Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào là tai nạn giao thông?
Hiện nay, tai nạn giao thông không còn là vấn đề mới mà ngược lại diễn ra ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, trật tự an toàn xã hội. Tai nạn giao thông được Bộ Y tế xây dựng khái niệm như sau: “Tai nạn giao thông là sự va chạm bất ngờ nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, xảy ra khi các đối tượng tham gia giao thông hoạt động trên đường giao thông công cộng, đường chuyên dụng hoặc ở địa bàn công cộng nhưng do chủ quan vi phạm luật lệ giao thông hoặc do gặp phải các tình huống, sự cố đột xuất không kịp phanh, tránh, gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc thể trạng.”
Như vậy, thông qua các quy định do các nhà làm luật xây dựng ta có thể thấy tai nạn giao thông có một số đặc điểm chung:Tai nạn giao thông là sự việc hoặc sự cố giao thông nằm ngoài mong muốn của người tham gia giao thông trong quá trình tham gia giao thông; Nguyên nhân của tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông vi phạm các qui định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ; Hậu quả của tai nạn giao thông gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là gì?
Sau khi hiểu tai nạn giao thông là gì thì việc chúng ta cần tìm hiểu tiếp theo chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
2.1. Nguyên nhân khách quan
Khi xem xét các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, không thể bỏ qua các nguyên nhân khách quan góp phần vào tình trạng này. Dưới đây là những nguyên nhân khách quan quan trọng cần được lưu ý và xử lý:
Cơ sở hạ tầng giao thông: Một cơ sở hạ tầng giao thông kém chất lượng và xuống cấp gây ra nhiều khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đường giao thông xuống cấp, có lỗ gồ ghề, ổ gà,.... hay không đảm bảo đủ chiều rộng và độ phẳng, gây ra các sự cố và tai nạn đáng tiếc. Việc thiếu hệ thống biển báo giao thông hoặc không cập nhật kịp thời cũng là nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn và rối loạn trong việc điều hướng và ưu tiên giao thông.
Chất lượng phương tiện giao thông: Chất lượng các phương tiện tham gia giao thông cũng là một yếu tố đáng bàn luận. Nếu các phương tiện không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn và không được bảo trì, sửa chữa đúng cách, chúng có thể trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn. Ví dụ, hệ thống phanh, hệ thống lái, đèn chiếu sáng và các thiết bị an toàn khác không hoạt động đúng cách có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Yếu tố thời tiết: Thời tiết khắc nghiệt, như mưa bão, sương mù dày đặc, tạo ra điều kiện không thuận lợi cho giao thông và làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Đường ướt trơn trượt, tầm nhìn kém, và khả năng phanh giảm sút có thể gây ra các tình huống nguy hiểm. Người lái xe và người điều khiển giao thông cần đảm bảo tăng cường sự cảnh giác và tuân thủ quy tắc an toàn trong các điều kiện thời tiết khó khăn này.
2.2. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, ý thức tham gia giao thông chưa cao: Trong xã hội Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến ý thức giao thông. Hình ảnh ngã ba, ngã tư kẹt xe, xe di chuyển chậm trong giờ cao điểm, tiếng còi và khói bụi trở nên quen thuộc trong những đô thị lớn. Tình trạng chen lấn và không ai chịu nhường đường đã góp phần làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, nhiều người thường vi phạm luật giao thông bằng cách vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn tuyến, vượt đường, không có ý thức nhường đường cho người đi bộ.
Thứ hai, việc uống rượu, bia khi lái xe: Uống rượu, bia khi tham gia giao thông là một nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ, tết, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến việc uống rượu, bia luôn cao hơn so với ngày thường. Việc lái xe khi có chất cồn trong cơ thể gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung, phản xạ và quyết định, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Thứ ba, thiếu hiểu biết về luật giao thông: Mặc dù đã có sự siết chặt trong công tác đào tạo, thi và cấp bằng lái xe, nhưng vẫn còn tồn tại vấn đề về hình thức hơn là hiểu biết về luật giao thông và kỹ năng lái xe. Nhiều người học chỉ để thi lấy bằng lái xe mà không đặt nặng việc hiểu biết về luật giao thông và kỹ năng lái xe dẫn đến việc thiếu ý thức và tuân thủ quy tắc giao thông, tạo ra một môi trường giao thông không an toàn.
Thứ tư, công tác quản lý giao thông còn thiếu sót: Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải chưa thực hiện chặt chẽ hoạt động bảo dưỡng và quản lý xe và phương tiện vận chuyển gây ra tình trạng sử dụng phương tiện kém chất lượng và không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, tuần tra và kiểm soát giao thông còn hạn chế trên các địa bàn quản lý làm giảm hiệu quả trong việc xử lý các vi phạm và đảm bảo an toàn giao thông.
