Mục lục bài viết
1.Cơ sở lý luận về mặt chủ quan của tội phạm
Hành vi của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa những biểu hiện cụ thể bên ngoài thế giới khách quan và những nội dung tâm lý bên trong (ý chí) của chủ thể thực hiện hành vi chi phối hành vi đó. Tội phạm được biểu hiện bởi hành vi, do đó nó cũng là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội luôn gắn liền với các biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ được coi là tội phạm nếu hành vi đó được thực hiện trong một thái độ tâm lý nhất định của con người đối với hành vi đó và hậu quả do hành vi đó gây ra hay đối với khả năng phát sinh hậu quả từ hành vi đó. Chính vì vậy, thiếu mặt chủ quan, hành vi sẽ không cấu thành tội phạm. Pháp luật từ xưa đến nay, bao giờ cũng quan tâm đến yếu tố chủ quan của hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm pháp luật dù được thể hiện, gây ra thiệt hại nhưng không có sự thống nhất với mặt chủ quan của người gây thiệt hại sẽ không bị bắt gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Ta đã biết rằng, học phái cổ điển rất chú trọng đến sự tự do của con người khi phạm tội và lấy nó làm căn bản cho sự trừng phạt. Cả học phái thực luận cũng quan tâm đến yếu tố tinh thần vì yếu tố này biểu lộ tính cách nguy hiểm của can phạm đối với xã hội. Nghĩa là, từ giai đoạn sơ khởi, các nhà làm luật đã có sự quan tâm đến yếu tố chủ quan trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Con người tồn tại trong thế giới bị chi phối bởi những quy luật khách quan và hoạt động của con người bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Tất cả những động cơ thúc đẩy con người hành động không phải bộc phát một cách ngẫu nhiên trong ý thức của con người mà được hình thành một cách có quy luật. Đó là kết quả giao tiếp của người đó với người khác, sự phát triển tâm lý trước đây, sự phản ánh những sự vật hiện tượng tác động trực tiếp đến người ấy. Thông qua hoạt động tâm lý, con người hoạt động có ý thức, từ đó quyết định sự hình thành và phát triển xã hội.80 Xử sự của con người có tính quy luật nhưng không phải mang tính tuyệt đối. Khi sống trong cùng một xã hội, cùng một điều kiện nhưng có người vi phạm các chuẩn mực xã hội, có người thực hiện tốt các trách nhiệm của một thành viên trong xã hội, có người phạm tội có người không phạm tội, có người phạm tội một lần có người phạm tội nhiều lần...Chủ nghĩa Mác-Lênin công nhận tính quy luật của xử sự con người nhưng cũng công nhận sự tự do ý chí của con người. Hoạt động của con người bị chi phối bởi các quy luật khách quan nhưng nhờ hoạt động ý thức, con người đã nhận thức và vận dụng các quy luật đó vào việc thực hiện các mục đích của mình. Đó chính là sự tự do ý chí. Tuy nhiên, tự do trong ý chí của con người không phải là sự suy nghĩ tuyệt đối độc lập mà nó bị chi phối bởi các quy luật tất nhiên, tự do ý chí là năng lực quyết định của một người khi nhận thức được nó. Hê-ghen nói: “Tự do là nhận thức được cái tất yếu, tất yếu sẽ mù quáng khi con người chưa nhận thức được nó”.81 Tất cả những gì tác động đến con người, thúc đẩy hành vi đều phải thông qua bộ óc của con người. Hoạt động của con người không phải là kết quả tác động trực tiếp của các điều kiện lịch sử mà chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tâm lý bên trong con người. Con người có sự tự do của mình, nghĩa là có quyền lựa chọn một xử sự phù hợp với các quy luật, đó là sự tự do thực sự. Ngược lại, con người sẽ tự tước bỏ sự tự do của mình khi xử sự không phù hợp với quy luật. Theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì chỉ có sự tự do tương đối trong khuôn khổ các điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể và phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân trong xã hội dựa trên cơ sở sự tự do của mình phải đáp ứng những đòi hỏi có tính quy luật của xã hội là pháp luật và đạo đức xã hội. Đó là vấn đề trách nhiệm của cá nhân trong xã hội, phù hợp với sự tự do của cá nhân nhằm đảm bảo tôn trọng sự tự do của cá nhân khác. Tóm lại, con người có khả năng nhận thức và vận dụng tốt các quy luật của xã hội để giành lấy tự do cá nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm như vậy. Đôi lúc họ vẫn nhận thức được các quy luật đó nhưng không phải họ vận dụng nó để thực hiện hành vi một cách phù hợp với tự do của người khác mà ngược lại, họ hành động sai với quy luật. Đó là ý chí của cá nhân muốn tự tước bỏ tự do của người khác và hậu quả cũng tự tước bỏ sự tự do của mình. Pháp luật buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó của họ là phù hợp.
2. Mặt chủ quan của tội phạm theo Luật hình sự Việt nam
Tội phạm là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Vì vậy, Luật hình sự Việt nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào những biểu hiện của hành vi nguy hiểm cho xã hội không kể hành vi đó bắt nguồn từ đâu, diễn biến tâm lý của người thực hiện hành vi ra sao. Hoạt động định tội phải là sự kết hợp giữa mặt khách quan và chủ quan, giữa hành vi biểu hiện và thái độ bên trong của người thực hiện hành vi. Mặt chủ quan của tội phạm biểu hiện thông qua ba yếu tố: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Mỗi yếu tố có ý nghĩa khác nhau trong việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. - Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó. - Mục đích phạm tội là kết quả cuối cùng mà người phạm tội muốn đạt được khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nó xác định khuynh hướng ý chí và khuynh hướng hành động của người phạm tội. - Động cơ phạm tội là động lực thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.
