Mục lục bài viết
nó dần dần ổn định, phát triển và được gọi dưới tên thương mại quốc tế. Ban đầu các quan hệ thương mại quốc tế phát triển gần như mang tính tự phát, sau đó trở thành xu hướng phổ biến, đòi hỏi phải có lý thuyết giải thích chúng và các lý thuyết này thường được sử dụng làm cơ sở lý luận cho các quốc gia hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại của mình.
Chương 2 trước tiên sẽ giới thiệu một số học thuyết về thương mại quốc tế, các học thuyết này có vai trò trung tâm ứong việc lý giải trên cơ sở khoa học các hiện tượng và quy luật của thương mại quốc tế; Kế tiếp đề cập đến thương mại quốc tế và chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia; Cuối cùng đề cập tới các công cụ chủ yếu của chính sách thương mại quốc tế.
Mặc dù lợi ích của thương mại quốc tế đã được con người nhận thấy cách đây hàng ngàn năm, nhưng phải đến thế kỉ XV mới xuất hiện những học thuyết nhằm lý giải một cách có căn cứ, khoa học quan hệ thương mại quốc tế. Từ đó đến nay, học thuyết về thương mại quốc tế đã trải qua một quá trình phát triển: từ các học thuyết cổ điển về thương mại quốc tế, tiếp đến là các học thuyết tân cổ điển về thương mại quốc tế, và các lý thuyết mới về thương mại quốc tế.
Các học thuyết thương mại quốc tế khá đa dạng về phương pháp tiếp cận và tính mục đích. Tuy nhiên, có thể khái quát các học thuyết thường tập trung vào mục đích trả lời cho một số câu hỏi như: Nên xuất khẩu những sản phẩm nào? Xuất khẩu cho nước nào và nhập khẩu từ nước nào? Xuất nhập khẩu bao nhiêu? Nhà nước có cần can thiệp vào thương mại quốc tế hay không và nếu cần can thiệp thì nguyên tắc can thiệp ra sao, can thiệp ở mức độ nào và nên sử dụng công cụ gì?
Các học thuyết ra đời sau thường khắc phục được một phần nhược điểm của học thuyết ra đời trước. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có học thuyết nào trả lời đầy đủ được các câu hỏi trên và giải thích hết được các vấn đề của thương mại quốc tế.
1. Bối cảnh ra đời của học thuyết trọng thương
Học thuyết trọng thương hình thành và phát triển ở châu Âu, mạnh mẽ nhất là ở Anh và Pháp từ giữa thế kỉ XV, suy tàn vào giữa thế kỉ XVHI.
về mặt kinh tế - chính trị, đây là thời kì cuối của phương thức sản xuất phong kiến, thời kì đầu của phưong thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Với tàn dư của phương thức sản xuất phong kiến, nền kinh tế còn mang đậm tính chất tự cung tự cấp, hầu như không có nguồn vốn tích lũy. Để tích lũy nguồn vốn này, giai cấp tư sản sử dụng nhiều biện pháp, trong đó.có một số biện pháp cơ bản như: Buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu vực, đặc biệt là buôn bán nô lệ da đen đem lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà tư bản; Sử dụng sức mạnh quân sự để mua được hàng hóa với giá rẻ mạt rồi đem bán thu lợi nhuận rất cao; Sử dụng bạo lực tước đoạt ruộng đất của nông dân, biến thành các đồng cỏ chăn nuôi cừu, lấy lông sản xuất len dạ thu lợi nhuận. Nông dân chỉ còn con đường đi bán sức lao động của mình để kiếm sống (điển hình ở Anh từ thế kỉ XVI); Ở nhiều thành thị, các thợ thủ công do rủi ro buôn bán, do vay nặng lãi, thuế khóa đã bị mất tư liệu sản xuất phải đi làm thuê.
