1. Hạch toán là gì?

1.1. Khái niệm hạch toán

Hạch toán là một quá trình có hệ thống bao gồm các công việc như: quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép nhằm quản lý các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, tổ chức một cách chặt chẽ và có hiệu quả.

Cụ thể các công việc hạch toán gồm:

Quá trình Mô tả
Quan sát Đây là công việc, hoạt động đầu tiên của quá trình quản lý nhằm mô tả, khái quát, phản ánh, sự tồn tại của đối tượng cần thu thập thông qua việc quan sát bằng mắt thường hoặc bằng các phương tiện chuyên dụng qua đó đánh giá được hình thái bên ngoài của các đối tượng quản lý kinh tế.
Đo lường Công việc thứ hai sau khi đã có được hình thái tổng thể từ việc quan sát, doanh nghiệp sử dụng các máy móc, thiết bị, công thức tính toán, đo lường nhằm lượng hóa các đối tượng quản lý kinh tế và các giao dịch ảnh hưởng đến chúng bằng các đơn vị đo lường thích hợp với từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp lượng hóa các hao phí trong sản xuất và của cải vật chất đã sản xuất ra bằng thước đo tiền tệ. 
Tính toán Là quá trình sử dụng các phép tính, phương pháp phân tích, tổng hợp để nhận biết, đánh giá được mức độ, hiệu quả thực hiện, từ đó tiếp tục lượng hoá thành các chỉ tiêu tổng hợp.
Ghi chép Đây là việc hệ thống hoá các thông tin đã thu thập, quan sát và tổng hợp ở các bước trên theo một trật tự, quy tắc và chỉ tiêu nhất định trên các phương tiện như chứng từ, sổ, báo cáo bằng giấy hoặc phương tiện điện tử, qua đó có căn cứ tổng hợp thông tin kết quả các hoạt động kinh tế và ra quyết định phù hợp, kịp thời.

 

1.2. Phân loại hạch toán

Hạch toán thường được chia thành 3 loại chính là hạch toán nghiệp vụ, hạch toán thống kê và hạch toán kế toán. Trong đó:

  • Hạch toán nghiệp vụ: là sự quan sát, phản ánh và kiểm tra từng nghiệp vụ và quá trình kinh tế cụ thể, phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các quá trình và nghiệp vụ này.
  • Hạch toán thống kê: là môn khoa học giúp con người nghiên cứu về mặt lượng của các hiện tượng kinh tế xã hội với số lượng lớn, trong điều kiện địa điểm và thời gian cụ thể. Mục đích của bộ môn này là rút ra bản chất, quy luật của các hiện tượng kinh tế, xã hội được nghiên cứu.
  • Hạch toán kế toán: đây là loại hạch toán phổ biến và thường được dùng nhất trong cả 3 loại hạch toán. Hạch toán kế toán phản ánh chân thực tình hình tài sản và những biến động về tài sản khi doanh nghiệp tiến hành kinh doanh.

Cụ thể nội dung, ưu điểm, nhược điểm của 3 loại hạch toán được thể hiện trong bảng sau đây:

 

Nội dung

Ưu điểm

Nhược điểm

Hạch toán nghiệp vụ - kỹ thuật

Hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật là sự quan sát, phản ánh và kiểm tra trực tiếp từng nghiệp vụ, từng quá trình kinh tế cụ thể, phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các nghiệp vụ, các quá trình đó.  

Hạch toán nghiệp vụ phản ánh trực tiếp từng nghiệp vụ kinh tế kỹ thuật.

Ví dụ: thực trạng sử dụng lao động, vật tư; hiện trạng sử dụng tài sản cố định…

Thông tin cụ thể, chi tiết đáp ứng yêu cầu về mức độ nhanh chóng, kịp thời

Thông tin không có tính khái quát, không có cái nhìn tổng thể về vấn đề, do chỉ phản ánh rời rạc về một đối tượng

Hạch toán thống kê

Hạch toán thống kê là khoa học nghiên cứu mặt lượng trong mối quan hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng kinh tế xã hội số lớn trong điều kiện thời gian và địa điểm cụ thể, nhằm rút ra bản chất và tính quy luật trong sự phát triển của các hiện tượng đó.

Hạch toán thống kê theo dõi các hiện tượng kinh tế - xã hội ở phạm vi số lớn để đưa ra kết quả.

Ví dụ: trong doanh nghiệp có thể thống kê xu hướng biến động lợi nhuận của các mặt hàng, thống kê xu hướng tiêu thụ sản phẩm để xác định tính thời vụ…

Thông tin phản ánh có tính liên tục do cần đánh giá trên các kết quả điều tra liên tục

Thông tin thiếu tính toàn diện do chỉ chính xác khi được gắn với không gian và thời gian nhất định

Hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán phản ánh về tình hình tài sản hiện có và những biến động tài sản tại đơn vị khi triển khai các hoạt động kinh doanh.
Sử dụng cả 3 loại thước đo, nhưng thước đo giá trị mang tính chủ yếu và bắt buộc. 
Thông tin có tính liên tục và toàn diện do nó phải theo dõi liên tục và trên sự tồn tại của đơn vị

Khắc phục được các nhược điểm của 2 phương pháp trên.

>> Xem thêm: Hạch toán kế toán khoản tiền hoa hồng bán hàng như thế nào?

