1. Khái niệm hành chính tư pháp

Hành chính tư pháp là hoạt động quản lí hành chính nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp (ở đây, hành chính - tư pháp là cách gọi mang tính quy ước, rút gọn).

1.1. Hoạt động tư pháp

Do chưa có một định nghĩa chính xác về tư pháp, nên theo giải thích từ ngữ nghĩa trong Từ điển, tư pháp được hiểu là xét xử và hoạt động tư pháp thường được hiểu là hoạt động xát xử. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động xét xử là việc "một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bằng quyền lực nhà nước, xem xét và quyết định tư cách pháp lý của một chủ thể (cá nhân, pháp nhân).

Vì thế, theo nghĩa hẹp: Hoạt động tư pháp chỉ đề cập đến hoạt động của Toà án. Còn theo nghĩa rộng , hoạt động tư pháp đề cập đến cả những hoạt động liên quan trực tiếp đến xét xử của Toà án (trước, trong và sau xét xử): hoạt động điều tra của cơ quan điều tra; hoạt động công tố của Viện công tố (Viện kiểm sát hiện nay); hoạt động thi hành án (cả án dân sự và hình sự).

Theo tổ chức bộ máy nhà nước và luật pháp Việt Nam hiện nay, những hoạt động trên vừa được thực hiện bởi cơ quan tư pháp (toà án, viện kiểm sát) vừa được thực hiện bởi cơ quan hành chính (điều tra, thi hành án dân sự, cải tạo , giam giữ, công chứng, giám định,...)

Như vậy, hoạt động tư pháp gồm: hoạt động xét xử, công tố và các hoạt động khác liên quan trực tiếp đến xét xử. hỗ trợ tư pháp (công chứng, giám định, luật sự, thi hành án, hoà giải,...)

1.2. Quản lý hành chính tư pháp

Quản lý nhà nước là sự tác động mang tính tổ chức và quyền lực nhà nước, bằng bộ máy nhà nước, các công cụ của Nhà nước, cách thức tác động của Nhà nước nhằm tác động tới các quá trình xã hội bảo đảm cho xã hội phát triển ổn định.

Quản lý nhà nước là hoạt động của Nhà nước trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước.

Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp gọi là quản lý hành chính tư pháp.

2. Nội dung của uản lý nhà nước về hành chính tư pháp

- Quản lý nhà nước về hành chính tư pháp để cho hệ thống tổ chức của các cơ quan tư pháp và hỗ trợ tư pháp hoạt động một cách đúng đắn thì tất yếu phải có hoạt động quản lý đối với hệ thống quản lý này.

- Căn cứ vào mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý gồm hai loại:

Một là, hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước đối với hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp và hỗ trợ tư pháp.

Ví dụ: Hoạt động quản lý của Bộ Tư pháp đối với các tổ chức luật sự, giám định y pháp, hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với phòng công chứng,...

Hai là, hoạt động quản lý nội bộ của chính hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp và hỗ trợ tư pháp.

Ví dụ: Những hoạt động quản lý của Toà án nhân dân tối cao đối với Toà án địa phương.

- Quản lý về tổ chức, nhân sự, khen thưởng, kỷ luật, điều động, biệt phái các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước làm việc trong cơ quan tư pháp và hỗ trợ tư pháp.

- Quản lý đối với hoạt động công chứng, giám định, luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

- Quản lý về quốc tích, hộ tịch, cư trú, lý lịch tư pháp.

- Quản lý đối với trại giam, tạm giam.

- Quản lý về thi hành án.

- Quản lý các công tác tư pháp khác.

- Hoạt động quản lý hành chính tư pháp là hoạt động của các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền tiến hành các hoạt động liên quan đến các công tác về tổ chức nhân sự, ngân sách, khen thưởng, kỷ luật, điều động, biệt phái,...

- Hoạt động quản lý hành chính tư pháp giúp làm cho hoạt động của toà án cũng như các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp khác được diễn ra một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác và đúng pháp luật.

3. Cơ quan quản lý hành chính tư pháp ở Việt Nam

- Ở Trung ương:

+ Chính phủ: Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hành chính tư pháp.

+ Bộ Tư pháp: Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, luật sư, giám định tư pháp, công chứng,...

