1. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, các trường hợp chấm dứt hợp đồng như sau:

+ Hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động với người sử dụng lao động bị hết hạn.

Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về loại hợp đồng: hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Đối với hợp đồng lao động có thời hạn thì thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Những thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động được lập thành bằng văn bản hoặc được giao kết thông qua phương thức điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu hay bằng lời nói.

Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói với thời hạn dưới 01 tháng nhưng ngoại trừ những trường hợp sau: (1) Công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn đưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng với người sử dụng lao động và hợp đồng cần phải lập thành văn bản; (2) Khi sử dụng lao động là người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi, và người đại diện theo pháp luật của người đó và (3) Khi sử dụng người giúp việc gia đình thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với họ.

Người lao động thực hiện công việc đến hết thời hạn được quy định trong hợp động lao động đã ký kết với người sử dụng lao động thì có thể chấm dứt hợp đồng và không làm công việc đó nữa hay ký tiếp một hợp đồng lao động khác để tiếp tục thực hiện công việc, làm việc cho người sử dụng lao động.

+ Người lao động hoàn thành các công việc theo hợp đồng lao động.

+ Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Nếu một bên người lao động hoặc người sử dụng lao động không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì có thể thỏa thuận với bên còn lại để đi đến việc chấm dứt hợp đồng.

+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải

Sa thải là một trong những hình thức kỷ luật mà người sử dụng lao động có thể áp dụng đối với người lao động. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được hiểu là người sử dụng lao động thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động do lỗi từ phía người lao động gây ra.

Sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau: (1) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc; (2) Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động; (3) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật; (4) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng (lý do chính đáng: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân hay thân nhân bị ốm và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và những trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động).

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 

Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải bảo trước cho người sử dụng lao động trong một khoảng thời gian nhất định. Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động sẽ phải báo trước cho người sử dụng lao động: (1) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn; (2) Ít nhất 30 ngày làm việc nếu người lao động làm việc theo hợp động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; (3) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng; (4) Trường hợp người lao động làm một số ngành, nghề, công việc đặc thù (thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp;...) thì phải báo trước ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên và báo trước ít nhất 1/4 thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Người lao động không cần báo trước nếu thuộc trường hợp sau: (1) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; (2) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; (3) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; (4) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (5) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc do việc tiếp tục làm việc sẽ làm ảnh hưởng xấu tới thai nhi và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; (6) Đủ tuổi nghỉ hưu; (7) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin (công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, hình thức trả lương; chế độ bảo hiểm xã hội,...) sai sự thật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động:

(1) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động (được xác định dựa trên tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động)

(2) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn) hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng) hoặc quá nửa thời hạn (đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng) mà khả năng lao đọng chưa hồi phục.

(3) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, đích họa họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

(4) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày từ ngày hết hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

(5) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

(6) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề; xác nhận tình trạng sức khỏe,...) khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của người lao động.

Khi người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động thì cũng cần phải báo trước cho người lao động trong khoảng thời gian giống như trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động. (theo khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2919).

+ Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc trong trường hợp: thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hay khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Căn cứ vào Điều 156 Bộ luật Lao động năm 2019, các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực khi: (1) Giấy phép lao động hết thời hạn; (2) Chấm dứt hợp đồng lao động; (3) Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp; (4) Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép đã được cấp; (5) Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt; (6) Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; (7) Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động hoặc (8) Giấy phép lao động bị thu hồi.

+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

 

2. Khi thôi việc thì người lao động được nhận những khoản gì?

Căn cứ vào Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

Trong thời hạn 14 ngày làm việc từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Đối với người sử dụng lao động sẽ thanh toán đầy đủ các khoản còn thiếu như: tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,.....

Thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày trong trường hợp: (1) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động; (2) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; (3) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; (4) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

+ Tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán

+ Tiền nghỉ phép năm

Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động sẽ được nghỉ phép năm từ 12 ngày đến 16 ngày. Trong trường hợp do bị thôi việc, mất việc làm mà chưa được nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì người sử dụng lao động sẽ thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

+ Tiền trợ cấp thôi việc, tiền trợ cấp mất việc làm

Căn cứ vào Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động được nhận khoản trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau: (1) Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động (nghỉ việc trong những trường hợp được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019) + (2) Làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên.

Người lao động thỏa mãn cả hai điều kiện trên thì sẽ được khoản trợ cấp thôi việc. Cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó: 

(1) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: Tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động của người lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm.

(2) Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động sẽ được nhận khoản trợ cấp mất việc làm khi thỏa mãn 02 điều kiện sau: (1) Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động cho người lao động thôi việc vì thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã + (2) Người lao động làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

Nếu người lao động đáp ứng đủ hai điều kiện trên thì người lao động sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền trợ cấp mất việc làm. Cứ mỗi năm làm việc, người lao động được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Trợ cấp mất việc làm = Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm x Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm

Trong đó: 

(1) Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm: Tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

(2) Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm: Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

+ Tiền trợ cấp thất nghiệp:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiên lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp và không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động muốn hưởng khoản trợ cấp này thì cần đáp ứng những điều kiện sau:

(1) Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc 

(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động

(3) Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm

(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài những khoản được liệt kê trên thì người lao động có thể sẽ được hưởng thêm một số quyền lợi khác nếu được quy định trong hợp đồng lao động hoặc trong thỏa ước.

 

3. Mẫu Quyết định thôi việc bằng Tiếng Anh (song ngữ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_____________________

Đà Nẵng, ngày ... tháng ... năm 20...

QUYẾT ĐỊNH

Về việc chấm dứt hợp đồng lao động

TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY

 

- Căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2019;

- Căn cứ vào Nội quy lao động của công ty;

- Căn cứ vào Hợp đồng lao động số XX giữa Ông/ Bà Trần Bá H và công ty cổ phần thương mại và dịch vụ ABC;

- Xét đơn nghỉ việc của Ông/ Bà Trần Bá H.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay chấm dứt hợp đồng lao động đối với Ông/Bà Trần Bá H

Vị trí công việc: Nhân viên phòng hành chính - nhân sự

Sinh ngày: 17/06/1985

CMND/ CCCD số: 0101 02xx xxxx cấp ngày .../.../20.... tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Địa chỉ thường trú: Số AA, đường BB, phường CC, quận DD, Hà Nội

Chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty từ ngày ... tháng ... năm 20....

Lý do chấm dứt: Hợp đồng giữa Ông/ Bà Trần Bá H và công ty cổ phần thương mại và dịch vụ ABC bị hết hạn.

Điều 2: Tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của Ông/ Bà Trần Bá H được thanh toán tính đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Ông/ Bà trưởng phòng hành chính - nhân sự, các bộ phận, cá nhân có liên quan và Ông/ Bà Trần Bá H chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:

- Ông/Bà có tên tại Điều 1;

- Tổng Giám đốc: Ngô Anh M;

- Phòng hành chính - nhân sự;

- Lưu hồ sơ.

Tổng Giám Đốc

( Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

_______________________

Da Nang city,  November  1st, 20...

DECISION

About the termination of employment contract

GENERAL DIRECTOR

- Pursuant to the Labour Code No. 45/2019/QH14;

- Pursuant to the Labour Regulations;

- Pursant to the employment contract no XX between Mr/ Mrs Tran Ba H and ABC trading and service Joint Stock Company;

- Consider the letter of resignation of Tran Ba H.

DECIDE

Article 1: Terminate the employment contract with Mr/ Mrs Tran Ba H

Position: Human resources staff

Date of birth: June 17th, 1985

ID number: 0101 02xx xxxx issued on 15/05/20... at Police Department on Administrative Management of Social Order.

Address: No.AA, BB street, CC ward, DD district, Da Nang city

Terminating the employment contract in the company from November 1st, 20.....

Reason for termination: the employment contract between Tran Ba H and ABC trading and service joint stock company expires.

Article 2: Pay and allowances (if any) of Mr/ Mrs Tran Ba H shall be paid up to the termination of employment contract.

Article 3: This decision takes effect from the date of its signing. 

Head of human resources department, related units, individuals and Mr/ Mrs Tran Ba H are reponsible for imlpementing this decision.

Recipents:

- Mr/ Mrs Tran Ba H;

- General Director: Ngo Anh M;

- Human resources department.

- Save.

General Director

(Sign, stamp and write full name)

Trên đây là toàn bộ nội dung bài "Mẫu quyết định thôi việc bằng Tiếng Anh (song ngữ)" mà Luật Minh Khuê muốn giới thiệu bạn đọc. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay những vấn đề pháp lý khác thì bạn đọc vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp lý trực tuyến của Luật Minh Khuê theo số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc rất nhiều!