Tuy vậy, do không quan tâm đúng mức tới những vấn đề pháp lý dẫn đến thực tế, khi đi vào hoạt động, các start-up không quản trị được rủi ro pháp lý nên chỉ trong một thời gian ngắn, không ít các doanh nghiệp vừa mới được thành lập đã bị giải thể. Bởi chỉ khi hoàn thiện các vấn đề pháp lý thì các Start-up mới có thể yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào vấn đề sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Vì vậy, trong bài viết này, Luật Minh Khuê muốn lưu ý tới các Start-up những vấn đề pháp lý thường gặp khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.
Trước khi thành lập doanh nghiệp, các Start-up cần biết điều gì?
Đầu tiên, các Start-up cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Hiện nay Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận các loại hình doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Vì vậy, các bạn cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có thể xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với định hướng phát triển của doanh nghiệp của mình để có thể tận dụng được những ưu thế cũng như giảm thiểu các tác động của những hạn chế đó trong quá trình thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Thứ 2, các bạn cần chọn tên cho doanh nghiệp của mình. Tên doanh nghiệp sẽ định hình thương hiệu nên các bạn cần phải lựa chọn kỹ trước khi quyết định đặt tên. Để đảm bảo tính hợp pháp đối với tên doanh nghiệp dự kiến sử dụng, các bạn cần truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” (website: http:dangkykinhdoanh.gov.vn) để tra cứu xem tên mình dự kiến đặt có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó không? Nếu có thì buộc phải tìm tên khác để đặt cho doanh nghiệp của mình.
Thứ 3, các bạn cần lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đăng ký. Cần tra cứu xem những ngành nghề mà mình lựa chọn có thuộc 06 ngành nghề cấm kinh doanh hoặc có thuộc 243 trong Phụ lục 4 Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Để từ đó đăng ký ngành nghề cho phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ 4, xác định địa chỉ đặt trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp bằng hợp đồng thuê, cho mượn hoặc là tài sản của doanh nghiệp. Hiện nay, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những điều kiện được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó địa chỉ trụ sở doanh nghiệp cần cụ thể, rõ ràng cũng như cần đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật nhà ở được căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban kèm Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Điều 6 Luật Nhà ở 2014 và các văn bản liên quan như không được đặt tại nhà chung cư có mục đích để ở.
Thứ 5, các bạn cần xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh. Số vốn điều lệ không bắt buộc tối thiểu là bao nhiêu, ngoại trừ những ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định. Ví dụ: Để đăng ký kinh doanh có ngành nghề là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (Mã ngành 6810). Theo quy định hiện nay, để kinh doanh ngành nghề này, doanh nghiệp có vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng theo khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Ngoài ra, Luật Minh Khuê cũng muốn lưu ý, nếu bạn đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp sẽ không thể hiện được tiềm lực tài chính của công ty đối với đối tác và bạn hàng, đặc biệt đối với doanh nghiệp có dự định tham gia đấu thầu cũng như sẽ dẫn tới sự hoài nghi về tình hình kinh doanh của công ty từ phía đối tác và bạn hàngnên các bạn cần cân nhắc số vốn khi đăng ký.
Ngoài ra khi đăng ký mức vốn điều lệ, bạn cũng cần quan tâm đến các bậc thuế môn bài cần đóng. Hiện nay mức thuế môn bài cả năm đối với doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC như sau:
Doanh thu bình quân năm | Bậc | Mức thuế môn bài thu cả năm |
Trên 10 tỷ | Bậc 1 | 3.000.000 đồng/năm |
Dưới 10 tỷ | Bậc 2 | 2.000.000 đồng/năm |
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | Bậc 3 | 1.000.000 Đồng/năm |
Thứ 6, cần xác định cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Tuy mới thành lập doanh nghiệp nhưng để tránh rắc rối về sau thì bạn cần xây dựng các thỏa thuận của các sáng lập viên về góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích. Trong Điều lệ của công ty cần phân công nhiệm vụ giữa các chức danh một các rõ ràng để tránh chồng chéo, mâu thuẫn sau này. Đồng thời các Start-up cần xây dựng nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Hợp đồng lao động, Hợp đồng kinh doanh thương mại,...
Vậy sau khi thành lập doanh nghiệp, các Start-up lưu ý điều gì để có vận hành doanh nghiệp đi vào hoạt động?
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các bạn cần thực hiện các công việc như sau:
-
Công bố công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn cần phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định.
-
Đăng ký khắc con dấu của doanh nghiệp
Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
-
Kê khai thuế
Ngoài ra, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn phải tiến hành kê khai và nộp các loại thuế như: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Cũng như tiến hành thủ tục liên quan như: mua, đặt in, tự in hóa đơn, hoàn thiện việc góp vốn, biển hiệu…
Trên đây là bài viết “Bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh- Các Start-up cần lưu ý những vấn đề gì về mặt pháp lý?” của Luật Minh Khuê. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp - Công ty luật MInh KHuê