- Ở địa phương:

+ Cấp tỉnh: UBND tỉnh, Sở Tư pháp.

+ Cấp huyện: UBND huyện, Phòng Tư pháp.

+ Cấp xã: UBND xã, ban Tư pháp xã.

Ngoài ra, một số cơ quan nhà nước khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại gian, Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của mình cũng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong một số hoạt động hành chính tư pháp.

4. Công tác hành chính tư pháp của Việt Nam hiện nay: một số khó khăn và giải pháp để hoàn thiện

Công tác hành chính tư pháp (bao gồm công chứng, hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp) là những lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Tư pháp. Cả bốn lĩnh vực chuyên môn nói trên hoặc là mới được hình thành hoặc là mới được chuyển giao từ các bộ khác về Bộ Tư pháp trong khoảng thời gian chưa nhiều, song cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

4.1. Công tác công chứng.

Một số điểm hạn chế bất cập sau đây: Một là, cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của công chứng còn rất hạn chế và thiếu thống nhất; Hai là, việc xác định chức năng của công chứng còn chưa rõ ràng, còn lẫn lộn giữa công chứng với tư cách là một hoạt động nghiệp vụ với chứng thực hành chính của cơ quan hành chính công quyền, do đó đã dẫn tới tình trạng quá tải về chứng nhận bản sao tại một số phòng công chứng lớn; Ba là tính bao cấp trong tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước đang là nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động công chứng bị hành chính hóa, quan liêu hóa, thiếu động lực phát triển; Bốn là, đội ngũ công chứng viên và số lượng phòng công chứng còn quá ít so với yêu cầu, trình độ của đa phần công chứng viên còn rất hạn chế. Những hạn chế nêu trên trong tổ chức và hoạt động công chứng nhất thiết phải được khắc phục một cách cơ bản trong thời gian tới nhằm làm cho ngành công chứng phát triển đáp ứng những yêu cầu của đời sống xã hội và quản lý nhà nước (đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ gia nhập WTO).

Những giải pháp cơ bản để cải cách công chứng trong thời gian tới:

Một là, xây dựng Pháp lệnh Công chứng nhằm làm cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động công chứng. Pháp lệnh Công chứng cần phải giải quyết rõ ràng vấn đề chức năng, nhiệm vụ của công chứng, tách biệt hai loại hoạt động: công chứng và chứng thực hành chính để trên cơ sở đó chuyển giao hoàn toàn việc chứng thực bản sao giấy tờ các loại cho Uỷ ban nhân dân (chủ yếu là cấp xã), chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế v.v.; khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng, điạ vị pháp lý của công chứng viên, đổi mới mô hình tổ chức phòng công chứng cho phù hợp với thực tiễn v.v..

Hai là , từng bước thực hiện xã hội hóa về tổ chức và hoạt động công chứng. Xã hội hóa công chứng là giải pháp đúng đắn nhằm khắc phục những nhược điểm về tính chất hành chính, quan liêu của công chứng như đã nêu trên, đồng thời cũng tạo điều kiện về tài chính, nhân lực cho việc phát triển ngành công chứng, không phụ thuộc vào sự hạn hẹp của ngân sách cũng như hạn chế về biên chế công chức của Nhà nước.

Ba là, tăng cường về số lượng và chất lượng của đội ngũ công chứng viên để mở thêm nhiều phòng công chứng nhằm phục vụ một cách tốt nhất đối với người dân. Trong điều kiện xã hội hóa công chứng và trong bối cảnh quan hệ kinh tế quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới ngày càng phát triển thì bắt buộc các công chứng viên phải có trình độ chuyên môn cao mới có thể hành nghề công chứng được. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ công chứng viên có trình độ chuyên môn cao là hết sức cần thiết.

