1. Tại sao Website phải đăng ký với Bộ Công thương?

Website có thể hiểu là gì? website là một tập hợp các trang web (web pages) bao gồm văn bản, hình ảnh, video, flash v.v... thường chỉ nằm trong một tên miền (domain name) hoặc tên miền phụ (subdomain) trên World Wide Web của Internet. Trang web được lưu trữ (web hosting) trên máy chủ web (web server) có thể truy cập thông qua Internet.
Một trang web là tập tin HTML hoặc XHTML có thể truy nhập dùng giao thức HTTP hoặc HTTPS. Website có thể được xây dựng từ các tệp tin HTML (website tĩnh) hoặc vận hành bằng các CMS chạy trên máy chủ (website động). Website có thể được xây dựng bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau (PHP,.NET, Java, Ruby on Rails...)
Để một website hoạt động trên mạng internet, cần bắt buộc có 3 phần cơ bản sau:
  • Domain: Tên miền riêng và duy nhất của website.
  • Hosting: là các máy chủ chứa các tệp tin nguồn.
  • Mã nguồn code: Source code (là các tệp tin html, xhtml,.. hoặc một bộ code/cms).

Khi doanh nghiệp đăng ký website với Bộ Công Thương sẽ nhận được những lợi ích sau

  • Thể hiện được cá nhân, tổ chức có tuân thủ theo các quy định của pháp luật định, tránh bị phạt.
  • Khi website doanh nghiệp có thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương sẽ khiến cho người dùng truy cập cảm thấy uy tín tin tưởng vào website đó hơn, bởi tất cả mọi thông tin của doanh nghiệp đều đã được xác thực công khai.
  • Thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương mọi người sẽ không phải sợ gặp phải những công ty giả mạo, công ty ma chuyên cung cấp các sản phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì khi website đã được đăng ký chủ website sẽ phải nộp giấy phép kinh doanh hoặc chứng minh nhân dân.
  • Thực tế có nhiều website cố tình đặt logo giả mạo Bộ Công Thương nhằm đánh lừa khách hàng. Người dùng truy cập có thể click vào biểu tượng Bộ Công Thương xem có dẫn đến website chính thức của Bộ Công Thương hay không, để kiểm chứng.
  • Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện thông báo, đăng ký website theo đúng quy định pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí website đó có thể bị cấm hoạt động vĩnh viễn.

 

2. Những Website nào phải đăng ký với Bộ Công Thương

Theo khoản 8 điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, các website bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến đều phải thực hiện việc đăng ký thông báo với Bộ Công Thương thông qua địa chỉ web là www.online.gov.vn – Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Căn cứ khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 46 và Điều 54 Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định, một số website cần phải đăng ký với Bộ Công thương bao gồm:

- Sàn thương mại giao dịch thương mại điện tử

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

- Website khuyến mại trực tuyến

Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

* Các hình thức của website khuyến mại trực tuyến:

+ Bán phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của đối tác với giá ưu đãi hoặc hưởng những lợi ích khác;

+ Bán các thẻ khách hàng thường xuyên cho phép khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ một hệ thống các đối tác với giá ưu đãi hoặc hưởng những lợi ích khác so với khi mua hàng hóa, dịch vụ tại từng đối tác riêng lẻ;

Ngoài ra, website thực hiện khuyến mại cho hàng hóa của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại dưới những hình thức sau:

+ Tặng hàng hóa hoặc đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;

+ Bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó, được áp dụng trong một thời gian nhất định hoặc với một số lượng khách hàng nhất định;

+ Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về khuyến mại.

- Website đấu giá trực tuyến

Khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định website đấu giá trực tuyến là website TMĐT do thương nhân, tổ chức thiết lập  để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

 

3. Những hình thức xử phạt khi không đăng ký Website 

Do hiện nay ngày càng có nhiều website lừa đảo, chuyên cung cấp hàng nhái, hàng giả…. Điều này khiến cho các cơ quan chức năng khó kiểm soát và bảo vệ người dân truy cập internet. Do đó, nhà nước rất quan tâm đến vấn đề đăng ký website nên nếu chậm trễ, chần chừ trong việc đăng ký web với Bộ Công Thương doanh nghiệp sẽ bị xử phạt.

  • Website không thông báo, đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
  • Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Thực tế, đã có rất nhiều vụ các đơn vị tạo lập và sử dụng web nhưng chậm trễ trong việc thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương. Tiêu biểu có thể kể đến công ty Võ Minh Thiên. Do chậm trễ trong việc đăng ký website của mình với Bộ Công Thương mà công ty này đã bị phạt 70 triệu đồng, một con số không hề nhỏ.

Do đó, mọi người nên chú ý nếu như muốn sử dụng những loại website này hãy chú ý thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương để tránh được những trường hợp bị phạt tiền không mong muốn có thể xảy ra.

 

4. Hồ sơ ,thủ tục đăng ký webstie

- Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

- Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân) (bản sao);

- Đề án cung cấp dịch vụ;

- Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

- Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó;

- Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

 

5. Quy trình đăng ký

- Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

- Các bước thực hiện:

+ Bước 1: Đăng nhập hệ thông và cung cấp các thông tin cần thiết (tên, mã số doanh nghiệp; lĩnh vực kinh doanh; địac chỉ trụ sở; các thông tin liên hệ, …)

+ Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký:

Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

+ Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.

+ Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân nhận được thông báo:

Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5;

Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

+ Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thương nhân, tổ chức gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy) theo quy định.

* Xác nhận đăng ký

- Thời gian xác nhận đăng ký là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ được gửi đến bộ phận tiếp nhận khi đã hoàn thành quy trình đăng ký trực tuyến.

-  Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Như vậy, đối với các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc thiết lập và hoạt động.

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại (Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến; Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định).

*Chi phí thực hiện

Hiện tại, nếu bạn tự thông báo hay đăng ký website với Bộ Công Thương sẽ không bị mất phí. Tuy nhiên, quá trình đăng ký và chờ đợi xét duyệt sẽ tương đối lâu. Thường đối với các website đăng ký hồ sơ giấy sẽ cần phải nộp thêm hồ sơ giấy. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách thuê đơn vị bên ngoài, chi phí cho việc này sẽ rơi vào khoảng 1 – 3 triệu đồng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng! Trân trọng cảm ơn!