Mục lục bài viết
- Căn cứ pháp lý:
- 1. Khái niệm “Người chưa thành niên”, “Trẻ em”
- 2. Nguyên tắc chung trong việc tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi
- 3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục:
- 4. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi:
- 5. Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự:
Quy định về xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi
Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015;
- Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC;
- Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC;
- Nghị Quyết số 06/2019/NQ-HĐTP.
1. Khái niệm “Người chưa thành niên”, “Trẻ em”
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (The United Nation Convention on the Rights of the Child - CRC) đã định nghĩa “trẻ em” là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ khi pháp luật quốc gia có quy định khác.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1992 (sửa đổi 2004) của Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, quy định này đang được kiến nghị sửa đổi nâng độ tuổi lên đến dưới 18 đề phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhằm mục đích tăng mức độ bảo vệ trẻ em cho tất cả những người có độ tuổi dưới 18.
Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình đều quy định người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Trong pháp luật hình sự, Bộ luật Hình sự quy định người chưa thành niên phạm tội là người trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi.
Tóm lại, xem xét một cách tổng quát thì khái niệm trẻ em và người chưa thành niên tham gia vào hoạt động tố tụng của pháp luật Việt Nam hiện nay là đồng nhất và độ tuổi là dưới 18 tuổi. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền tư pháp đối với trẻ em.
2. Nguyên tắc chung trong việc tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi
BLTTHS năm 2015 lần đầu tiên ghi nhận các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia. Điều 414 BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc tiến hành tố tụng như sau:
“1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
4. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi”.
Như vậy các nguyên tắc này tập trung vào hai nhóm.
Thứ nhất: Những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên như: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất; bảo đảm quyền giữ bí mật cá nhân; tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
Thứ hai: những vấn đề về thủ tục tố tụng, yêu cầu khi xử lý vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia như: Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia, bên cạnh việc tuân thủ các quy định tại Chương II BLTTHS năm 2015 về những nguyên tác cơ bản, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải tuân theo các quy định tại Điều 414 BLTTHS năm 2015. Việc quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia là cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm của những người tiến hành tô tụng. Bên cạnh đó, việc quy định tại Điều 414 còn thể hiện sự quan tâm, thận trọng của nhà nước trong các hoạt động có liên quan đến người dưới 18 tuổi, từ đó thể hiện rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị Quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141 (Tội hiếp dâm), 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 143 (Tội cưỡng dâm), 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, 146 (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi), 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm) của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Cụ thể một số nội dung sau:
3. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục:
- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
- Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.
- Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.
4. Tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi:
- Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
+ Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
+ Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
+ Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án.
+ Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
+ Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng.
+ Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
+ Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
+ Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh…).
+ Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
+ Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
+ Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
+ Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
- Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
+ Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội.
+ Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại.
+ Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa.
+ Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác.
+ Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi.
+ Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
+ Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
- Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
- Tuân thủ các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan.
5. Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự:
- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...).
+ Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).
- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm) của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2019. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.