Như vậy, có thể thấy, giai cấp tư sản đã thực hiện tích lũy nguyên thủy bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó biện pháp quan trọng là việc trao đổi, mua bán hàng hóa quốc tế không ngang giá, mua rẻ bán đắt, mua ít bán nhiều nhằm thu lợi. Do đó, cần thiết phải có một lý thuyết kinh tế làm cơ sở lý luận, giải thích cho hoạt động thương mại quốc tế thời kì này của chủ nghĩa tư bản. Học thuyết trọng thương đã ra đời trong bối cảnh đó.
Về các phát kiến địa lý, thời kì này chứng kiến nhiều phát kiến địa lý vĩ đại trong lịch sử loài người và có tác động to lớn tới sự ra đời hoạt động thương mại quốc tế. Như: năm 1492, Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, góp phần mở rộng các tuyến đường hàng hải, mở rộng giao thương với Hoa Kỳ, Mexico...; năm 1498, Vasco Da Gama tìm ra con đường biển đến Ẩn Độ, góp phần tạo cơ hội cho Bồ Đào Nha có thể giao thương với Ấn Độ và các nước Nam Á khác.
Trong thời kì cổ đại, vùng Địa Trung Hải đã rất phát triển các hoạt động thương mại, lưu thông tiền tệ, nhưng các hoạt động này chủ yếu diễn ra trong khu vực. Hay “con đường tơ lụa”, một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thể giới thời cổ đại, nó được coi như cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây, nhưng con đường này cũng chỉ giới hạn phạm vi thương mại hàng hóa trong một khu vực địa lý nhất định. Việc tìm ra những con đường hàng hải có ý nghĩa rất quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Các học giả tiêu biểu cho chủ nghĩa trọng thương: Thomas Mun, James Stewart (người Anh) và Jean Bordin, Melon, Jean Colbert (người Pháp)...
2. Quan điểm chính của thuyết trọng thương
Đề cao vai trò của tiền tệ (cụ thể là vàng, bạc, kim loại quý khác) và coi vàng, bạc là thước đo đánh giá mức độ giàu nghèo của các quốc gia và cá nhân. Các nhà trọng thương cho rằng: “Thà quốc gia có nhiều vàng, bạc còn hơn là nhiều thương gia và hàng hóa” (Clement Amstrong - người Anh) và “Chúng ta sống nhờ vàng, bạc hơn là nhờ buôn bán nguyên liệu” (A.Monchrestien - người Pháp). Có các lý do khiến vàng, bạc được coi trọng tại thời kì này: Do hiểu sai về khái niệm “tài sản quốc gia”. Các học giả chỉ coi tiền là tài sản quốc gia, nước nào càng nhiều tiền thì càng giàu có, hàng hóa chỉ là phương tiện để tăng thêm khối lượng tiền tệ; trong khi thời kì này vàng đang được sử dụng với tư cách là tiền tệ; Do chức năng của vàng, bạc là những kim loại quý có thể tích trữ hay bảo tồn giá trị. Trong khi đó, các nhà trọng thương đề cao tiết kiệm, coi đó là cách tích lũy tài sản.
Coi trọng thương mại, đặc biệt là ngoại thương. “Thương mại là hòn đá thử vàng đối với sự thịnh vượng của quốc gia” (Thomas Mun); “Thương mại là mục đích chủ yểu của các ngành nghề trong xã hội” (A.Montchrestien); “Chỉ có ngoại thương mới làm cho thần dân sung túc” (Colbert); “Nội thương là một hệ thống ống dẫn, ngoại thương là máy bơm, muốn tăng của cải phải có ngoại thương dẫn của cải qua nội thương” (A.Montchrestien).