 

2. Hạch toán kế toán là gì?

2.1. Khái niệm hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán, hay thường được gọi với tên quen thuộc là kế toán, là môn khoa học phản ánh các mặt của hoạt động kinh tế tài chính ở các đơn vị, tổ chức xã hội. Cụ thể, môn khoa học này giúp con người thu nhận, xử lý, cung cấp những thông tin về tài sản nhằm mục đích kiểm tra toàn bộ tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính của một đơn vị.

Hạch toán kế toán thu nhận, xử lý và cung cấp một cách hệ thống các thông tin có tính thường xuyên, liên tục về các hoạt động kinh tế - tài chính của một đơn vị cụ thể trong phạm vi thời gian nhất định. Vì đối tượng nghiên cứu cơ bản của kế toán là tài sản và sự vận động của tài sản nên về cơ bản hạch toán kế toán phản ánh tình hình tài sản hiện có và những biến động của tài sản khi đơn vị thực hiện các hoạt động kinh tế - tài chính. 

 

2.2. Đặc điểm của hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán có những đặc điểm chính sau đây:

- Phản ánh và giám sát một cách toàn diện, liên tục, có hệ thống tất cả các đối tượng kế toán của doanh nghiệp: Hạch toán kế toán có nhiệm vụ phản ánh và giám sát toàn diện, liên tục, có hệ thống tất cả các đối tượng kế toán như tiền, tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí,... Xét về bản chất của hạch toán kế toán là đi sâu nghiên cứu quá trình hình thành vận động của tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp.

- Thước đo hạch toán kế toán thường sử dụng có 3 loại thước đo như sau: tiền tệ, hiện vật và lao động. Trong đó thước đo được sử dụng chủ yếu nhất là thước đo về tiền tệ. Mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính đều được ghi chép theo giá trị và thể hiện thông qua tiền tệ. Vì vậy, hạch toán kế toán dễ dàng cung cấp được các chỉ tiêu tổng hợp phục vụ cho việc giám sát và quản lý tình hình thực hiện việc kinh doanh của doanh nghiệp.

- Hạch toán kế toán kịp thời cung cấp các thông tin kế toán về toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức: Trong doanh nghiệp, tổ chức thì việc hạch toán kế toán sẽ kịp thời cung cấp các thông tin kế toán về toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, ví dụ, bao gồm việc cung cấp nguyên vật liệu, quá trình sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm đều được phản ánh một cách chi tiết, đầy đủ cho nhà quản trị của doanh nghiệp.

- Hạch toán kế toán cung cấp các thông tin cụ thể, sinh động, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát: Thông tin về tài sản và nguồn vốn là thể hiện hai mặt của mỗi quá trình, mỗi hiện tượng: Sự thay đổi của tài sản và nguồn vốn tăng và giảm, chi phí và kết quả kinh doanh tốt hay xấu,... thông qua việc hạch toán kế toán theo dõi, giám sát và tổng hợp số liệu nhanh chóng, chính xác, sẽ cung cấp cho việc lập báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính của doanh nghiệp. 

>> Xem thêm: Có phải phân bổ doanh thu cho chi nhánh để hạch toán kế toán không?

 

3. Phương pháp hạch toán kế toán

Hạch toán kế toán gồm 4 phương pháp cơ bản, cụ thể là:

Phương pháp chứng từ kế toán: là phương pháp phản ánh các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh theo thời gian và địa điểm phát sinh của nghiệp vụ đó vào các chứng từ bằng giấy hoặc điện tử để phục vụ công tác kế toán, công tác quản lý kiểm tra việc bảo vệ sử dụng tài sản, và kiểm tra các hoạt động kinh tế tài chính trong đơn vị. 

Phương pháp tài khoản kế toán: là phương pháp kế toán bằng cách phân loại, phản ánh và theo dõi một cách thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình và sự biến động của từng tài sản, từng nguồn vốn và từng quá trình sản xuất kinh doanh  qua các tài khoản kế toán, theo một hệ thống và quy tắc sắp xếp tài khoản kế toán nhất định. Việc ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng phương pháp kế toán ghi kép, đối ứng tài khoản cho thấy được tình hình và sự biến động của của tài sản và nguồn vốn, giúp cho việc quản lý và giám sát doanh nghiệp được thuận lợi và dễ dàng.

Phương pháp tính giá: là phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để xác định giá trị của các đối tượng kế toán theo những nguyên tắc nhất định nhằm phục vụ quá trình thu nhận, xử lý, hệ thống hóa và cung cấp thông tin kinh tế - tài chính tại đơn vị. 

Phương pháp tổng hợp cân đối kế toán: là phương pháp kế toán tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các mối quan hệ cân đối vốn có của kế toán nhằm cung cấp các thông tin theo chỉ tiêu kinh tế tài chính cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán. 

>> Xem thêm: Phân tích nội dung điều chỉnh cam kết chi, xử lý cuối năm và hạch toán kế toán cam kết chi tại kho bạc nhà nước

Trên đây, Luật Minh Khuê đã gửi đến quý bạn đọc bài viết Hạch toán là gì? Hạch toán kế toán là gì? Phương pháp hạch toán. Nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến pháp luật, vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6162 để được đội ngũ Luật sư tư vấn miễn phí. Luật Minh Khuê xin cảm ơn.