1. Khái niệm Startup là gì?

Startup là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ một doanh nghiệp mới, một sự khởi đầu mới cho một công việc, một sự án kinh doanh. Thông thường người ta hay gọi các chủ thể Startup là những người khởi nghiệp. Pháp luật ở thời điểm hiện tại chỉ mới có các quy định, khái niệm về các cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định số 94/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cá nhân khởi nghiệp sáng tạo là người hoạt động nghiên cứu, phát triển ý tưởng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

2. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

3. Đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo là tổ chức, cá nhân có hợp tác với Trung tâm để đầu tư, xây dựng, cung cấp thiết bị, công trình phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, thí nghiệm, kiểm nghiệm, kinh doanh, giáo dục đào tạo, tư vấn và các hoạt động khác nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.

Dựa theo quy định trên có thể hiểu Startup là những doanh nghiệp có những ý tưởng kinh doanh mới và doanh nghiệp này hoạt động dựa trên cơ sở khai thác, phát triển những ý tưởng mới đó để mang lại lợi ích, lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Khi hoạt động các Startup có thể tận dụng những nhu cầu thị trường về ý tưởng mới của mình để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp mình hiện đang hoạt động. 

 

2. Những đặc điểm của Startup

Theo định nghĩa được được nêu ở trên thì Startup là một hoạt động kinh doanh có tính chất sáng tạo, do đó mô hình kinh doanh này thường sẽ có những đặc điểm như sau: 

- Tính sáng tạo: Ở đây được hiểu là việc trong quá trình kinh doanh doanh nghiệp sẽ phải tạo ra những sản phẩm hoặc cung ứng những dịch vụ của mình nhưng những sản phẩm, dịch vụ này có thể giải quyết những vấn đề cụ thể, nhu cầu cụ thể trên thị trường mà chưa từng có một dong nghiệp nào trên thị trường có thể tạo ra phương án giải quyết này. Những ý tưởng này của công ty Startup phải là những ý tưởng có sự phát triển, có tính đột phá hơn so với các giải pháp các phương án của các công ty đang kinh doanh lĩnh vực đó ở thời điểm hiện tại;

- Sự tăng trưởng: Đặc điểm này được hiểu là khi một Startup tham gia vào các hoạt động kinh doanh thì phải có tham vọng đưa công ty của mình phát triển một cách lớn nhất, họ sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng, phát triển của doanh nghiệp mình ở một mức nhất định;

- Khi thành lập thì các công ty, doanh nghiệp theo mô hình Startup thì phải được thành lập một cách hợp pháp theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

3. Những điều cần biết để khởi nghiệp (Startup)

3.1 Các giai đoạn phát triển của một doanh nghiệp Startup

Một doanh nghiệp Startup được phát triển theo bốn giai đoạn sau: 

  • Giai đoạn thứ nhất: Giai đoạn định hướng

Đây là giai đoạn đầu tiên, giai đoạn khởi đầu của tất cả các công ty Startup, trong giai đoạn này doanh nghiệp sẽ thường thực hiện các hoạt động về: nghiên cứu thị trường (sự biến động của thị trường, các nhu cầu hiện nay của thị trường, những vấn đề vướng mắc mà hiện nay các doanh nghiệp trên thị trường chưa giải quyết được hoặc giải quyết chưa triệt để,...); doanh nghiệp sẽ thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh của mình để xem xét những ưu điểm, nhược điểm của ý tưởng, đặt ra các mục đích, mục tiêu đối với việc triển khai ý tưởng kinh doanh của mình, sau đấy là lên kế hoạch để có thể định hướng, hướng tới các mục tiêu phát triển trong tương lai. Giai đoạn này công ty cần phải xác định rõ được vấn đề: Các sản phẩm, dịch vụ mà công ty bạn cung ứng ra thị trường là những sản phẩm dịch vụ gì? Các loại sản phẩm, dịch vụ này khi cung ứng ra thị trường thì nhằm mục tiêu đến những nhóm đối tượng người tiêu dùng nào (nhóm khách hàng được định hướng đến là ai, thuộc tầng lớp nào,...)? Những khó khăn sẽ gặp phải?,................

  • Giai đoạn thứ hai: Giai đoạn thử thách

Đây là giai đoạn mà doanh nghiệp khi mới bắt đầu hoạt động kinh doanh, đã bước đầu có khách hàng, có doanh thu cho hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên song song với việc có những cơ hội nhất định thì doanh nghiệp cũng sẽ phải đối diện với nhiều những thử thách mới. Đây là một giai đoạn rất quan trọng để quyết định xem một doanh nghiệp Startup có tiếp tục phát triển theo định hướng ban đầu của mình hay không, hay là sẽ phải chấp nhận thất bại hoặc thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp với hoàn cảnh khách quan. 