Bản chất của hoạt động ngoại thương là trao đổi hàng hóa không ngang giá, mua rẻ bán đắt, mua ít bán nhiều. Ví dụ, Bồ Đào Nha nắm quyền mậu dịch với vùng Đông Ẩn, Tây Ban Nha cũng cố gắng nắm độc quyền buôn bán với thuộc địa của mình,... các nước thực dân này tìm cách mua hàng hóa từ những nơi thuộc quyền kiểm soát mậu dịch của mình với giá rẻ rồi đem bán đắt ở nơi khác thu lời. Các học giả trọng thương cho rằng, thương mại là một trò chơi có tổng bằng không (a zero-sum game) trong đó dân tộc này làm giàu dựa trên sự hy sinh lợi ích của dân tộc khác. Chính vì quan điểm này mà người ta còn gọi các học giả trọng thương là những nhà kinh tế dân tộc chủ nghĩa (chủ trương vun vén cho đất nước mình). Nói cách khác, trong thời kì này, hàng hóa được xuất khẩu với giá cao hơn giá trị thật của nó, đem lại lợi ích cho nước xuất khẩu và thiệt hại cho nước nhập khẩu.
Trong hoạt động ngoại thương phải thực hiện chính sách xuất siêu, thu hẹp nhập khẩu, nhằm đem lại nhiều tiền cho quốc gia và hạn chế tối đa phải đưa tiền ra ngoại quốc. Một học giả người Áo là Philipp Von Homick đã viết: “Thà phải trả giá 2 mĩ kim để mua một món hàng mà tiền đó vẫn còn trong nước còn hơn là chỉ trả có 1 mĩ kim nhung lại mất vào tay ngoại quốc”. Từ đó dẫn đến một phương châm: “Để ngoại quốc trả cho minh càng nhiều càng tốt, minh trả cho ngoại quốc càng ít càng hay”. Xuất siêu nhiều là biện pháp nhằm tăng việc làm, tăng trưởng kinh tế, thu được nhiều vàng về cho đất nước.
Những khuyến nghị của các học giả trọng thương: về xuất khẩu: xuất khẩu càng nhiều càng tốt (số lượng) và xuất khẩu nhiều hàng hóa có giá trị cao hơn hàng hóa có giá trị thấp (giá trị); không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu mà sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất trong nước rồi đem xuất khẩu thành phẩm, về nhập khẩu: giữ nhập khẩu ở mức độ tối thiểu và dành ưu tiên cho nhập khẩu nguyên liệu so với thành phẩm, nhất là hàng xa xỉ. Khuyến khích chở hàng bằng tàu nước mình vì vừa bán được hàng vừa thu được cả những món lợi khác như cước vận tải, phí bảo hiểm; hạn chế chở hàng hóa bằng tàu của nước ngoài vì làm tăng chi phí, tăng giá bán dẫn đến việc người mua có thể cân nhắc lại mua ở những nước khác gần hơn về khoảng cách hoặc ít chi phí vận tải hơn; chính phủ khuyến khích xuất khẩu bằng trợ cấp, hạn chế nhập khẩu bằng công cụ bảo hộ mậu dịch và việc buôn bán được thực hiện bằng các công ti độc quyền của nhà nước.
