Chế định giảm thời hạn chấp hành hình phạt được quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. (Xem: Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 0l/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007).

1. Điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt

Người đang chấp hành hình phạt chính phải có đủ 4 điều kiện sau đây mới được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt:

1.1. Điều kiện về thời gian thực tế chấp hành hình phạt:

Người bị kết án đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là:

+ 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn;

+ 12 năm đối với hình phạt tù chung thân. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi đã chấp hành được 15 năm tù;

+ 1/2 mức hình phạt chung đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý;

+ 2/3 mức hình phạt chung đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

+ 25 năm đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1.2. Điều kiện về sự tiến bộ của người bị kết án:

Người bị kết án có nhiều tiến bộ, thể hiện ở việc họ đã chứng tỏ đã quyết tâm cải tạo, có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích trong chấp hành án, tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, chế độ, nội quy của trại giam hoặc chế độ cải tạo không giam giữ.

1.3. Điều kiện về nghĩa vụ tài chính:

Người bị kết án đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. Trường hợp người bị kết án đã bồi thường toàn bộ nghĩa vụ dân sự cũng được xem là đã đủ điều kiện này. Ngoài ra, người bị kết án cần chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền (nếu có), nộp đủ án phí,...

Nếu các nghĩa vụ dân sự chưa thực hiện được mà thực hiện tốt tiêu chuẩn thi đua thì phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện, thân nhân phạm nhân hoặc người đại diện hợp pháp có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn phải có đơn trình bày thì mới xếp loại chấp hành án ở mức khá. Và kéo theo đó là mức đề nghị xét giảm của phạm nhân cao nhất cũng chỉ ở mức 9 tháng, không thể cao hơn nữa theo quy định tại điểm 1.3 mục 1 phần B Văn bản số 04/THAHS-P4 ngày 25/3/2014 của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng.

Theo tinh thần hướng dẫn tại mục 1 Phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao, thì “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án”. Do không được hướng dẫn cụ thể nên khi áp dụng có nhiều quan điểm trái ngược nhau:

Có quan điểm cho rằng: Yếu tố “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” ở đây được xem xét áp dụng đối với tất cả các lần được đề nghị xét giảm đối với phạm nhân. Có nghĩa là, lần đầu xét giảm phạm nhân đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự theo quyết định của bản án và lần xét giảm tiếp theo phạm nhân phải tiếp tục thực hiện thêm một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm. Có như thế, phạm nhân mới đủ điều kiện xem xét giảm đúng đợt, đảm bảo sự công bằng, dân chủ giữa các phạm nhân và đảm bảo mục đích khắc phục triệt để hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của phạm nhân gây ra.

Bên cạnh đó lại có quan điểm thứ hai lại cho rằng: “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” chỉ xem xét đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu, còn đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần hai, không cần xem xét phạm nhân phải thực hiện một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm nữa, mà chỉ cần xem xét phạm nhân có tiếp tục thể hiện tinh thần khắc phục phần nào hậu quả thiệt hại của vụ án hay không.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

1.4. Điều kiện về hình thức:

Người bị kết án có đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

Thẩm quyền xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt thuộc toà án.

2. Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt

Bộ luật hình sự không quy định mức giảm cụ thể trong mồi lần xét giảm mà chỉ quy định chung một người có thể được giảm nhiều lần và phải đảm bảo chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên, nghĩa là mức hình phạt được giảm của các lần cộng lại không được vượt quá 1/2 mức hình phạt đã tuyên. Theo văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này, đối với người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ 3 tháng đến 3 năm. Những trường hợp giảm đến 3 năm phải là người bị kết án có thành tích đặc biệt.

Ví dụ: Anh A bị kết án 5 năm tù về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Anh A có thể được xét giảm án nhiều lần, tuy nhiên tổng số thời gian giảm án gộp lại không được vượt quá 2 năm 6 tháng tù.

Riêng đối với người bị kết án tù chung thân, Bộ luật hình sự quy định cụ thể và chặt chẽ mức giảm, thể hiện rõ giới hạn áp dụng chế định giảm thời hạn chấp hành hình phạt và nhằm hạn chế việc lạm dụng chế định này trong thực tiễn. Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm (khoản 2 Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Trường hợp người bị kểt án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì toà án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm (khoản 3 Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ví dụ: Anh B bị kết án tù chung thân vì tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Lần đầu anh B được giảm án từ án chung thân còn 30 năm tù. Lần thứ hai, thứ ba,... anh B tiếp tục được giảm án, nhưng anh B chỉ có thể giảm tối đa tổng thời gian các lần là 10 năm nữa, vì anh B phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành hình phạt thực tế phải đủ 20 năm tù.

Anh C bị kết án 10 năm tù về tội bức tử, tù chung thân về tội giết người. Trong quá trình chấp hành án, anh C được xem xét giảm thời gian chấp hành hình phạt, lần đầu tiên anh đươc xét giảm án xuống còn 30 năm tù. Vào lần xét giảm thứ hai, anh C chỉ được xét giảm tối đa 5 năm nữa, vì anh C cần phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm tù.

Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự thì phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm tù (khoản 6 Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, mỗi năm người bị kết án được xét giảm một lần, mỗi lần có thể được giảm từ 3 tháng đến 9 tháng mức hình phạt đã tuyên. Trường hợp trong năm đó, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà lại có lí do đặc biệt đáng được khoan hồng thì có thể xét giảm tiếp nhưng tối đa là hai lần trong một năm. Người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng cũng phải đảm bảo thời hạn thực tể chấp hành là 1/2 mức án đã tuyên (Xem: Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012. và Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP- TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012 và Nghị quyết cùa Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007).

Ngoài những trường hợp thông thường trên đây, Bộ luật hình sự còn quy định giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt (Điều 64 Bô luật hình sự). Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt khác trường hợp thông thường ở điều kiện xét giảm, thời điểm và mức giảm. Điều kiện xét giảm là những trường hợp người bị kết án có lí do đặc biệt đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Trong trường hợp này, toà án có thể xét giảm đối với người bị kết án vào thời hạn sớm hơn hoặc với mức giảm cao hơn so với thời hạn và mức giảm quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo văn bán hướng dẫn hiện hành thì người quá già yếu được hiểu là người 70 tuổi trở lên hoặc những người 60 tuổi trở lên có bệnh tật nặng phải nằm bệnh viện, bệnh xá thường xuyên. Điều luật không quy định cụ thể thời hạn xét giảm sớm hơn như thế nào, cũng như mức giảm cao hơn bao nhiêu so với mức thông thường. Theo văn bản hướng dẫn hiện hành, thời hạn đã chấp hành để xét giảm trong trường hợp đặc biệt là 1/4 mức hình phạt đã tuyên đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù 30 năm trở xuống hoặc 10 năm đối với hình phạt tù chung thân. Mức giảm mỗi lần cao nhất là 1 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 4 năm đối với hình phạt tù song phải đảm bảo thời gian thực sự đã chấp hành ít nhất bằng 2/5 mức phạt đã tuyên hoặc 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt. Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê