1. Khái niệm chỉ dẫn thương mại

Theo pháp luật Việt Nam khái niệm chỉ dẫn thương mại lần đầu tiên được quy định tại Nghị định 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp:

“Chỉ dẫn thương mại” là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại, hàng hóa, dịch vụ, gồm nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hóa, nhãn hàng hóa,…” (khoản 1 Điều 4 Nghị định 54/2000).

Và đã được pháp điển hóa trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019. Hiện nay, điều chỉnh pháp luật đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh dưới dạng chỉ dẫn gây nhầm lẫn được quy định  tại Luật cạnh tranh năm 2004 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định:

“Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.”

 

2. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn

- Chủ thể có quyền yêu cầu xử lý hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chủ thể kinh doanh đã sử dụng trước các chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ một cách rộng rãi, ổn định trong hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được người tiêu dùng biết đến uy tín của chủ thể kinh doanh và hàng hóa, dịch vụ mang chỉ dẫn thương mại đó.

- Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ gồm các đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý) và các đối tượng sau đây:

(i) "Nhãn hàng hóa" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hóa thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

(ii) "Khẩu hiệu kinh doanh" là một nhóm từ ngữ xuất hiện bên cạnh tên doanh nghiệp hoặc nhãn hiệu của sản phẩm của doanh nghiệp nhằm nhấn mạnh mục đích hoặc tiêu chí kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng tới.

 (iii) "Biểu tượng kinh doanh" là ký hiệu, chữ viết, hình vẽ, hình khối được thiết kế một cách độc đáo và được coi là biểu tượng của doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động kinh doanh;

(iv) “Kiểu dáng bao bì hàng hóa” là thiết kế, trang trí bao bì hàng hóa, gồm hình dạng, đường nét, hình vẽ, chữ, số, màu sắc, cách trình bày, cách phối hợp màu sắc, cách bố trí, kết hợp giữa các yếu tố nói trên tạo nên ấn tượng riêng hay nét đặc trưng của bao bì hàng hóa.

- Chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn là chỉ dẫn thương mại chứa các dấu hiệu (yếu tố cấu thành, cách trình bày, cách kết hợp giữa các yếu tố, màu sắc, ấn tượng tổng quan đối với người tiêu dùng) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại tương ứng của chủ thể quyền yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh được sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Việc sử dụng chỉ dẫn nêu trên nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ, xuất xứ địa lý, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ, hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

- Chủ thể yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn phải cung cấp các chứng cứ chứng minh:

(i) Chủ thể kinh doanh đã sử dụng chỉ dẫn thương mại một cách rộng rãi, ổn định, được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến, có thể bao gồm: các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm; doanh thu bán hàng; số lượng sản phẩm bán ra; hệ thống đại lý phân phối, liên doanh, liên kết; quy mô đầu tư; đánh giá của các cơ quan nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng, bình chọn của người tiêu dùng và các thông tin khác thể hiện uy tín của chủ thể kinh doanh gắn với chỉ dẫn thương mại trong hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam;

(ii) Bên bị yêu cầu xử lý đã sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, phương tiện quảng cáo;

(iii) Bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn mặc dù đã được chủ thể quyền yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hoặc thay đổi chỉ dẫn đó.

 

3. Các dạng hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn

Như vậy theo phân tích ở các mục trên, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn bao gồm hai dạng hành vi sau:

- Hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn đia lý,… làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.

- Hành vi có các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

 

4. Đặc điểm chủ thể và đối tượng hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn

 Theo quy định nói trên, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn có những đặc điểm sau đây:

 Thứ nhất, về chủ thể: Chủ thể hực hiện hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn phải là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ta cần phân biệt rõ ràng khái niệm “doanh nghiệp” của Luật cạnh tranh năm 2018 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 là không đồng nhất. Theo đó, “doanh nghiệp” trong Luật Cạnh tranh 2018 không chỉ bao gồm các tổ chức kinh danh như quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, mà còn bao gồm các cá nhân kinh doanh, trong đó gồm có cá nhân đăng ký kinh doanh và các nhân không đăng ký kinh doanh.

 Thứ hai, về đối tượng: Là các chỉ dẫn thương mại của sản phẩm, dịch vụ. Luật Cạnh tranh không quy định khái niệm chỉ dẫn thương mại mà chỉ liệt kê một số đối tượng được coi là chỉ dẫn thương mại, bao gồm: Tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và những dấu hiệu khác theo quy định của Chính phủ. Chỉ dẫn thương mại là cơ sở quan trọng để khách hàng nhận biết sản phẩm của một doanh nghiệp cụ thể và là những dấu hiệu để phân biệt chúng trong những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Về giá trị kinh tế, các đối tượng nói trên là kết quả đầu tư của doanh nghiệp trong việc xây dựng danh tiếng cho sản phẩm của mình.

