Lần đầu tiên anh N gọi điện hỏi mua vé cho 2 đứa em nhà chú vào buổi chiều. Do nhà bố mẹ có tiệc nên em để quên điện thoại ở nhà, nên chồng em bắt máy và đã coi giá vé báo cho anh N rõ ràng rằng chiều Hồ Chí Minh đi giá là 1tr4, chiều Hà Nội đi giá là 1tr4, đến 22h. Tối cùng ngày 2 vợ chồng em ăn tiệc nhà bố mẹ về em thấy diện thoại bàn báo có cuoc gọi nhỡ em gọi lại và cũng báo giá như chồng em báo, rồi hẹn có gì thì mai gọi lại. Sang ngày hôm sau anh N gọi lại hỏi không có giấy CMND có đi được hay không. Sau khi em tư vấn giấy tờ cần thiết để đi anh N đồng ý đặt vé, lúc này em hỏi lại anh N muốn đi ra - đi vào vào giờ nào, em báo giá từ Sài Gòn đi ngày 10/6 lúc 12h giá là 1tr4, từ Hà Nội đi ngày 30/6 lúc 13h giá là 1tr4. Sau khi thống nhất tên tuổi ngày tháng năm sinh em đặt vé song rồi nhắn 2 tin nhắn cho anh N - 1 cái chiều đi 1 cái chiều về, báo cả giá 1 vé 1tr4. Sáng hôm sau em gọi hỏi lại tin nhắn gửi anh đã đọc chưa sao không thấy nhắn ok lại để còn xuất vé cho hãng, anh N trả lời đúng rồi chị xuất vé đi. Một tuần sau anh N gọi điện hỏi địa chỉ có người qua lấy vé trả tiền (Ông Hạ là chú anh N và là người có 2 con về cũng là người cùng làng với quê ngoại chồng em). Lúc này mới ngã ngửa tiền vé, em báo giá vé ít nhất 3 lần như trên, vậy mà anh N lại nghĩ 1tr4 cho cả đi và về, tổng tiền 4 vé là 5tr6 anh N nhất định khồn trả.
Em gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời. Sau khi suy tính em đưa ra 2 phương án: 1 là anh không lấy vé nữa thì vẫn phải trả 2tr8 cho tôi, số tiền đó đủ tiền phí đổi tên 4 vé đó cho người khác đi, 2 là tôi bù lỗ 1tr còn lại 4tr6 thì 2 chú cháu nhà anh tự xử và phải trả cho tôi. Cũng không thấy anh N trả lời, lúc này em nhờ người bạn thân là chị H, đứng ra khuyên giải anh N giúp, chị H gọi điện cho anh N mấy lần anh N cũng không trả lời. Chị H gọi điện nói chuyện cả với vợ anh N và ông Hạ để cùng hợp tác giải quyết cái vé, thôi thì mỗi người chịu thiệt bỏ ra mấy trăm để cho 2 bé được về quê chơi. Vậy mà qua 2 tuần phía bên anh N không trả lời, gọi không bắt máy. Cho nên em phải đưa ra quyết định làm sao để lấy lại tiền vé đã xuất, em gọi cho anh N kêu anh chỉ cần trả cho tôi 2tr8 đó thôi vé đó cứ thế mà đi, lúc này anh N mới chịu trả số tiền là 2tr8. Vì tình nghĩa nên em vẫn để 2 vé chiều Sài Gòn đi cho 2 bé về, còn 2 vé chiều vào em lấy lại sang tên đổi chuyến bay cho khách khác đi chịu lỗ 1tr4. Đến ngày 29 em lu bu thằng con bị bệnh nên quên ngày không nhắn cho anh N tự lo 2 vé vào cho 2 bé, đến sáng ngày 30 anh N đưa 2 em ra sân bay làm thủ tục không được mới gọi vào cho em lúc này điện thoại em không tiện nghe máy nên không nghe. Anh N tức tối nhắn tin chửi bới, hăm dọa, em gọi điện để nói chuyện thì anh ta vừa bắt máy đã chửi bới thách thức, còn vợ ông Hạ gọi tới điện thoại bàn chửi bới nguyền rủa đứa con em đang mang chưa sinh. Anh N gọi điện bắt em chịu trách nhiệm 2 cái vé vào, em trả lời tiền vé anh không trả lấy đâu có vé mà đi, anh N nhắn tin sẽ báo công an kinh tế kiện em. Theo luật của hãng máy bay thì cứ 1 người là tính 1 vé/1 ghế/ 1 chiều, dù có đặt 5 người 1 mã đặt chỗ thì hãng vẫn tính là 5 vé. Qua câu chuyện trên mong luật sư giúp em coi ai đúng ai sai và em có thể làm gì? Em rất mong được hồi âm sớm.
Em xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: L.L
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật dân sự của Công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật dân sự gọi : 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Nội dung tư vấn:
Theo quy định của bộ luật dân sự năm 2005 có quy định:
Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu
Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Điều 131. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này.
Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.
Điều 136. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
2. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường
- Trường hợp của bạn thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu với anh N và khi được tòa án tuyên giao dịch đó vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng.!.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ - CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ.