Mục lục bài viết
Yến sào được coi là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất, vitamin, khoáng chất dồi dào rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp được nhiều người lựa chọn để bổ sung dinh dưỡng cho người thân, gia đình. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và các biểu hiện của hậu Covid-19 đã tác động rất nhiều tới sức khỏe của người dân thì nhu cầu sử dụng yến sào của người dân càng tăng cao. Tình trạng làm giả yến sào không phải mới xuất hiện gần đây mà thực chất đã tồn tại từ lâu trên thực tế. Song do sau dịch Covid-19 nhu cầu sử dụng yến sào của người dân tăng cao, bộ phận kinh doanh bất chính đã lợi dụng cơ hội này để làm giả yến sào đưa vào thị trường để thu lợi nhiều hơn. Điều này đe dọa rất lớn tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, trên các kênh phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều tin về việc cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý nhiều vụ việc làm giả nước yến sào. Trong bài chia sẻ dưới đây Luật Minh Khuê chia sẻ căn cứ pháp lý xử lý hành vi làm giả nước yến sào để người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của các nhân/tổ chức thực hiện hành vi này.
1. Hàng giả là gì?
Theo từ điển Bác khoa toàn thư: "Hàng giả là hàng làm bắt chước theo mẫu mã của loại hàng thật nào đó đang được lưu hành, nhưng không bảo đảm đủ tiêu chuẩn về phẩm chất hoặc không có giá trị sử dụng, hoặc không có giá trị sử dụng đầy đủ, nhất là đối với mặt hàng thông dung và có nhu cầu lớn. Về hình thức, các loại hàng giả rất giống hàng thật, vì kỹ thuật làm hàng giả ngày càng tinh vi. Người làm hàng giả cũng có khi sử dụng một phần nguyên liệu, các loại bao bì, tem nhãn của hàng thật để lừa gạt người mua".
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP Hàng giả gồm:
(i) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
(ii) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
(iii) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật dược năm 2016;
(iv) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
(v) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hành hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
(vi) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Như vậy theo quy định này thì hàng giả bao gồm các loại hàng hóa giả về mặt nội dung (công dụng, chất lượng) ; giả về mặt hình thức (bao bì, nhãn mác)
2. Làm giả nước yến sào có vi phạm pháp luật?
Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Nghiêm cấm hành vi sản xuất sản phẩm không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Nghiêm cấm hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phàn hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lương sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Làm giả nước yến sào trên thực tế biểu hiện dưới nhiều dạng cả về mặt nội dung và hình thức. Cụ thể làm giả về chất lượng, công dụng hoặc làm giả về bao bì, nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức khác. Trong đó, phổ biến nhất là làm giả về chất lượng, công dụng. Các vụ việc làm giả nước yến sào bị phát hiện và xử lý khi lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm thì thường là không đạt chất lượng vì không có hoạt chất từ tổ yến mà hoàn toàn từ các loại hóa chất khác pha chế thành. Việc sử dụng các sản phẩm yến sào giả sẽ không mang lại những giá trị dinh dưỡng như người dùng mong muốn thậm chí có thể gây nguy hại cho sức khỏe của người dùng.
Như vậy, hành vi làm giả nước yến sào là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Làm giả nước yến sào bị xử lý như thế nào?
Như đã phân tích ở mục 2, trên thực tế hành vi làm giả nước yến sào thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: đó có thể là làm giả về giá trị, công dụng; có thể là làm giả về nhãn hiệu, bao bì. Và tùy từng hành vi vi phạm cụ thể mà hình thức xử phạt cũng sẽ khác nhau và có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính:
Trường hợp làm giả nước yến sào về giá trị sử dụng, công dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, hình phạt chính là phạt tiền và mức tiền phạt được xác định trên cơ sở giá trị hàng giả (được xác định trên cơ sở tương đương với số lượng hàng thật) hoặc khoản lợi bất hợp pháp thu được. Cụ thể:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng.
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng hoặc thu lợi bát hợp pháp từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng;
- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị g ía từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng;
- Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị gái từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng;
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 140 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 200 triệu đồng trong trường hợp hàng gải tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi làm giả nước yến sào còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Trường hợp làm giả nước yến sào về nhãn hàng hóa, bao bì thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, hình phạt chính là phạt tiền , mức tiền phạt xác định trên cơ sở giá trị hàng giả sản xuất hoặc khoản lợi bất hợp pháp thu được. Trong đó mức tiền phạt thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất lên đến 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi làm giả nước yến sào về nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất. Trường hợp thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên (chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất từ 03 tháng đến 06 tháng. Đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Về trách nhiệm hình sự
Đối với cá nhân phạm tội:
Người làm giả nước yến sào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng gải là lương thực, thực phẩm, phụ hgia thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Theo đó, khung hình phạt thấp nhất đối với tội phạm này là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức/có tính chất chuyên nghiệp/tái phạm nguy hiểm/lợi dụng chức vụ, quyền hạn/lợi dung danh nghĩa cơ quan, tổ chức/buôn bán qua biên giới/hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/ thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%/gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. (khoản 2 Điều 193)
Trường hợp hàng gải tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500 triệu đồng trở lên/thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 193)
Trường hợp thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên thì người làm giả nước yến sào có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc chung thân (khoản 4 Điều 193)
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ.
Đối với pháp nhân thương mại:
Đối với pháp nhân thương mại (công ty) sản xuất nước yến sào giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 193 với hình phạt chính là phạt tiền.
Thực trạng sản xuất hàng giả là thực phẩm ở nước ta diễn ra phổ biến, không riêng gì nước yến sào. Các cá nhân, tổ chức vi phạm vì lợi ích đã bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà thực hiện hành vi làm giả hàng hóa. Công tác phòng, chống hành vi vi phạm này trên thực tế cũng rất khó khăn và nan giải. Bởi vậy, mỗi người tiêu dùng hãy chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm trong lựa chọn thực phẩm nói chung và nước yến sào nói riêng để tránh mua phải hàng giả mà mang họa vào thân. Nên lựa chọn những cơ sở kinh doanh uy tín và nếu có thể nên mua tổ yến thô để hạn chế tối đa việc mua phải nước yến sào giả.
Với những chế tài xử lý mà pháp luật đưa ra cho thấy cũng đã khá tương thích với hành vi vi phạm, song việc sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, công tác quản lý, phát hiện vi phạm chưa thực sự hiệu quả, do đó, tình trạng sản xuất hàng giả vẫn diễn ra phổ biến. Vì chừng nào chưa bị phát hiện thì chừng ấy chưa bị xử lý, các chế tài vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về hình thức xử lý hành vi làm giả nước yến sào. Bạn đọc có bất cứ vướng mắc pháp lý nào cần tham vấn ý kiến luật sư, vui lòng liên hệ tới Hotline1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến bởi Luật sư của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!