4.2. Công tác hộ tịch.

a. Công tác hộ tịch trong nước.

công tác hộ tịch trong những năm qua cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: thủ tục đăng ký còn rườm rà, nặng về giấy tờ quan liêu, việc phân cấp chưa hợp lý (cấp tỉnh còn ôm đồm quá nhiều việc đăng ký hộ tịch), trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã còn yếu, tác phong làm việc còn thụ động, trách nhiệm chưa cao, tình trạng sách nhiễu trong đăng ký hộ tịch đã xuất hiện ở một số địa phương và có nguy cơ phát triển. Xuất phát từ tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng trong công tác hộ tịch trong thời gian tới là phải quán triệt tinh thần cải cách hành chính, phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã, đơn giản hóa và thông thoáng hóa thủ tục đăng ký, tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người dân để khuyến khích người dân đăng ký hộ tịch, đề cao trách nhiệm và tính chủ động của cán bộ làm công tác hộ tịch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong trong công tác hộ tịch, v.v. Những vấn đề này đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu và đưa vào dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch.

b. Công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Trong những năm gần đây, do chính sách mở cửa của Nhà nước ta nên quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cũng phát triển ngày càng nhanh. Vì thế, tính chất của những vụ việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, đặc biệt là kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Đài loan cũng đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực như: động cơ kết hôn không lành mạnh, hoạt động môi giới hôn nhân nhằm mục đích trục lợi của một số cá nhân, tổ chức đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ v.v..

Giải pháp: Để khắc phục những hạn chế, tiêu cực nêu trên Bộ Tư pháp đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/2002/CT-TTg ngày 25/2/2005 về tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp đấu tranh chống môi giới hôn nhân bất hợp pháp, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình trong nhân dân, tăng cường biện pháp phỏng vấn để loại trừ những trường hợp kết hôn không lành mạnh, không phù hợp với nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của Luật Hôn nhân và gia đình (các biện pháp này cũng đã được bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2002/NĐ-CP mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2005). Số vụ kết hôn có yếu tố nước ngoài tăng nhanh thì số vụ ly hôn cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Tính từ năm 1999 đến hết năm 2004 Bộ Tư pháp đã xem xét công nhận và cho ghi chú vào sổ hộ tịch 6.322 bản án, quyết định ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau do Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết.

4.3. Công tác quốc tịch.

Công tác quốc tịch được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp từ năm 1993. Trong bối cảnh di dân quốc tế từ Việt Nam ra các nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam qua các thời kỳ tương đối đông, vấn đề quốc tịch cũng trở nên rất sôi động chứ không còn là chuyện cá biệt như những thập kỷ trước đây. Từ 1993 đến nay Bộ Tư pháp đã xử lý hồ sơ và trình Chủ tịch nước quyết định cho hơn 50.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài và giải quyết 70 trường hợp người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam. Trong năm 2004 và nửa đầu năm 2005, Bộ Tư pháp đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương giải quyết vấn đề quốc tịch và hộ tịch cho hơn 46.000 Việt kiều từ Campuchia trở về đang định cư ở các tỉnh, thành phố phía Nam để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Hiện nay, các tỉnh, thành phố phía Nam đang tích cực giải quyết vấn đề này. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng thủ tục giải quyết các việc quốc tịch theo quy định hiện hành vẫn còn nhiều phiền phức, trong khi trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quốc tịch của các địa phương còn hạn chế vì vậy tốc độ giải quyết rất chậm. Có những hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần mất hàng năm trời mà vẫn không xong. Vì vậy, trong thời gian tới cần thiết phải cải tiến các thủ tục hành chính trong giải quyết các việc quốc tịch mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

4.4. Về quản lý lý lịch tư pháp.

Công tác quản lý lý lịch tư pháp hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập: Một là, chúng ta chưa xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp theo đúng yêu cầu của công tác này nên việc cấp phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu phải dựa vào dữ liệu tàng thư căn cước can phạm của Ngành Công an; Hai là, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp còn rườm rà, thời gian quá dài (có trường hợp kéo dài 2 tháng) do sự phối hợp giữa cơ quan công an và tư pháp chưa tốt. Để khắc phục tình trạng nêu trên và để đưa công tác quản lý lý lịch tư pháp vào nền nếp, hiện nay Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng Pháp lệnh Lý lịch tư pháp để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trước mắt, các Sở tư pháp cần phối hợp tốt với cơ quan công an cấp tỉnh để rút ngắn thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp. Mặt khác cần kiên quyết chống mọi hành vi tiêu cực, sách nhiễu hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập từ các nguồn trên internet)