Mục lục bài viết
- 1. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 1
- 2. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 2
- 3. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 3
- 4. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 4
- 5. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 5
- 6. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 6
- 7. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 7
- 8. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 8
1. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 1
Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc phải sống vội vàng. Thế là, vội vàng là cách đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc, và hình như cũng là cái giá phải trả cho hạnh phúc vậy! Ta hiểu vì sao khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ! Bài thơ “Vội vàng” cho thấy một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, rất nhân văn, một giọng thơ sôi nổi, dâng trào và lôi cuốn, hấp dẫn. Có chất xúc giác trong thơ. Có cách dùng từ rất bạo, cách cấu trúc câu thơ, đoạn thơ rất tài hoa. “Vội vàng” tiêu biểu nhất cho “Thơ mới”, thơ lãng mạn 1932-1941. Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đây chưa từng có. Đến với “Vội Vàng” Xuân Diệu kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng. Xuân Diệu đã bộc lộ một cái tôi tràn đầy sự thèm khát được sống, được tận hưởng một cách cuồng nhiệt những thanh sắc của cuộc đời. Thi sĩ như muốn giang rộng cả đôi tay, cả lồng ngực của mình để đón nhận mùa xuân của tình yêu, của tuổi trẻ. Bài thơ đã giúp ta hình dung được tâm hồn Xuân Diệu, một cái tôi yêu đời, giàu xúc cảm, một nhân sinh quan tiến bộ về cuộc đời. Với những gì thể hiện ở trên, Xuân Diệu rất xứng đáng với danh hiệu: “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”.
2. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 2
Bước đến “ Vội vàng”, ta choáng ngợp trước chốn bồng lai tiên cảnh của thiên đường trên mặt đất mà bấy lâu nay hằng lãng quên, thưởng thức thứ hương hoa ngọt ngào của bữa tiệc trần gian mà ta vẫn thường quên lãng. Xuân Diệu đã mang đến cho độc giả một món ăn thật lạ, thật kỳ thú, đầy ắp sắc hương của thiên nhiên đất trời tươi thắm. Tên bài thơ "Vội vàng" đã thể hiện đầy đủ triết lý sống của nhà thơ, sống gấp, sống vội. Hãy sống và tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Hơn nữa nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài, sống sao cho có ích với xã hội với cuộc đời để khi thời gian đó qua đi rồi chúng ta sẽ không phải ân hận hay nuối tiếc điều gì.
3. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 3
Rót vào những trang văn những giọt mật thật quyến rũ, Xuân Diệu đã đưa người đọc vào từng chặng đường của hạnh phúc, vòng tay của thi nhân đang dang ra quấn quýt, níu giữ cuộc đời. Cất lên tiếng lòng giục giã hãy sống nhanh, sống gấp, sống trọn từng phút giây để tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình, “ Vội vàng” đã mang tấm lòng trần gian đến một tình yêu dạt dào nhựa sống, say đắm cảnh trời, say đắm thiên nhiên, sống vội vàng, cuống quýt… Bài thơ thể hiện một một khát vọng sống thiết tha mãnh liệt rất trần đời. Một hương vị lạ góp phần làm đa dạng sự mới mẻ trong phong trào thơ mới. Dù rằng thơ Xuân Diệu mang một phong cách rất Tây nhưng nhìn chung lầu thơ của ông được xây dựng trên mảnh đất thơ ca truyền thống. Sự tiếp thu những tư tưởng mới, biết hòa nhập nhưng không hòa tan là nét chung rất đáng ngợi ca khâm phục của Xuân Diệu nói riêng và các nhà thơ mới nói chung. Vì thế Xuân Diệu xứng đáng là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh)
4. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 4
Bài thơ Vội vàng thể hiện ý thức về giá trị của cuộc sống. Nhất là mùa xuân - tuổi trẻ. Từ đó tác giả bộc lộ tình yêu đắm đuối, cuồng nhiệt, say mê cuộc sống và tuổi trẻ - một cái đẹp có thực nơi trần thế, không phải nơi hoang tưởng xa lạ nào trong các thuyết giáo. Bài thơ đem đến một nhân sinh quan tích cực phải biết sống đủ đầy, sống có ý nghĩa, biết tận hưởng những vẻ đẹp mà cuộc sống ban tặng, đừng để cuộc đời, nhất là tuổi trẻ trôi qua một cách hoang phí vô ích. đoạn thơ thể hiện tâm trạng nuối tiếc thời gian và cuộc đời của một nhà thơ vốn khao khát sống, sống mãnh liệt hết mình. Qua bài thơ, người đọc thêm trân trọng quan niệm nhân sinh mới mẻ, tích cực, cảm xúc chân thành của một tâm hồn nghệ sĩ luôn cháy bỏng niềm yêu cuộc sống. Nói như Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh: "Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa thấy trong thơ ca truyền thống".
5. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 5
Với bài thơ “Vội vàng”, Xuân Diệu đã phả vào nền thi ca Việt Nam một trào lưu “Thơ mới”. Mới lạ nhưng táo bạo, độc đáo ở giọng điệu và cách dùng từ, ngắt nhịp, nhất là cách cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan, với một trái tim chan chứa tình yêu. “Vội vàng” đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là lòng yêu con người, yêu cuộc đời. Đó là tình yêu cảnh vật, yêu mùa xuân và tuổi trẻ… Và là ham muốn mãnh liệt muốn níu giữ thời gian, muốn tận hưởng vị ngọt ngào của cảnh sắc đất trời “tươi non mơn mởn”. Phải chăng trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này, là để ca hát về tình yêu, để nhảy múa trong những điệu nhạc tình si? Thơ Xuân Diệu vội vã với nhịp đập của thời gian. Bài thơ Vội vàng khép lại với khát khao chiếm lĩnh sự sống đầy mạnh mẽ, táo bạo của người thi sĩ. Dù luôn phấp phỏng, lo âu trước những bước đi của thời gian nhưng bằng tình yêu tha thiết với sự sống, Xuân Diệu đã tìm cho mình một giải pháp thiết thực "vội vàng sống" để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống. Sự nồng nhiệt, sôi nổi của cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống của Xuân Diệu cũng đã mang đến những ảnh hưởng tích cực đến nhận thức, thái độ sống của người đọc. Cần sống tích cực, sống ý nghĩa để không phí hoài những giây phút đẹp đẽ của tuổi trẻ.
6. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 6
Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ đã trở thành bạn tri âm của nhân loại từ bao thế kỷ qua. Do đó mà Xuân Diệu sáng tác “Vội vàng” cũng chính là mong bản thân mình có được sự đồng cảm. Xuân Diệu đã từng được nhận xét là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” không chỉ do phong cách thơ và ngôn ngữ thơ đặc biệt mà còn do quan niệm sống mà ông diễn tả trong thi phẩm của mình. Nhà thơ Thế Lữ, trong lời Tựa cho tập Thơ Thơ của Xuân Diệu, đã có nhận xét khá tinh tế: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Qua những ý thơ của Vội vàng, ta càng cảm nhận sâu sắc hơn lời nhận xét ấy. Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc phải sống vội vàng. Thế là, vội vàng là cách đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc, và hình như cũng là cái giá phải trả cho hạnh phúc vậy! Ta hiểu vì sao khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ! Với những nốt nhạc thánh thót của bản tình ca “Vội vàng”, Xuân Diệu đã cho thấy một hồn thơ sâu nặng với đời, một tình cảm thiết tha dào dạt. Chính sự vô đơn, một lối sáng tác độc đạo đã làm nên một “Ông hoàng thơ tình” với nhiều những tình yêu và triết lý để đời sống mãi trong tâm tưởng bạn đọc nhiều thế hệ.
7. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 7
Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam với bài thơ Vội vàng như mang đến một làn gió mới cho văn học Việt Nam lúc bấy giờ, một hồn thơ đầy yêu đời, yêu cuộc sống cùng với giọng thơ táo bạo, đầy đắm say, lãng mạn. Vội vàng là thông điệp đầy giục giã, thôi thúc mà Xuân Diệu muốn gửi cho những người đang sống, bất luận trẻ hay già, nam hay nữ. Chúng ta chỉ được sinh ra và sống một lần duy nhất, đừng lãng phí thời gian và tuổi trẻ vào những điều vô ích, đừng chỉ lo quanh quẩn với một cuộc sống tẻ nhạt. Hãy tích cực mở rộng tấm lòng để sống, cho và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất. Bài thơ là sự kết hợp đặc sắc, đầy hấp dẫn giữa mạch cảm xúc dâng trào, lý luận sáng tạo, ngôn từ và hình ảnh đa dạng phong phú, tất cả đã tạo nên một Vội vàng thật đẹp, thật tươi trẻ, đầy say mê.
8. Kết bài Vội vàng của Xuân Diệu hay nhất mẫu 8
Việc sáng tác ra một tác phẩm có sức hấp dẫn với độc giả chưa bao giờ là dễ dàng và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Thế mà Xuân Diệu, không hổ danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945, đã tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ trong bài thơ Vội vàng của mình. Thơ ông chẳng phải viết về một cái gì cao xa bay bổng, mà rất thực tế viết về cái khao khát thực tại của con người. Thông qua đó những quan niệm, những chân lý sống của ông dần được bày tỏ trong bài thơ. Người ta đọc lần một, lần hai rồi càng đọc càng thấm, càng đọc càng thấy hay. Đó là nhờ sức hấp dẫn lạ kỳ từ những vần thơ tự do và nồng nàn, nhiệt huyết của Xuân Diệu. Không phải ngẫu nhiên mà Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam (1941) đã nhận xét về thơ Xuân Diệu: Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết. Thật vậy, đọc Vội vàng chúng ta mới thấy hết được nguồn sống dào dạt chưa từng thấy đó và cũng chính nó tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ.
Trên đây Luật Minh Khuê đã chia sẻ các em học sinh 8 mẫu Kết bài Vội vàng chọn lọc hay nhất. Nắm được phương pháp viết kết bài, các em sẽ không còn gặp khó khăn khi cố gắng lên ý tưởng và hoàn thiện cho phần kết bài của một bài văn nữa. Hy vọng rằng với tám cách viết kết bài trên đây, các em đã có thêm những phương pháp viết kết bài hay cho mình, bên cạnh đó để học tốt, các em không nên bỏ qua một số mẫu mở bài và phân tích Vội vàng mà Luật Minh Khuê đã đăng tải. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!