  • Giai đoạn thứ ba: Giai đoạn hòa nhập

Đây là giai đoạn mà sau khi công ty đã vượt qua được những thử thách, khó khăn bước đầu và bắt đầu vào giai đoạn phục hồi lại sau những khó khăn cũng như là bắt đầu đưa doanh nghiệp của mình hòa nhập với thịt trường. Trong giai đoạn này công ty sẽ bắt đầu đạt được những mục tiêu nhất định về doanh số về khách hàng theo những gì đã đặt ra ở giai đoạn thứ nhất.

  • Giai đoạn cuối cùng: Giai đoạn phát triển

Đây là giai đoạn mà bất cứ một doanh nghiệp Startup nào cũng mong muốn đạt đến, sau khi đã trải qua những khó khăn, thử thách thì công ty sẽ bắt tay vào việc đưa ra những kế hoạch dài hạn cho định hướng phát triển công ty, cũng như là đưa ra các quyết định đầu tư, quyết định để điều chỉnh các mục tiêu dự định mới để nhằm đưa công ty lớn mạnh. Trong giai đoạn này doanh nghiệp Startup sẽ phát triển một cách nhanh chóng và đạt được nhiều thành tích nhất định trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

 

3.2 Các yếu giúp cho Startup thành công

Như đã nêu ở trên thì một doanh nghiệp Startup khi bắt đầu hoạt động sẽ gặp rất nhiều những khó khăn, thủ thách dẫn đến sẽ có những doanh nghiệp phải bỏ cuộc giữa chừng, thất bại. Do đó khi doanh nghiệp có những yếu tố sau đây thì có thể làm tiền đề để Startup có thể thành công, cụ thể: 

- Xác định đúng thời điểm để kinh doanh: Đây là một yếu tố rất quan trọng, có thể coi là một yếu tố tác động trực tiếp đến sự thành công của Startup vì như đã nêu Startup là một mô hình mới có sự đột phát do đó khi quyết định kinh doanh thì nhà đầu tư phải nắm rõ tại thời điểm kinh doanh, những ý tưởng của mình có phù hợp với thị trường bây giờ hay không, những đối thủ cạnh trang trong cùng lĩnh vực họ đã làm được những gì, ưu điểm và nhược điểm của các đối thủ cạnh tranh để xem xét khi doanh nghiệp mình đưa sản phẩm ra thị trường thì thời điểm đưa ra sản phẩm có được thị trường đón nhận hay không;

- Vốn để khởi nghiệp và nguồn ngân sách thật minh bạch và sử dụng những nguồn vốn, ngân sách đó một cách hiệu quả; 

- Người lãnh đạo: Với một công ty mới khởi nghiệp người lãnh đạo là một người rất quan trọng;

- Khả năng nghiên cứu và tìm hiểu thị trường: Khi kinh doanh về một lĩnh vực nào đó bạn cần phải biết hiện tại thị trường cần gì đối với lĩnh vực mà mình kinh doanh, những vấn đề, nhu cầu của thị trường mà các doanh nghiệp hiện tại đang kinh doanh đã làm được, những vấn đề chưa làm được, những vấn đề chưa được giải quyết một cách triệt để,....

- Lập kế hoạch và xây dựng chiến lược phù hợp.

 

4. Thủ tục để thành lập một doanh nghiệp Startup

Để thành lập một doanh nghiệp Startup thì cần phải chuẩn bị và thực hiện các thủ tục sau: 

 

4.1 Lựa chọn loại hình và chuẩn bị các điều kiện để thành lập

Khi Startup thì người thực hiện sẽ phải lựa chọn loại hình doanh nghiệp mà mình được thành lập trong các loại hình sau: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, các loại hình công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), công ty cổ phần, công ty hợp danh. Sau khi đã lựa chọn được loại hình mà mình muốn đăng ký thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn những ngành nghề kinh doanh theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, đặt tên công ty, lựa chọn địa điểm kinh doanh cũng như là vốn mà mình đưa ra.

 

4.2 Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Tùy theo loại hình mà cá nhân dự định tiến hành Startup lựa chọn thì sẽ cần chuẩn bị hồ sơ để thành lập theo các quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và sử dụng các mẫu thông báo theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT. Cá nhân lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở kế hoạch đầu tư nơi dự định đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ qua đường online qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (thời điểm hiện tại đa số đều thực hiện nộp hồ sơ online).

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã nghiên cứu và biên soạn. Trong trường hợp Quý khách hàng còn bất cứ vướng mắc gì về nội dung đã nêu trên Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài số: 19006162 để được hỗ trợ trực tiếp. Rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý khách hàng. Trân trọng!