 

5. Phân tích cách thức thực hiện 

Về cách thức thực hiện: Là hành vi sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì,… nhằm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ để cạnh tranh không lành mạnh hoặc kinh doanh hành hóa, dịch vụ có chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

Đối với hành vi sử dụng các chỉ dẫn chứa đựng những thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý,… làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh, doanh nghiệp được giả định vi phạm đã sử dụng các chỉ dẫn thương mại có nội dung trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn của doanh nghiệp khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Như vậy, để xác định hành vi, cần phải làm rõ những vấn đề sau đây:

- Xác định chỉ dẫn bị vi phạm: Tùy từng vụ việc, chỉ dẫn bị vi phạm có thể là tên thương mại, bao bì, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm, của doanh nghiệp đang được pháp luật bảo hộ. Việc sử dụng tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, bao bì, xuất xứ địa lý,... của doanh nghiệp vi phạm đã gây nhầm lẫn cho khách hàng. Theo Luật Cạnh tranh, khả năng gây nhầm lẫn được hiểu là khả năng làm sai lệch nhận thức của khách hàng làm cho họ không phân biệt được đâu là sản phẩm chính hiệu và đâu là sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

- Về hình thức, doanh nghiệp vi phạm đã sử dụng các chỉ dẫn giống hệt hoặc tương tự đến mức nhầm lẫn với chỉ dẫn của doanh nghiệp khác đang (hoặc chưa) được bảo hộ. Khi các chỉ dẫn giống hệt nhau thì việc xác định sự nhầm lẫn sẽ dễ dàng. Nhưng nếu các chỉ dẫn thương mại không hoàn toàn giống nhau, có nghĩa là vẫn tồn tại một mức độ khác biệt nhất định, thì pháp luật phải xác định sự khác biệt đến mức độ nào có thể gây nhầm lẫn và có thể không tạo ra sự nhầm lẫn. Về vần đề này, Luật cạnh tranh vẫn chưa định lượng mức độ sai số có trong các thông tin của chỉ dẫn làm nên sự nhầm lẫn. Còn hành vi kinh doanh sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn thì chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp tham gia vào việc phân phối các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới có quy định các dấu hiệu nhận dạng đối với một số chỉ dẫn về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bao bì. Còn các chỉ dẫn khác được quy định trong Luật cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ như: biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh chưa có văn bản nào giải thích hướng dẫn:

- Tên thương mại: được hiểu là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Tên thương mại thông thường đều được thể hiện cụ thể, rõ ràng có thể là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được, có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ: Vinaconex, Vietnam airline, Mekong airline… Tên thương mại có thể trùng hoàn toàn hoặc trùng một phần với nhãn hiệu hàng hoá, ví dụ SJC (tên thương mại và nhãn hiệu vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn). Tuy nhiên, cần phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu hàng hóa. Ví dụ: Honda và các nhãn hiệu Leed, Future, Wave… hay xuất xứ hàng hóa, ví dụ nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết… Tên thương mại khác với nhãn hiệu sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm là công cụ để đánh dấu từng sản phẩm riêng lẻ được gắn liền với sản phẩm đó, chỉ cho người tiêu dùng biết người sản xuất, ngày sản xuất, tính năng công dụng của sản phẩm.

- Chỉ dẫn địa lý (xuất xứ hàng hoá): là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá, theo đó, mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm cả yếu tố tự nhiên, con người hoặc cả hai yếu tố đó, nó không phải là nhãn hiệu và tên thương mại. Chỉ dẫn địa lý là tên địa lý (địa danh) của một nước, hoặc một địa phương, hoặc một khu vực. Ví dụ: Việt Nam, Trung quốc, Nhật Bản , Nha Trang, Phan Thiết… Chỉ dẫn địa lý thường được gắn với những mặt hàng có tính chất hoặc chất lượng đặc thù mà tính chất và chất lượng đặc thù này do các yếu tố độc đáo về địa lý, về con người của địa phương đó tạo nên.

- Bao bì là vỏ bọc bao ngoài hàng hoá được gắn trực tiếp vào hàng hoá và được bán cùng với hàng hoá. Bao bì gồm bao bì chứa đựng và bao bì ngoài. Theo đó, bao bì chứa đựng là bao bì trực tiếp chứa đựng hàng hoá, tạo ra hình, khối cho hàng hoá, hoặc bọc kín theo hình, khối của hàng hoá. Bao bì ngoài là bao bì dùng chứa đựng một hoặc một số bao bì chứa đựng hàng hoá.

 

Bộ phận tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ - Công ty luật Minh Khuê (sưu tầm & Biên tập)

Trân trọng!