Đe cao vai trò điều tiết hoạt động ngoại thương của Nhà nước thông qua các biện pháp khác nhau. Các học giả trọng thương cho rằng tích lũy tiền tệ chỉ thực hiện được nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và đòi hỏi Nhà nước phải tham gia tích cực vào đời sống kinh tế để thu hút tiền tệ về nước mình càng nhiều càng tốt. Theo đó: Đối với xuất khẩu, nhà nước thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu như: trợ cấp, trợ giá, bù lỗ cho xuất khẩu; Đối với nhập khẩu, nhà nước thực hiện các biện pháp hạn chế như: lập hàng rào thuế quan để bảo hộ mậu dịch, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, duy trì hạn ngạch và đánh thuế nhập khẩu cao với hàng tiêu dùng. Mục đích cuối cùng của sự điều tiết, can thiệp này là duy trì hiện tượng xuất siêu trong cán cân thương mại. Ví dụ tại Pháp, các nhà kinh tế mà tiêu biểu là J.B.Colbert (Bộ trưởng Tài chính Pháp thời bấy giờ, xây dựng chính sách kinh tế cho nứớc Pháp trong 100 năm còn gọi là “chủ nghĩa Colbert”) chủ trương đế tích lũy vàng phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, biến nước Pháp thành trung tâm cung cấp hàng công nghiệp cho thế giới. Muốn vậy, Nhà nước phải can thiệp vào nền kinh tế, có chính sách tạo điều kiện công nghiệp phát triển như trợ cấp tiền cho công nghiệp, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm công nghiệp, thành lập các ngành công nghiệp mới. Ở Tây Ban Nha, các nhà kinh tế khuyên các nhà cầm quyền áp dụng các biện pháp giữ gìn khối lượng vàng chuyển từ châu Mỹ về. Nhà nước can thiệp vào hoạt động thương mại, kiểm soát nhập khẩu và nghiêm cấm xuất khẩu vàng.
Tuy nhiên, trong thời kì cận và hiện đại, các học giả và quốc gia theo “Thuyết trọng thương mới” không lấy vàng làm tiêu chuẩn đánh giá sự giàu có, làm mục đích của ngoại thương mà chủ yếu lấy “cán cân thương mại thặng dư” làm mục tiêu để đạt các ý đồ kinh tế, chính trị và xã hội. Ngày nay, chủ nghĩa trọng thương mới đang “sống lại” vì một số quốc gia bị lâm vào tình trạng thất nghiệp gia tăng buộc họ phải hạn chế nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước để giải quyết việc làm cho dân cư.
3. Đánh giá học thuyết trọng thương
3.1 Ưu điểm của học thuyết trọng thương
Đây là học thuyết đầu tiên đề cao vai trò của thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế. Tư tưởng đề cao thương mại tiến bộ hơn các trào lưu tư tưởng phong kiến đương thời - vốn coi thường thương mại và chỉ coi trọng sản xuất tự cung tự cấp, đặc biệt là coi trọng sản xuất nông nghiệp và khai thác. Có thể coi học thuyết trọng thương là tuyên ngôn tư tưởng của chủ nghĩa tư bản giai đoạn tích luỹ ban đầu.
Thấy được vai trò của Nhà nước trong điều tiết hoạt động ngoại thương nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung thông qua các công cụ như thuế quan, hạn ngạch, độc quyền trong ngoại thương...
Lần đầu tiên trong lịch sử, lý thuyết về kinh tế được nâng lên như là lý thuyết khoa học, khác hẳn với các tư tưởng kinh tế thời trung cổ giải thích các hiện tượng kinh tế bằng quan niệm tôn giáo.
3.2 Nhược điểm của học thuyết trọng thương
Học thuyết còn nhiều luận điểm không chính xác, phiến diện về tiêu chuẩn đánh giá sự giàu có của quốc gia, về lợi ích khi tham gia vào thương mại quốc tế, tính ngang giá trong trao đổi quốc tế, về tác động của cán cân thương mại.
Học thuyết chỉ giải thích được các hiện tượng bề ngoài của thương mại quốc tế mà chưa phân tích được bản chất quan hệ bên trong của các hoạt động thương mại quốc tế. Học thuyết trọng thương được đánh giá là ít tính lý luận và chủ yếu nêu lên dưới hình thức lời khuyên thực tiễn về chính sách thương mại, mang nặng tính kinh nghiệm (rút ra từ thực tiễn thương mại của Anh và Pháp).
Tóm lại, học thuyết trọng thương là học thuyết mặc dù còn khá nhiều điểm phiến diện, nhưng có vai trò mở đường cho việc nghiên cứu một cách khoa học các hiện tượng thương mại quốc tế. Học thuyết đã chỉ ra sự cần thiết và cách thức tác động của Nhà nước đến hoạt động ngoại thương.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)