1. Phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng là gì?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

Đường dây nóng là hệ thống khép kín, đồng bộ, bao gồm điện thoại, thư điện tử (email); các thiết bị viễn thông; thiết bị công cụ hỗ trợ. Đường dây nóng bao gồm đường dây nóng cấp Trung ương và đường dây nóng cấp địa phương.

Theo đó, phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường được hiểu là việc các tổ chức, cá nhân thông qua đường dây nóng gửi các thông tin bao gồm thông tin về đối tượng, hành vi thải chất thải có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường; thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường có khả năng do hành vi xả chất thải gây ra và các thông tin khác có liên quan đến ô nhiễm môi trường đến các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý.

 

2. Pháp luật quy định đường dây nóng 24/7 phản ánh về ô nhiễm môi trường

Xuất phát từ thực trạng tình hình ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường hiện nay ngày càng tăng nhưng quá trình tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin mà người dân phản ánh còn hạn chế, chưa hiệu quả. Để tăng cường tiếp thu ý kiến, phát huy vai trò của toàn thể nhân dân, phát hiện kịp thời về ô nhiễm môi trường thì ngày 10/10/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về vấn đề tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng. Nội dung chỉ thị nêu ra rằng :

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ thị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh trên toàn quốc thiết lập, vận hành đường dây nóng (gồm số điện thoại và địa chỉ thư điện tử) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ;

- Xây dựng, ban hành, thực hiện quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng.

Theo đó, các thông tin phản ánh, kiến nghị về hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường từ các tổ chức, cá nhân được Tổng cục Môi trường tiếp nhận qua số điện thoại đường dây nóng: 086.900.0660 và địa chỉ thư điện tử đường dây nóng: duongdaynong@vea.gov.vn. Đường dây nóng bắt đầu được triển khai đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2018.

Ngoài ra tại Phụ lục danh mục đường dây nóng về ô nhiễm môi trường cấp trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-BTNMT bổ sung thêm về đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường với số điện thoại: 1800088848, địa chỉ thư điện tử: pakn@monre.gov.vn ; đường dây nóng của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường qua số điện thoại: 1900999915 và địa chỉ thư điện tử: duongdaynong@vea.gov.vn.

 

3. Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường

Ngày 24 tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 174/QĐ-BTNMT về quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, cụ thể như sau :

- Về nguyên tắc :

+ Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phải nhanh chóng, chính xác, đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền; đảm bảo thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải bí mật; không sử dụng đường dây nóng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

+ Nội dung thông tin đường dây nóng phải được cập nhật và chuyển kịp thời đến Phòng tài nguyên và Môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức xác minh thông tin; cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc phân công đơn vị chủ trì, phối hợp xử lý vụ việc; kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm và yêu cầu các biện pháp khắc phục nếu có theo quy định của pháp luật.

- Về phương thức tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng : có thể là gọi điện, nhắn tin vào các số điện thoại đường dây nóng; gửi thông tin vào thư điện tử đường dây nóng hoặc gửi thông tin qua hệ thống thông tin trên website.

- Nội dung thông tin cơ bản tiếp nhận thông qua đường dây nóng bao gồm :

+ Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử của tổ chức, cá nhân phản ánh

+ Tên tổ chức, cá nhân có dấu hiệu, hành vi gây ô nhiễm môi trường nếu bên phản ánh xác định được

+ Thời gian xảy ra hoặc phát hiện vụ việc, địa điểm xảy ra vụ việc

+ Thông tin về loại hình ô nhiễm trong các loại hình nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn; tính chất, mức độ vụ việc là xảy ra tức thời, đột xuất hay thường xuyên, liên tục; phạm vi, mức độ ô nhiễm hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường có khả năng do hành vi xả chất thải gây ra

+ Những bằng chứng thu thập được như ảnh, video, bản ghi âm, tài liệu và hồ sơ khác nếu có.

- Về tiếp nhận thông tin :

+ Cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành đường dây nóng phải có trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật đầy đủ nội dung thông tin vào hệ thống thông tin. 

+ Thời gian cập nhật thông tin vào hệ thống thông tin sau khi tiếp nhận là không quá 2 giờ kể từ khi nhận được thông tin đối với các vụ việc xả chất thải ra môi trường mang tính tức thời, đột xuất, có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên diện rộng (trong phạm vi cấp huyện quản lý trở lên). Đối với các thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường thường xuyên, liên tục của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trên phạm vi cấp xã quản lý thì thời gian cập nhật thông tin vào hệ thống thông tin sau khi tiếp nhận là không quá 6 giờ.

- Về xác minh thông tin :

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức xác minh thông tin hoặc chỉ đạo cấp xã để nhanh chóng xác minh tính chính xác, đúng đắn của thông tin và cập nhật kết quả lên hệ thống thông tin. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, vượt quá khả năng thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức xác minh thông tin được tối ưu nhất.

+ Thời hạn xác minh thông tin là không quá 24 giờ kể từ khi thông tin được cập nhật trên hệ thống thông tin đối với các vụ việc về xả chất thải ra môi trường mang tính tức thời gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trong phạm vi cấp huyện quản lý trở lên. Đối với thông tin về vụ việc xả chất thải ra môi trường thường xuyên của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, cá nhân hoặc thông tin về biến đổi hiện trạng chất lượng môi trường trong phạm vi cấp xã quản lý thì thời hạn xác minh thông tin là không quá 72 giờ kể từ khi thông tin được cập nhật trên Hệ thống thông tin.

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết Đường dây nóng phản ánh tiếng ồn tại Hà Nội, TP HCM gọi số nào? để hiểu rõ hơn. Nếu còn điều gì băn khoăn hoặc vướng mắc vấn đề pháp lý nào, vui lòng kết nối trực tiếp đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được phản hồi nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê !