Mục lục bài viết
1. Cách tạo lập dàn ý cho đoạn văn cảm thụ
Khác với một bài văn hoàn chỉnh, một đoạn văn cảm thị đòi hỏi người viết phải biết cách triển khai cấu trúc và diễn đạt ý hiểu bằng những câu văn ngắn gọn, xúc tích mà vẫn phải bao quát toàn bộ ý như một bài văn hoàn chỉnh.
Để lấy ví dụ minh họa cho các tạo lập dàn ý này, hãy cũng lấy đoạn thơ trong bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ", một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Minh Huệ để cùng nhau phân tích:
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.
Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm thâm
Mái lều tranh xơ xác.
Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng.
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng.
Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
- Bác ơi! Bác chưa ngủ?
- Bác có lạnh lắm không?
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc!
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn.
Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
Vì Bác vẫn thức hoài.
Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi!
- Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
Anh vội vàng nằng nặc:
- Mời Bác ngủ Bác ơi!
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời Bác ngủ
- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn...
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.
Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.
Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.
1951
Nguồn: Thơ Việt Nam 1945-1975, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1976
Với một bài thơ dài như trên thì phải thiết lập dàn ý trước khi viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả sao cho chọn lọc và hay nhất. Cùng tiến hành theo từng phần sau đây:
1.1. Mở đoạn
- Giới thiệu tác giả và bài thơ
- Nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ
Ví dụ:
Minh Huệ với bài thơ Đêm nay Bác không ngủ là hiện tượng thi sĩ tiêu biểu trong làng trong văn chương kể về Bác. Bài thơ được viết dựa trên những sự kiện có thực những năm 1950 - 1951, trong giai đoạn chiến dịch chống Pháp diễn ra ác liệt. Bài thơ độc đáo bởi được viết bởi một nhà thơ xứ Nghệ, sử dụng chính làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh phổ qua thể thơ 5 chữ để ca ngợi tình thương người mênh mông của một người con vĩ đại của xứ Nghệ - Bác Hồ kính yêu.
1.2. Thân đoạn
- Nêu ấn tượng, cảm xúc của bản thân về câu chuyện được kể hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ
- Làm rõ nghệ thuật tự sự và miêu tả của tác giả
- Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ
Ví dụ:
Thật ấn tượng khi chứng kiến cảnh Bác thức trắng đêm vì đồng bào. Người cha vĩ đại của dân tộc đã quên ăn quên ngủ vì thương những người hoạt động cách mạng Việt Nam. Anh đội viên thì nằng nặc mời Bác đi ngủ nhưng Bác không đi. Thay vào đó, Bác động viên anh đi ngủ để mai còn đánh giặc…
1.3. Kết đoạn
- Nêu khái quát điều bản thân tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích)
Ví dụ:
Lời thơ như vừa kể chuyện, vừa gợi ra một khung cảnh ấm cúng tỏa sáng tình thương của BBài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" đã cho em cảm nhận được sự sâu sắc và giá trị bao la của tấm lòng vị cha già kính yêu của dân tộc.
2. Một số đoạn văn mẫu
Minh Huệ với bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" là hiện tượng thi sĩ tiêu biểu trong làng trong văn chương kể về Bác. Bài thơ được viết dựa trên những sự kiện có thực những năm 1950 - 1951, trong giai đoạn chiến dịch chống Pháp diễn ra ác liệt. Bài thơ độc đáo bởi được viết bởi một nhà thơ xứ Nghệ, sử dụng chính làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh phổ qua thể thơ 5 chữ để ca ngợi tình thương người mênh mông của một người con vĩ đại của xứ Nghệ - Bác Hồ kính yêu. Bài thơ lấy bối cảnh mùa thu năm 1950, trước khi mở màn chiến dịch Cao – Bắc – Lạng (còn gọi là chiến dịch Biên giới) nhằm phá vỡ phòng tuyến bao vây căn cứ Việt Bắc của thực dân Pháp, Bác đến thăm một đơn vị bộ đội và nghỉ lại nơi trú quân. Đêm mưa, trời lạnh, chiến sĩ ngủ quây quần bên Bác. Bài thơ như thủ thỉ kể một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn hiện lên các yếu tố tả cảnh đậm chất trữ tình. Người ta có thể tưởng tượng ra cảnh đêm đã khuya. Cảnh vật chìm trong bóng tối. Tiếng mưa rơi tí tách trên mái lán. Đồng đội đang ngủ say sau một ngày hành quân vất vả. Riêng Bác không ngủ. Người ngồi bên đống lửa, hai tay bó gối, đôi mắt trầm ngâm, những vết nhăn như sâu hơn trên vầng trán rộng. Bác khơi cho bếp lửa cháy bùng lên, hơi ấm toả khắp căn lều dã chiến. Rồi Bác đi dém chăn cho từng chiến sĩ, cố gắng không gây ra tiếng động. Ánh lửa bập bùng in bóng Bác lồng lộng trên vách nứa đơn sơ. Tình thương của Bác đã sưởi ấm trái tim chiến sĩ trước giờ ra trận. Đoạn hội thoại giữa Bác và anh chiến sĩ như nói lên tấm lòng, tình thương bao la, nồng đượm của người cha già. Bác nói rằng không thể yên lòng mà ngủ vì lo trời thì mưa lạnh thế này, dân công ngủ ngoài rừng, tránh sao cho khỏi ướt?! Bác nóng ruột, Bác chỉ mong trời mau sáng! Bất kỳ ai nghe câu nói của Bác cũng có thể nghe thấy tiếng lòng bồi hồi, rưng rưng trào lên một niềm xúc động trước sự ân cần săn sóc của Bác. Bác không trả lời câu hỏi của tôi mà ân cần khuyên nhủ "Chú cứ việc ngủ ngon, để lấy sức ngày mai đánh giặc!" mà chẳng thiết nghĩ đến sức khỏe của mình, quả thật làm tấm lòng vĩ đại ấy tỏa sáng hơn cả ngọn lửa đang bập bùng kia. Nghe Bác nói, em càng hiểu tình thương của Người sâu nặng, bao la biết chừng nào! Bác lo cho chiến sĩ, dân công, cũng là lo cho chiến dịch, cho cuộc kháng chiến gian khổ mà anh dũng của toàn dân. Tình thương ấy bao trùm lên đất nước và dân tộc. Lời thơ như vừa kể chuyện, vừa gợi ra một khung cảnh ấm cúng tỏa sáng tình thương của bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" đã cho em cảm nhận được sự sâu sắc và giá trị bao la của tấm lòng vị cha già kính yêu của dân tộc. Chính tấm lòng cao cả ấy của Bác đã khơi dậy trong toàn dân, toàn quân tình đồng đội, tình giai cấp đẹp đẽ và cao quý, làm nên những chiến thắng vang dội của lịch sử dân tộc, ghi danh và làm khiếp sợ những kẻ thù chiến tranh trên thế giới.
Như vậy đoạn văn trên đã đầy đủ kết cấu 3 phần, và thuật lại ngắn gọn cảm xúc của người đọc về bài thơ "Đên nay Bác không ngủ" - một bài thơ vừa có yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả. Để tham khảo thêm nhiều kiến thức văn học hữu ích, mời Quý bạn đọc theo dõi các bài viết tiếp theo của Luật Minh Khuê nhé. Xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc.
>> Tham khảo: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ chọn lọc hay nhất