1. Website là gì?

Website được hiểu là tập hợp các trang mạng chứa các nội dung dưới dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh, video… được lưu trữ trực tuyến trên các máy chủ và có thể được truy cập bởi bất cứ ai, từ bất cứ đâu thông qua mạng Internet.

Theo đó, tất cả các trang web cho phép truy cập công khai đều tạo thành www (world wide web). Người dùng có thể thông qua các ứng dụng phần mềm (trình duyệt web) như: Google Chrome, Safari, Firefox, Internet Explorer,… để truy cập vào trang web.

Việc truy cập vào các website được thực hiện dễ dàng trên mọi nền tảng thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại, laptop,... Một trang web được truy cập trực tiếp bằng cách nhập địa chỉ URL của nó.

 

2. Phân loại website

2.1. Phân loại theo cấu trúc website

Website tĩnh

Trang web tĩnh được hiểu là trang web được lưu trữ trên máy chủ ở định dạng được gửi đến trình duyệt web của khách hàng và chủ yếu được mã hóa bằng HTML. Theo đó, CSS sẽ được dùng để kiểm soát giao diện ngoài HTML cơ bản.

Sau khi đăng nội dung trên đây, sẽ rất ít khi được chỉnh sửa và thông thường sẽ không có tương tác của những người dùng. Do còn một số hạn chế nhất định nên Website tĩnh hiện được rất ít người sử dụng.

Website động

Website động là trang web tự động thay đổi hoặc tùy chỉnh thường xuyên. Các trang động phía máy chủ được tạo bởi mã máy tính tạo ra HTML. Có một loạt các hệ thống phần mềm như CGI, JSP, CFML có sẵn để tạo hệ thống web động và trang web động.

Một trang web có thể hiển thị trạng thái hiện tại của cuộc đối thoại giữa những người dùng, theo dõi tình hình thay đổi hoặc cung cấp thông tin theo một cách nào đó được cá nhân hóa theo yêu cầu của từng người dùng.

Với website động khi xây dựng sẽ bao gồm 2 phần: Một phần hiển thị trên trình duyệt mà khi truy cập internet thường thấy và một phần ngầm bên dưới dùng để điều khiển nội dung của trang web.

Do tính tương tác của website động cao hơn website tĩnh nên hầu hết các website ngày nay đều là website động.

 

2.2. Phân loại theo mục đích sử dụng, lĩnh vực hoạt động

- Căn cứ theo mục đích sử dụng có thể phân loại website như sau: Website cá nhân, website công ty, website diễn đàn,...

- Căn cứ theo lĩnh vực hoạt động: website về ẩm thực, website du lịch, website tin tức, website giáo dục...

Thông thường, những người thiết kế website sẽ căn cứ theo lĩnh vực hoạt động của trang web để tạo ra các mẫu giao diện trang web phù hợp với yêu cầu khách hàng.

 

3. Những Website nào phải đăng ký/thông báo với Bộ Công thương?

Hiện nay, để đảm bảo việc kinh doanh, mua bán trực tuyến được diễn ra công khai, minh bạch, đồng thời giúp quản lý hoạt động kinh doanh được thuận tiện và chính xác hơn, tất cả các trang web hoạt động ở lĩnh vực thương mại điện tử đều cần tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, các website bán hàng hay cung ứng dịch vụ có chức năng đặt hàng trực tuyến đều phải thực hiện việc thông báo với Bộ Công Thương thông qua địa chỉ web là http://online.gov.vn/ – Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

 

3.1. Các website phải đăng ký với Bộ Công Thương

Căn cứ khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 46 và Điều 54 Mục 2 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định, một số website cần phải đăng ký với Bộ Công thương bao gồm:

- Sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

- Website khuyến mại trực tuyến

Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

Các hình thức của website khuyến mại trực tuyến:

  • Bán phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của đối tác với giá ưu đãi hoặc hưởng những lợi ích khác;
  • Bán các thẻ khách hàng thường xuyên cho phép khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ một hệ thống các đối tác với giá ưu đãi hoặc hưởng những lợi ích khác so với khi mua hàng hóa, dịch vụ tại từng đối tác riêng lẻ;

Ngoài ra, website thực hiện khuyến mại cho hàng hóa của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại dưới những hình thức sau:

  • Tặng hàng hóa hoặc đưa hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
  • Bán hàng với giá thấp hơn giá bán hàng trước đó, được áp dụng trong một thời gian nhất định hoặc với một số lượng khách hàng nhất định;
  • Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về khuyến mại.

- Website đấu giá trực tuyến

Khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định website đấu giá trực tuyến là website TMĐT do thương nhân, tổ chức thiết lập  để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

 

3.2. Website phải thông báo với Bộ Công Thương

Website thương mại điện tử có giao dịch bán hàng: Những website do tổ chức, cá nhân tạo ra để bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Hiểu một cách đơn giản, những trang web có giao dịch trực tuyến, trên website có giỏ hàng, có trang đặt hàng… thì đều cần Thông báo với Bộ Công Thương.

Website thương mại điện tử có hoạt động xúc tiến thương mại như: quảng cáo, trưng bày, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, giới thiệu công ty,.. Những website này được thiết lập để phục vụ một phần quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa nên cần Thông báo với Bộ Công Thương trước khi hoạt động.

Ứng dụng bán hàng trên các thiết bị di động: là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

 

4. Không đăng ký/thông báo website với Bộ Công thương bị xử lý như thế nào?

- Theo điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng đối hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng

- Điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

Lưu ý: Điểm b khoản 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền đối với hành vi không đăng ký website với Bộ Công thương nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Như vậy, mức phạt đối với hành vi không đăng ký website với Bộ Công thương tối đa lên tới 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức. 

Để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan về vấn đề này, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết: Website đã thông báo với Bộ Công thương là gì? Khi nào cần thông báo website với Bộ Công thương?

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Các Website bắt buộc phải đăng ký thông báo với Bộ Công thương? Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.