én cũng cần sự tự do trong cuộc đời của mình.

Câu 3. Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu văn: “Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra rang chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,…” có tác dụng gì? 

A. Giúp người đọc hình dung được cảnh sinh sống của loài én. 

B. Tái hiện sinh động cuộc sống tấp nập của gia đình loài én. 

C. Thể hiện khả năng dùng từ ngữ linh hoạt của tác giả.

D. Cả 3 phương án A, B và C. 

Câu 4. Việc đến khám phá những nơi xa sẽ mở rộng tầm hiểu biết cho chúng ta. Theo em, hành trình đó còn đánh thức những điều gì ở con người? 

A. Sự hiểu biết về loài én 

B. Giúp tinh thần sảng khoái 

C. Tinh thần trách nhiệm với công việc hằng ngày

D. Tình yêu thiên nhiên, đất nước và sự trân trọng những giá trị của cuộc sống

PHẦN II. VĂN HỌC

Câu 1. Hãy nêu hiểu biết của em về thể loại du kí? Nêu tên một tác phẩm khác Hang Én) có cùng thể loại đó. 

Câu 2 . Việc trải nghiệm và ghi chép lại những kiến thức sẽ trở thành tư liệu quý giá của riêng mỗi người. Trong văn bản Hang Én, tác giả đã chia sẻ những cảm nhận của mình về cuộc sống hoang dã của loài én. Theo em, điều đó có ý nghĩa như thế nào? 

Câu 3. Trong văn bản Hang Én, tác giả đã viết về những trải nghiệm của mình, miêu tả khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt và những con người mình đã gặp gỡ. Cuộc sống thật phong phú biết bao. Em hãy quan sát và miêu tả lại một khung cảnh ấn tượng mà em từng trải nghiệm qua những chuyến đi của mình.

ĐÁP ÁN

Phần I

Mỗi câu trả lời đúng cho 0,5 điểm. 

Câu 1. C 

Câu 2. B 

Câu 3. D 

Câu 4. D 

Phần II

Câu 1

- Du ký là thể loại ký ghi chép về những chuyến đi tới một vùng đất, xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy, tai nghe trong hành trình của mình.

- Văn bản cùng thể loại: Cô Tô. 

Câu 2

- Cách viết của tác giả khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú, hình dung được cuộc sống và khung cảnh thiên nhiên kỳ bí, sinh động và phong phú ở hang Én. 

- Mở rộng vốn hiểu biết, khả năng tìm tòi, khám phá cho mỗi người. 

- Khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã,... 

- Khơi dậy trong chúng ta tình yêu quê hương đất nước,... Cách chia sẻ ấy không làm chúng ta sợ hãi và sống xa thiên nhiên mà khơi gợi trong ta sự hứng thú muốn khám phá thiên nhiên quanh mình. 

Câu 3

Gợi ý: bài văn cần đảm bảo:

* Hình thức: 

- Đúng hình thức bài văn có bố cục 3 phần. 

- Diễn đạt rõ ràng, lưu loát, không mắc các lỗi về chính tả.

* Nội dung: Học sinh trình bày sáng tạo trải nghiệm và miêu tả lại những điều đó. 

- Mở bài: Giới thiệu được cảnh ấn tượng mà em từng trải nghiệm qua những chuyến đi. 

- Thân bài: 

+ Tả bao quát quang cảnh (không gian, thời gian, hoạt động chính,...). 

+ Tả những hoạt động, cách sinh hoạt của con người, con vật nơi đó. 

+ Dùng từ ngữ phù hợp, các hình ảnh so sánh, nhân hoá để miêu tả những cảnh ấn tượng trong chuyến trải nghiệm.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ, ấn tượng của em về khung cảnh em được trải nghiệm.

 

2. Đề thi cuối kì 1 lớp 6 môn Ngữ văn năm học 2024 - 2025 có đáp án - Đề số 2

Phần 1: Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

NHỮNG ĐIỀU BỐ YÊU

Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu”

"Con ong làm mật”, “Mù u! bướm vàng”...

Sau yêu cái chỗ con nằm

Thơm mùi sữa với chiếu thâm mấy quầng

Yêu sao ngang dọc, dọc ngang

Những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà.

Thêm yêu dìu dịu nước hoa

Khi con muỗi đốt, bà xoa nhẹ nhàng

Và yêu một góc mặt bàn

Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.

Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”

Bước đi chập chững, mặt trời nhòm coi

Bao ngày, bao tháng dần trôi

Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con.

Để khi con vắng một hôm

Bố ngơ ngẩn nhớ, quên cơm bữa chiều.

Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.

(NGUYỄN CHÍ THUẬT, Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 35, 1999)

Ghi lại chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 9):

Câu 1. Bài thơ “Những điều bố yêu” được viết theo thể thơ nào?

A. Thể thơ tự do

B. Thể thơ lục bát

C. Thể thơ năm chữ

D. Thể thơ bốn chữ

Câu 2. Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của ai?

A. Người bố

B. Người con

C. Người mẹ

D. Người bà

Câu 3. Cách ngắt nhịp nào thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ?

A. Ngày con khóc tiếng chào đời /

Bố thành vụng dại / trước lời hát ru

Cứ "À ơi, / gió mùa thu”

“Con ong làm mật”, / “Mù u bướm vàng”...

B. Ngày con / khóc tiếng / chào đời

Bố thành / vụng dại / trước lời / hát ru

Cứ “À /ơi, gió / mùa thu”

“Con ong /làm mật”, / “Mù u /bướm vàng”...

C. Ngày con / khóc tiếng chào đời 

Bố thành / vụng dại trước lời hát ru

Cứ "À /ơi, gió mùa thu” 

“Con ong làm mật, / “Mù u bướm vàng”...

D. Ngày con khóc tiếng / chào đời

Bố thành vụng dại trước lời / hát ru

Cứ “À ơi, gió mùa thu” /

“Con ong làm mật, / “Mù u bướm vàng”...

Câu 4. Điệp từ nào được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ?

A. Con

B. Bao

C. Bố

D. Yêu

Câu 5. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”?

A. So sánh

B. Nhân hoá

C. Ẩn dụ

D. Liệt kê

Câu 6. Hai dòng thơ nào nói được tất cả những điều mà người bố yêu?

A. Ngày con khóc tiếng chào đời

Bố thành vụng dại trước lời hát ru.

B. Và yêu một góc mặt bàn

Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.

C. Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”

Bước đi chập chững, mặt trời nhòm coi. 

D. Con ơi có biết bao điều

Sinh cùng con để bố yêu một đời.

Câu 7. Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng nào được gieo vần với nhau?

A. Đời - lời; ru - thu - u

B. Đời - ru; thu - u - vàng

C. Chào - hát; ru - thu - u

D. Đời - lời; hát - thu - u

Câu 8. Bài thơ “Những điều bố yêu” có điểm gì khác với bài thơ “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên) và “Về thăm mẹ” (Đinh Nam Khương)?

A. Viết về tình cảm gia đình

B. Viết theo thể thơ lục bát

C. Diễn tả tâm trạng của người cha

D. Thể hiện tình cảm sâu nặng

Phần 2: Văn học

Viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 dòng) phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ: “Những điều bố yêu”. 

ĐÁP ÁN

Câu 1: B

Câu 2: A

Câu 3: A

Câu 4: D

Câu 5: C

câu 6: D

Câu 7: A

Câu 8: C

Phần 2: Văn bản

- Tạo lập đoạn văn 5-7 dòng phát biểu cảm nghĩ về bài thơ. 

- Nội dung đoạn văn cần nêu được cảm nghĩ cụ thể của học sinh về bài thơ và nêu lí do vì sao bài thơ đem lại cảm nghĩ đó cho bản thân. 

Bài thơ mà cha viết chính là những lời thủ thỉ tâm tình sâu sắc mà ông muốn gửi gắm đến con yêu của mình. Ngày con chào đời, đó chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời của cha, là dấu mốc đánh dấu niềm hạnh phúc vô bờ bến. Khi con còn bé, cha và mẹ luôn dành trọn tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc, luôn dõi theo từng bước đi của con. Hạnh phúc trào dâng trong lòng cha khi thấy con chập chững những bước đầu tiên, và niềm vui ấy càng thêm lớn lao khi nghe thấy tiếng nói đầu tiên của con vang lên, như một bản nhạc ngọt ngào trong cuộc sống. Đối với cha, con không chỉ đơn thuần là một đứa trẻ, mà là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho gia đình. Có con bên cạnh, mái ấm của chúng ta trở nên ấm áp hơn, hạnh phúc hơn, với những tiếng cười và những kỷ niệm đáng trân trọng. Chỉ cần xa con một chút thôi, lòng cha đã đủ ngẩn ngơ, nhớ nhung, và mong chờ từng ngày để được gặp lại con. Khi đọc bài thơ này, con sẽ cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa trong lòng, như một vòng tay êm dịu của tình cha, tình mẹ, luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, cùng nhau bước đi trên những nẻo đường của cuộc sống. Tình yêu ấy sẽ luôn là ánh sáng dẫn đường cho con, dù cho có bao nhiêu thử thách phía trước.

 

3. Đề thi cuối kì 1 lớp 6 môn Ngữ văn năm học 2024 - 2025 có đáp án - Đề số 3

Phần 1: Đọc hiểu

Đọc đoạn văn dưới đây và khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi: 

“Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí…”

(Gió lạnh đầu mùa, Ngữ văn 6 Tập 1, NXBGD, Hà Nội 2021) 

Câu 1: Văn bản “Gió lạnh đầu mùa” của tác giả nào? 

A. Tô Hoài 

B. Thạch Lam 

C. Tạ Duy Anh 

D. Mai Văn Phấn 

Câu 2: “Ý nghĩ tốt thoáng qua trong trí …” thể hiện tính cách gì của Sơn và Lan? 

A. Tốt bụng, có tấm lòng biết yêu thương đùm bọc những người có hoàn cảnh khó khăn. 

B. Cao thượng, muốn ban phát sự giúp đỡ cho người khác 

C. Thích khoe khoang, tỏ ra là nhà mình giàu có. 

D. Chẳng thể hiện tính cách gì vì hai nhân vật đang còn rất nhỏ. 

Câu 3: Trong câu: “Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa.” sử dụng mấy cụm tính từ? 

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Câu 4: Thông qua suy nghĩ của Sơn, em có thể hình dung ra điều gì về cuộc sống của những người dân nghèo trước cách mạng tháng Tám năm 1945? 

A. Họ có một cuộc sống đầy đủ 

B. Họ có cuộc sống tạm ổn. 

C. Họ có một cuộc sống nghèo khổ, vất vả làm lụng cũng không đủ ăn, đủ mặc. 

D. Họ có một cuộc sống nghèo khổ, vất vả làm lụng nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. 

Phần 2: Văn học

Câu 1: Theo em việc Lan và Sơn trong văn bản “Gió lạnh đầu mùa” giấu mẹ lấy chiếc áo bông của em Duyên đem cho Hiên là đáng khen hay đáng trách? vì sao? 

Câu 2: Sự yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ được thể hiện rõ qua nhiều câu ca dao, tục ngữ. Em hãy tìm 2 câu ca dao hoặc tục ngữ viết về chủ đề trên? 

Câu 3: Đối với mỗi cuộc đời con người, sự sẻ chia trong cuộc sống là điều vô cùng cần thiết, như nhân vật Sơn trong văn bản “Gió lạnh đầu mùa” đã chia sẻ áo ấm với Hiên. Vào dịp Tết Nguyên đán, trường em tổ chức ngày hội “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” mà tại đây, học sinh được tham gia làm bánh chưng để tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Em hãy viết bài văn kể lại trải nghiệm đó của mình. 

Đáp án

Phần 1: Đọc hiểu

Câu 1: B

câu 2: A

Câu 3: 

Câu 4: C

Phần 2: Văn học

Câu 1

Việc Lan và Sơn giấu mẹ lấy áo bông của em Duyên đem cho Hiên vừa đáng khen, vừa đáng trách: 

- Đáng khen ở chỗ: Hai đứa trẻ tốt bụng, biết sẻ chia và quan tâm những người có hoàn cảnh khó khăn. 

- Đáng trách ở chỗ: Đó là chiếc áo kỉ niệm của đứa em xấu số, chưa được sự cho phép của mẹ mà hai chị em đã đem đi cho người khác. 

Câu 2

- Lá lành đùm lá rách. 

- Thương người như thể thương thân. 

Câu 3

a. Hình thức: 

- Đảm bảo bố cục 3 phần. 

- Diễn đạt lưu loát, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả. 

- Kể theo ngôi thứ nhất. 

b. Nội dung: 

- Mở bài: Giới thiệu câu chuyện trải nghiệm của bản thân cùng các bạn trong ngày hội “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”. 

- Thân bài: Kể diễn biến câu chuyện

+ Thời gian, không gian?

+ Diễn biến sự việc và những nhân vật có liên quan. 

Lưu ý: Kể lại các sự việc trong câu chuyện theo trình tự hợp lí (thời gian, nguyên nhân – kết quả,… ; Khi kể lồng ghép các yếu tố miêu tả, biểu cảm,… và biết sử dụng các biện pháp tu từ, ngôn ngữ trong sáng,….) 

- Kết bài: 

+ Cảm nghĩ của người viết. 

+ Rút ra ý nghĩa của trải nghiệm.