1. Chữ ký là gì?

Chữ ký là một biểu tượng viết tay của con người. Nó có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ thể hiện dấu ấn của một người.

Chữ ký thường được thấy trên các tài liệu, hợp đồng, văn bản pháp lý,... với ý nghĩa minh chứng cho sự hiện diện và ý chí của người đó.

 

2. Một số thủ đoạn giả mạo chữ ký thường gặp

Giả mạo chữ ký là một trong những thủ đoạn của các đối tượng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đã xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể kể đến một số thủ đoạn giả mạo chữ ký như sau:

- Tự thay đổi chữ ký:

Đây là việc chính người ký cố tình thay đổi chữ ký đã ổn định của mình dưới các hình thức như thay đổi một phần hoặc toàn bộ chữ ký, ký thêm nét hoặc thiếu nét... so với chữ thường ký. Với thủ đoạn này thì chữ ký sau mỗi lần ký sẽ khác nhau. Trường hợp này thường xảy ra trong các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân mà họ ít thân quen, cư trú ở địa bàn khác nhau, hoặc thông qua người trung gian, qua mạng viễn thông... để nhằm mục đích không chịu trách nhiệm cá nhân trong các giao dịch (Ví dụ như nhận tiền xong rồi nhưng lại bảo là chưa nhận).

- Giả mạo chữ ký của người khác:

Với trường hợp này thì các đối tượng thường sử dụng các hình thức khác nhau:

+ Tập ký theo mẫu chữ ký của người cần giả mạo: Đây là cách nhìn chữ ký thật để ký theo, loại chữ ký này có dạng tương đồng với mẫu của người bị giả mạo.

+ Đồ theo mẫu chữ ký: Đồ lại chữ ký là phương pháp dựa trên cơ sở chữ ký thật rồi dùng một số phương tiện để đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược hay giấy than hoặc tô lại qua vết hằn trên tài liệu. Đồ tô lại chữ ký qua ánh sáng ngược là cách đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên một tấm kính trong suốt, sau đó đặt tài liệu cần có chữ ký lên trên, dùng ánh sáng ngược qua tấm kính chữ ký thật phản chiếu trên tài liệu, sau đó dùng bút tô theo các đường nét chữ ký thật. Đồ tô qua giấy than là cách đặt tài liệu có chữ ký thật lên trên tài liệu cần có chữ ký giả mạo qua lớp giấy than, sau đó dùng bút chì hoặc que nhọn đồ tô theo đường nét chữ ký thật.

+ Photocopy: Loại chữ ký này có màu mực đen đậm đồng nhất và không có các vết hằn của nét chữ ký.

+ In phun màu: Chữ ký giả mạo loại này thường có màu mực không đồng nhất do lẫn các hạt mực khác màu.

+ Ký chữ có dạng khác: Loại chữ ký này có dạng hoàn toàn khác với mẫu chữ ký của người bị giả mạo. Thông thường giữa họ không hề quen biết nhau và thường xuất hiện sự giả mạo trên các loại chứng chỉ, hóa đơn, chứng từ...

 

3. Cách nhận biết, xác định chữ ký thật hay giả

 

3.1. Nhận biết bằng mắt thường

Đối với từng trường hợp khác nhau, cũng có những cách nhận biết chữ ký giả khác nhau. Nhưng nhìn chung, có thể so sánh đối chiếu với mẫu chữ ký thật để xác định một số chữ có nét thừa hoặc nét thiếu, so sánh nét bắt đầu và nét kết thúc, hướng đi của chữ ký, độ đậm nhạt, nét to hay nét nhỏ của mực, các điểm dừng và lực ấn trên giấy... Những chữ ký giả mạo thường có nét không trơn; mực ở các đường nét không đều nhau, có chỗ dừng bút không tự nhiên; có nét đôi của nét đồ và nét vẽ tô lại, nếu đồ, tô qua giấy than thì có vết bẩn của giấy than trên tài liệu... Đối với những chữ ký giả sử dụng hình thức photocopy thì thường sẽ không có vết hằn trên giấy, màu không tự nhiên, ở giữa nét mực không có vết kéo của đầu bút.

3.1. Giám định chữ ký

Giám định chữ ký là quá trình áp dụng kiến thức chuyên môn, phương tiện khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để so sánh, đối chiếu từ đó đưa ra kết luận về sự trùng khớp của hai dạng mẫu chứ ký, có cơ sở để nhận định được có phải do cùng một người ký ra hay không.

Nguyên tắc để giám định chữ viết, chữ ký được thực hiện dựa trên cơ sở hệ thống đặc điểm phát hiện được để truy nguyên ra người đã viết, đã ký trên các tài liệu.

Kết quả của việc giám định chữ ký được phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Hoặc có thể chỉ là nhu cầu làm sáng tỏ sự thật khách quan của cá nhân, tổ chức. Như vậy đây cũng là một cách để xác định chữ ký là thật hay giả.

Theo quy định tại Nghị định 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 157/2020/NĐ-CP, có thể giám định chữ ký tại:

- Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực; Viện pháp y tâm thần Trung ương trực thuộc Bộ Y tế.

- Viện pháp y Quân đội; Phòng giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Quốc phòng.

- Viện Khoa học hình sự; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự trực thuộc Bộ Công an.

- Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.

Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định được quy định theo Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:

- Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết vụ việc dân sự.

- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định. 

- Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.

- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc sau khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.

- Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.

 

4. Giả chữ ký sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùy theo tính chất, hành vi và hậu quả mà xử lý với từng trường hợp cụ thể như sau:

 

4.1. Xử lý hành chính

- Trong lĩnh vực tư pháp, Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt hành chính đối với những hành vi giả mạo chữ ký sau:

+ Điều 12 quy định: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

+ Khoản 6 Điều 15 quy định: phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của công chứng viên;

+ Khoản 2 Điều 34 quy định: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực;

+ Khoản 2 Điều 54 quy định: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

- Theo quy định về quyền tác giả, Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm.

 

4.2. Xử lý hình sự

Căn cứ vào Điều 359  Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017  có quy định tội giả mạo trong công tác như sau :

Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề xác định chữ ký là thật hay giả. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng  liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.