3. Ý nghĩa mặt chủ quan của tội phạm
Với tư cách là một bộ phận của cấu thành tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm giúp phân biệt hành vi phạm tội với hành vi không phải là tội phạm. Chẳng hạn, một hành vi gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng người thực hiện hành vi không có lỗi thì hành vi đó không bị xem là tội phạm; hoặc một người không có mục đích trong việc thực hiện một hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là phải có mục đích nào đó thì không bị xem là phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm cũng là dấu hiệu để phân biệt các cấu thành tội phạm có mặt khách quan giống nhau. Chẳng hạn, nếu một người làm chết người khác một cách cố ý là cấu thành tội phạm của tội giết người (Điều 93), nếu là vô ý thì có thể là tội vô ý làm chết người (Điều 98), cố ý gây thương tích (Điều 104) hoặc một số tội phạm khác tuỳ theo biểu hiện cụ thể. Nội dung của mặt chủ quan, ở mức độ nào đó giúp xác định tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự và hình phạt của người phạm tội.
4. Khái niệm về lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Trong Luật hình sự Việt nam, nguyên tắc lỗi là nguyên tắc cơ bản. Một người phải chịu trách nhiệm hình sự không chỉ đơn thuần vì họ có hành vi khách quan đã gây ra thiệt hại cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó. Một người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn hoặc quyết định một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Việc thừa nhận nguyên tắc lỗi trong luật hình sự Việt nam chính là sự thừa nhận và tôn trọng tự do ý chí của con người. Đó là cơ sở đảm bảo cho trách nhiệm hình sự được khách quan và thực hiện được mục đích của việc truy cứu trách nhiệm này. Bởi vì, chỉ có thể đạt được mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới nếu việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trên cơ sở lỗi của họ trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Lỗi trong Luật hình sự trước hết được hiểu là quan hệ giữa cá nhân người phạm tội với xã hội thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của Luật hình sự. Lỗi bao giờ cũng đi với hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định, không có lỗi độc lập với hành vi nguy hiểm. Lỗi trong Luật hình sự là lỗi cá nhân cụ thể của người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tức là chủ quan người phạm tội tự lựa chọn và quyết định thực hiện một xử sự khách quan gây thiệt hại cho xã hội và trái pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, chủ thể có nhiều khả năng để xử sự, khả năng xử sự gây thiệt hại hoặc khả năng xử sự phù hợp với lợi ích xã hội. Những khả năng này, chủ thể đều có khả năng lựa chọn và quyết định thực hiện nhưng chủ thể đã lựa chọn xử sự gây thiệt hại cho xã hội. Như vậy, theo Luật hình sự, một hành vi bị xem là có tính có lỗi (tức là người thực hiện hành vi bị xem là có lỗi) khi có đủ hai điều kiện: + Hành vi trái pháp luật hình sự; + Hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của người thực hiện hành vi trong khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái pháp luật hình sự. Ví dụ, A chở B (say rượu) bằng xe gắn máy và trên đường đã để B rớt xuống đường gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Hành vi của A là trái pháp luật hình sự (Điều 202 Bộ luật hình sự). Đây cũng là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của A trong khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái với pháp luật hình sự (không chở B khi B đang say rượu). Vì vậy, trong hành vi gây ra hậu quả này, A có lỗi. Lỗi là một phạm trù xã hội, bởi vì lỗi thể hiện thái độ của người phạm tội đối với các giá trị quan trọng nhất của xã hội. Quan hệ giữa cá nhân người phạm tội và xã hội là nội dung của lỗi, luôn được thể hiện và tồn tại như một quan hệ tâm lý nhất định của chủ thể với hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Nội dung tâm lý ở đây bao gồm yếu tố lý trí và yếu tố ý chí, hai yếu tố cần thiết để tạo nên lỗi. Hai yếu tố này vừa thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan vừa thể hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại khách quan. Trong trường hợp xử sự gây thiệt hại bị coi là có lỗi thì quá trình lý trí và ý chí phải có những đặc điểm nhất định phản ánh được rằng xử sự đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có đủ điều kiện để lựa chọn một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Bản chất của quá trình ý chí trong việc thực hiện các tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp thể hiện ở định hướng có ý thức của các hành động nhằm đạt được mục đích đã đặt ra. Trong việc thực hiện các tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp hoặc vô ý, quá trình ý chí thể hiện ở sự không thận trọng, lơ là biểu hiện trong hành vi của con người xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Đặc trưng của các lọai lỗi thể hiện ở chỗ chủ thể không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa các hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, dù có khả năng và điều kiện để làm điều đó. Ngoài ra, trong hoạt động tâm lý của người phạm tội còn bao gồm cả yếu tố tình cảm. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có thể ở trong trạng thái vui, buồn, giận, lo lắng, sợ...Tuy nhiên, tình cảm không là yếu tố quyết định trong việc xác định nội dung và hình thức lỗi nên nó không là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm.
5. Điều kiện để xác định tính có lỗi của tội phạm
Xác định tính có lỗi của tội phạm đồng nghĩa với việc xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó. Dựa trên sự phân tích các yếu tố cấu thành lỗi, điều kiện để một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội có lỗi, phù hợp với quy định của pháp luật hình sự hiện hành, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị xem là có lỗi khi họ có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi đó. Điều đó có nghĩa là, khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, họ phải thoả mãn hai điều kiện: + Không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; + Đạt độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành.
Luật Minh Khuê(sưu tầm và biên tập)