Xem thêm: Mẫu biên bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông 2023
3. Hậu quả của tai nạn giao thông đối với bản thân, gia đình và xã hội
Tai nạn giao thông được xem là một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả của nó rất nặng nề, ảnh hưởng đến bản thân người bị tai nạn giao thông, gia đình và xã hội. Cụ thể như sau:
Đối với bản thân người bị tai nạn giao thông: Về mặt sức khỏe, người bị tai nạn giao thông có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, từ những chấn thương nhẹ đến những hậu quả tàn phế hoặc thậm chí tử vong. Họ cần phải trải qua quá trình điều trị, phục hồi và thích nghi lại với cuộc sống. Những hậu quả này không chỉ gây ảnh hưởng về mặt vật chất, mà còn có tác động đáng kể đến tâm lý và tinh thần của người bị tai nạn. Ngoài ra, hậu quả về tài sản cũng là một khía cạnh quan trọng. Tai nạn giao thông có thể gây thiệt hại nặng nề đến phương tiện vận chuyển và tài sản cá nhân của người bị tai nạn. Những thiệt hại này có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, làm việc và cuộc sống hàng ngày của họ. Đồng thời, việc phục hồi và khôi phục lại tài sản cũng đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính.
Đối với gia đình: Gia đình người bị tai nạn phải trải qua những cảm xúc đau đớn, lo lắng và sợ hãi. Họ phải đối mặt với tình huống khó khăn và cảm nhận áp lực từ việc chăm sóc người thân bị tai nạn khiến tâm lý có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra sự không ổn định và căng thẳng trong mối quan hệ gia đình. Ngoài ra, hậu quả tài chính cũng là một khía cạnh quan trọng khi phải chi trả một phần hoặc toàn bộ các chi phí y tế, chi phí di chuyển và chi phí chăm sóc sau tai nạn. Dù pháp luật đã quy định chế độ bồi thường thiệt hại nhưng không phủ nhận được đây là những khoản chi phí hết sức tốn kém về tài sản, vật chất mà các bên tham gia phải chịu.
Đối với xã hội: Tai nạn giao thông gây mất mát đáng kể về nguồn nhân lực, đặc biệt là trong nhóm độ tuổi lao động. Những người trẻ tuổi và có năng lực lao động cao thường là nạn nhân chính của tai nạn giao thông. Ngoài ra, các cơ sở y tế phải đối mặt với việc tiếp nhận và điều trị những người bị thương nặng sau tai nạn, cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và tái hợp xã hội cho những người bị ảnh hưởng tạo áp lực và tốn kém cho hệ thống y tế và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu y tế của xã hội. Thêm vào đó, việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, chi phí y tế và hậu quả về việc không thể làm việc hoặc giảm năng suất lao động đều tạo ra sự sụt giảm kinh tế, khả năng phát triển chung của xã hội.
4. Các giải pháp giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông
Việc giảm thiểu tai nạn giao thông không phải là nhiệm vụ, trách nhiệm của bất kỳ một cá nhân nào mà nó cần có sự hợp tác, đoàn kết của cả một cộng đồng. Chúng ta cần đưa ra các biện pháp, giải pháp đồng bộ, cụ thể, chi tiết, phù hợp để có thể khiến người dân hưởng ứng một cách nhiệt tình.
Đối với lực lượng cảnh sát giao thông: Đây là lực lượng nòng cốt đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cho nên việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, giáo dục ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh thái độ tác phong khi tiếp xúc với nhân dân là việc làm cần thiết nhất bên cạnh việc hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đổi mới nâng cao chất lượng tuần tra theo hướng tăng cường cơ động, tuần tra kiểm soát dọc tuyến đường mình phụ trách để khi phát hiện sai phạm là lập tức giải quyết;
Đối với các hành vi vi phạm: Xử lý triệt để các lỗi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như: xe chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường; xe hết niên hạn sử dụng, xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; không tuân thủ tín hiệu giao thông;... Phạt thật nặng những người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép gây ra tai nạn;...
Đối với biển báo: Cần thống nhất các quy định, biển báo giao thông để tránh hiểu nhầm. Ví dụ như ở thành phố lớn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ nhưng ở các tỉnh thì không, như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người ở thành phố về tỉnh cứ rẽ phải khi đèn đỏ. Điều chỉnh và quy định các xe phải đi theo đúng làn, theo biển báo đã đặt tại bộ phận đó. Không để trường hợp các xe đi tràn lan, đi lẫn lộn vào làn của xe khác, quay đầu xe không đúng nơi, tạo nên sự lộn xộn trong việc chấp hành Luật Giao thông;
Đối với công tác giáo dục: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thông qua các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình trật tự an toàn giao thông; cần đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông như triển lãm panô ảnh, phát tờ rơi tuyên truyền;…. Bên cạnh đó, thường xuyên khảo sát, phát hiện những bất cập mới phát sinh trong công tác tổ chức giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời bất cập xáy ra;...
Hậu quả của tai nạn giao thông đối với bản thân gia đình và xã hội là vấn đề được quan tâm bởi đông đảo quý khách hàng. Nếu có nhu cầu, quý khách có thể tìm đọc thêm bài viết Tai nạn giao thông là gì? Nguyên nhân, ví dụ về tai nạn giao thông của Luật Minh Khuê. Hãy liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng: 19006162 hoặc email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ. Trân trọng./.